Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Tháng 7-1784, thủy quân Xiêm đổ bộ lên Gia Định, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Phẫn nộ trước hành động cầu viện ngoại bang của tập đoàn Nguyễn Ánh và hành động xâm lược của quân Xiêm, nhân dân Gia Định cùng với quân Tây Sơn đồn trú, lúc đó chỉ có khoảng mấy nghìn người, do tướng Trương Văn Đa chỉ huy, đã anh dũng kháng chiến. Đến cuối năm 1784, sau 5 tháng xâm lược, hơn 5 vạn quân thủy bộ của địch chỉ chiếm được quá nửa miền đất phía Tây Gia Định, còn thành Mỹ Tho, thành Gia Định và nửa phần phía Đông Gia Định vẫn được giữ vững.
Với lợi thế ban đầu, quân Xiêm giành được nhiều thắng lợi, tỏ ra rất chủ quan, kiêu căng. Trong mỗi vùng chiếm đóng, quân địch có nhiều hành động tàn bạo, cướp của, giết người, vơ vét của cải và bắt phụ nữ đưa về nước Xiêm. Bao cảnh tủi nhục và đau thương đã diễn ra! Nhân dân Gia Định căm phẫn quân xâm lược, hướng về lá cờ cứu nước của phong trào Tây Sơn và sẵn sàng ứng nghĩa. Trước tình thế đó, Nguyễn Ánh đã phải than thở "muốn được nước thì phải được lòng dân”. Lúc đó liên quân Xiêm - Nguyễn đã kiểm soát vùng Hậu Giang, chiếm đóng miền Tây sông Tiền Giang. Đại quân của địch đóng tại Trà Tân. Nguyễn Ánh và quân bản bộ đóng đồn ở trên bờ sông, quân Xiêm vừa đóng ở trên bờ, vừa đỗ chiến thuyền dọc theo bờ sông để hỗ trợ lẫn nhau.
Nhận được tin báo, các thủ lĩnh quân Tây Sơn quyết định cử Nguyễn Huệ vào Gia Định phản công tiêu diệt quân xâm lược. Khoảng đầu tháng 1-1785, Nguyễn Huệ theo đường biển, đem quân tiến vào Gia Định, hợp binh với đội quân đồn trú của Trương Văn Đa, đóng quân và đặt bản doanh tại Mỹ Tho. Tổng số quân Tây Sơn có khoảng 2 vạn, chưa bằng một nửa quân Xiêm. Nhân dân Gia Định qua 5 lần nghĩa quân Tây Sơn tiến công quân Nguyễn và sau đợt chiến đấu anh dũng do tướng Trương Văn Đa chỉ huy, trong bối cảnh bị quân Xiêm o ép và tập đoàn Nguyễn Ánh bội phản, đã đồng loạt hưởng ứng nghĩa quân, góp sức vào cuộc kháng chiến chống xâm lăng.
Nguyễn Huệ không đánh thẳng vào căn cứ Trà Tân, nơi địch có nhiều thế mạnh, mà bằng nhiều động thái ngoại giao và quân sự, tìm cách "điệu hổ ly sơn”, kéo quân địch ra khỏi nơi đóng quân, dẫn dắt đến địa hình có lợi nhất để tiêu diệt bằng lối đánh mai phục, vận động. Tầm nhìn chiến lược và tài năng lỗi lạc của Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ thể hiện ở việc lợi dụng địa hình, xác định khu vực quyết chiến, bố trí trận địa, nhử địch vào trận địa, tổ chức và điều khiển thế trận.
Sau khi xem xét địa hình, Nguyễn Huệ quyết định chọn đoạn sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút, dài khoảng 6 km, rộng chừng vài km, ở giữa có cù lao Thới Sơn, hai bên bờ sông cây cỏ rậm rạp và có nhiều kênh rạch, để bố trí trận địa mai phục. Thủy binh được giấu kín trong những dòng sông nhỏ như Rạch Gầm, Xoài Mút và những nhánh sông giữa các cù lao. Bộ binh và pháo binh mai phục hai bên bờ và trên các cù lao. Mọi việc bố trí chuẩn bị đã sẵn sàng. Nghĩa quân Tây Sơn giấu mình giữa rừng cây, trong sông nước, xen giữa nhiều thôn xóm sẵn sàng xông lên tiêu diệt quân thù.
Khoảng đêm ngày 19 rạng sáng ngày 20-1-1785, quân Xiêm - Nguyễn huy động toàn bộ lực lượng thủy binh và bộ binh, từ Trà Tân theo dòng sông Mỹ Tho, tiến công căn cứ quân Tây Sơn tại Mỹ Tho. Chiến thuyền Tây Sơn xuất kích, nhử địch lọt vào trận địa mai phục. Từ các cù lao và hai bên bờ sông, pháo binh Tây Sơn bất ngờ phát hỏa, nhả đạn vào giữa đoàn chiến thuyền địch đang bị ùn lại trong khi chiến thuyền Tây Sơn chẹn kín hai đầu sông. Hàng ngũ quân địch hốt hoảng, đội hình rối loạn. Ngay lúc đó, toàn bộ quân thủy, quân bộ của ta từ các vị trí mai phục, nhất tề xông ra chia cắt đội hình địch để tiêu diệt. Toàn bộ chiến thuyền địch bị đánh đắm vì trúng đạn đại bác hoặc vì quân Tây Sơn xông lên tiêu diệt. Hầu hết quân địch bị giết chết tại trận, những kẻ cố bơi vào bờ lại bị bộ binh Tây Sơn tiêu diệt. Quân Xiêm bị thiệt hại gần 4 vạn trong số 5 vạn quân sang nước ta. Đội quân "cần vương” của Nguyễn Ánh cũng bị đánh cho tan tác. Tàn quân Xiêm - Nguyễn phải tháo chạy lên bờ, trốn sang đất Chân Lạp, sau đó lần mò tìm đường về Xiêm. Tập đoàn Nguyễn Ánh bị đánh tơi tả, buộc phải lưu vong sang Xiêm.
