Thế Lữ ( 1907 - 1989 ) tên khai sinh là Nguyễn Thứ Lễ, quê ở Bắc Ninh ( nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội ), là nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào thơ mới chặng đầu. Với một hồn thơ dồi dào, đầy lãng mạn, ông đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới thơ ca và được xem là người cắm ngọn cờ chiến thắng cho Thơ mới, " dựng thành nền Thơ mới ở xứ này" ( Hoài Thanh ).
Ngoài sáng tác thơ, Thế Lữ còn viết truyện trinh thám, truyện kinh dị, truyện đường rừng lãng mạn,... Sau đó, ông chuyển hẳn sang hoạt động sân khấu và là một trong những người có công đầu xây dựng ngành kịch nói ở nước ta. Ông đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000. Các tác phẩm chính: Mấy vần thơ ( thơ, 1935 ), Vàng và máu ( truyện, 1934 ), Bên đường Thiên lôi ( truyện, 1936 ), Lê Phong phóng viên (truyện, 1937 ),...
Thơ ông mang tâm sự thời thế đất nước nhưng không bế tắc, u buồn mà là tiếng thơ thiết tha bi tráng. "Nhớ rừng" được in trong tập "Mấy vần thơ" có thể xem là bài thơ hay nhất trong đời thơ Thế Lữ và cũng là một trong những bài thơ hay nhất trong phong trào Thơ mới. Cái mới của bài thơ vừa ở hình thức nghệ thuật vừa ở nội dung cảm xúc.
Về Nghệ thuật: Bài thơ được viết theo thể thơ tự do, mỗi câu tám chữ, gieo vần liền, vần bằng, vần trắc hoán vị liên tiếp dều đặn tạo nên giọng thơ vừa tha thiêt vừa hào hùng.. Cách ngắt nhịp trong bài thơ rất linh hoạt. Khi ngắn ( đoạn 3 ), khi dài ( đoạn 2 ), khi dồn dập gấp gáp, khi dàn trải đều đặn, khi tha thiết, say xưa, lúc xót xa nuối tiếc... tất cả đều góp phần thể hiện những cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình - vị chúa sơn lâm, cũng chính là nỗi niềm của cả một thế hệ. Giọng điệu thơ đa dạng, biến hóa mà lại nhất quán, liền mạch. Ngôn ngữ thơ có nhiều sáng tạo, sinh động, gợi cảm. Nhiều câu thơ vắt dòng, nhiều biện pháp tu từ, nhân hóa, ẩn dụ, tương phản, điệp ngữ. Những dòng thơ giàu hình ảnh, nhạc điệu, câu chữ táo bạo, khiến " ta tưởng chừng thấy những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường như nhà phê bình văn học Hoài Thanh từng nói.
Về nội dung: Đây là một khúc trường ca bi tráng của con hổ nhớ rừng xanh. Thế Lữ không chỉ tạo hình một mãnh hổ oai linh mà còn diễn tả thành công tâm trạng phong phú trong nỗi nhớ rừng da diết khôn nguôi của nó.
Sử dụng thủ pháp tương phản nhuần nhuyễn, xuyên suốt bài thơ, Thế Lữ đã dựng lên một khung cảnh vừa rất thực vừa ẩn chứa những điều thầm kín sâu xa. Con hổ hình tượng trung tâm trong bài - vị chúa tể rừng xanh với vẻ oai phong, lẫm liệt, đầy kiêu hãnh trong quá khứ. Giờ đây đang từng ngày gặm nhấm nỗi buồn chán và tẻ nhạt trong cũi sắt, bị giam cầm, bị mất tự do, bị hạ bệ và chế giễu.
