Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Dựa vào bài thơ đồng chí của Chính Hữu, em hãy chuyển thành một câu chuyện về tình đồng chí, đồng đội trong kháng chiến chống thực dân Pháp

2 trả lời
Hỏi chi tiết
488
2
0
doan man
25/12/2018 21:40:25
Có những cái nhìn về hình ảnh người lính ở những hoàn cảnh và những khía cạnh khác nhau. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ ác liệt như Bài thơ về tiểu đội xe không kính, hay khi hoà bình đã lập lại trên khắp đất nước Việt Nam như Ánh trăng. Và ở mỗi thời kì, những người lính lại thực sự gắn bó với nhau bởi một thứ tình cảm thiêng liêng và cao đẹp. Có thể khẳng định rằng thứ tình cảm ấy đều có những nét tương đồng nhưng ở một góc nhìn nào đó, nó lại có nét riêng biệt. Và Chính Hữu đã làm nên nét riêng biệt về tình cảm đồng chí đồng đội của người lính cách mạng thời kì kháng chiến chống Pháp qua bài thơ Đồng chí.
Bài thơ Đồng chí được sáng tác trong thời kì kháng chiến chống Pháp, cuộc kháng chiến của quân và dân Việt Nam. Bởi vậy, bài thư dường như hoà quyện vẻ đẹp của quê hương, của nông thôn Việt Nam. Nhưng đặc sắc và tinh tế chính là: ở Đồng chí ta thấy được sự chia sẻ lúc ốm đau, lúc nhớ nhà và khi gian khổ. Ở Đồng chí có một thứ tình cảm gắn kết giữa những người lính, thì tình cảm mà có thể dễ dàng nhận thấy ở một tác phẩm nào khác. Nhưng có điều, ở một tác phẩm khác, trong một hoàn cảnh khác, tình đồng chí đồng đội được cảm nhận theo một cách khác.
Với thể thơ tự do, diễn tả cảm xúc lắng đọng Đồng chí đã thực sự thể hiện cơ sở thiêng liêng để hình thành tình đồng chí. Nó xuất phát từ những điều thực sự giản đơn mà những người lính nhận ra ở nhau:
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Những người lính ấy đều xuất thân từ những miền quê đồng chiêm nước trũng. Nếu như nơi anh ra đi là đồng chua nước mặn, là miền trung du nghèo đói; thì nơi tôi ra đời là mảnh đất cằn cỗi chỉ toàn sỏi dá. Những người lính nhận thấy ở nhau cùng một hoàn cảnh xuất thân. Họ đều là những người nông dân chân lấm tay bùn vác súng đi lên để tham gia kháng chiến, để bảo vệ quê hương. Có lẽ vì thế, tình cảm cao đẹp giữa những người lính còn xuất phát từ một lí tưởng chung:
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.
Có thể nhận thấy rõ hình ảnh súng bên súng không giản đơn là một hình ảnh để cho người đọc thấy rằng họ cùng chung công việc và nhiệm vụ. Nhưng sâu xa hơn, những người lính cùng ý thức được nhiệm vụ đó, cùng hiểu rõ và nhận ra rằng: lí tưởng của họ là chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Và hai chữ tri kỉ thật thiêng liêng. Đôi tri kỉ hình thành từ hai con người hoàn toàn xa lạ, đến từ những phương trời khác nhau sẻ chia tấm chăn vào những đêm giá rét. Thật đơn giản, họ trở thành những tri âm, tri kỉ của nhau. Và đó là hai chữ tri kỉ tồn tại trong những trái tim người lính, có lẽ vì vậy mà cái tên thiêng liêng và hiện thực: tình đồng chí.
Nếu như những điểm chung thể hiện cơ sở hình thành tình đồng chí thì Chính Hữu đã khắc hoạ nhửng biểu hiện của tình đồng chí thật rõ nét.
