Trải qua hơn 4000 năm văn hiến, lịch sử, đất nước ta đã trải qua biết bao thăng trầm, hưng thịnh từ thời Văn Lang u Lạc, thuở sơ khai dựng nước, cho đến cả ngàn năm bị vó ngựa phương Bắc đô hộ, giày xéo. Nhưng con dân Việt Nam ta, đặc biệt là thế hệ trẻ, có bao giờ khuất phục, công cuộc dựng nước và giữ nước chẳng bao giờ thiếu bóng dáng của những người thanh niên kiêu hùng, không phân biệt nam nữ. Vì thế mà nước ta mới giành lại được độc lập sau hơn ngàn năm khuất nhục, lập lại một kỷ nguyên mới cho đất nước dân tộc. Cho đến gần đây nhất, đó là sự xâm lược, đàn áp nặng nề đến từ các nước đế quốc Pháp và Mỹ, trải qua gần 120 năm tranh đấu quyết liệt, lại một lần nữa nhân dân ta giành lại độc lập, khiến kẻ thù phải khiếp sợ, mà một phần lớn là nhờ công của các thể hệ thanh niên tiếp bước ra sa trường.
Nếu hỏi dũng khí nào, động lực nào đã thúc đẩy thế hệ thanh niên ra sức vì đất nước đến vậy thì câu trả lời duy nhất và hợp lý nhất đó là lòng yêu nước sâu sắc, vốn đã ăn sâu vào máu thịt, trở thành một truyền thống quý báu của nhân dân Việt Nam ta. Có thể nói, chính lòng yêu nước là tiền đề cho những phẩm chất quý giá khác ra đời đó là lòng tự tôn dân tộc, tinh thần hy sinh, kiên cường bất khuất, lòng căm thù quân giặc đến tột cùng, và nhiều phẩm chất khác. Vì tấm lòng cao đẹp, một lòng vì Tổ quốc ấy mà biết bao người chồng, người cha, người anh, người con nối gót nhau bước ra tiền tuyến, xông pha trận mạc. Có ai biết đâu những năm đầu kháng chiến, quân đội ta gian khổ đến chừng nào, Chính Hữu viết trong Đồng Chí như sau: "Áo anh rách vai quần tôi có vài mảnh vá miệng cười buốt giá chân không giày,...". Nghe những câu thơ đó, ta hình dung ra hình ảnh những người thanh niên trai tráng vốn đang yên vị nơi đồng quê, ngày ngày cày cuốc ruộng vườn, thế nhưng vì tấm lòng yêu nước, không muốn Tổ quốc chịu sự chà đạp, nhân dân chịu sự áp bức mà họ sẵn sàng để lại sau lưng gia đình, vườn tược làng xóm, để bước ra chiến trường, cầm súng giết giặc. Rồi những đêm hành quân không ngừng nghỉ đến mức sức lực kiệt quệ, giấc ngủ cũng vội vàng, "Anh bạn giãi dầu không bước nữa.Gục trên súng mũ bỏ quên đời", Quang Dũng đã viết một cách dí dỏm mà cũng chân thực nhất về hình tượng người lính chiến khi xưa trong bài Tây Tiến như thế. Lại nghĩ đến những cơn sốt rét hành hạ đến vàng vọt cả người, nhớ đến những lúc thiếu lương thực, những chàng trai sức dài vai rộng cũng phải lả đi vì đói rét, nhưng chưa bao giờ tấm lòng yêu nước bị phai mờ, mà chỉ càng thêm sâu sắc và thắm đượm hơn trong tâm hồn người lính chiến.
