Dòng văn học hiện thực phê phán là một trong những dòng văn học tiêu biểu của Việt nam vào đầu những năm 20-30 của thế kỉ XX. Dòng văn học này nổi lên với những tên tuổi đình đám như Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Phạm Duy Tốn… Trong các phẩm của các nhà văn này, Sống chết mặc bay là tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn cho Phạm Duy Tốn, cũng là tác phẩm tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán.
Ngay từ đầu, tên của tác phẩm đã gây ấn tượng với độc giả “sống chết mặc bay”. Tên tác phẩm được lấy từ vế trước của câu tục ngữ “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Đây là câu tục ngũ dùng để chỉ thái độ của bạn thầy lang, thầy cúng trong xã hội cũ. Nó còn dùng để chỉ những người vô trách nhiệm chỉ biết hưởng lợi, chỉ biết đến bản thân mình, làm sao cho mình vui vẻ mà không quan tâm đến người khác ra sao, họ chỉ quan tâm đến bản. Tác giả cố tình chọn phần đầu của câu tục ngữ mà không sử dụng cả câu bởi ông muốn kích thích trí tò mò của người đọc, thu hút người đọc hướng đến câu chuyện của mình.
Tác phẩm được mở ra với một không gian rộng lớn, tối om nhưng không khí lại rất vội vàng, khẩn trương, trong đó còn có cả sự gấp gáp của con người nơi đây: “Gần một giờ đêm. Trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên to quá; khúc đê làng X thuộc phủ X xem chừng núng thế lắm, hai ba đoạn đê thẩm lậu rồi, không khéo thì vỡ mất.” Ngược lại, là không khí nhỏ hẹp, sáng trưng với đèn đuốc trong đình, con người lại ung dung, nhẹ nhàng không hề ăn nhập với không khí ngoài kia của dân con: “Bên cạnh ngài, bên tay trái bát yến hấp phèn, để trong khay khảm, khói bay nghi ngút…hai bên nào là ống thuốc bạc, trông mà thích mắt”.
Phạm Duy Tốn dường như đã hóa thân thành người đạo diễn tài ba hơn người. Ông làm nên một đoạn phim với hai cảnh phim song song nhưng đối lập nhau hoàn toàn ở mọi phương diện. Với cảnh ngoài đê, nhân vật chính là dân chúng; không khí nơi đây khẩn trương, vội vã, con người chật vật để chống chọi lại với thiên nhiên. Mặt khác, cảnh trong đình, nhân vật chính là quan phụ mẫu; không khí lại rất nhẹ nhàng, con người vui vẻ với việc ăn chơi đàn điếm. Hai cảnh tuy là song song nhưng lại rất cần tới nhau, cái này cần cái kia tới cứu giúp. Người trong đình là nơi có thể giải quyết mọi việc giúp nhân dân bên ngoài những dường như họ cảnh bận tâm bất cứ điều gì ngoài tổ tôm, bài bạc. Có lẽ, chính thiên nhiên cũng biết người đân nơi đây không có quan phụ mẫu quan tâm nên càng ra sức bắt nạt, làm khó dân con nơi đây. Ngược lại hoàn toàn với cảnh đó cách vài trăm thước, trong đình đèn điện sáng trưng nhộn nhịp người đi lại, quan phụ mẫu chễm chệ có lính gãi chân, có lính quạt hầu, thản nhiên đánh bài: “Một người quan phụ mẫu uy nghi, chễm chệ ngồi. Tay trái dựa gối xếp, chân phải duỗi thẳng ra, để cho tên người nhà quỳ ở dưới đất mà gãi. Một tên lính lệ đứng bên cầm quạt lông chốc chốc sẽ phẩy. Tên đứng khoanh tay trực hầu điếu đóm…”. Buồn cười làm sao, có những con người đang phải chống chọi để giành lấy sự sống từ thiên nhiên ngược lại là người an nhàn, ngồi chơi như không phải việc của mình. Hai hình ảnh tương phản làm sao: sự khốn khổ, điêu đứng của người dân và sự ung dung, an nhàn vô trách nhiệm của tên quan “phụ mẫu”.
Bộ mặt thật của quan phụ mẫu nơi đây đã lộ, bản chất vô nhân đạo, lối sống “sống chết mặc bay” của quan huyện cũng đã lộ rõ dưới ngòi bút sắc sảo của Phạm Duy Tốn. Mưa bão và sinh mạng hàng ngàn con dân không bằng một trăm hai mươi lá bài. Không khí trong đình vẫn im lặng, chẳng có chút không khí vỡ đê, đắp đê nào cả chỉ đôi khi nghe tiếng quan gọi “điếu mày”, tiếng “dạ”, tiếng “bốc”, “Bát sách! Ăn…” Quan sung sướng, cười hả hê, đắc chí và cũng chính lúc ấy “nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết”…
Với việc sử dụng thủ pháp đối lập tương phản và nghệ thuật xây dựng tình huống truyện; cùng giọng văn thay đổi liên tục khi thiết tha xúc động, khi cay độc, mỉa mai. Tác phẩm là lời tố cáo đanh thép nhất cho sự thối nát của bọn chính quyền phong kiến chèn ép, đàn áp con dân của mình. Để cho dân chúng tự sinh tự diệt, sống chết mặc bay. Qua đó, tác giả đã bày tỏ thái độ chán ghét lên án với chế độ đương thời và niềm thương xót nhân dân vô tội.