Câu 1
Nguyễn Thành Long ( 1925 – 1991 ) là một nhà văn thuộc lớp nhà văn hoạt động trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ của dân tộc ta. Quê ông ở Quảng Ngãi. Các tác phẩm của ông chủ yếu là truyện và kí với phong cách văn xuôi nhẹ nhàng, tình cảm, giàu chất thơ và ánh lên vẻ đẹp con người, mang ý nghĩa sâu sắc, truyện ông thường mang chất kí, mang vẻ đẹp thơ mộng, trong trẻo. Trong các tác phẩm truyện ngắn của ông, “Lặng lẽ Sa Pa” là một truyện ngắn rất thành công với nghệ thuật xây dựng nhân vật. Truyện ngắn là kết quả chuyến đi thực tế cuối cùng ở Lào Cai của tác giả, được in năm 1977 trong tập “Giữa trong xanh”, qua đó ca ngợi hình ảnh những người lao động bình thường, tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m và ý nghĩa của những công việc thầm lặng. Tình huống của truyện là cuộc gặp gỡ thình cờ của anh thanh niên làm việc một mình ở trạm khí tượng với bác lái xe và hai hành khách trên chuyến xe ấy – ông họa sĩ già và cô kĩ sư trẻ lên thăm trong chốc lát nơi ở và nơi làm việc của anh thanh niên. Tình huống gặp gỡ này tuy rất bình thường nhưng lại là cơ hội thuận tiện để nhân vật chính là anh thanh niên được hiện ra không chỉ qua lời tự giới thiệu qua chính anh mà còn qua cách quan sát, nhìn nhận, đánh giá của nhiều nhân vật khác. Nhờ có vậy mà truyện ngắn đã dễ dàng xây dựng lên một hình tượng anh thanh niên thật tự nhiên, đa chiều, theo nhiều điểm nhìn. Trong truyện ngắn này, bằng cách sử dụng kết hợp giữa tự sự, trữ tình và bình luận, tác giả như viết lên một bài thơ với chất thơ bàng bạc trong toàn truyện, từ phong cảnh hết sức thơ mộng đến hình ảnh con người sống và làm việc trong cái lặng lẽ mà không hề cô độc. Chính vì vậy, “Lặng lẽ Sa Pa” được đánh giá là một truyện ngắn hết sức thành công của Nguyễn Thành Long.