Các bạn đã bao giờ mắc lỗi chưa? Chắc câu trả lời sẽ là “Rồi” đúng không? Trong cuộc đời, mỗi chúng ta khó tránh khỏi một lần mắc lỗi. Điều quan trọng là chúng ta phải biết sửa chữa nó và làm thật nhiều việc tốt để bù đắp cho phần lỗi lầm của mình. Gần đây, tôi đã gặp phải một chuyện đáng nhớ và có lẽ mãi sau này cũng sẽ khó mà quên được. Nó đã cho bản thân tôi một bài học sâu sắc. Chuyện xảy ra như sau:
Vào cuối buổi học, cô giáo phát phiếu thu tiền học phí đến tất cả học sinh trong lớp tôi. Khi về nhà, tôi lập tức đưa phiếu cho mẹ. Đọc xong thì mẹ cẩn thận chuẩn bị tiền cho tôi mang đi nộp. Sáng hôm sau, tôi để số tiền đó trong cặp sách, rồi mang đến lớp. Lúc tổ trưởng bắt đầu truy bài, tôi lấy sách vở trong cặp ra thì phát hiện mình đã quên cuốn bài tập Toán. “Rõ ràng hôm qua mình bỏ nó vào cặp rồi cơ mà”- tôi thầm nghĩ và lục tung tất cả sách vở lên. Lúc đó, tôi thực sự rối trí mà không biết rằng: mình đã sơ ý làm rơi phong bì đóng học phí xuống gầm bàn. Cô bắt đầu thu tiền học, tôi thì cuống cuồng lên, tìm mãi, tìm mãi mà chẳng thấy nó đâu. Cuối cùng, cô cho phép tôi đóng tiền học vào ngày mai. Vậy là nỗi lo lắng bây giờ dồn vào việc biết nói thế nào với mẹ đây, khéo mẹ sẽ cho tôi một trận đòn nhừ tử mất thôi.
Trên đường về, tôi rất hồi hộp, sợ hãi, tìm cách để nói lại với mẹ. Đang đi thì bất chợt tôi thấy một chiếc ví tiền rơi ra từ túi một anh sinh viên. Tên anh thì tôi không biết, nhưng mặt anh thì tôi nhớ rõ. Anh ấy là sinh viên của trường Đại học sư phạm Hà Nội. Hầu như ngày nào anh ấy cũng đi cùng tôi trên chuyến xe buýt về nhà. Mọi sự quan tâm, chú ý của tôi dồn vào chiếc ví vừa bị rơi ra. Tôi hí hửng, mừng thầm trong bụng và tự nhủ: “thế là mình có thể lo được vụ học phí này rồi”. Tôi nhanh tay nhặt chiếc ví, rồi nhẹ nhàng cho ví vào túi quần.
Tối đến, khi tôi đi ngủ, thì cái “hí hửng” khi mới nhặt được tiền đã không còn. Tôi bắt đầu suy nghĩ về cảm xúc của anh sinh viên ban chiều. Có lẽ, nó cũng giống y như cảm xúc của tôi khi đánh rơi học phí. Mặc dù cố lờ ý nghĩ đó đi, nhưng nó cứ không ngừng lảng vảng ám ảnh trong đầu tôi. May là cuối cùng thì cái chăn ấm đã làm tôi nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ.
Sáng hôm sau, khi đến lớp, tôi nộp số tiền nhặt được cho cô. Nhìn mặt tôi cô hỏi “Con có chuyện gì không?”. Cuối buổi học, tôi kể cho cô nghe toàn bộ câu chuyện đã xảy ra. Cô khuyên tôi nên nói thật với mẹ và tìm cách
trả lại số tiền đó. Tôi nhớ như in lời cô dạy: “Giấu diếm sai lầm của mình, lấy đồ của người khác là không trung thực đâu con ạ. Con cần mạnh dạn, dũng cảm đối diện và sửa chữa sai lầm của bản thân. Cô tin mọi người sẽ tha thứ cho con khi con biết nhận ra lỗi lầm của mình”. Và quả thật, khi tôi đem sự việc kể cho mẹ, mẹ đã không mắng tôi. Mẹ chỉ khuyên nhủ tôi và cho tôi tiền để trả lại anh sinh viên đó.
Hôm sau, tôi lên xe buýt về nhà. Như thường lệ, anh ấy cũng đi cùng chuyến với tôi. tôi rụt rè tới gần anh và ngập ngừng giải thích với anh chuyện đã xảy ra, rồi đưa tiền trả cho anh. Anh sinh viên đã vô cùng mừng rỡ. Anh không trách phạt gì tôi mà chỉ đưa ra cho tôi những lời khuyên bảo bổ ích. Lòng tôi chợt thanh thản và nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
Lại một ngày mới đến trường. Bỗng nhiên, Thùy Dương - người bạn ngồi gần bàn tôi chạy lại và hỏi: “Có phải hôm trước cậu đánh rơi một chiếc phong bì màu xanh không? Tớ nhặt được cái phong bì đề tên cậu. Hôm qua tớ nghỉ học nên không mang tới cho cậu được”. Ôi, đúng là may mắn quá. Tôi nhảy cẫng lên và cảm ơn bạn. Cuối cùng thì tôi trả được của rơi cho người đánh mất và cũng tìm lại được đồ bị mất của mình.
Các bạn thấy đấy, nếu chúng ta làm việc tốt thì những điều tốt đẹp sẽ lại đến với chúng ta. Mong là qua câu chuyện này, mỗi bạn học sinh chúng ta đều trung thực, dám nhìn nhận khuyết điểm và sửa chữa sai lầm mà mình mắc phải.