Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Qua bài thơ bạn đến chơi nhà, em hãy nêu cảm nghỉ về tình bạn của tác giả nguyễn khuyến và tình bạn bây giờ

qua bài thơ bạn đến chơi nhà em hay nêu cảm nghỉ về tình bạn của tác giả nguyễn khuyến và tình bạn bây giờ?
3 trả lời
Hỏi chi tiết
165
0
0
Pingg
03/01/2022 09:51:13
+5đ tặng

Viết về bạn là một đề tài thường gặp của các thi nhân xưa. Có lẽ sâu sắc hơn cả là tình bạn của Nguyễn Khuyến dành cho Dương Khuê khi ông qua đời. Và đặc biệt hơn trong bài Bạn đến chơi nhà tình cảm ấy lại được biểu lộ thật thân thiết và đáng kính trọng biết bao. Đồng thời Nguyễn Khuyến cùng bày tỏ một quan điểm về mối quan hệ giữa vật chất và tình cảm:

Đã bấy lâu nay, bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà
Cải chửa ra cây, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa
Đầu trò tiếp khách, trầu không có
Bác đến chơi đây, ta với ta.

Bạn hiền khi gặp lại nhau thì ai mà chẳng vui. Ở đây Nguyễn Khuyến cũng vui mừng xiết bao khi lâu ngày gặp lại bạn cũ. Lời chào tự nhiên thân mật bỗng biến thành câu thơ:

Đã bấy lâu nay, bác tới nhà

Cách xưng hô bác, tôi tự nhiên gần gũi trong niềm vui mừng khi được bạn hiền đến tận nhà thăm. Phải thân thiết lắm mới đến nhà, có lẽ chỉ bằng một câu thơ – lời chào thế hiện được hết niềm vui đón bạn của tác giả như thế nào? Sau lời chào đón bạn, câu thơ chuyển giọng lúng túng hơn khi tiếp bạn:

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa

Cách nói hóm hỉnh cho thấy trong tình huống ấy tất yếu phải tiếp bạn theo kiểu “cây nhà lá vườn” của mình. Ta thấy rằng Nguyễn Khuyến đã cường điệu hoá hoàn cảnh khó khăn thiếu thôn của mình đến nỗi chẳng có cái gì để tiếp bạn:

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu nước cả, khôn chài cá
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà
Cải chửa ra cây, cà mới nụ
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa

Ta hiểu vì sao sau lời chào hỏi bạn, tác giả nhắc đến chợ, chợ là thể hiện sự đầy đủ các món ngon để tiếp bạn. Tiếc thay chợ thì xa mà người nhà thì đi vắng cả. Trong không gian nghệ thuật này chúng ta thấy chỉ có tác giả và bạn mình (hai người) và tình huống.

Đầu trò tiếp khách, trầu không có

Đến cả miếng trầu cũng không có, thật là nghèo quá, miếng trầu là đầu câu chuyện cá, gà, bầu, mướp… những thứ tiếp bạn đều không có. Nhưng chính cái không có đó tác giả muốn nói lên một cái có thiêng liêng cao quý – tình bạn chân thành thắm thiết. Câu kết là một sự “bùng nổ” về ý và tình. Tiếp bạn chẳng cần có mâm cao cỗ đầy, cao lương mỹ vị, cơm gà cá mỡ, mà chỉ cần có một tấm lòng, một tình bạn chân thành thắm thiết.

Bác đến chơi đây, ta với ta

Lần thứ hai chữ bác lại xuất hiện trong bài thơ thể hiện sự trìu mến kính trọng. Bác đã không quản tuổi già sức yếu, đường xá xa xôi, đến thăm hỏi thì còn gì quý bằng. Tình bạn là trên hết, không một thứ vật chất nào có thể thay thế được tình bạn tri âm tri kỷ. Mọi thứ vật chất đều “không có” nhưng lại “có” tình bằng hữu thâm giao. Chữ ta là đại từ nhân xưng, trong bài thơ này là bác, là tôi, là hai chúng ta, không có gì ngăn cách nữa. Tuy hai người nhưng suy nghĩ, tình cảm, lý tưởng sống của họ hoàn toàn giống nhau. Họ coi thường vật chất, trọng tình cảm, họ thăm nhau đến với nhau là dựa trên tình cảm, niềm gắn bó keo sơn thắm thiết. Tình bạn của họ là thứ quý nhất không có gì sánh được. Ta còn nhớ rằng có lần khóc bạn Nguyễn Khuyến đã viết:

Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua
Câu thơ nghĩ, đắn đo muốn viết
Viết đưa ai, ai biết mà đưa?
Giường kia, treo những hững hờ
Đàn kia, gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn

Có thể trong bài thơ: này chính là cuộc trò chuyện thăm hỏi của Nguyễn Khuyến với Dương Khuê. Tình bạn của Nguyễn Khuyến và Dương Khuê gắn bó keo sơn. Trong đoạn thơ trên ta thấy rằng khi uống rượu khi làm thơ… Họ đều có nhau. Không chỉ có bài thơ Khóc Dương Khuê.

