Danh lam thắng cảnh
Ngoài Mũi Né-Hòn Rơm, Đồi Dương-Thương Chánh là những bãi tắm đã được nhiều người biết đến, đồi cát, Suối Tiên, Bàu Trắng, chùa núi Tà Cú là nơi thu hút du khách, bởi lẽ mỗi địa danh này đều có nét độc đáo riêng. Bình Thuận hiện còn có những thắng cảnh khác trong đất liền (hồ Biển Lạc, suối Đá, suối nước nóng Vĩnh Hảo…) nhưng chưa có chiến lược quảng bá nhiều đến với du khách.
Lễ hội văn hóa Cộng đồng các dân tộc ở Bình Thuận đang sở hữu một khối lượng di sản văn hóa to lớn, nhất là lễ hội truyền thống. Những lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số luôn tạo sự thu hút đặc biệt. Người Chăm có lễ hội Katê, người Hoa có lễ hội nghinh Ông, gần đây, ngoài những lễ hội văn hóa chung của dân tộc, người Việt còn có thêm lễ hội Dinh Thầy Thím. Trước đây, các lễ hội đó chỉ được tổ chức trong lòng cộng đồng mỗi dân tộc. Ngày nay, với mục đích lưu truyền, phát huy và nhất là tạo thêm thế mạnh cho ngành du lịch, chính quyền Bình Thuận bảo trợ để phục dựng, tổ chức các lễ hội đó theo chuỗi lễ hội, tức là sẽ có nhiều lễ hội được tổ chức gần thời điểm. Các lễ hội mang tính hiện đại được tổ chức hằng năm là Đua thuyền mừng xuân (mùng hai tết Nguyên Đán), Rước đèn đường phố (tết trung thu). Gần đây, Lễ hội du lịch tầm vóc mang tên "Hội Tụ Xanh" (Home by the Sea) được tổ chức vào ngày 25 tháng 10 năm 2005 để kỷ niệm 10 năm du lịch Bình Thuận và dự định sẽ tiếp tục tổ chức định kỳ. Tuy nhiên, Bình Thuận chủ trương tổ chức không theo kiểu "Festival Huế" như các địa phương khác.
Công trình kiến trúc-nghệ thuật và di tích lịch sử Hiện nay, công trình kiến trúc được coi là biểu tượng của tỉnh Bình Thuận và thành phố Phan Thiết là tháp nước Phan Thiết. Tháp này nằm tại trung tâm thành phố Phan Thiết bên bờ bắc sông Cà Ty. Có thể thấy hình ảnh tháp này trên biểu trưng chính thức của tỉnh Bình Thuận, các ấn phẩm sách báo, biểu trưng của một số doanh nghiệp Bình Thuận (đặc biệt là các cơ sở sản xuất nước mắm). Bên cạnh đó, các nhóm tháp Chăm (Pô Dam, Pôshanư) là những công trình kiến trúc tiêu biểu ở Bình Thuận- vùng đất cực nam của vương quốc Chăm Pa. Bình Thuận hiện còn các đình làng mang đậm nét văn hóa Việt như đình Đức Thắng, Đức Nghĩa, Xuân An, Xuân Hội... Ngoài ra, những công trình khác đáng quan tâm là Vạn Thủy Tú, hải đăng Khe Gà, tượng phật nằm trên núi Tà Cú, trường Dục Thanh…
Ẩm thực Nguồn tài nguyên biển dồi dào đã cung cấp nhiều sản vật để chế biến ra nhiều loại thức ăn phong phú. Hai loại đặc sản của Bình Thuận từ lâu đã có tiếng trên thị trường trong nước và xuất khẩu là nước mắm Phan Thiết và trái thanh long. Vài năm gần đây, người ta biết nhiều đến một món ăn với cái tên lạ xuất phát từ Bình Thuận, đó là "mực một nắng". Ngoài ra, các món ăn thú vị khác được phân bổ theo từng vùng trong tỉnh như: bánh xèo, bánh căn ở đường Tuyên Quang (Phan Thiết), bánh hỏi, bánh tráng ở trị trấn Phú Long (Hàm Thuận Bắc), cháo hàu, hải sản tươi ở khu vực Hàm Tiến-Mũi Né, bánh cốm, bánh rế (Bắc Bình) … Ở hầu hết các resort lớn, các món ăn của nhiều nước trên thế giới như Nga, Pháp, Ý, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… được các đầu bếp bản địa trực tiếp thực hiện để phục vụ du khách.