- Đặc điểm nghệ thuật độc đáo nhất của truyện Người con gái Nam Xương chính là ở sự dẫn dắt tình tiết rất khéo léo của tác giả. Truyện mang tính kịch rất cao. Những chi tiết được tập trung vào ba phần với những chức năng riêng: dàn cảnh, thắt nút; đỉnh điểm và mở nút. Các chi tiết được sắp đặt từ trước là để giải thích, dẫn dắt tới tình tiết sau. Ví dụ, ngay đầu tác phẩm, nhà văn có nhắc đến tính cả ghen, “phòng ngừa quá đáng” của Trương Sinh. Tuy lúc đó chưa có chuyện gì xảy ra và dường như đây chỉ là một chi tiết nhỏ, không đáng chú ý nhưng ở đoạn sau chính nhờ điều này mà việc Trương Sinh ghen đến mức mắng nhiếc, đánh đuổi vợ đi trở thành dễ hiểu.
- Hay việc Trương Sinh đi lính cũng chính là tình tiết dẫn dắt đến hoàn cảnh gây hiểu lầm sau này. Đặc biệt, ở đoạn cuối, mặc dù sử dụng rất nhiều yếu tố hoang đường, nhà văn cũng không hề dễ dãi trong cách giải quyết câu chuyện. Nguyễn Dữ kể rất tỉ mỉ tại sao có cuộc gặp gỡ giữa Phan Lang và Vũ Nương nơi cung điện Linh Phi. Chi tiết Phan Lang nằm mộng rồi giải thoát con rùa mai xanh... cũng tham gia vào câu chuyện, hợp lí hoá các chi tiết về sau. Như vậy, chúng ta thấy tác giả dẫn dắt các tình tiết một cách hợp lí, chặt chẽ. Không có tình tiết nào thừa, tất cả là để phục vụ cho mạch truyện.
- Lời đối thoại trong truyện mang đậm tính ước lệ, sử dụng nhiều điển tích, rất đăng đối, hài hòa: Cách biệt ba năm giữ gìn một tiết - Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngô liễu hoa chưa hề bén gót khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lia đàn... tạo nên âm thanh, nhịp điệu rất hấp dẫn của câu văn. Lời văn súc tích, chặt chẽ, cô đọng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa tự sự với trữ tình, giữa ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ tác giả.
- Lời trần thuật của tác giả tuy ở ngôi thứ ba khách quan nhưng đọc lên đường như vẫn thấy nỗi niềm riêng của người viết: ngày qua tháng lại, thoắt đã nửa năm, mỗi khi thấy bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi, thì nỗi buồn góc bể chân trời không thể nào ngăn được. Tuy chưa vượt qua được những quy phạm cầu kì của lối văn chương cổ nhưng Nguyễn Dữ đã chủ động với ngòi bút, biến hoá giọng điệu, dùng nhiều hình ảnh... khiến lời văn thường sinh động, hấp dẫn, tươi đẹp: Ngắn dài có số, tươi héo bởi, trời (...), Nước hết chuông rền, số cũng khí kiệt...