Một số vần thơ khác của Nguyễn Khuyến cũng thể hiện tình bạn chân thành, đậm đà:

Từ trước bảng vàng nhà sẵn có
Chẳng qua trong bác với ngoài tôi
(Gửi bác Châu Cầu)

Đến thăm bác, bác đang đau ốm
Vừa thấy tôi bác nhổm dậy nga

Bác bệnh tật, tôi yếu gầy
Giao du rồi biết sau này ra sao
(Gửi thăm quan Thượng Thư họ Dương)

Bài thơ này viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật, niêm, luật bằng trắc, đối chặt chế, hợp cách. Ngôn ngữ thuần nôm nghe thanh thoát nhẹ nhàng tự nhiên. Ta có cảm giác như Nguyễn Khuyến xuất khẩu thành thơ. Bài thơ nôm khó quên này cho thấy một hồn thơ đẹp, một tình bằng hữu thâm giao. Tình bạn của Nguyễn Khuyến thanh bạch, đẹp đẽ đối lập hẳn với nhân tình thế thái “Còn bạc còn tiền còn đệ tử – Hết cơm hết rượu hết ông tôi” mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã kịch liệt lên án. Hai nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Khuyến sống cách nhau mấy trăm năm mà có chung một tâm hồn lớn: nhân hậu, thủy chung, thanh bạch. Tấm lòng ấy thật xứng đáng là tấm gương để mọi thời đại nêu gương.
HT ^^

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
2
0
Ronalyn
03/01/2022 10:02:06
+4đ tặng

Trong kho tàng văn học Việt Nam có biết bao bài thơ nói về tình bạn nhưng tiêu biểu và chân thành sâu sắc nhất có lẽ chính là “Bạn đến chơi nhà” của Tam Nguyên Yên Đổ – Nguyễn Khuyến.

Người ta thường nói “Yêu nhất là tình cảm của mẹ, mạnh mẽ là tình cảm của cha, thân thiết là tình cảm anh em và thiêng liêng, bền chặt, lâu dài nhất vẫn là tình bạn”.

Là một nhà thơ chân chất nghĩa tình sống giàu tình cảm, Nguyễn Khuyến thật sự đã để lại cho đời những minh chứng hùng hồn về tình bạn đẹp bất hủ.

Bài thơ kể một tình huống trớ trêu không có gì đãi bạn pha lẫn nét hóm hỉnh, tác giả bày tỏ về cảm xúc của mình với một người bạn quen nhau chốn quan trường, nay tình cờ gặp lại nơi thôn quê thanh bình – nơi chôn rau cắt rốn của ông.

Từng câu từ trong bài giản dị mà thanh cao, thể hiện tình cảm thắm thiết, gắn bó, mặn mà, đầy chất nhân văn và kết thúc bằng cụm từ “ta với ta”, nói lên sự hòa hợp giữa hai tâm hồn tri âm tri kỉ, tình bạn đẹp vượt lên trên tất cả những của cải vật chất tầm thường.

Vẫn biết tình bạn đã giúp ta vượt qua những khó khăn, chia sẽ bao buồn vui, hạnh phúc, bạn là người đến bên ta lúc ta cần nhất.Bài thơ của cụ “Tam Nguyên” đã giúp cho ta nhìn nhận nhiều điều mà bấy lâu nay ta chưa hiểu hết.

Thế nhưng, đã mấy ai đôi lần tự hỏi: “Ta có trân trọng cái “tình” cao đẹp ấy chưa?”

Bạn hãy nhớ “Tình bạn giống như cát nằm trong lòng bàn tay, nếu ta buông lơi hay siết chặt quá thì cát sẽ rơi ra ngoài”.

Vì thế, chúng ta hãy hết sức nâng niu gìn giữ để không đánh mất món quà mà cuộc sống đã ban tặng cho mình – Tình bạn!

Ronalyn
nhớ chấm điểm cho mình nhé
1
0
ngominhchi
03/01/2022 10:13:17
+3đ tặng

Nguyễn Khuyến viết về tình bạn, những bài thơ lúc thâm trầm, lúc hóm hỉnh nhưng đều trang nhã, chân thành và thầm kín. Trong đó, bài Bạn đến chơi nhà có thể coi là một sáng tác tiêu biểu, ơ đây bằng cách nói đùa khéo léo, hóm hỉnh về sự không có thức ăn gì để đãi bạn, nhà thơ đã kín đáo nói lên một ý nghĩ thật sâu xa: Tình bạn còn đáng quý hơn tất cả mọi thứ trên đời.

