Đọc truyện ngắn "Lặng lẽ Sa Pa" ( Nguyễn Thành Long) ta thấy cái lặng lẽ chỉ là bề ngoài giấu kín nhịp sống sôi động mà âm thầm trên núi cao chót vót của những người lao động hết lòng vì đất nước. Nhắc đến Sa Pa ta thường nghĩ đến những làn sương mù mỏng manh lặng lẽ giăng mắc ôm ấp lấy những biệt thự những vòm cây - hình ảnh đó gợi đến sự nghỉ ngơi, yên tĩnh. Nhưng đằng sau dáng vẻ nhàn hạ, chậm rãi đó là những con người như anh thanh niên; ông kĩ sư vườn rau, nhà nghiên cứu sét,... họ đang âm thầm miệt mài ngày đêm lao động hiến dâng cuộc đời mình cho Tổ quốc. Anh thanh niên đã hai mươi bảy tuổi, chưa người yêu, xa gia đình và một mình làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu phụ trách trạm khí tượng trên núi Yên Sơn cao chót vót đã mấy năm nay. Công việc cùa anh là "đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hàng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu . Công việc ấy không chỉ vĩ đại ở ý nghĩa của nó đối với đời sống mà còn ở việc con người phụ trách công việc ấy phải một mình đối mặt với những khó khăn vất vả của công việc, một mình đối với với sự cô độc, buồn tẻ. Nhưng anh thanh niên vui vẻ với cuộc sống trong hoàn cảnh đặc biệt đối với tuổi trẻ của mình để hăng hái hoàn thành tốt nhất công việc. Ông kĩ sư vườn rau qua lời kể của anh thanh niên thì "ngày này sang ngày khác... ngồi im trong vườn su hào, rình xem cách ong lấy phấn, thụ phấn cho hoa su hào...". Nhà nghiên cứu sét mười một năm không rời xa cơ quan một ngày vì sợ có sét lại vắng mặt,... Họ sống vui với triết lí "khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?" để làm việc, nghiên cứu, cuộc sống không ồn ào nhưng rạo rực và say mê. Sa Pa đã và đang ngày đêm có những con người hăng hái như thế vì sự phát triển, đẹp giàu của đất nước.