Nguyễn Huệ chỉ huy trận thủy chiến
Rạch Gầm - Xoài Mút (tranh ghép gốm màu)
Trận Rạch Gầm - Xoài Mút thắng lợi giòn giã. Quân dân ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Nguyễn Huệ, đã đập tan âm mưu can thiệp của phong kiến Xiêm và trừng trị đích đáng hành động phản bội quyền lợi dân tộc của tập đoàn Nguyễn Ánh.
Trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút thể hiện trí tuệ sắc sảo, tài năng quân sự kiệt xuất của Nguyễn Huệ: dựa vào địa lợi bày ra một thế trận lợi hại, chặt chẽ, hoàn chỉnh. Đó là thế trận bất ngờ bao vây toàn bộ quân địch đang vận động trên sông, đánh chặn đầu khóa đuôi rồi công kích mạnh vào cạnh sườn, đánh cả trên sông và trên bờ, nhằm bao vây, chia cắt và tiêu diệt, bằng cách đánh hiệp đồng binh chủng: thủy binh hiệp đồng tác chiến với pháo binh và bộ binh. Đặc biệt trong trận đánh này, hỏa lực của quân đội Tây Sơn (bao gồm đại bác đặt trên chiến thuyền và bố trí hai bên bờ sông và trên cù lao Thới Sơn) đã được sử dụng đến mức cao và phát huy uy lực to lớn của nó, áp đảo địch ngay từ đầu.
Sách "Mạc thị gia phả” cho biết: Nguyễn Huệ đem quân vào Gia Định khoảng 10 ngày sau thì đánh trận Rạch Gầm - Xoài Mút. Chỉ trong khoảng 10 ngày mà một đạo quân từ xa (Quy Nhơn) kéo đến, đã chọn được ngay khu vực địa hình thích hợp và chuẩn bị chu đáo trận địa mai phục, để chỉ trong một ngày tiêu diệt hoàn toàn khoảng 4 vạn quân Xiêm thiện chiến cùng hơn 300 chiến thuyền. Điều đó chỉ có thể thực hiện được khi có sự giúp đỡ đắc lực của nhân dân địa phương, những người thuộc từng cánh rừng, từng nhánh sông, từng con đường thủy bộ cụ thể. Chính nhân dân trong những thôn ấp ven sông Mỹ Tho là những cố vấn quan trọng, chỉ cho nghĩa quân từng cánh rừng giấu quân, những nhánh sông có thể giấu thuyền, những vị trí đặt pháo thuận lợi... và cả khúc sông rộng giữa Rạch Gầm và Xoài Mút để có thể dồn lại hơn 300 chiến thuyền địch mà tiêu diệt.
Mặt khác, khúc sông dài 6km giữa Rạch Gầm và Xoài Mút, chỉ cách thành Mỹ Tho khoảng 6km, cách Trà Tân - nơi địch tập trung quân - chưa đầy 15km, hai bên bờ sông có nhiều thôn xóm. Chỉ với sự ủng hộ tích cực của người dân trong các thôn xóm này, Nguyễn Huệ mới có thể điều quân, hành quân, chiếm lĩnh trận địa và bố trí mai phục chu tất mà đại quân của địch cách đó không xa không hề hay biết, vẫn lầm tưởng mà nghênh ngang tiến vào trận địa mai phục để quân dân Tây Sơn đánh cho một trận tan tành.
Nhân dân Gia Định, đặc biệt là người dân trong các làng xóm ven sông Mỹ Tho đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (tháng 1-1785), khiến cho từ đó ‘’người Xiêm sợ quân Tây Sơn như sợ cọp’’, từ bỏ ý định xâm lấn nước ta.
Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Xiêm cuối năm 1784 đầu năm 1785 là một trong những trang oai hùng nhất, mang nhiều ý nghĩa lịch sử lớn lao. Trong đó, chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút là biểu hiện sinh động sự kết hợp tài tình thiên tài của cá nhân con người Nguyễn Huệ với nhiệt tình của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp đánh giặc cứu nước của phong trào Tây Sơn. Với chiến công này, nhân dân miền Nam nói chung và nhân dân Mỹ Tho nói riêng đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc và xứng đáng là bức thành kiên cố phía Nam của Tổ quốc.
Thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược Rạch Gầm - Xoài Mút đã quét sạch 5 vạn quân xâm lược Xiêm ra khỏi vùng đất phía Nam đất nước, bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của phong trào Tây Sơn, làm suy yếu tập đoàn Nguyễn Ánh, tạo tiền đề cho phong trào tiếp tục đi lên: ra Bắc lật đổ chính quyền vua Lê - chúa Trịnh, xóa bỏ cục diện chia cắt đất nước, đại phá 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh. Thắng lợi này đã đi vào lịch sử chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam như một trong những chiến công chói lọi nhất, một trận thủy chiến - quyết chiến chiến lược điển hình sánh ngang với Bạch Đằng năm 938 và 1288... Trên một phương diện khác, thắng lợi này đã đưa phong trào Tây Sơn từ một cuộc khởi nghĩa nông dân vươn lên mạnh mẽ trở thành một phong trào quật khởi của toàn dân tộc, là sự khẳng định sâu sắc ý thức về chủ quyền của người Việt Nam đối với vùng đất Nam Bộ trong lịch sử.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |