Có đôi khi, vì mải chạy theo những cái hào nhoáng bên ngoài, người ta dần đánh mất đi chính bản thân mình, mà không hề biết rằng những cái hào nhoáng thường nhanh nhàm chán và chỉ có giản dị mới chính là cốt lõi của mọi vẻ đẹp.
Giản dị là sống phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, gia đình và xã hội. Nó biểu hiện ở chỗ: không xa hoa lãng phí, không cầu kì, kiểu cách trong ăn mặc, giao tiếp hàng ngày. Những người sống giản dị thường là những người hòa đồng, sẽ luôn được mọi người xung quanh yêu mến, cảm thông và giúp đỡ. Qua một tấm gương tiêu biểu về lối sống giản dị của chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ trình bày rõ hơn quan niệm về lối sống tích cực này.
Hồ Chí Minh, vị cha già kính yêu của dân tộc, người để lại cho người dân Việt Nam và thế giới về một tấm gương "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Cả cuộc đời người là minh chứng cho một lối sống giản dị đã đạt đến độ thanh cao. Cả cuộc đời vì nhân dân, vì dân tộc, người được cả thế giới biết đến nhưng ai có thể quên được hình ảnh quen thuộc của người trong bộ quần áo bộ đội, đôi dép cao su đi nhiều đến mòn vẹt… Ngay cả trong cuộc sống hàng ngày Bác cũng không dành cho mình một sự ưu đãi đặc biệt nào. Những ngày trên chiến khu Việt Bắc, ấn tượng biết bao hình tượng một vị lãnh tụ “cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng”, hình tượng một vị cha già tham gia tập thể dục với bộ đội để cỗ vũ cho mọi người đều tập thể dục, nâng cao sức khỏe, hình ảnh Hồ Chí Minh với chiếc áo treo trên đầu gậy, tranh thủ vừa đi đường vừa hong nắng, hong gió cho khô… Những ngày đầu mới giành được chính quyền, Bác vẫn ăn cơm cùng với anh em trong cơ quan ở Bắc Bộ phủ, cũng vẫn một suất ăn bình thường như các đồng chí khác.
Trở về Hà Nội, sau kháng chiến chống Pháp, là Chủ tịch nước, nhưng bác không ở dinh toàn quyền cũ, lộng lẫy, khang trang, mà ở ngôi nhà của một người thợ điện cũ chỉ có ba phòng nhỏ đơn sơ. Cho đến ngày 17/5/1958 thì chuyển sang ở hẳn ngôi nhà sàn gỗ giàn dị mà ngày nay đã đi vào huyền thoại trong huyền thoại chung đẹp đẽ của cuộc đời Người. Và ngày ngày, người làm vườn, trồng rau, bất sâu, nuôi cá,… vị Chủ tịch nước ấy đã chọn chỗ ở của mình là ngôi nhà sàn gỗ với hai buồng nhỏ. Mỗi phòng chỉ vỏn vẹn chưa đầy 10m2, không phải là không mang một ý nghĩa sâu sắc. Cũng như đôi dép lốp, chiếc quạt lá cọ, bộ quần áo kaki đã sờn, những bữa cơm thanh đạm đậm đà mùi vị quê hương, cuộc đời Bác chính là cả một bài học lớn cho mọi thế hệ về đức giản dị, điều cần thiết đối với con người mọi thế hệ. Bác là thế đấy! Giản dị khiêm nhường nhưng ai dám phủ nhận rằng cái khiêm nhường ấy lại không góp phần làm nên sự vĩ đại và đặc biệt trong hình ảnh Người?
Từ tấm gương giản dị của bậc lãnh tụ ta suy nghĩ về lối sống giản dị của mỗi con người. Giản dị không chỉ là một cách sống, nó còn là một quan niệm sống. Sự giản dị không chỉ thể hiện trong sinh hoạt hàng ngày, từ cách ăn mặc, lời nói, cử chỉ, hành động, trong công việc, trong giao tiếp mà còn cả ngay từ trong suy nghĩ. Nhiều khi sự giản dị thể hiện ngay trong việc con người sống với những gì vốn có của mình, không hoa mĩ, lòe loẹt, chạy theo phong trào, chạy theo mốt, Giản dị ở đây có thể hiểu như là lối sống chân phương vậy. Một người biết suy nghĩ những điều giản dị sẽ biết phải làm gì để có được điều đó, biết cách sống hòa hợp và gần gũi với những người xung quanh. Nhưng sự giản dị không thể gò ép, giả dối, nó phải bắt nguồn từ một sự chân thành và những biểu hiện cũng hết sức chân thành, Không thể sống giản dị một cách gượng ép; trước sau gì những người xung quanh cũng sẽ nhận ra điều đó. Giản dị có thể thuộc về bản chất nhưng phần nhiều là do quá trình rèn luyện trong cuộc sống để có được.
Để có được lối sống giản dị cần bắt đầu từ những điều rất nhỏ. Trước hết, cần phải biết quý trọng những gì ta đang có trong tay, đánh giá được đúng giá trị của chúng cũng như sự vất vả để làm ra chúng. Con cái cần phải biết quý trọng những đồng tiền do cha mẹ làm ra, học cách chi tiêu một cách tiết kiệm. Thể hệ sau phải biết quý trọng những giá trị mà đời trước để lại. Chỉ khi làm được điều đó người ta mới có ý thức sống tiết kiệm, giản dị. Trước khi bắt tay vào làm công việc gì, hãy cố gắng suy nghĩ xem có thể tìm ra một cách giải quyết nào khác đơn giản và tiết kiệm hơn nhưng vẫn đạt được những kết quả tương tự hay không? cố gắng biết suy xét giữa những điều mình cần và những điều mình muốn, cũng như khả năng có thể thực hiện để tìm ra được cách giải quyết tối ưu. Giản dị mang lại cho ta vẻ đẹp không khoa trương nhưng có sức thu hút lòng người. Rèn luyện cho mình thói quen sống giản dị, con người sẽ có khả năng thích nghi tốt hơn trong mọi hoàn cảnh. Biết quý trọng những gì mình đang có để có thể san sẻ và cảm thông với cuộc sống của người khác.
Sự giản dị là một lối sống đẹp cần được mỗi người trong thế hệ chúng ta phấn đấu rèn luyện để có được. Xung quanh ta có biết bao bạn trẻ vì được sinh ra trong hoàn cảnh sung túc, được sự nuông chiều của gia đình mà quen với lối sống phung phí, xa hoa, coi tiền như rác. Họ không biết thế nào là sự giản dị và càng không nhận thức được rằng giản dị mới là đức tính cần thiết, đáng quý để được gần gũi với những người xung quanh, được mọi người yêu quý. Những cái xa hoa, phù phiếm, chạy theo mốt thường là những cái chóng chán. Chỉ có những cái đơn giản, giản dị mới là những cái mãi giữ được vẻ đẹp dài lâu.
Hãy sống giản dị như những gì ta đang có, hãy sống giản dị như những gì ta có thể làm. Hãy sống giản dị để có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh. Bạn sẽ thấy mình và cuộc sống thật hài hòa, tươi đẹp.