Truyền thông đa phương tiện là xu hướng phát triển mang tính khách quan đáp ứng nhu cầu thông tin của lớp công chúng mới.
Trong một xã hội hiện đại với sự bùng nổ thông tin, công chúng ngày càng có những nhu cầu cao hơn đối với nội dung cũng như chất lượng thông tin. Phương thức truyền thông đa phương tiện cho phép công chúng thu nhận thông tin bằng cả hình ảnh, âm thanh, văn bản làm thay đổi cách tiếp cận thông tin của công chúng, nhất là đối với thế hệ trẻ, thế hệ nhạy bén nhất đổi với khoa học và công nghệ tạo ra sự phát triển của một lớp công chúng mới của truyền thông. Trái lại, với các loại hình báo chí truyền thống, công chúng đang ngày càng bị phân tâm bởi nhiều hình thức cung cấp thông tin động, hấp dẫn, tiếp cận trên toàn bộ các giác quan, cảm quan: đọc, nghe, nhìn, đối thoại, tham gia trực tiếp… Internet phát triển với sự ra đời của vô vàn các trang tin điện tử, các kênh truyền hình, phát thanh trực tuyến (online) và các giao thức liên lạc (Email, chatting) và thoại (voice) được tích hợp làm thoả mãn tất cả các nhu cầu thông tin của công chúng, bao gồm cả nghe, nhìn, đọc, nói của công chúng.
Internet với đặc trưng tương tác của nó, đã thu hẹp những giới hạn về không gian và thời gian trong việc tiếp cận thông tin trên quy mô toàn thế giới. Cùng với sự phát triển của hệ thống internet, hàng loạt sản phẩm công nghệ truyền thông mới được phát triển như công nghệ di động với các phương thức truyền dữ liệu tốc độ cao, hay các thiết bị đầu cuối được phát triển theo xu hướng di động hoá, cá nhân hóa cao độ tạo nên một sức mạnh mới mà các loại hình truyền thông truyền thống khó cạnh tranh nổi.
Sự phát triển của công nghệ truyền thông cũng đã tạo cho báo chí một hướng đi mới: tích hợp các phương tiện truyền thông. Tính chất đa phương tiện được biểu hiện rõ ràng nhất qua sự tích hợp này. Xu hướng phát triển này là phù hợp với nhu cầu thông tin của xã hội, do vậy đi theo sự phát triển này là sự lựa chọn đúng đắn của các nhà truyền thông. Hay nói cách khác, truyền thông đa phương tiện là xu hướng phát triển mang tính khách quan đáp ứng nhu cầu thông tin của lớp công chúng mới.
Các tổ chức truyền thông đa phương tiện hình thành qua hai yếu tố chính. Một là, qua sự hợp nhất các tổ chức truyền thông truyền thống, các tổ chức viễn thông, công nghiệp giải trí với nhau, tạo ra một “đế chế thông tin” mạnh mẽ và có phạm vi ảnh hưởng và đối tượng công chúng khổng lồ. Có thể minh chứng cho sự hợp nhất này như hãng Time Warner sát nhập với hãng American Online, là sự kết hợp các phương tiện truyền thông cũ và mới là báo điện tử và báo giấy. Hai là, sự khai thác triệt để thế mạnh và tiềm năng của internet và các ứng dụng của công nghệ thông tin. Nếu biết được tên của các hãng thông tấn, báo chí trên thế giới, chỉ cần gõ vài chữ tên của nó vào trang tìm kiếm Google, sẽ dễ dàng tìm được đường dẫn đến website của các hãng này trên Internet. Các hãng khác như FOX, BBC, CNN, HBO… đều có những trang chính trên Internet. Sự tồn tại của các hãng nầy trên Internet không chỉ dừng lại như một phương thức liên lạc đơn thuần mà là một thương thức truyền thông cơ bản của hãng đó. Bill Gates, ông vua của lĩnh vực công nghệ thông tin đã nhận định rằng, truyền thông trên nền internet sẽ trở nên phổ cập, nhiều hãng viễn thông lớn đang gia cố cơ sở hạ tầng cho viễn cảnh đó. Công chúng sẽ được thưởng thức tất cả các dịch vụ trên một nền duy nhất.
Nền tảng duy nhất, theo quan điểm của Bill Gates về mặt hình thức tổ chức thì là một cơ quan báo chí thống nhất trên có sở hợp thành bởi nhiều cơ quan quản lý báo chí trước đó; về mặt nội dung thì đó là nền tảng công nghệ truyền tải thông tin - Internet và các ứng dụng công nghệ số và các phương thức truyển tải khác nhau. Biểu biện cụ thể về các sản phẩm báo chí truyền thông đa phương tiện có thể vẫn tồn tại theo hình thức truyền thống vốn có, tuy nhiên người ta có thể tìm thấy tính đa dạng của nó qua các cách truyền tải đồng thời. Ví dụ người ta có thể khai thác thông tin qua kênh truyền hình CNN, nhưng cũng thông tin đó có thể được khai thác trên website của CNN.com, hay cùng một lúc có thể vừa nghe radio, vừa lướt web trên điện thoại di động hoặc xem trên truyền hình một nội dung thông tin do một tổ chức truyền thông đưa ra.