Phải khẳng định rằng lòng yêu nước luôn đi kèm với tấm lòng hy sinh cao cả, quên mình vì Tổ quốc, cũng trong Tây Tiến, Quang Dũng viết "Rải rác biên cương mồ viễn xứ/Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh". Phải vậy, những lớp thanh niên nối bước nhau lên đường chiến đấu, đều mang một tấm lòng tự nguyện, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Họ ra đi đầu không ngoảnh lại, vẫn biết mai sau có lẽ là da ngựa bọc thây hay nằm xuống nơi vắng vẻ, không người thân thích. Nhưng chính sự quyết tâm, sự hi sinh cao cả đó là bằng chứng đanh thép nhất để chứng minh cho tấm lòng yêu nước nồng nàn của thế hệ trẻ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thực sự tôi rất biết ơn và cảm phục tinh thần hy sinh của thế hệ cha anh đi trước, nhờ những nỗ lực, can trường, sự dũng cảm quên mình ấy mà chúng ta mới có được nền độc lập như ngày hôm nay. Được ăn học, được sống hạnh phúc trong vòng tay gia đình nhà trường và xã hội, được có tự do, bình đẳng, có quyền sống quyền được mưu cầu hạnh phúc. Tất cả đều là được đổi từ máu xương và nước mắt của những thế hệ thanh niên đi trước, nhờ vào tấm lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc sâu sắc của cha ông mà ta mới có ngày hôm nay đây.
Vậy, thế hệ trẻ ngày hôm nay phải có trách nhiệm như thế nào với Tổ quốc để thể hiện tinh thần yêu nước vốn là truyền thống quý báu của dân tộc từ bao đời nay? Hiện nay, đất nước ta tuy đã hưởng trọn nền độc lập, nhưng các bạn trẻ vẫn phải luôn có ý thức về trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, sẵn lòng hi sinh cho Tổ quốc khi đất nước gọi tên, không được phép trốn tránh hay sợ hãi. Phải luôn luôn cảnh giác và đề phòng với các thế lực thù địch có ý đồ chống phá Đảng và nhà nước ta, phải giữ lập trường tư tưởng chính trị đúng đắn, tránh nghe những lời dụ dỗ kích động mà phản bội lại niềm tin của xã hội, nhà nước. Chiến tranh đã qua đi nhiều năm, việc cấp bách hiện tại là xây dựng đất nước ngày một vững mạnh để sánh vai cùng với các cường quốc năm châu như lời Bác đã căn dặn. Lực lượng thanh niên chính là lực lượng nòng cốt trong công cuộc xây dựng đất nước, với lứa tuổi học sinh việc đầu tiên cần làm là phải chăm ngoan học hành, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức để tương lai trở thành những cá nhân ưu tú đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Thêm vào đó, cần hằng ngày nhắc nhở bản thân phải ghi nhớ công lao của các thế hệ cha anh đi trước, luôn bồi dưỡng và củng cố tấm lòng yêu nước, lòng yêu hòa bình. Tham gia vào các công tác phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, đặc biệt là nuôi dưỡng tâm hồn một cách tích cực, hướng thiện, luôn bao dung và giúp đỡ người khác, mà đầu tiên chính là gia đình, bạn bè, thầy cô,... Có như thế mới có thể hoàn thành trách nhiệm của thế hệ trẻ chúng ta trong thời đại mới, thời đại hội nhập và phát triển.
Lòng yêu nước vốn là một truyền thống quý báu của dân tộc ta đã có từ bao đời nay. Thế hệ trẻ chính là thế hệ cốt lõi của một dân tộc, một đất nước quyết định sự tồn vong hưng thịnh, chính vì vậy, việc ý thức được tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc và trách nhiệm của mình với Tổ quốc là vô cùng cần thiết. Đó là giá trị cơ bản, là những tiền đề quan trọng nhất để đưa đất nước ngày càng phát triển vững mạnh, đi lên. Hy vọng rằng các bạn trẻ, không phân biệt nam nữ, dân tộc, tôn giáo đều đồng lòng tiếp thu những giá trị tốt đẹp ấy và hoàn thành nghĩa vụ cao cả của mình với nhân dân với đất nước.