Câu 1.
a) Dựa vào atlat sắp xếp các hệ thống sông ngòi Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ
+) Sông ngòi Bắc Bộ: hệ thống sông Hồng, hệ thống sông Thái Bình, hệ thống sông Bằng Giang-sông Kì Cùng, hệ thống sông Mã.
+) Sông ngòi Trung Bộ: Hệ thống sông Cả, hệ thống sông Th Bồn, hệ thống sông Đà Rằng.
+) Sông ngòi Nam Bộ: Hệ thống sông Đồng Nai, hệ thống sông Mê Kông.
b) Nêu đặc điểm sông ngòi Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ. Giải thích sự khác nhau sông ngòi của 3 khu vực
*) Đặc điểm sông ngòi Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ– Sông ngòi Bắc Bộ:
+ Có chế độ nước theo mùa, thất thường.
Mùa lũ kéo dài năm tháng (từ tháng 6 đến tháng 10), cao nhất vào tháng 8. Lũ tập trung nhanh và kéo dài do có mưa theo mùa, các sông có dạng nan quạt.
+ Một số sông nhánh chảy giữa các cánh cung núi, quy tụ về đỉnh tam giác châu sông Hồng.
– Tiêu biểu cho khu vực sông ngòi Bắc Bộ là hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình.
– Sông ngòi Trung Bộ:
+ Thường ngắn và dốc, phân thành nhiều lưu vực nhỏ độc lập.
+ Lũ lên rất nhanh và đột ngột, nhất là khi gặp mưa và bão lớn.
+ Mùa lũ tập trung vào các tháng cuối năm từ tháng 9 đến tháng 12.
+ Tiêu biểu là hệ thống sông Mã, sông Cả, sông Thu Bồn, sông Đà Rằng.
– Sông ngòi Nam Bộ:
+ Lượng nước chảy lớn, chế độ nước theo mùa và khá điều hòa do địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu điều hòa hơn vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ,…
+ Lòng sông rộng và sâu, ảnh hưởng của thủy triều lớn.
+ Có 2 hệ thống sông lớn: hệ thống sông Mê Công, hệ thống sông Đồng Nai. + Mê Công là hệ thống sông lớn nhất vùng Đông Nam Á (dài 4300 km, chảy qua sáu quốc gia). Sông Mê Công đã mang đến cho đất nước ta những nguồn lợi to lớn, song cũng gây nên những khó khăn không nhỏ vào mùa lũ.
*) Giải thíchChế độ nước của ba vùng sông ngòi lại có sự khác nhau là do:
– Đặc điểm nền địa chất, địa hình lưu vực và hình dạng lãnh thổ ở ba vùng sông ngòi có sự khác nhau.
– Do đặc điểm khí hậu, đặc biệt là chế độ mưa ở ba vùng khác nhau.
– Ngoài ra, còn do tác động của các nhân tố khác như: đặc điểm lưu vực (diện tích, phụ lưu,…), thực vật, hồ, đầm và nhân tố con người.
Câu 3. Trình bày đặc điểm chung của sông ngòi Việt Nam. Giải thích nguyên nhân vì sao sông ngòi nước ta có đặc điểm như vậy
=> Đặc điểm chung của sông ngòi Việt Nam
a) Nước ta có mạng lưới sông ngòi dày đặc, phân bố rộng khắp trên cả nước
Theo thống kê nước ta có tới 2360 con sông dài trên 10 km, trong đó 93% là các sông nhỏ và ngắn (diện tích lưu vực dưới 500 km2). Các sòng lớn như sông Hồng, Mê Công (Cửu Long) chỉ có phần trung và hạ lưu chảy qua lãnh thổ nước ta. Chúng tạo nên những đồng bằng châu thổ rất rộng lớn và phì nhiêu.
b) Sông ngòi nước ta chảy theo hai hướng chính là tây bắc - đông nam và vòng cung
c) Sông ngòi nước ta có hai mùa nước : mùa lũ và mùa cạn khác nhau rõ rệt
Vào mùa lũ nước sông ngòi dâng cao và chảy mạnh. Lượng nước mùa lũ gấp hai đến ba lần, có nơi đến bốn lần lượng nước mùa cạn và chiếm 70-80% lượng nước cả năm.
d ) Sông ngòi nước ta có lượng phù sa lớn
Hàng năm sông ngòi nước ta vận chuyển tới 839 tỉ m3 nước cùng với hàng trăm triệu tấn phù sa. Đây thực sự là một nguồn tài nguyên rất quan trọng cho sản xuất và đời sống.
Các sông ở nước ta có hàm lượng phù sa rất lớn. Bình quân một mét khối nước sông có 223 gam cát bùn và các chất hòa tan khác. Tổng lượng phù sa trôi theo dòng nước tới trên 200 triệu tấn/năm.
Giải thích nguyên nhân vì sao sông ngòi nước ta có đặc điểm như vậy=>
- Sông ngòi dày đặc:
Do nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, lượng mưa lớn, lại có địa hình chủ yếu đồi núi, bề mặt địa hình dốc, bị cắt xẻ đã hình thành mạng lưới sông ngòi dày đặc. Tuy nhiên địa hình lãnh thổ hẹp ngang nên phần lớn sông ngắn và dốc, phần lớn sông có hướng Tây Bắc – Đông Nam và Tây – Đông, hướng vòng cung do chịu ảnh hưởng của địa hình
- Sông ngòi nhiều nước, giàu phù sa:
+ Lượng mưa trung bình năm lớn (khoảng 1500mm -2000mm/ năm) nên sông ngòi nước ta luôn nhiều nước, cùng với lượng nước lớn từ lưu vực ngoài lãnh thổ.
+ Hệ quả của quá trình xâm thực mạnh ở vùng đồi núi đã mang lại nguồn phù sa lớn cho sông ngòi nước ta.
- Chế độ nước theo mùa:
Do nguồn cung cấp nước sông chủ yếu là nước mưa nên chế độ nước sông phụ thuộc vào chế độ mưa, nước ta có chế độ mưa theo mùa nên chế độ nước sông ngòi cũng chảy theo mùa: mùa mưa trùng với mùa lũ và mùa khô cũng là mùa cạn của các con sông.
Câu 4. Nêu những thuận lợi bà khó khăn do lũ gây ra ở Đông bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng. Để sống chung với lũ cần có những biện pháp gì
– Thuận lợi của lũ ở đồng bằng sông Cửu Long:
- Thau chua, rửa mặn đất đồng bằng để sản xuất nông nghiệp.
- Bồi đắp phù sa tự nhiên, mở rộng diện tích đồng bằng.
- Du lịch sinh thái trên kênh rạch và rừng ngập mặn.
- Giao thông trên kênh rạch.
– Khó khăn:
- Gây ngập lụt diện rộng và kéo dài.
- Phá hoại nhà cửa, vườn dược, mùa màng.
- Gây ra dịch bệnh do ô nhiễm môi trường.
- Làm thiệt hại lớn về người, gia súc.
-Biện pháp:
+Đắp đê hạn chế lũ.
+Làm nhà nổi.
+Xây dựng nhà ở vùng đất cao.
Câu 5. dựa vào atlat cho biết sông mê kông bắt nguồn từ đâu,chảy qua những nước nào
=> Sông Mê Kông là một trong những con sông lớn nhất trên thế giới, bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy qua Trung Quốc, Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia và đổ ra Biển Đông ở Việt Nam.
Câu 6. Dựa vào bảng số liệu 33.1(trang 119 SGK) cho biết các mùa lũ trên các sông có trùng nhau không? Giải thích vì sao
=> Dựa vào bảng 33.1 ta thấy, mùa lũ trên các lưu vực sông không trùng nhau.
Vì ở mỗi khu vực có chế độ mưa khác nhau. Ở Bắc Bộ mùa mưa bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 10, trong khi đó ở Trung Bộ mùa mưa diễn ra ừ tháng 9 đến tháng 12 hay ở vùng Nam Bộ mưa bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 12.
Lũ thường diễn ra vào mùa mưa khi lượng nước sông dâng lên cao. Ở mỗi vùng miền có một mùa mưa khác nhau không giống nhau nên dẫn đến sự khác biệt đó.