Bà Huyện Thanh Quan là một nhà thơ nữ trong thời cận đại của lịch sử văn học Việt Nam. Các tác phẩm của bà ghi dấu trong lòng độc giả một nét trữ tình không thể lẫn vào đâu được, đặc biệt là bài thơ "Qua đèo ngang". Ở bài thơ, tác giả bỗng dâng lên cảm xúc man mác khi bà bắt gặp ánh hoàng hôn bao phủ cảnh vật - một cảnh vật đã buồn lại trống vắng với "cỏ cây chen đá, lá chen hoa" và "tiều vài chú". Trong bài thơ đã được sử dụng rất nhiều từ ghép như: từ đau lòng, mỏi miệng khiến cho ta có cảm giác tha thiết, day dứt hay từ "nhớ nước, thương nhà" là nỗi niềm của con chim quốc, chim gia gia cho ta cảm nhận được niềm yêu nước thương dân day dứt khiến người đọc khó quên. Kết bài, ta cảm nhận được nhà thơ có tâm sự, u hoài về quá khứ. Vũ trụ thật rộng lớn, xung quanh bà là cả một bầu trời với núi, với sông khiến cho con người cảm thấy mình bé nhỏ lại, đơn độc, trống vắng, ở đây, chỉ có một mình bà, "ta với ta", lại thêm mảnh tình riêng cho nước, cho nhà trong huyết quản đã làm cho cõi lòng nhà thơ như tê tái. Phải hiểu rõ và yêu quý bài thơ mới thấy hết được tài năng cũng như tư tưởng luôn hướng về quê hương đất nước và gia đình của bà Huyện Thanh Quan. Ai dám bảo rằng người phụ nữ trong xã hội phong kiến không có được những tình cảm thiêng liêng đó?