Từ năm 1986, Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. So với công cuộc cải cách và chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường ở các quốc gia khác, đổi mới ở Việt Nam có những nét đặc thù riêng. Đổi mới ở Việt Nam diễn ra từ hai chiều: “từ dưới lên” tức là ở các hợp tác xã, doanh nghiệp và “từ trên xuống” tức là các quyết định của Đảng và Nhà nước. Mối liên hệ hai chiều ấy đã làm cho công cuộc đổi mới ở Việt Nam diễn ra không có sự xung đột giữa “phía trên” và “phía dưới”, cũng như không có các “cú sốc” quá mạnh được tạo ra bởi các chính sách và biện pháp điều chỉnh vĩ mô cứng rắn và duy ý chí của bộ máy lãnh đạo “phía trên”. Đó là đặc điểm nổi bật của quá trình đổi mới ở Việt Nam, vừa có sự chỉ đạo từ trên xuống, vừa có sự sáng tạo của nhân dân từ bên dưới. Do đó, đổi mới đã dẫn đến thành công.
Khác với các nước Đông Âu và Liên Xô, ở Việt Nam nhu cầu đổi mới các chính sách xuất phát từ chính lĩnh vực kinh tế, chứ không phải là hệ quả của những biến động chính trị.
Sự chuyển từ chiến tranh sang hòa bình đã làm bùng nổ các nhu cầu về đời sống, từ đó làm nảy sinh yêu cầu tháo gỡ các cản trở về quản lý kinh tế và sau đó dẫn đến những thay đổi trong quan niệm từ sự vận hành của nền kinh tế. Nói cách khác, thực tiễn đã làm “tan băng” các quan niệm xơ cứng và thúc ép hoàn thành hệ thống lý thuyết và quan niệm phù hợp hơn.
Đổi mới ở Việt Nam diễn ra trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến đổi lớn lao, hầu như tất cả các nước đều có sự điều chỉnh chính sách của mình. Những kinh nghiệm cải cách của các nước cũng là sự gợi mở cho Việt Nam trong sự nghiệp tìm tòi con đường đổi mới. Vì vậy, những quan điểm đổi mới của Việt Nam được hình thành không chỉ đúc kết kinh nghiệm của nước mình mà còn từ những kinh nghiệm thành công và không thành công của các nước xã hội chủ nghĩa khác.