Tình đồng chí được bộc lộ và lột tả ngay trong cuộc sống hàng ngày, tưởng chừng giản đơn nhưng đầy những thiếu thốn và khó khăn, gian khổ. Những người lính khi ra đi mang theo một nỗi nhớ:
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Những người lính đã thực sự san sẻ một sự thiếu hụt lớn về tinh thần. Sự thiếu thốn tinh thần quả thực khó có thể bù đắp được cho nhau. Nhưng những người lính hiểu rằng, những người bạn tri âm, tri kỉ có thể làm vơi bớt nỗi buồn của nhau. Họ san sẻ với nhau những nỗi nhớ, nhửng tâm trạng và suy tư của người con xa quê. Nơi quê nhà, họ để lại ruộng nương, gian nhà không thiếu vắng bóng dáng họ vào ra. Và đặc biệt, Chính Hữu đã rất tinh tế khi thể hiện nỗi nhớ quê hương qua hình ảnh giếng nước gốc đa nhớ người ra lính. Giếng nước gốc đa luôn là biểu tượng của quê hương nông thôn Việt Nam. Cùng sẻ chia nỗi nhớ nhà, tình đồng chí đã được thể hiện sâu sắc. Nhưng không quá trừu tượng như nỗi đau tinh thần, tình đồng chí còn là sự sẻ chia những khó khăn, thiếu thốn về vật chất trong cuộc sống của người lính cách mạng. Đó là cái giá rét của mùa đông, nơi rừng hoang và đầy sương muối, là từng cơn sốt rét mà mồ hôi ướt đẫm vừng trán. Chiến đấu nơi rừng núi hiểm trở, người lính phải chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết luôn thay đối. Trong hoàn cảnh ấy, những người lính vẫn luôn sát cánh bên nhau để sẻ chia những thiếu thốn:
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nấm lẩy bàn tay.
Dù là manh áo rách, dù là cái buốt lạnh cảm nhận được khi bàn chân không đi giày, nhưng hình ảnh thương nhau tay nắm lấy bàn tay đã minh chứng cho một tình đồng chí, tình tri âm, tri kỉ gắn kết sâu sắc. Tình đồng chí còn là tình thương, sự cảm thông của những người lính trước khó khăn gian khổ.
Và ba câu cuối trong bài thơ đã thực sự khắc hoạ một tình đồng chí trong chiến đấu hiểm nguy. Nếu như những người lính, họ gắn bó với nhau từ khi làm quen, rồi gắn bó với nhau trong cuộc sống thì không lẽ nào những con người cùng chung lí tưởng cách mạng và chiến đấu lại tách rời nhau khi làm nhiệm vụ. Đêm nay rừng hoang sương muối - câu thơ khắc hoạ không gian và thời gian khi những người lính chiến đấu. Đó là vào ban đêm nhưng gian khó và khắc nghiệt hơn, là những đêm trong rừng lặng im với không gian đầy sương muối. Nhưng sự lặng im của khu rừng ấy đã làm nổi bật hình ảnh thơ đặc sắc của Chính Hữu:
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo.
Trong gian khổ, trong giá rét, các anh bộ đội Cụ Hồ vẫn hiên ngang sát cánh bên nhau, sẵn sàng chiến đấu. Hình ảnh đó thực sự đặc sắc bởi nó mang ý nghĩa tượng trưng tinh tế. Chính Hữu đã tả thực khi dùng thị giác để miêu tả. Khi trăng chếch bóng người ta sẽ nhìn trăng như treo trên đầu ngọn súng. Nhưng Chính Hữu cũng đã gợi lên sự tượng trưng khi miêu tả bằng cảm nhận, sự liên tưởng và khối óc tinh tế của mình. Cây súng tượng trưng cho người lính cách mạng. Và ánh sáng của vầng trăng lan tỏa trong đêm giá rét thể hiện lí tưởng cách mạng. Sự soi sáng của Bác và Đảng cho những tinh thần chiến đấu. Trong sự lãng mạn của thơ ca cũng có thể coi ánh trăng là biểu tượng hòa bình. Những người lính sát cánh bên nhau, sẫn sàng chiến đấu đế bảo vệ sự tự do cho đất nước. Ba câu thơ cuối với hình ảnh đầu súng trăng treo đã lột tả sự gắn kết với nhau trong khó khăn gian khổ cua những anh bộ đội Cụ Hồ.
Bằng những hình ảnh thơ đặc sắc, bài thơ Đồng chí đã thể hiện sâu sắc, chân thực tình cảm đồng chí, đồng đội của người lính cách mạng trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Tình đồng chí ấy hiện lên thật thiêng liêng, cao đẹp, thể hiện sự gắn bó chặt chẽ và đáng trân trọng của những người lính trong cuộc sống và chiến đấu hiểm nguy.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
Quỳnh Anh Đỗ
26/12/2018 06:48:48
“Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi
Nào có mong chi đâu ngày trở về
Ra đi ra đi bảo toàn sông núi
Ra đi ra đi thà chết chớ lui”
Mỗi lần nghe lại những giai điệu hào hùng này trong lòng tôi lại trào lên những cảm xúc khó tả. Tôi-người lính trong chiến dịch chống Pháp năm ấy. Những năm tháng mưa bom bão đạn, những năm tháng đói khổ gian nan và những năm tháng của tình đồng đội tình đồng chí keo sơn gắn bó đối với tôi là những năm tháng đầy giá trị và quý báu, khắc tạc nên những kỉ niệm chẳng thể phai nhòa trong ký ức và trái tim cách mạng nhiệt thành này.
Những người lính chúng tôi từ những miền quê khác nhau, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc cùng sum họp về đây, về dưới ánh sáng lý tưởng của ngọn cờ cách mạng. Buổi đầu với bao bỡ ngỡ, xa lạ chúng tôi chào hỏi nhau bằng những câu trân thành, chất phác : Quê anh ở đâu? Anh bạn nhập ngũ cùng tôi ngày ấy không ngần ngại chia sẻ: “quê tôi vùng ven biển ngập mặn, ít phù sao; mùa màng khó khăn” Tôi cũng thật thà đáp cùng : “Còn tôi lại sinh ra ở vùng quê xơ xác; đất đai cằn cỗi; cây cối hoa màu khó mà phát triển; kinh tế đói kém, chiến tranh tàn phá khiến cho đời sống con người khốn khó trăm bề” Cái vỗ vai thấu hiểu đầy cảm thông, sự sẻ chia nhọc nhằn; trân thành; và cả cái chất phác của những anh nông dân như đã xua tan đi mọi khoảng cách, mọi sự xa lạ, kéo những người lính chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Đó cái mục làm quen của người lính nó mộc mạc, chất phác và giản đơn lắm các bạn ạ.
Chúng tôi đến đây vì ước mơ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và hi vọng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho muôn nhà, muôn nơi.
Trước khi về đây chúng tôi ai cũng đã từng có cho mình những ước mơ; hoài bão và cả những định hướng riêng cho cuộc đời mình. Nhưng chúng tôi biết chúng tôi hiểu và chúng tôi khao khát biết nhường nào 2 chữ “Tự do”. Bởi vì thể chúng tôi vẫn quyết tâm hòa ước mơ riêng vào ước mơ chung; hi sinh cái tôi cá nhân; bỏ mặc lại quê hương; gia đình; tình yêu lên đường ra chiến trận nhập ngũ; đánh đuổi kẻ thù. Trong lòng chúng tôi cũng buồn lắm chứ, cũng nhớ và yêu quê hương da diết lắm chứ nhưng chúng tôi nhận thức được rõ ràng hơn cả: “Có độc lập quê hương, gia đình mới có thể thanh bình’. Chính động lực đó đã nâng bước những chàng trai trẻ ngày ấy mang súng hăng say ra chiến trận lập công.
Cuộc sống người lính bắt đầu với bao gian khổ, hi sinh và mất mát. Cơm ăn không đủ no, đi nhiều hơn ngủ; hành quân liên tục. Tôi còn nhớ mãi trận sốt rét giữa rừng hoang lạnh giá năm ấy. Những người đồng đội của tôi và cả tôi phải đối diện với căn bệnh quái ác- sốt xuất huyết; lương thực và thuốc men thì không kịp chi viện cho quân đội, chúng tôi cứ thế mê man, sốt run người. Khí hậu khắc nghiệt; địa hình hiểm trở như những con quỷ chỉ chực nuốt trọn những tấm thân gầy gò, xanh xao, bệnh tật ấy. Những đôi bàn tay nắm chặt, động viên an ủi; dìu dắt nhau qua những hang núi hiểm trở. Người ốm cõng người ốm, người ốm chăm sóc cho người ốm; cùng nhường nhau bát cháo loãng húp vội; đắp cho nhau chiếc khăn lạnh giữa chặng đường hành quân. Nhớ lại những tháng ngày đấu tranh nghiệt ngã với bệnh tật với thiên nhiên lòng tôi lại đau xót đến nhói lòng. Trận dịch bệnh năm ấy đã cướp đi của tôi biết bao người đồng đội, các anh nằm lại rải rác trên cung đường hành quân, được đắp vội tấm chiếu và tấm lòng thương tiếc của người ở lại. Và rồi chúng tôi lại tiếp tục lên đường hành quân, tiếp tục chiến đấu và sẻ chia cùng nhau.
Sẻ chia tình thần , sẻ chia vật chất trong cuộc sống gian khó; thiếu thốn của người lính. Áo anh sờn chỉ rách vai thì quần tôi đã có vài mảnh vá. Anh đừng lo, tôi ấm thì anh cũng phải ấm, một chiếc chăn cũng đủ cho đôi ta. Gió bấc ngoài kia cứ việc thét gào còn trong này tình thương ấm ấp của tôi với anh vẫn cứ thể rực sáng, nồng đượm.
Những người lính xa lạ từ mọi miền quê hương qua sự thử thách của đất trời, của khó khăn đã hun đúc nên tình cảm tri kỉ đáng giá, đó là tình Đồng chí. Hai tiếng “Đồng chí” với biết bao ân tình bao nghĩa nặng cao cả.
Đặc trưng của người lính chúng tôi là những cái nắm tay. Nắm tay để động viên nhau cùng cố gắng; nắm tay để kéo nhau đứng dậy, sải bước tiếp trên con đường cách mạng đầy trắc trở, nắm tay để trao nhau tình yêu thương, sự quan tâm và sẻ chia và cái nắm tay để hứa hẹn lập công giành chiến thắng, hẹn không xa sẽ trở lại mang theo niềm vui thắng trận.
Cuộc sống người lính giản dị mà ý nghĩa là thế đó. Người lính không biết nói những câu hoa mĩ, người lính chỉ biết nói cho thực cái bụng của mình, chỉ biết dùng những hành động để thể hiện ý chí và tấm lòng son sắt.
Còn nhớ mãi những đêm canh gác giữa rừng hoang giá buốt năm ấy. Trời thì lạnh buốt; gió cứ từng cơn ào ào; hối hả xả vào mặt tê tái nhưng chúng tôi vẫn thực hiện mọi nhiệm vụ canh gác như thường. Chúng tôi canh gác để đề phòng giặc tấn công bất ngờ; để canh cho giấc ngủ chớp nhoáng yên bình của các đồng đội khác. Ánh trăng đêm nay lên cao qua, sáng quá. Ánh trăng lan tỏa khắp không gian; treo trên mũi súng người lính. Tôi nghĩ đến ánh trăng hòa bình, có lẽ ánh trăng hòa bình sẽ còn đẹp và tròn vành hơn nhiều. Trăng với súng sóng sánh bên nhau phải chăng biểu trưng cho lý tưởng cách mạng cao đẹp, cho dự báo tương lai chiến thắng chẳng xa. Hình ảnh đấy thật đẹp; thật lãng mạn; in sâu trong tâm trí tôi những đêm dài chiến đấu, phục kích và cho đến tận bây giờ…
Đất nước độc lập, thống nhất, chúng tôi trở về quê nhà, có những người lính người đồng đội đã mãi mãi hi sinh đã nằm xuống nhưng tình đồng chí của chúng tôi vẫn mãi vẹn nguyên và đậm đà như thế. Cảm ơn lời thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu đã thay tiếng lòng của tôi gửi đến những người anh em thuở ấy. Tôi mong rằng máu sương của chúng tôi sẽ được thế hệ sau trân trọng và phát triển để dựng xây đất nước ngày càng phát triển và giàu đẹp hơn nữa.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 9 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k