“Bếp lửa” của Bằng Việt là một tác phẩm vô cùng hay và cảm động ngợi ca tình cảm bà cháu gắn bó tha thiết trong đó hình ảnh người bà hiện lên thật đẹp bên bếp lửa hồng. Hình ảnh bếp lửa là một hình tượng nghệ thuật độc đáo được nhà thơ sáng tạo nên để gợi ra ý nghĩ cho tác phẩm.
Trước tiên, hình ảnh bếp lửa hiện lên là một hình ảnh thật được người bà thắp lên trong gian nhà của hai bà cháu:
“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm”
Đó là bếp lửa do chính tay người bà tạo nên trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, được dùng để phục vụ cuộc sống như để nấu cơm, luộc khoai luộc sắn,… chính bếp lửa này để làm “cay mắt cháu” và cũng chính nó nuôi sống hai bà cháu.
Thế nhưng có lẽ nhà thơ sáng tạo ra hình tượng nghê thuật này không chỉ đơn thuần nói về bếp lửa thật mà hình ảnh bếp lửa còn là biểu tượng cho tình yêu thương mà bà dành cho cháu:
“Rồi sớm rồi chiều, lại bếp lửa bà nhen,
Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn,
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng...
Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng-bếp lửa.”
Hình ảnh bếp lửa chính là biểu tượng cho những cay đắng cay ngọt bùi mà hai bà cháu phải trải qua, là tình yêu thương mà dành cho cháu vô bờ bến, là niềm tin là hy vọng của bà. Bà chính là người thắp lửa nhưng cũng chính là người truyền lửa cho cháu trong mọi hoàn cảnh. Dù cuộc sống có khó khăn thế nào thì lòng bà vẫn luôn ấp ủ một ngọn lửa tình thương, ngọn lửa đó sẵn sàng truyền cho cháu để người cháu có thể cảm nhận được sự ấm áp tình yêu của bà, giúp người cháu có thể thắp sáng niềm tin vào tương lai đồng thời gợi nhớ về cả một tuổi thơ tuy khó nhọc nhưng đầy hạnh phúc bên bà. Để rồi khi người cháu đã lớn rồi, đã đi xa và không còn ở bên bà nữa, không được bà bao bọc chở che nhưng mỗi khi nhìn thấy ánh lửa thì lòng người cháu lại hướng luôn về bà với một sự nhớ thương vô bờ bến. Chính bếp lửa của bà đã nuôi dạy cháu nên người, trưởng thành hơn rất nhiều:
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu,
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả,
Nhưng vẫn chẳng lúc nào quên nhắc nhở:
- Sớm mai này, bà nhóm bếp lên chưa?...
Như vậy, có thể nói hình ảnh bếp lửa là một hình tượng nghệ thuật độc đáo và đầy sáng tạo của nhà thơ Bằng Việt góp phần thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm. Qua đó chúng ta càng thấy được tài năng sáng tạo của nhà thơ đồng thời cũng chính qua hình tượng nghê thuật này thì mỗi người chúng ta càng thêm yêu quý và trân trọng tình cảm bà cháu nói riêng và tình cảm gia đình ruột thịt nói chung.