Nguyễn Khuyến cáo quan về quê vui thú ruộng vườn, xa lánh chốn quan trường “dơ bẩn”. Bởi thế lúc này có người bạn nào đến thăm thì mới là người bạn tâm giao, đáng trân trọng. Càng đáng trân trọng hơn khi người bạn ấy xa cách lâu ngày không gặp. Tấm tình ấy toát lên từ cách xưng hô thân mật: “bác” – “tôi” như những ông lão nông dân mộc mạc. Nó cũng còn thể hiện trong tài nói đùa hiếm có của nhà thơ.

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.

Mở đầu, Nguyễn Khuyến nêu ra hoàn cảnh éo le đối với đôi bạn. Trẻ không có nhà, chợ lại xa, tiếp đãi bạn thế nào đây? Câu thơ lúc này vẫn được cảm nhận như một lời thanh minh với bạn rằng: Bác đến bất ngờ quá, quý hóa quá, muốn tiếp đãi đồ ngon thức lạ, nhưng tiếc là không được. Nói như thế bạn nào lại không vui vẻ chấp nhận. Nguyễn Khuyến lại tiếp tục:

Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vươn rộng rào thưa, khó đuổi gà.

Không có người đi chợ thì ta tiếp khách quý bằng cá ao, gà nhà. Không lạ, không sang nhưng cũng sẽ thịnh soạn lắm chứ! Ay nhưng… “trẻ thời đi vắng” mà ao sâu, mà vườn rộng, hai ông già làm gì được. Bây giờ người đọc bắt đầu ngờ ngợ cái lí do lúc đầu mà nhà thơ nêu ra là để gài sẵn, làm cái cớ chắc chắn cho những câu “lí giải” hóm hỉnh tiếp sau. Nếu như thế thì cụ tài quá còn gì, ai mà bắt bẻ được và ông bạn thân chắc cũng cười xòa. Tuy nhiên, câu chuyện trêu đùa chưa dừng lại: Cải chửa ra cây, cà mới nụ,

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.

Thôi thì cá thịt không có được, ta tiếp nhau bằng cây nhà lá vườn, cũng thi vị lắm chứ! Nào cải, nào cà, nào bầu, nào mướp, mấy thức ấy đem ra xào xáo thì cũng ngon tuyệt còn gì. ấy nhưng… lại “nhưng”, tất cả đều đang “ngấp nghé”, đang còn non lắm chưa ăn được. Tài dùng từ giúp Nguyễn Khuyến làm cho câu nói đùa thật đậm đà, uyển chuyển. Rau quả chưa ăn được mà ông dùng đến bốn hình ảnh, bốn cách nói khác nhau: cải thì chửa ra cây, cà thì mới nụ, bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa. Tới đây không chỉ cười xòa, chắc chắn bạn thơ – hẳn thế – vì bạn của cụ Tam Nguyên mà – sẽ khâm phục, gật gù tâm đắc lắm trước những vần thơ hóm hỉnh đến thế! Thế rồi đột nhiên cụ lại nhận:

Đầu trò tiếp khách, trầu không có,

Không có cả miếng trầu tiếp khách thì thật là khó tin. Nhưng nghĩ lại cụ đã nói từ đầu rồi mà: “Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa”, nhỡ đâu trầu cau mới hết, sai ai đi mua được! Thế là dùng cái việc thiếu cả miếng trầu để chấm dứt chuỗi cười, tài thơ của cụ đã càng làm cho chuỗi cười thêm duyên.

Nhưng Nguyễn Khuyến không chỉ đùa vui, ẩn sau những câu dí dỏm ấy là để nói một triết lí sâu xa về tình bạn.

Bác đến chơi đây, ta với ta!

Có thể nói, bằng những câu nói hóm hỉnh trên, nhà thơ đã tước dần những lễ nghi khách sáo trong tình bạn, để rồi nổi lên là một tình bạn trong sạch, chân tình vô cùng. Trong “ta với ta”, chữ “ta” thứ nhất như đế chỉ nhà thơ và ông bạn, mang tính cá thể. Còn chữ “ta” thứ hai lại giống như một tập thể. Tất cả đã hòa tan làm một. Đó là những tri kỉ, những nhà nho chí khí thanh cao. Họ gặp nhau ở cái chí giữ mình luôn trong sạch giữa đời ô trọc; cũng đồng thời gắn bó bởi nỗi buồn nhân thế, thời thế.

Bài thơ là một tiếng nói hết sức thú vị về tình bạn, thú vị ở nội dung ý nghĩa sâu sắc, được biểu hiện bằng một tài nghệ hiếm có, tạo nên một nụ cười chỉ Nguyễn Khuyến mới có, nụ cười hóm hỉnh mà vô cùng thâm thúy. Bài thơ còn giúp chúng ta có thêm cái nhìn tin tưởng, yêu mến những tình bạn chân thật trong cuộc sống

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập Ngữ văn Lớp 7 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo