Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Lời từ chối "Không đừng vẽ cháu! Để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng cho bác vẽ hơn'' - Thể hiện đức tính gì của nhân vật anh thanh niên, viết đoạn văn bàn về đức tính ấy (Lặng lẽ Sa Pa - Nguyễn Thành Long)

2 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
12.052
7
15
Nguyễn Thị Thu Trang
03/07/2017 21:14:38
Trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long có bốn nhân vật: Bác lái xe, ông họa sĩ già, cô gái trẻ và anh thanh niên. Anh thanh niên là cán bộ khí tượng kiêm vật lí địa cầu công tác tại Sa Pa. Anh là nhân vật trung tâm của câu chuyện. Nhà văn đã tập trung làm nổi bật những phẩm chất tốt đẹp của anh. Đó là phẩm chất của những con người mới: hiến dâng tất cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

Sa Pa là nơi nghỉ mát nổi tiếng của nước ta. Đỉnh Yên Sơn ở Sa Pa cao 2.600 m. Trên đỉnh núi quanh năm mây mù bao phủ. Chỉ riêng chuyện anh thanh niên tình nguyện lên công tác ở trên đỉnh Yên Sơn một mình đã thể hiện phần nào con người anh, phẩm chất của anh. Trong khi bao nhiêu người sau khi ra trường cố chạy chọt tìm bằng được một nơi làm việc “ngon lành” tại thủ đô, thì anh không quản đường sá xa xôi cách trở, không quản chốn đèo heo hút gió, đã khoác ba lô vui vẻ vượt suối, băng rừng. Ỏ Yên Sơn vắng vẻ đến mức anh phải dùng cây chặn đường để có cớ tiếp xúc với con người vì “thèm người quá" như anh bộc lộ. Công việc của anh ở trạm khí tượng thật là vất vả. Từng phút, từng giờ anh làm bạn với đủ loại máy móc. Anh đo gió, đo mưa, đo nắng, đo chấn động mặt đất dựa vào việc báo thời tiết hàng ngày phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu". Đây là lời anh tâm sự với ông họa sĩ già: “Gian khó nhất là lần ghi và báo về lúc một giờ sáng. Rét, bác ạ. Ở đây có cả mưa tuyết đấy.

Nửa đêm đang nằm trong chăn nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và im lặng ở bên ngoài thì chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới... ". Điều đáng quý là anh thanh niên nói rất thành thật. Anh là con người. Có những phút  giây anh cũng ngại khó, ngại khổ: Nửa đêm đang nằm trong chăn nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi”. Nhưng anh đã chiến thắng chính mình “để chui ra khỏi chăn". Qua lời anh nói, ta có thể hình dung được bao nhiêu vất vả, khó khăn mà anh đã chịu đựng.

Tuy làm việc một nơi heo hút như vậy nhưng anh vẫn không cảm thấy cô đơn mặc dù “rất thèm gặp con người”. Bởi vì anh đã dồn tất cả thời gian, tâm sức mình cho nhiệm vụ. Sự say mê công việc đã giúp anh không cảm thấy cô đơn. Ngoài đo gió, đo mưa, đo nắng... anh còn trồng hoa, đọc sách. Sách trở thành người bạn thân thiết của anh. Khi bác lái xe đưa gói sách cho anh, anh “mừng quýnh" như cầm được vàng. Anh nói với cô gái: “Cô thấy đấy, lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là sách ấy mà. Mỗi người viết một vẻ”. Anh tự lo liệu xoay xở để thường xuyên có sách đọc. Sách không chỉ giúp anh nâng cao hiểu biết, nâng cao kiến thức, sách còn giúp anh khuây khỏa trong những phút giây rảnh rỗi. Say mê đọc sách là một thói quen, một đức tính đáng quý ở anh.

Không chỉ say mê công việc, say mê đọc sách anh thanh niên còn là một người khiêm tốn. Mặc dù ông họa sĩ già hết sức khâm phục anh, ông muốn vẽ chân dung của anh, nhưng anh một mực từ chối. Mọi người rất muốn nghe chuyện của anh. Anh tìm cách kể chuyện về người khác. Anh nói thành thực: những người khác đáng kể, đáng vẽ hơn anh: “Một mình thì anh bạn trên đỉnh Phan-xi-păng ba nghìn một trăm bốn mươi hai mét kia mới một mình hơn cháu". Anh tâm sự với ông họa sĩ già: "Không, bác đừng mất công vẽ cháu! Cháu giới thiệu với bác ông kĩ sư ở vườn rau dưới Sa Pa... Hay là bác vẽ đồng chí nghiên cứu khoa học ở cơ quan cháu...". Và anh say sưa kể về thành tích của những người ấy. Đức tính khiêm tốn ấy của anh dã làm cho ông họa sĩ, bác lái xe và cô gái hết sức yêu mến và khâm phục.

Ngoài ra anh còn là một người bộc trực, vô tư và hồn nhiên. Thái độ vui vẻ, niềm nở hiếu khách của anh cũng đã để lại trong lòng mọi người những ấn tượng khó quên.

Trong cái “lặng lẽ" của Sa Pa, trên đỉnh Yên Sơn bốn mùa mây phủ mấy ai biết được có một chàng trai đang sống, đang âm thầm làm việc, cảm ơn nhà văn Nguyên Thành Long đã gửi đến tay bạn đọc bức thông điệp thẩm mĩ về anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu ấy. Anh là hình ảnh của thế hệ trẻ đang ngày đêm làm việc và lo nghĩ cho đất nước.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
7
9
Đặng Quỳnh Trang
03/07/2017 21:47:24
​Dù được miêu tả ít hay nhiều nhân vật nào của “Lặng lẽ Sa pa” cũng hiện lên với nét cao quí đáng khâm phục. Trong đó anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu đã để lại cho chúng ta nhiều ấn tượng khó phai mờ.

Trước tiên anh thanh niên này đẹp ở tấm lòng yêu đời,yêu nghề ,ở tinh thần trách nhiệm cao với công việc lắm gian khổ của mình.Trong lời giới thiệu với ông hoạ sỹ già và cô gái,bác lái xe gọi anh là “người cô độc nhất thế gian”.Đã mấy năm nay anh “sống một mình trên đỉnh Yên Sơn cao 2600m bốn bề chỉ có cỏ cây và mây mù lạnh lẽo”.Công việc hàng ngày của anh là“đo gió,đo mưa ,đo chấn động mặt đất”rồi ghi chép,gọi vào máy bộ đàm báo về trung tâm.Nhiều đêm anh phải “đối chọi với gió tuyết và lặng im đáng sợ”.Vậy mà anh rất yêu công việc của mình.

Anh quan niệm:“khi ta làm việc ta với công việc là đôi,sao gọi là một mình được?”Anh hiểu rõ : “Công việc của cháu gian khổ thế đấy,chứ cất nó đi,cháu buồn đến chết mất”.Sống một mình nhưng anh không đơn độc bởi “lúc nào tôi cũng có người để trò chuyện.Nghĩa là có sách ấy mà ”.

Tuy sống trong điều kiện thiếu thốn nhưng người thanh niên ấy vẫn ham mê công việc,biết sắp xếp lo toan cuộc sống riêng ngăn nắp, ổn định.Anh nuôi gà, trồng hoa, đọc sách,thỉnh thoảng anh xuống đường tìm gặp bác lại xe cùng hành khách để trò chuyện cho vơi bớt nỗi nhớ nhà.

Sống trong hoàn cảnh như thế sẽ có người dần thu mình lại trong nỗi cô đơn.Nhưng anh thanh niên này thật đáng yêu ở nỗi “ thèm người ”,lòng hiếu khách đến nồng nhiệt và sự quan tâm đến người khác một cách chu đáo.Ngay từ những phút gặp gỡ ban đầu ,lòng mến khách ,nhiệt tình của anh đã gây được thiện cảm tự nhiên đối với người hoạ sỹ già và cô kỹ sư trẻ.Niềm vui được đón khách dào dạt trong anh,toát lên qua nét mặt,cử chỉ:anh biếu bác lái xe củ tam thất,mừng quýnh đón quyển sách bác mua hộ,hồ hởi đón mọi người lên thăm “nhà”,hồn nhiên kể về công việc,đồng nghiệp và cuộc sống của mình nơi Sa pa lặng lẽ.Khó người đọc nào có thể quên,việc làm đầu tiên của anh khi có khách lên thăm nơi ở của mình là:hái một bó hoa rực rỡ sắc màu tặng người con gái lần đầu quen biết.Bó hoa cho cô gái ,nước chè cho ông hoạ sỹ già, làn trứng ăn đường cho hai bác cháu…Tất cả không chỉ chứng tỏ đó là người con trai tâm lý mà còn là kỷ niệm của một tấm lòng sốt sắng , tận tình đáng quí .

Công việc vất vả ,có những đóng góp quan trọng cho đất nước nhưng người thanh niên hiếu khách và sôi nổi ấy lại rất khiêm tốn.Anh cảm thấy đóng góp của mình bình thường,nhỏ bé so với bao ngừơi khác.Bởi thế anh ngượng ngùng khi ông hoạ sỹ già phác thảo chân dung mình vào cuốn sổ tay .Con người khiêm tốn ấy hào hứng giới thiệu cho ông hoạ sỹ những người khác đáng vẽ hơn mình:“Không,không ,bác đừng mất công vẽ cháu,để cháu giới thiệu cho bác những người khác đáng vẽ hơn.”Đó là ông kỹ sư ở vườn rau vượt qua bao vất vả để tạo ra củ su hào ngon hơn,to hơn.Đó là “người cán bộ nghiên cứu sét,11 năm không xa cơ quan lấy một ngày”…Dù còn trẻ tuổi,anh thấm thía cái nghiã,cái tình của mảnh đất Sa pa,thấm thía sự hy sinh lặng thầm của những con người đang ngày đêm làm việc và lo nghĩ cho đất nước .

Bằng một cốt truyện khá nhẹ nhàng ,những chi tiết chân thực tinh tế ,ngôn ngữ đối thoại sinh động Nguyễn Thành Long đã kể lại một cuộc gặp gỡ tình cờ mà thú vị nơi Sa pa lặng lẽ.Chưa đầy 30 phút tiếp xúc với anh thanh niên,khiến người hoạ sỹ già thêm suy ngẫm về vẻ đẹp cuộc đời mà mình không bao giờ thể hiện hết được và còn làm cô kỹ sư trẻ lòng bao cảm mến bâng khuâng …

Với truyện ngắn này ,phải chăng nhà văn muốn khẳng định:Cuộc sống của chúng ta được làm nên từ bao phấn đấu,hy sinh lớn lao và thầm lặng? Những con người cần mẫn,nhiệt thành như anh thanh niên ấy, khiến cuộc sống này thật đáng trân trọng,thật đáng tin yêu.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×