Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Chủ đề trải nghiệm sáng tạo: Viết về người thắp lên ngọn lửa tâm hồn

2 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
9.570
12
10
Nguyễn Trần Thành ...
15/11/2017 14:21:35

Trong 5 năm học tập và nghiên cứu tại Nhật Bản, Ths. Nguyễn Quốc Vương đã nhận được học bổng của chính phủ Nhật Bản dành cho thực tập sinh (10/2006 - 4/2008) và học bổng của Quỹ học bổng quốc tế Sato Yo (Sato Yo international Scholarship Foundation) dành cho học viên Cao học (4/2009 - 4/2011). Ths. Nguyễn Quốc Vương còn đạt chứng chỉ N1 về năng lực Nhật ngữ dành cho người nước ngoài (hệ thống chứng chỉ này gồm 5 cấp từ N5 đến N1 theo thứ tự khó dần - PV).Trong quá trình học, ở tất cả các môn học, Ths. Nguyễn Quốc Vương đều đạt hạng A (80 - 100 điểm/thang điểm 100). Luận văn Cao học “Cải cách giờ học lịch sử trong trường trung học phổ thông Nhật Bản sau 1945 qua khảo sát thực tiễn giáo dục của Kato Kimiaki” được đánh giá cao. Hiện tại, Ths. Nguyễn Quốc Vương đã và đang nghiên cứu chuyên sâu về hai lĩnh vực: phương pháp dạy học lịch sử và cải cách giáo dục và giáo dục lịch sử ở Nhật Bản sau 1945. Bên cạnh đó, Ths. Nguyễn Quốc Vương cũng dành rất nhiều thời gian và tâm huyết cho NTTers.

Phóng viên ntthnue.edu.vn đã có cuộc trao đổi nhỏ với Ths. Nguyễn Quốc Vương.

PV: Sống và học tập tại Nhật Bản trong thời gian khá dài, ấn tượng của thầy về Nhật Bản chắc hẳn rất sâu sắc? Kỉ niệm nào thầy không thể quên? Mong thầy chia sẻ.

NQV: Tôi đến Nhật vào tháng 10 năm 2006 và trở về Việt Nam sau khi tốt nghiệp cao học vào tháng 4 năm 2011. Trước khi đến Nhật, tôi cũng đã có hiểu biết ít nhiều qua sách vở, phim ảnh tuy nhiên khi đặt chân tới Nhật tôi vẫn thật sự “sốc”. Nó tương đối khác so với những tưởng tượng của tôi lúc đầu. Ngay lúc đặt chân xuống sân bay có thể thấy rõ điều này qua thái độ, hành xử văn minh của những người có trách nhiệm. Ấn tượng thì nhiều nhưng có thể nói gọn lại đó là sự tôn trọng giá trị con người, tự do cá nhân được bảo đảm, môi trường sạch đẹp, an toàn, mọi người ai cũng làm việc chăm chỉ và có trách nhiệm. Những ấn tượng này không hề mờ đi trong suốt quá trình tôi ở đây và ngay cả khi về Việt Nam. Nó gợi cho tôi nhiều suy ngẫm.

Năm năm là một khoảng thời gian không ngắn vì thế kỉ niệm rất nhiều trong đó có vui, có buồn, có hạnh phúc và có cả cay đắng. Tôi nhớ nhất là những trải nghiệm liên quan đến trận động đất kinh hoàng ở vùng Đông Bắc Nhật Bản tháng 3/2011. Vào thời điểm đó, tôi vừa bảo vệ tốt nghiệp xong. Từ sự gợi ý của một bậc đàn anh đang học tại trường Đại học Ritsumeikan, tôi hàng ngày làm công việc dịch các bản tin, thông báo của các báo, đài liên quan đến động đất, sóng thần, tình hình nhà máy điện hạt nhân Fukushima và chia sẻ lên trang Facebook cá nhân. Trang web của các hội du học sinh Kyoto, du học sinh Việt nam ở Nhật Bản đã đăng lại. Tôi có rất nhiều người bạn mới kể từ đó.

PV: Được biết, bên cạnh việc học tập, nghiên cứu những vấn đề thuộc chuyên ngành của mình, thầy còn là một du học sinh năng động và tích cực trong các hoạt động tập thể. Thầy có thể kể đôi chút về điều đó?

NQV: Nói nhiều về mình đôi khi gây phản cảm nhưng tôi muốn nói ra để chia sẻ với những ai sắp, sẽ và đang du học ở Nhật hoặc ở nước nào đó trên thế giới với hi vọng trải nghiệm của tôi có thể gợi ý một điều gì đó hữu ích. Ngoài học ở trường là chính, buổi tối tôi thường đến học tiếng Nhật ở lớp học do các thầy cô tình nguyện dạy. Tiếp xúc nhiều với người bản xứ giúp tôi tự tin hơn trong giao tiếp. Tôi cũng tham gia vào những hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam ở trường học và ở địa phương mình sống. Khi xảy ra động đất sóng thần ở Nhật Bản, tôi cũng đã phối hợp với Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tỉnh Shiga quyên góp được một số tiền nho nhỏ từ cộng đồng người Việt sống ở đây giúp nạn nhân động đất. Số tiền này đã được tôi và các anh chị trong Hội trao tận tay người có trách nhiệm của đài truyền hình NHK chi nhánh thành phố Otsu, tỉnh Shiga.

Thời gian rỗi tôi thích đi lang thang đó đây. Năm năm ở Nhật tôi đã đi gần khắp các tỉnh thành. Đi và suy ngẫm là thú vui của tôi. Tôi cũng rất thích văn học vì thế nếu đọc thấy bài thơ hay truyện ngắn nào hay tôi thường dịch ra tiếng Việt. Lúc vui buồn tôi cũng thường làm thơ như một cách ghi nhật kí. Có những bài thơ tôi gửi đăng báo, có bài thơ chia sẻ cho bè bạn và có những bài thơ tôi viết cho một mình tôi đọc. Sau khi trở về nước, tôi cũng dịch xong hai cuốn sách từ nguyên tác tiếng Nhật là “Cải cách giáo dục lịch sử Nhật Bản” và “Lịch sử học là gì?”. Hi vọng trong thời gian tới tôi sẽ tìm được nhà xuất bản nào đó giúp đỡ để sách tới tay bạn đọc.

Tôi tự hào vì những gì mình làm được nhưng trong thâm tâm tôi hiểu rằng những thứ mình làm được so với những người xung quanh là rất nhỏ. Đơn giản vì nhiều người cố gắng và thành công trong thầm lặng. Trong quá trình học ở Nhật tôi gặp được rất nhiều người bạn như thế. Nói ra những điều trên là để chia sẻ mà thôi. Thực chất nó đã là chuyện quá khứ. Với tôi điều quan trọng và làm tôi bận tâm là hiện tại và tương lai sẽ làm được gì có ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng bằng những gì mình học được. Nó khó hơn rất nhiều và đáng làm hơn rất nhiều so với việc lấy được một mảnh bằng hay giành được một suất học bổng nào đó.

PV: Là giảng viên chuyên ngành Phương pháp dạy học lịch sử, lại được trực tiếp làm việc một trong những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, xin thầy cho biết, lí thuyết về “Nghiên cứu bài học” có điểm gì ưu việt? Thầy đã, đang và sẽ áp dụng lí thuyết này cho đối tượng học sinh phổ thông như thế nào?

NQV: Tôi nghiên cứu về nhận thức lịch sử và lịch sử giáo dục lịch sử Nhật Bản từ thời Minh Trị đến nay dưới sự hướng dẫn của giáo sư Kimata Kiyohiro. Trên thực tế tôi mới tiếp cận về lý thuyết “Nghiên cứu bài học” trong thời gian gần đây, cho dù trong quá trình học ở Nhật đã tiếp xúc và có chạm đến ít nhiều trong luận văn cao học. Trải qua cuộc cải cách Minh Trị, phong trào “Dân chủ Taisho” và đặc biệt là cải cách giáo dục hậu chiến sau 1945, giáo dục Nhật Bản đã tiếp nhận ảnh hưởng của giáo dục châu Âu, giáo dục Mĩ rất sâu sắc. Nói về “Nghiên cứu bài học” thì tôi cũng chỉ là học sinh vỡ lòng nhưng tôi thấy rằng nó sẽ giúp ích nhiều trong việc nâng cao năng lực nghề nghiệp của giáo viên ở nhiều phương diện đặc biệt là năng lực “Nghiên cứu tài liệu giảng dạy” (ở Nhật gọi là “nghiên cứu giáo tài”) và phân tích hiệu quả đạt được một cách thực chứng để có cải tiến thích hợp. Trong vai trò là giáo viên môn Lịch sử, ở phạm vi có thể, tôi cố gắng đặt học sinh trong không gian học tập ở đó học sinh có điều kiện hình thành và phát triển nhận thức lịch sử phong phú, được tiếp xúc và nghiên cứu sử liệu gốc để giải mã và giải thích lịch sử, được trao đổi, tranh luận để khẳng định chân lý và bác bỏ các giả thiết không phù hợp. Tôi cho rằng tôn trọng tư duy độc lập và tính đa dạng trong nhận thức lịch sử của học sinh sẽ là một xu thế tất yếu.

PV: Trở về từ nước Nhật, chắc hẳn có rất nhiều lời mời đầy hứa hẹn đã mở ra với thầy. Điều gì đã khiến thầy quyết định tiếp tục gắn bó với Khoa Lịch sử và nhất là với NTTers?

NQV: Khi học xong, “trở về hay ở” là một vấn đề làm nhiều du học sinh đau đầu. Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Về nước rồi thì việc có tiếp tục làm trong ngành giáo dục hay không cũng trở thành một câu hỏi lớn. Tôi cũng đã từng đứng trước nhiều ngã rẽ. Với mức lương như hiện tại, nhiều giáo viên đặc biệt là các giáo viên trẻ như chúng tôi rất khó khăn trong đời sống. Những anh em giáo viên trẻ từ tỉnh lẻ đến Hà Nội lập nghiệp thường lâm vào cảnh ngộ “quê hương thì có, cửa nhà thì không”. Nhưng rồi tôi vẫn ở lại, dù không có áp lực nào buộc phải lựa chọn. Cũng khó trả lời rạch ròi tại sao, nhưng có lẽ được làm việc mình thích và mình tin rằng có ích lâu dài là lý do quan trọng. Sinh viên, học sinh là những người làm cho tôi vui vẻ và tin vào tương lai.

PV: Trong quá trình giảng dạy tại trường Nguyễn Tất Thành, thầy cảm nhận như thế nào về NTTers và thái độ của NTTers đối với môn lịch sử? Thầy mong muốn điều gì ở NTTers nói riêng và học sinh nói chung?

Tôi mới vào dạy tại trường Nguyễn Tất Thành chừng hơn một năm. Ở góc độ cá nhân, tôi thấy lãnh đạo nhà trường tương đối “thoáng” trong tư duy và tích cực ủng hộ cái mới. Về phía học sinh, tôi thấy những học sinh trường Nguyễn Tất Thành mà tôi có điều kiện tiếp xúc đều lễ phép với thầy cô, quan tâm tới lịch sử và có nhận thức lịch sử rất sâu sắc. Đọc bài kiểm tra do các em viết, tôi không khỏi ngạc nhiên. Sự quan tâm tới lịch sử, có nhận thức lịch sử sâu sắc và tư duy độc lập là những thứ không thể thiếu được để trở thành người công dân có trách nhiệm. Chính bản thân tôi cũng học được nhiều ở các em. Vì vậy, theo tôi, đây là một tín hiệu mừng, một sự động viên lớn đối với những người làm công tác giảng dạy lịch sử như chúng tôi. Tôi muốn nói với các em học sinh rằng quan tâm tới lịch sử, suy nghĩ sâu sắc về nó để tìm cách lý giải lịch sử, tham chiếu hiện tại cũng chính là sự quan tâm tới tương lai của chính mình, gia đình và xa hơn là tương lai của dân tộc. Thiếu nhận thức lịch sử phong phú, thực chứng và lô - gic sẽ khó có thể trở thành người công dân đúng nghĩa.

PV: Mục tiêu tiếp theo của thầy?

Tôi sẽ tiếp tục dịch, giới thiệu và hướng dẫn sinh viên tìm hiểu về giáo dục lịch sử ở Nhật Bản. Rất nhiều thứ ở Nhật người Nhật đã làm nhưng nó vẫn đang còn “xa lạ” ở Việt Nam. Tôi rất hi vọng đến một ngày giáo dục lịch sử Việt Nam sẽ bắt kịp dòng chảy của thế giới. Nếu điều kiện thuận lợi có thể tôi sẽ trở lại Nhật Bản học tiếp. Và tất nhiên với vai trò là giáo viên môn Lịch sử, tôi sẽ tiếp tục cố gắng để cùng học sinh có những giờ học hay và bổ ích.

Trân trọng cảm ơn thầy và chúc thầy tiếp tục thành công trong công cuộc thắp lên ngọn lửa tâm hồn của các thế hệ học trò!

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
7
3
Mr_Cu
01/12/2017 22:03:03
Với chúng tôi, những học trò lớp A niên khóa 1991- 1995 trường THCS Phạm Đình Quy, Tây Hòa, Phú Yên thì thầy Trần Xuân Ban là người thầy, người cha đáng kính. Xin bạn đừng nghi ngờ điều tôi nói. Tôi không khoa ngôn để “nịnh” thầy, để tung hô nghề giáo, xin thề, tôi nói thật. Người xưa dạy, “nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ” ( một ngày làm thầy, cả đời làm cha), thầy Ban dạy Toán, chủ nhiệm tới ba năm liền thì đâu lạ gì chuyện học trò chúng tôi kính thầy như một người cha.
Còn nhớ, đó là năm 1991, tôi là học sinh duy nhất của trường Gò Ổi (phân trường tiểu học trong làng, nằm trên gò đất nhỏ, xung quanh toàn cây ổi ) vinh dự có mặt trong lớp chọn của ngôi trường bề thế ở huyện bên cạnh. Tôi cứ hất mặt lên vì thấy mình danh giá quá thể.
Biểu hiện của niềm kiêu hãnh “ếch ngồi đáy giếng” là tôi học hành có phần tắt nháy. Bị “báo ứng” liền. Cuối năm lớp 6, tôi là học sinh duy nhất của lớp ngôi sao có học lực trung bình, thi lại môn Toán. “Thấy muối mặt chưa ?” – chị Hai càm ràm rồi kết luận, đã dốt còn ham chơi. Hiểu lầm trầm trọng rồi, thì cũng có ham chơi tí đỉnh nhưng chưa đến nỗi bỏ bê việc học. Bằng chứng là mấy môn Văn, Sử tôi hàng tám phẩy mà. Chẳng thể giải thích nổi. Tôi học đều môn, thi tốt nghiệp lớp 5 hai môn Toán, Văn, tôi điểm 10, 9 nhưng khi trở thành học sinh THCS, tôi “dị ứng” với Toán. Tôi thấy ngán những phép tính và đặc biệt ghét những con số, đã khô như ngói lại cứ khiến người khác đau não. Tôi còn tin, nếu mình giỏi Toán thì sẽ khô cứng, đáng ghét như những con số vậy. Thế là tôi học tất cả các môn, trừ Toán.
Rồi tôi cũng ngoi lên lớp 7. Nhà trường thông báo thầy Ban sẽ chủ nhiệm và dạy Toán tới lớp 9 luôn. Chết chưa ??? Thầy Ban được các anh chị gọi lén sau lưng là “Ông thầy không biết cười”. Trời ơi ! Đã sợ môn Toán, giờ cộng thêm bi kịch – “ngán” ông thầy chủ nhiệm dạy Toán, tôi khủng hoảng trầm trọng. Nhìn thời khóa biểu, tôi duy nhất có một mơ ước to bự là, giá như trường học đừng có môn Toán. Vì trường học không thể chỉ có Văn, Sử nên cứ đến tiết Toán thì y như rằng tôi chỉ muốn đất nứt ra một lỗ lớn rồi chui ào xuống cho xong. Khổ thân lắm, vì điều ấy không xảy ra nên tôi ngồi học bằng tâm trạng sợ hãi, chăm chú nhìn nhưng là nhìn … xuống đất. Tôi lí lẽ thế này, nếu nhìn lên bảng, thầy sẽ “hiểu lầm” (tưởng hứng thú với Toán) rồi gọi đứng dậy trả bài là toi đời. Hồi ấy, tôi không thấy có điều hãi hùng nào lớn hơn việc bị “triệu” lên bảng làm Toán đâu.
Sẽ không bao giờ tôi quên được tiết học ngày hôm ấy. Là tiết Luyện tập, mấy bạn nhao nhao xung phong, tôi yên tâm chắc không đến phần đứa dốt như mình. Mới nghĩ xong thì tên bị gọi liền. Y như sét đánh bên tai, tôi giật thót, thiểu điều nhảy nhổm khỏi ghế. Lên bảng, tôi chân bước bụng run. Thầy nhắc lại “bí kíp” : bình tĩnh, đọc kĩ dữ liệu, xác định yêu cầu đề, vận dụng tất cả những kiến thức đã học để tìm cách giải quyết. “Bí kiếp” này tôi nghe thầy nói nhiều rồi nhưng lần này mới chịu ghi nhớ và vận dụng. May quá, tôi thở phào vì nó nằm trong khả năng. Nhận điểm 10 và lời khen: “Làm đúng, trình bày tốt! Hôm nay em khá lắm! ”, tôi mừng đỏ mặt dù đủ thông minh để hiểu, với bài toán dễ thì lời khen như thế là “hào phóng”. Nhưng tôi vẫn phấn khởi tưng bừng. Kể đến đây chắc bạn đã hình dung được sức mạnh của lời khen đó rồi chứ gì ? Còn phải nói, nó y như một liều doping học tập. Tin không, tôi đã ẵm nguyên si một em 10 môn Toán trong kì thi Tú Tài đấy.
Hôm đó, cùng lên bảng với tôi còn có Võ Thị Thủ. Nhỏ là tay Toán cừ khôi nhưng cũng lúng túng khi được “triệu” lên bảng. Đầu đuôi cũng từ thằng Sang ma quỷ, nghe thầy gọi họ tên nàng, nó nói to “Lúc nào cũng “thủ võ”!”, thế là cả lớp cười ồ. Thầy nghiêm mặt nhìn xuống lớp và ôn tồn: Bạn của thầy ngày xưa phải bỏ học vì cái tên – Nguyễn Nhũng Nhiễu - bị trêu chọc suốt. Thầy đã gặp ba mẹ bạn Thủ và cùng đến chính quyền địa phương, tiếc là không đổi giấy khai sinh được. Cuối cùng, ba mẹ bạn đồng ý với phương án, tất cả chúng ta hãy gọi bạn là Thư, và hãy xem đó là tên thường gọi của bạn.
Từ sau tiết học hôm đó, tôi khắc cốt ghi tâm bài học chế giễu người khác là tội ác, và tôi cũng xóa đi cái định kiến ngu xuẩn, Toán khiến người ta khô khốc.

***
Chúng tôi xa trường, xa thầy, giao hẹn ngày 20/11 ở nhà thầy làm ngày họp lớp. Lần nào cũng vậy, về với thầy, chúng tôi không có quà cáp gì, không khí vẫn y như ngày xưa, ngày chúng tôi còn là những cô cậu học trò lam lũ, 20/11 đến nhà thầy thập thò ngoài cửa, thầy sẽ ra dẫn vào, bày xoong nồi, đúc bánh xèo…
Riêng tôi, vì những lí do tế nhị mà mấy năm gần đây không tham gia họp lớp. Hôm trước tình cờ gặp lại Thư, nhỏ nói:
- Thầy nhắc mầy miết ! Chuyện của mầy thầy biết hết!
Tôi dù rất xúc động vẫn vờ nói:
- Hơn mười năm không họp lớp, tưởng thầy quên tui rồi chớ !
- Mầy quên thầy thì có!
Thư nói nhẹ nhàng nhưng tôi nghe ra lời trách mắng. Không đến thăm, đâu có nghĩa tôi quên thầy. Có trời làm chứng, tôi làm sao quên được người thầy đã thắp sáng ngọn lửa tâm hồn mình. Bằng chứng là khi đã trở thành một cô giáo, tôi nguyện làm sứ mệnh của một người truyền lửa như thầy. Bằng cách này hay cách khác, tôi luôn tìm cách giúp đỡ học sinh. Vẫn không dám nói mình đã làm được gì cho các em nhưng có một kỉ niệm làm tôi nhớ mãi: đó là năm đầu tiên làm công tác chủ nhiệm, lớp tôi có hai em học sinh tên Phạm Văn Pháp – bị bạn bè gọi là “Phạm Pháp”, Trần Thị Hợi – bị bạn bè trêu là “heo nái”, tôi liền nghĩ ngay đến bạn Thư nên đã thuyết phục phụ huynh làm lại giấy khai sinh cho các em vì luật pháp đã cho phép thay đổi tên họ (nếu cần). Và còn một điều quan trọng nữa là khi đứng trên bục giảng, tôi luôn tìm “cớ” khen ngợi học trò. Vì hơn ai hết, tôi biết sức mạnh của lời khen khi nó được đặt đúng chỗ.
Xin mượn lời của Alexander the Great để gửi đến thầy như lời tri ân cao đẹp nhất : “ Tôi mang ơn cha mẹ cho tôi sự sống nhưng tri ân thầy tôi đã dạy tôi sống đẹp

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×