Hạt gạo là kết quả của sự kết tinh những gì tinh túy nhất hình thành nên, là vị phù sa của sông Kinh Thầy, là hương sen thơm trong hồ nước đầy, thậm chí còn có cả tình cảm của những người mẹ trong đó, là lời mẹ hát ngọt bùi đắng cay. Những ngày này, miền Bắc đang phải chịu thời tiết rất khắc nghiệt: trời nắng nóng và thời tiết rất khô. Ngồi làm việc trong phòng điều hòa, tôi bỗng nhớ tới những người lao động đang vất vả mưu sinh ngoài kia đặc biệt là các bác nông dân, những ngày này đang phải vất vả thu hoạch những hạt gạo. Với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, hình ảnh hạt gạo là một hình ảnh rất thân thuộc trong đời sống hàng ngày. Tôi bỗng nhớ tới một bài hát từ lâu đã đi sâu vào lòng người “Hạt gạo làng ta” của nhạc sĩ Trần Việt Bình – phổ thơ Trần Đăng Khoa.
“Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay...”
Hạt gạo là kết quả của sự kết tinh những gì tinh túy nhất hình thành nên, là vị phù sa của sông Kinh Thầy, là hương sen thơm trong hồ nước đầy, thậm chí còn có cả tình cảm của những người mẹ trong đó, là lời mẹ hát ngọt bùi đắng cay.
. “Hạt gạo làng ta
Có công các bạn
Sớm nào chống hạn
Vục mẻ miệng gàu
Trưa nào bắt sâu
Lúa cao rát mặt
Chiều nào gánh phân
Quang trành quết đất".
Nghe tới đoạn này của bài hát, tôi bỗng nhớ tới cách đây khoảng hơn 10 năm, khi mà tốc độ đô thị hóa nông thôn chưa phát triển như bây giờ, khu nhà tôi ở có rất nhiều đồng ruộng. Vào thời điểm đó, tôi mới chỉ là một cô bé hơn 10 tuổi, tôi cùng các bạn hay đi ra chơi ở những cánh đồng. Và rất may mắn, tôi có cơ hội được chứng kiến quang cảnh khẩn trương lao động sản xuất của những người nông dân Việt Nam, rất chân thật như những lời thơ của chú Trần Đăng Khoa “tát nước vào ruộng, bắt sâu cho lúa, gánh phân đổ vào ruộng…”.
Giờ cánh đồng ngày nào đã không còn nữa mà thay vào đó là trường học, là các dự án, khu đô thị nhà ở cao tầng, bể bơi… Người nông dân làng tôi bây giờ đã bỏ ruộng, tôi cảm thấy có một sự tiếc nuối, tôi mong rằng tốc độ đô thị hóa sẽ không quá phát triển để nông thôn Việt Nam, người dân nông thôn vẫn giữ được những nét riêng, bản sắc riêng vốn có của nó trong đó có cánh đồng và những hạt gạo.
Ở đoạn kết của bài hát, tác giả có nhắc tới:
“Hạt gạo làng ta
Gửi ra tiền tuyến
Gửi về phương xa
Em vui em hát
Hạt vàng làng ta...”
Chỉ đơn giản hai câu “Gửi ra tiền tuyến và gửi về phương xa”, hai câu thơ tưởng chừng như rất đơn giản ấy nhưng nó chứa đựng nỗi đau và sự mất mát, sự hi sinh xương máu của biết bao thế hệ đi trước trên con đường gửi hạt gạo ra tiền tuyến và gửi về phương xa ấy.
Bài hát “Hạt gạo làng ta” là sự ca ngợi vẻ đẹp của hạt gạo, ca ngợi vẻ đẹp của những người nông dân, được sáng tác từ năm 1971, trải qua hơn 40 năm bài hát vẫn giữ được vị trí quan trọng trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Điều đáng buồn thay, hình ảnh của người nông dân trong suốt hơn 40 năm qua gần như không có nhiều thay đổi, vẫn là một sự vất vả, hi sinh, một nắng hai sương để sản xuất ra những hạt gạo. Tôi nghĩ rằng nền nông nghiệp Việt Nam chưa đạt được sự phát triển như Nhật Bản, Mỹ…vì chúng ta đang ngày càng thiếu đi những người nông dân có tri thức tốt. Thế hệ trẻ như chúng tôi, nếu như hỏi 100 bạn, tôi tin chắc có đến 99 bạn không chọn theo nghề nông nghiệp vì từ nhỏ chúng tôi đã được giáo huấn rằng “cố gắng học thật giỏi để thoát cảnh làm nghề nông”.
Và chúng tôi đã cố gắng học để trở thành những bác sỹ, kỹ sư, giáo viên, người làm kinh doanh, kế toán… Giờ đây tôi nuối tiếc vì đã không chọn nghề nông, không được góp phần nhỏ bé của mình để phát triển nền nông nghiệp Việt Nam để góp phần làm cho hạt gạo tốt hơn cả về chất lượng và sản lượng để có thể tăng giá trị xuất khẩu và cạnh tranh được với hạt gạo của nhiều nước khác.