Mỗi lần đọc lại bài thơ này của Đoàn Văn Cừ trong dịp Tết mình không khỏi xót lòng nuối tiếc về một không khí chợ Tết và không khí Tết rất truyền thống, rất dân dã và rất Việt không bao giờ trở lại nữa. Gần một thế kỷ trôi qua, thi phẩm vẫn chinh phục người đọc, đưa người đọc đến những cảm xúc đặc sệt, hồn nhiên của Tết quê, tết Việt. Cái phiên chợ Tết ấy là gương mặt tinh thần, là nét văn hóa, là điệu hồn riêng của Tết dân tộc lắng đọng từ ngàn đời nay. Những ký ức, những hoài niệm về Tết xưa – Tết của tuổi hoa niên trong lòng mình lại ùa về. Một phiên chợ tết, đợi một chiếc áo mới, thức suốt đêm giao thừa ngồi trông nồi bánh chứng, háo hức nghe tiếng pháo lúc giao thừa, hay là đợi mấy đồng tiền lẻ mừng tuổi đi mua bóng bay… là những điều còn mãi trong lòng mình về một cái tết quá đậm đà, quá ấm áp. Những dư vị tết ấy sẽ còn là ấn tượng khó phai, bám rễ sâu xa trong trái tim mình, dù vẫn biết chỉ là “một thời vang bóng” (chữ dùng của Nguyễn Tuân).
Trở lại bài thơ “Chợ Tết” và những dấu ấn Tết xưa, Tết Việt trong đó. Cả thế giới nghệ thuật bài thơ là thế giới của không gian và không khí Tết Việt qua một phiên chợ rất bình thường ở miền trung du. Từ màu sắc, đến các hoạt động, sự vật đều là Tết cả, rất đặc trưng, đặc sản như một mảnh hồn dân tộc lại hiện về. Đậm đặc nhất và nổi bật nhất là ấn tượng về sắc màu chợ Tết, cũng là sắc màu Tết. Những màu sắc này như một sợi chỉ xuyên suốt, chạy dọc bài thơ tạo nên bao nhã thú, tác động mạnh đến cảm quan người đọc. Đầu tiên là những màu sắc của thiên nhiên, có lẽ được chủ thể trữ tình quan sát trên đường đi đến chợ. Màu sắc ấy phong phú, đa dạng và được miêu tả sống động, tràn trề sinh lực xuân xanh. Đó là màu mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi, màu sương hồng lam, màu trắng của con đường chạy quanh đồi xanh như một nét viền xinh xắn; là màu cỏ biếc non tơ, màu sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa, là tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa, là màu xanh của núi như chiếc áo the, màu đỏ của đồi như thoa son… Đoàn Văn Cừ đã sử dụng những gam màu nguyên, đậm, hòa phối tinh tế. Màu đỏ, xanh và trắng là ba sắc chủ đạo tạo nên vẻ tươi tốt, sinh động, vui vầy, hân hoan và phồn thịnh của thiên nhiên ngày giáp tết. Thiên nhiên, vạn vật đang tưng bừng nâng bước chân người tới chợ tết để đem về nhà không khí và sản vật ngày tết rất cổ truyển. Cách miêu tả độc đáo qua nghệ thuật so sánh (Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh/ Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh), nhân hóa (Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh; Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa), cùng hệ thống động tử khiến cho khung cảnh hiện ra vừa đơn sơ, vừa tinh tế, vừa bình dị lại vừa huy hoàng, vừa sống lại vừa động. Tất cả đều rộn ràng, đều hối hả vận động, cựa mình chuyển sang xuân. Khung cảnh lại được tắm trong ánh bình minh nên càng rực rỡ, lấp lánh trong sự tinh khôi, trong trẻo, mướt mà.
Hòa trong sắc màu muôn vẻ của thiên nhiên đẹp tươi là sắc màu trang phục của con người và sản vật đa sắc trong chợ Tết. Đó là màu yếm thắm, màu con bò vàng ngộ nghĩnh, màu đỏ của giấy dó viết câu đối, màu vàng hương của chú hoa man (người làm hàng mã), màu nâu của khăn áo, màu của những bức tranh gà, lợn, màu đỏ hồng của sắc pháo, màu đỏ chót tựa son pha của những mẹt cam, màu trắng như tuyết của thúng gạo nếp… Những sắc màu của cuộc sống đều hiển hiện thật sắc nét. Gam màu đỏ, đậm vẫn được sử dụng như một màu chủ đạo để tạo nên màu chợ Tết. Bởi trong quan niệm dân gian màu đỏ vẫn được coi là màu của may mắn, phúc lộc cho năm mới. Màu đỏ của chợ Tết là màu của hy vọng, của niểm vui, sự trông đợi. Đó là sắc màu văn hóa ngời lên mỗi gương mặt, mỗi dáng hình, mỗi tà áo hay một sản vật bình dị ở chợ quê ngày tết. Sắc màu ấy cũng là vẻ đẹp của hồn người, của nét văn hóa người nguyên khối, tinh khôi và hồn nhiên nhất. Cái yếm thắm kia cũng chính là vẻ đẹp thắm tươi của mỗi người khi đến chợ. Bởi chợ Tết với người Việt xưa đâu chỉ là mua sắm mà còn là nơi gặp gỡ, hẹn hò cho nên đến chợ cũng là lúc mỗi người chuẩn bị những thứ đẹp nhất, tươi nhất để hòa cùng mọi người tạo nên vẻ đẹp cho phiên chợ quê, cho làng quê và làm nên vẻ đẹp dân tộc. Song ấn tượng nhất với mình vẫn là cái màu tóc của bà cụ bán hàng:
“Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau”
Màu tóc trắng phau phau của mái tóc người già là bình thường nhưng cách nói của Đoàn Văn Cừ mới hay làm sao, mới tế vi làm sao! Tác giả đã nhìn mái tóc ấy là sản phẩm của nước thời gian gội. Cái nhìn ấy cho thấy chiều sâu của những quan sát và trải nghiệm. Nó vừa là sản phẩm của thời gian nước phủ, của tuổi tác nhưng nó cũng là chứng nhân, là một hằng số văn hóa người trước thời gian. Mái tóc trắng của bà cụ bán hàng ấy đã trải qua bao thăng trầm biến đổi, bao vất vả lo toan. Bất chấp sự nghiệt ngã của thời gian trôi chảy, bà cụ bán hàng vẫn ngồi đấy, vẫn mang những món hàng đặc trưng đến chợ tết cũng là đến tết của mỗi nhà. Hình ảnh thơ gợi bao suy tư trong lòng người đọc về vẻ đẹp thuần hậu, chất phác mà ngời sáng, vĩnh hằng của con người Việt, văn hóa truyền thống Việt Nam. Bà cụ già ấy và bao con người trong chợ tết này khiến ta nhớ đến một thời, tìm về những vẻ đẹp xa xưa, rất cũ, rất lâu, rất sâu của người Việt Nam. Sự phúc hậu, thuần phác, lam lũ, đảm đang, đời thường mà bền bỉ, khắc sâu, tỏa rạng cho cả một thời và muôn đời. Đọc câu thơ, mình chợt nhớ đến những vẻ đẹp rất người, rất Kinh Bắc và rất Việt của hình ảnh trong bài “Bên kia sông Đuống” – Hoàng Cầm:
“… Những nàng môi cắn chỉ quết trầu
Những cụ già phơ phơ tóc trắng
Những em sột soạt quần nâu
Bây giờ đi đâu về đâu
Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng…”
Phải chăng có sự đồng điệu của hai tâm hồn Việt trong hai hồn thơ khi cùng cảm nhận về vẻ đẹp con người Việt và văn hóa Việt muôn đời?
Cấu tứ của bài thơ cũng là một sự sáng tạo rất đặc sắc. Toàn bộ bài thơ được cấu trúc theo hai chiều đan cài, giao hòa: không gian và thời gian. Theo chiều không gian ta sẽ thấy một hành trình đến chợ tết của những người thôn dã xứ Việt: Đi chợ qua con đường mòn quanh những đồi xanh, qua đồng lúa; rồi sau đó đến cổng chợ với người mua kẻ bán; và thâm nhập sâu hơn vào chợ với những hàng quán, với những con người cụ thể, tiêu biểu tụ họp làm nên chợ tết; để rồi kết lại ở con đường về khi chợ đã vãn, đã tàn với “Những người quê lũ lượt trở ra về”. Nếu chiều không gian là những sợi ngang của tấm lụa “Chợ Tết” thì chiều thời gian như những sợi dọc hoàn thiện kết cấu của phiên chợ thơ rất đặc sắc này. Mở đầu là một buổi sáng lung linh ánh nắng tía của buổi bình minh, của không khí thanh khiết; đến giữa bài – đoạn miêu tả cụ thể cảnh chợ - là thời gian chính diễn ra chợ tết khoảng từ nửa buổi đến xế bóng chiều; để rồi phiên chợ tết khép lại trong màn đêm buông. Thực tế cách cấu tứ này hoàn toàn theo trình tự quan sát và diễn tiến của phiên chợ nhưng nó vẫn tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn vì rất tự nhiên như không có sự sắp đặt nào. Người đọc không có cảm giác đang đọc một bài thơ mà họ như được sống, được đồng hành cùng bao người trên hành trình đi chợ tết, sắm tết, gặp gỡ, hòa mình trong không khí náo nhiệt, háo hức chuẩn bị cho mấy ngày tết thiêng liêng. Có những niềm vui, có những chờ đợi, có cái náo nức, mê say nhưng cũng không ít tiếc nuối khi tàn chợ. Cảm nhận của tác giả cũng là cảm nhận của tất cả chúng ta, của người xưa và người nay khi được bơi lội thả sức trong thế giới nghệ thuật – thế giới cái đẹp văn hóa của “Chợ Tết” Việt.