Song ý thức được vị thế oai linh rừng thẳm nên dẫu sa cơ, con hổ vẫn giữ trọn cho mình niềm kiêu hãnh. Cái thế giới quanh nó đều trở thành tầm thường, thảm hại. Trong mắt nó con người cũng chỉ là một lũ " ngạo mạn ngẩn ngơ", bọn gấu thì " dở hơi", cặp báo thì " vô tư lự". Nó không chịu hạ mình với thế giới hiện tại, còn trong quá khứ, núi rừng đại ngàn là thế giới của riêng nó. Trong thế giới ấy, nó tự tin đối diện và làm chủ cả vũ trụ với những đêm trăng vàng, những bình minh, những ngày mưa và cả những chiều lênh láng máu.
Bề ngoài con hổ như buông xuôi, chấp nhận cảnh sa cơ, tuyệt vọng trước hoàn cảnh: " Ta nằm dài trông ngày tháng dần qua". Nhưng thực chất ẩn sâu trong lòng nó là một khối căm hờn, là niềm " uất hận ngàn thâu". Nó mất tự do nhưng không khuất phục, không để mất đi niềm kiêu hãnh của vị chúa tể muôn loài. Đặc biệt sống trong tù hãm, nhục nhằn, thể xác bị giam cầm nhưng trong trái tim, trong tâm hồn mãnh hổ vẫn ngân lên giai điệu ngọt ngào của tình thương nỗi nhớ về những ngày xưa. Tâm hồn nó vẫn tha thiết với tiếng gọi rừng xanh, tiếng gọi tự do. Chính điều đó thể hiện sự chối bỏ hiện thực tù túng, ngột ngạt, giả dối trong hiện tại một cách gay gắt.
Từ việc mượn lời con hổ nhớ rừng xanh, tác giả đã thể hiện tâm sự u uất của thế hệ mình, thời đại mình. Đó là niềm uất hận đối với hiện thực xã hội tù túng, ngột ngạt. Một hiện thực khiến họ chán ghét, muốn chối bỏ nó. Họ khao khát mãnh liệt được vươn tới cái phóng khoáng, tự do. Bài thơ đã nói lên tiếng nói của cái tôi đòi giải phóng, cái tôi dám phủ nhận thực tại, muốn khẳng định mình. Đồng thời, Nhớ rừng còn gửi tâm sự yêu nước thầm kín của người dân Việt Nam mất nước thuở ấy.
So với những thi phẩm của các nhà thơ mới nổi tiếng cùng thời, Nhớ rừng của Thế Lữ có điểm chung là đều bế tắc trước cuộc sống thực tại, chán ghét sự tù túng, chật hẹp của nó, muốn thoát li khỏi nó để tìm đến với một thế giới tinh thần khác. Song điềm khác chính là xu hướng thoát li, Xuân Diệu, Tế Hanh, Hồ DZếnh thì tìm đến với tình yêu như Xuân Diệu đã từng giục giã: " Nhanh với chứ, vội vàng lên với chứ / Em! Em ơi! Tình non sắp già rồi". Lưu Trọng Lư tìm đến nỗi sầu rụng: " Em không nghe mùa thu / Dưới trăng mờ thổn thức". Chế Lan Viên tìm đến với tinh cầu giá lạnh: " Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh / Một vì sao trơ trọi cuối trời xa". Nguyễn Bính lại tìm đến với sự chân quê nơi thôn dã....Còn Nhớ rừng của Thế Lữ là bài thơ hoành tráng về con người thời đại đầy chất lãng mạn trữ tình. Đặc biệt trong đó còn kín đáo gửi nỗi niềm yêu nước, hoài niệm về quá khứ hào hùng oanh liệt của cha ông. Đây cũng chính là điểm tiêu biểu của bài thơ.
Có thể nói Nhớ rừng vừa là khát vọng về thiên nhiên, tự do phóng khoáng, khát vọng làm chủ giang sơn, vừa là tiếng thở dài mang ý nghĩa vĩnh biệt một thời oanh liệt. Nhưng Nhớ rừng cũng là một tuyên ngôn quyết liệt không hòa nhập với thế giới giả tạo cho dù thời oanh liệt trong quá khứ đã lùi xa