Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Em hãy cảm nhận về đoạn thơ thứ 3 trong bài thơ Tây Tiến

1 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
523
1
0
BK Bamboo
21/09/2018 16:42:19
Theo dòng kí ức, ngược về quá khứ, ta đã bắt gặp không biết bao nhiêu hồn thơ khiến mỗi chúng ta đắm say mê mẩn như lạc vào thế giới đó. Quang Dũng cũng là một nhà thơ như vậy. Ông là người tài hoa, vẽ tài hát giỏi, thơ hay. Ông để lại cho đời nhiều bài thơ với những âm hưởng đặc sắc. Tiêu biểu là bài thơ Tây Tiến mang đậm nét hào hùng, bi tráng pha chất lãng mạn mà ta được học ở chương trình phổ thông. Có thể nói, cả bài thơ là nỗi nhớ về Tây Tiến, về những người đồng đội nhưng nỗi nhớ da diết, lắng đọng nhất lại được nhà thơ tập trung thể hiện rõ nhất ở việc khắc họa chân dung người lính Tây Tiến và sự hi sinh bi tráng của họ ở khổ 3 của bài thơ:
"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
.................
Sông Mã gầm lên khúc độc hành"
Bốn câu thơ đầu là vẻ đẹp phi thường, hào hoa, lãng mạn của người lính Tây Tiến:
"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"
Đoàn quân TT được thành lập vào đầu năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào đánh tiêu hao lực lượng Pháp để bảo vệ biên giới Việt- Lào. Đời sống của các chiến sĩ rất khó khăn, trang bị thiếu thốn đặc biệt bệnh sốt rét hoàn hoành dữ dội. Những người lính chết bệnh nhiều hơn là chết trận.
Mở đầu đoạn thơ bằng một nét phác hoạ đầy ấn tượng về chân dung người lính oai phong, hào hùng:
"Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm"
Cách nói cường điệu ở các cụm từ "không mọc tóc","quân xanh màu lá" để nói đến sự tột cùng của giang khổ. Đoàn quân Tây Tiến không những phải vượt qua nhiều chặng đường gian khổ, nhiều nỗi vất vả và thiếu thốn mà còn phải chịu đựng những cơn sốt rét quái ác khiến cho họ da xanh, tóc rụng. Hình ảnh này cũng được nói đến trong bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu:
"Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán đẫm mồ hôi"
Tố Hữu cũng nói đến bệnh tật của người lính trong bài thơ "Cá với nước":
"Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ"
Tất cả là hậu quả của đời sống thiếu thốn lương thực, chiến đấu xa nhà, chiến trường ác liệt. Chi tiết "dữ oai hùm" miêu tả sự mạnh mẽ, hùng dũng, hiên ngang biểu hiện nghị lực phi thường, kiên cường giống như những con hổ chốn rừng thiêng. Nhà thơ không che giấu sự gian khổ, vất vả, trái lại bằng cái nhìn lãng mạn người lính đẹp một vẻ đẹp phi thường. Quang Dũng sử dụng bút pháp tương phản để miêu tả sự đối lập giữa ngoại hình với nội tâm. Đoàn quân xanh xao bệnh tật nhưng tráng chí vẫn lồng lộng, tư thế vẫn vững vàng. Họ vẫn mang dáng nét oai linh của rừng thẳm.
Phần lớn lính Tây Tiến xuất thân từ những học sinh, sinh viên Hà Nội từ giã giảng đường ra trận. Quang Dũng có những câu thơ tương phản thể hiện đời sống tinh thần của họ:
"Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm"
Hình ảnh "mắt trừng" miêu tả sự tập trung cao độ và đầy quyết tâm đánh giặc để bảo vệ đất nước: đây cũng chính là ý chí quyết tâm của quân dân ta trong những ngày đầu chống Pháp.
Người lính Tây Tiến anh hùng trong chiến đấu nhưng lại rất tế nhị, lãng mạn, hào hoa trong những quan hệ đời thường. Sau bao gian khổ của những chặn đường hành quân, người chiến sĩ Tây Tiến mơ về những "dáng kiều thơm". "Dáng" ở đây là dáng vẻ, dáng người, "kiều" là kiều diễm, là đẹp lại thêm chữ "thơm" gợi sắc nước hương trời, chỉ những người con gái đẹp ở Hà Nội. Nỗi nhớ về hậu phương, về những người thân yêu là tình cảm thường thấy của người lính đi chiến đấu xa nhà. Trong bài thơ "Đồng chí", Chính Hữu nói về nỗi nhớ ruộng nương, giang nhà, giếng nước, gốc đa ở làng quê thân thuộc và Hồng Nguyên trong bài "Nhớ" nói về nỗi nhớ người vợ trẻ vất vả ở quê nhà:
"Nhớ về người vợ trẻ
Mòn chân bên cối gạo canh khuya"
Đây là nỗi nhớ của những người nông dân mặc áo lính bình thường gắn bó với ruộng đồng, thôn xóm. Còn nỗi nhớ của những người thanh niên Hà Nội đi k/c gắn liền với hình ảnh đẹp, thơ mộng của người con gái thành phố quê hương. Đó chính là nét lãng mạn, hào hoa trong tâm hồn người lính. Chính nỗi nhớ ấy là động lực tinh thần để người lính vượt qua gian khổ, hi sinh tất yếu trên những chặn đường chiến đấu.
Bốn câu thơ cuối là cái chết bi tráng của người lính Tây Tiến:
"Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành"
Nghĩ đến một Tây Tiến đã từng chia ngọt, sẻ bùi Quang Dũng bồi hồi nhớ đến những đồng đội đã vĩnh viễn ra đi. Câu thơ: "rải rác biên cương mồ viễn xứ" nói về cái chết, sự hi sinh, chết ở chiến trường, ngã xuống trên đường hành quân của người lính. Câu thơ có những từ cùng trường nghĩa "biên cương- viễn xứ" đã vẻ ra cảnh hắt hiu, vắng lặng: rải rác dọc nơi biên giới Việt - Lào, những nấm mồ của lính xa quê giữa núi rừng heo hút. Nhưng các từ Hán- Việt: "biên cương- viễn xứ" mang sắc thái cổ kính làm giảm đi ấn tượng hãi hùng về cái chết. Ấn tượng thơ bi thảm, buồn và xót xa nhưng hào hùng.
Câu thơ: "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" là một cách nói hoán dụ. Người lính Tây Tiến đã xác định trong chiến đấu sẽ có hi sinh, mất mát và họ chấp nhận "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh" sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Họ ra đi thanh thản không một chút vướng bận, cái chết được xem nhẹ tựa lông hồng.
"Áo bào thay chiếu anh về đất"
Nếu trong hai câu thơ trên với cảm hứng lãng mạn, Quang Dũng đã làm đẹp cuộc đời chiến đấu của người lính bằng những từ ngữ Hán- Việt mang sắc thái cổ kính: "Biên cương, viễn xứ, chiến trường" thì ở đây Quang Dũng vẫn tiếp tục cảm hứng đó. Chiếc chiếu bình thường đưa người chiến sĩ về nấm mộ của anh bỗng trở nên trang trọng, thiêng liêng khi được gọi là "áo bào". Ba từ "anh về đất" cũng là cách nói sáng tạo theo phép nói giảm. "Về đất" không những có nghĩa là đã được chôn xuống đất mà còn như là một sự trở về, một hành động tựu nghĩa của người chiến binh đã hoàn thành nhiệm vụ đối với đất nước về với tổ tiên của một dân tộc anh hùng.
Câu thơ cuối đoạn: "Sông Mã gầm lên khúc độc hành" nói đến sự tiễn đưa của thiên nhiên với tiếng thét hùng trán, dữ dội. Con "sông Mã" một hình ảnh thực đã từng chứng kiến bao buồn vui của người lính TT trở thành biểu tượng cho đất nước. Tiếng sóng nước réo gào của con sông Mã là khúc nhạc bi tráng của đất- trời, núi- sông tổ quốc tiễn biệt người chiến sĩ hi sinh.
Âm điệu trang nghiêm, trầm lắng, mạnh mẽ của câu thơ là cách thể hiện thái độ trân trọng, thành kính, biết ơn của nhà thơ, của nhân dân trước vong linh những người đã khuất.
Hình ảnh đoàn quân TT hiện về rõ nét trong dòng hoài niệm của nhà thơ Quang Dũng. Tám câu thơ ngắn gọn mà hàm súc. Thể hiện tài năng của nhà thơ trong việc dùng từ ngữ, hình ảnh, các biện pháp tu từ khắc hoạ thành công chân dung người lính thời chống Pháp. Qua thơ Quang Dũng họ trở thành những tượng đài nghệ thuật bất tử.
Đoạn thơ đã khắc hoạ trọn vẹn vẻ đẹp người lính TT qua nỗi nhớ không nguôi, tha thiết của nhà thơ. Họ đẹp một vẻ đẹp hào hùng, hào hoa, bi tráng rất đúng với hồn thơ Quang Dũng. Đoạn thơ cũng giúp người đọc hiểu rõ hơn cuộc k/c vĩ đại của dân tộc và những hi sinh, gian khổ của cha anh trong quá khứ.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×