Nhưng có lẽ thành công nhất, điều kỳ diệu nhất của bài thơ để tạo nên sức sống và sức tác động của thi phẩm này là cái không khí Tết hay nói đúng hơn là không khí chuẩn bị cho tết mà nó gợi lên, nó dựng dậy. Trỗi nhất trong bài thơ vẫn là ấn tượng về một phiên chợ quê với bao sản vật “thượng vàng hạ cám” phục vụ cho ngày tết. Từ những thức ăn trong ngày tết: gạo nếp, gà trống, mẹt cam đến những thứ trưng bày, chơi tết: câu đối, thơ tết, pháo, tranh tết; rồi cả đồ thờ cúng tâm linh: vàng hương; thậm chí cả những thứ rất giá trị người ta cũng mang ra chợ: bán trâu, bò mà con trâu vẫn được coi là đầu cơ nghiệp. Chỉ mấy hình ảnh thơ rất đỗi dân dã được điểm xuyết mà đã tái hiện được cả bức tranh chợ tết quê Việt. Phiên chợ ấy mang theo nhịp sống, nếp nghĩ, nét sinh hoạt của người nông dân Việt Nam bao đời. Họ làm lụng quanh năm để mang những sản phẩm của mình ra chợ tết bán và mua về những thứ thiết yếu cho mấy ngày tết, cho cả người đương đại và người của quá vãng. Cho nên, chợ tết với họ có ý nghĩa đặc biệt, kể cả mặt tinh thần, văn hóa. Và hơn nữa, hình ảnh những người đi chợ tết mới thực là tâm điểm, tạo nên hồn văn hóa, tâm linh cho bài thơ. Đó là những cô gái, là các bà, các mẹ, là những đứa trẻ nghịch ngợm, là những anh chàng trai trẻ, là cụ lý… Kẻ bán người mua tấp nập không phân biệt sang hèn, cao thấp, giàu khó. Tất cả là không khí dân chủ, là tinh thần Tết, là tâm hồn hướng về những niềm vui, hạnh phúc, hy vọng cho năm mới. Một cái chợ quê như thế cũng đáng để người ta ngưỡng vọng, nao nao lòng mà hoài nhớ, hoài thương, hoài vọng. Tôi đặc biệt ấn tượng với những câu thơ miêu tả cái đông đúc, hoạt náo, bon chen bình dân của phiên chợ:
“Áo cụ lý bị người chen sấn kéo
Khăn trên đầu đương chít cũng tung ra
Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi
Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rợi
Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa…”
Cái tài, cái khéo của tác giả là cách miêu tả chấm phá. Chỉ cần nảy một vài chi tiết mà thần thái, bản chất, nét duyên, nét cá tính riêng của mỗi sự vật, con người hiển hiện. Con người hòa cùng sự vật tạo nên những mảng màu, những vẻ đẹp riêng cho tổng thể bức tranh chợ tết. Mỗi mảng màu đó là một nét tính cách, một tình điệu rất riêng, rất phong phú, đa dạng trong sự thống nhất, hài hòa của chợ tết quê hương. Ai đọc bài thơ cũng thấm thía với những câu thơ như:
“Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ
Để lắng nghe người khách nói bô bô”
Một con trâu trong giờ khắc quyết định của số phận cũng mang nhiều tâm trạng, nhiều nỗi niềm riêng. Cách sử dụng nghệ thuật nhân hóa khéo léo khiến người đọc như cảm được cái trạng huống lòng của con trâu khi nghĩ về số phận, tương lai phía trước của mình. Bề ngoài nó thư thái, bình yên lim dim ngủ nhưng có ai thấu được những lo lắng, bất an của nó khi sắp phải về với một người chủ mới, phải xa người cũ từng gắn bó, phải nghe những lời nói bô bô mặc cả, thêm bớt, chê bai hay khen ngợi gì đó. Hay cái cách của “Một thày khóa gò lưng trên cánh phản/ Tay mài nghiên hý hoáy viết thơ xuân” và “Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cẳm/ Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ” cũng là những nét thần của bài thơ. Câu thơ tưởng đơn sơ nhưng cất chứa trong nó cả biển văn hóa Tết Việt. Nét văn hóa đó mãi mãi mất đi rồi và sẽ không tìm thấy ở đâu nữa. Dĩ nhiên bây giờ người Việt vẫn duy trì thú chơi câu đối ngày Tết nhưng theo một cách khác, kiểu dạng khác. Không thể tìm đâu thấy thầy khóa gò lưng trên cánh phản viết thơ xuân, viết câu đối đỏ nữa. Ta cũng không thể tìm thấy dáng điệu thung dung của cụ đồ nho thưởng thức mấy bài thơ xuân, những câu đối ấn tượng của thày khóa nữa, nhất lại là ở một cái chợ quê, chợ nghèo. Câu nói “bao giờ cho đến ngày xưa” dùng vào đây thật hợp tình hợp lý. Cách viết thơ xuân, tâm thế đọc câu đối ở đây là cả một nghệ thuật, một nét văn hóa cổ truyền: người tạo cái đẹp và người thưởng thức cái đẹp trong nghệ thuật thư pháp, là tâm hồn, khí chất được sự hồi đáp trong cái cảm thấu của những người biết và trọng chữ, trọng nghĩa, trọng nhân cách. Văn hóa, văn hiến là đây – giản dị, chân phương mà sâu sắc, thâm trầm như một triết lý. Nó là trí tuệ, là tâm hồn của người Việt trong quan niệm muôn đời về Tết: “Cây lêu, tràng pháo, bánh chưng xanh/ Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ”. Và một khi đã cảm, đã sống trong không khí “Chợ Tết” rồi, mỗi chúng ta mới thấy trân trọng, kính phục tấm lòng, tình cảm và cái tâm của nhà thơ Đoàn Văn Cừ với văn hóa, với đồng quê nội cỏ Việt Nam. Đọc bài thơ cũng là thêm một lần thức tỉnh mỗi người hiện đại ý thức rõ hơn về bản sắc văn hóa, bản sắc tâm hồn, tâm linh của con người, dân tộc trong Tết Nguyên Đán truyền thống.
Cái đẹp xét cho cùng là cái chân, thiện; nghệ thuật cuối cùng vẫn là cuộc sống. Đoàn Văn Cừ đã đem tất cả cuộc sống, cái chân thiện của làng quê Việt vào trong “Chợ Tết”. Bình thường, giản dị, đơn sơ như chính cuộc sống nhưng bài thơ vẫn luôn mới mẻ, vẫn đạt tới sự tinh tế, hoàn thiện của cái Đẹp và nghệ thuật. Chính nhan đề bài thơ đã làm nên tinh thần, tinh hoa của nó, của dân tộc. Nhịp sống hiện đại đã lấy đi của ta nhiều thứ trong đó có cả sự bình tĩnh để chiêm nghiệm, ngưỡng vọng về những giá trị văn hóa xa xưa, mà đối với thế hệ trẻ như những điều xa xỉ. Năm nay đi chúc tết, nghe tâm sự của nhiều người ở nhiều lứa tuổi mình đều thấy đồng cảm nhận như bản thân: Một cái tết mỗi ngày một tẻ nhạt, mỗi ngày một phai tàn bản sắc, mỗi ngày một rơi rụng bớt tình cảm ấm áp sum vầy, và để sống thực sự tết người ta cứ phải nhớ lại, cứ phải hoài niệm xa xăm. Cứ nghĩ đến điều ấy mình không khỏi băn khoăn một câu hỏi: Bao giờ chúng ta mới thực sự được đi một phiên chợ tết như bài thơ của Đoàn Văn Cừ và được hưởng một cái Tết Việt thiêng liêng, ấm áp tình cảm và trang trọng như xưa? Câu hỏi ấy có lẽ sẽ không thể có hồi đáp trong cơn lốc của kinh tế thị trường, của nhịp sống hiện đại hối hả. Do đó, ta hãy lắng lòng lại để đọc những bài thơ Tết, thơ xuân như thế này như một chút vui nhờ, hạnh phúc mượn quá khứ vậy. Bởi phàm đã là con người, trong lòng ai cũng có những niềm hoài cổ về một miền hoài niệm nào đó – bất kể tuổi tác, giới tính hay văn hóa. Nó đã là bản thể của con người – con người muôn thuở./.
- 5sao nha-