Mỗi năm, nước ta có hàng nghìn người bị đuối nước thương tâm, nạn nhân chủ yếu vẫn là trẻ em, học sinh. Những vụ tai nạn đau lòng đến với các em thường ngoài giờ lên lớp, thuộc quản lí của gia đình. Giải pháp chống đuối nước cho trẻ em, học sinh được đặt ra từ nhiều năm trước, nhưng đến nay, kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Đuối nước vào mùa nắng nóng vẫn là nỗi lo không của riêng ai.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 2.000 trẻ em bị đuối nước. Trong giai đoạn 2010-2015 có khoảng 3.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Năm 2016, số trẻ em tử vong do đuối nước khoảng 2.110 em. Năm 2017 và 2018, số liệu báo cáo của các địa phương cho thấy vẫn còn trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước.
Trung bình mỗi ngày có khoảng 5 em bị tử vong do đuối nước, con số này cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Trong đó, trẻ em nam có tỷ suất tử vong cao gấp 1,5 lần so với trẻ em nữ và ở khu vực nông thôn cao gấp gần 4 lần so với khu vực thành thị, có tới 55,9% trẻ em bị đuối nước thuộc các gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn tập trung nhiều nhất ở khu vực nông thôn. Mùa nắng nóng năm 2019, mới bắt đầu nhưng trên cả nước đã ghi nhận nhiều vụ đuối nước thương tâm xảy ra.
Đau lòng nhất phải kể đến sự việc 9 học sinh Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình bị tử vong do đuối nước vào ngày 21-3. Nguyên nhân được xác định do sau giờ học, các em rủ nhau ra sông Đà chơi, rồi xuống sông tắm và bị nước cuốn dẫn đến tử vong. Tiếp đó, ngày 25-3, tại xã Đăk Ta Ley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai cũng xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 2 học sinh tử vong. Sự việc cũng diễn ra ngoài giờ học ở trường, một nhóm học sinh Trường Trung học cơ sở Đăk Ta Ley lên khu vực thôn Nhơn Tân chơi. Do trời nóng nực, hai em T.M.V (lớp 6A) và Đ.N.H (lớp 7A) rủ nhau xuống ao của người dân trữ nước tưới cà phê để tắm. Do bất cẩn, 2 em trượt chân vào khu vực nước sâu và đuối nước.. Qua quá trình nắm tình hình, các cơ quan chức năng chỉ ra rằng, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ em tử vong do đuối nước. Trước hết, do nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành và cộng đồng, đặc biệt là của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ về các nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn hạn chế. Nhiều trường hợp đuối nước trẻ em xảy ra do sự thiếu kiến thức và bất cẩn của người lớn, vẫn còn coi thường sự nguy hiểm đối với nguy cơ đuối nước của trẻ em. Trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối và tắm biển không có người lớn đi kèm. Chính sự sao nhãng, thiếu quan tâm, giám sát của các gia đình là một phần nguyên nhân gây ra những tai nạn đáng tiếc cho trẻ. Không biết bơi và thiếu kỹ năng an toàn khi tham gia vui chơi trong môi trường nước cũng là nguyên nhân gây ra đuối nước cho trẻ em. Ngoài ra, môi trường sống ngay trong từng gia đình và ngoài cộng đồng chưa an toàn cũng tiềm ẩn các nguy cơ gây đuối nước trẻ em khi đa số các giếng khơi và bể nước không có nắp đậy, nhiều công trình xây dựng không có rào chắn tại các hố nước hoặc không lấp bỏ các hố nước sau khi kết thúc xây dựng.Bên cạnh đó, các khúc sông, hồ nước sâu, nước xoáy gần khu dân cư không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm. Việc giám sát thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em còn chưa chặt chẽ, thiếu những quy định cụ thể của pháp luật đối với việc xử phạt vi phạm đối với những trường hợp để xảy ra tai nạn đuối nước trẻ em. Sự quan tâm đầu tư nguồn lực của Nhà nước và địa phương cho công tác phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em nói chung còn hạn chế.
Từ thực trạng, nguyên nhân dẫn đến đuối nước trẻ em, các ngành, các cấp, chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Trọng tâm nhất chính là tăng cường dạy bơi, dạy kỹ năng bơi lội trong nhà trường, nhưng điều này chưa thực hiện được, hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Bởi môn giáo dục thể chất từ lâu vẫn là vấn đề bất cập trong chương trình giáo dục của nước ta. Tình trạng luôn bị coi là môn phụ, thậm chí dùng thời gian của môn giáo dục thể chất để học môn khác diễn ra không hiếm. Đó là chưa kể tới những bất cập trong việc thiết kế chương trình bộ môn giáo dục thể chất. Hầu hết các trường đều dạy các môn như cờ vua, cầu lông, bóng chuyền... mà không ưu tiên dạy bơi và kỹ năng bơi lội cho học sinh. Khó khăn lớn nhất là các trường học không đủ điều kiện cơ sở vật chất dạy bơi cho học sinh. Bởi vậy, việc dạy bơi trong trường học vẫn còn nặng về mặt lý thuyết, thiếu thực hành. Gần như chưa có trường học nào trên địa bàn tỉnh Nghệ An có điều kiện xây dựng bể bơi do hạn chế về kinh phí và quỹ đất.
Trong khi các giải pháp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiết nghĩ, sự giám sát của gia đình vẫn là biện pháp ngăn chặn tốt nhất để giảm thiểu rủi ro đuối nước cho trẻ em. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng cần tạo các sân chơi lành mạnh, có các biện pháp cảnh báo ở những địa điểm sông ngòi, ao, hồ tiềm ẩn nguy cơ về đuối nước trẻ em.