Văn hóa Ðại Việt, văn chương Ðại Việt khởi nguồn từ truyền thống sản xuất và chiến đấu của tổ tiên, từ những thành tựu văn hóa và từ chính thực tiễn hàng nghìn năm đấu tranh chống giặc ngoại xâm phương Bắc.
Hiếm thấy một dân tộc nào trên thế giới lại phải liên tục tiến hành những cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm như dân tộc Việt Nam. Nhà Tiền Lê, nhà Lý chống Tống. Nhà Trần chống Nguyên Mông. Nhà Hậu Lê chống giặc Minh. Quang Trung chống giặc Thanh. Những cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại được tiến hành trong trường kỳ lịch sử nhằm bảo vệ nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc không những tôi luyện bản lĩnh dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tin, khí thế hào hùng của dân tộc mà còn góp phần làm nên một truyền thống lớn trong văn học Việt Nam: Chủ nghĩa yêu nước.
Ðặc điểm lịch sử đó đã quy định cho hướng phát triển của văn học là phải luôn quan tâm đến việc ca ngợi ý chí quật cường, khát vọng chiến đấu, chiến thắng, lòng căm thù giặc sâu sắc, ý thức trách nhiệm của những tấm gương yêu nước, những người anh hùng dân tộc quên thân mình vì nghĩa lớn. Có thể nói, đặc điểm này phản ánh rõ nét nhất mối quan hệ biện chứng giữa lịch sử dân tộc và văn học dân tộc.
Quá trình đấu tranh giữ nước tác động sâu sắc đến sự phát triển của văn học, bồi đắp, phát triển ý thức tự hào dân tộc, tinh thần độc lập tự chủ. Cho nên, chế độ phong kiến có thể hưng thịnh hay suy vong nhưng ý thức dân tộc, nội dung yêu nước trong văn học vẫn phát triển không ngừng.
Các tác phẩm văn học yêu nước thời kỳ này thường tập trung thể hiện một số khía cạnh tiêu biểu như:
- Tình yêu quê hương
- Lòng căm thù giặc
- Ý thức trách nhiệm
- Tinh thần vượt khó, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc
- Ý chí quyết chiến, quyết thắng
- Ðề cao chính nghĩa của người Việt Nam trong những cuộc kháng chiến.
b. Chủ nghĩa nhân đạo
Văn học do con người sáng tạo nên và tất yếu nó phải phục vụ trở lại cho con người. Vì vậy, tinh thần nhân đạo là một phẩm chất cần có để một tác phẩm trở thành bất tử đối với nhân loại. Ðiều này cũng có nghĩa là, trong xu hướng phát triển chung của văn học nhân loại, VHTÐVN vẫn hướng tới việc thể hiện những vấn đề của chủ nghĩa nhân đạo như:
- Khát vọng hòa bình
- Nhận thức ngày càng sâu sắc về nhân dân mà trước hết là đối với những tầng lớp thấp hèn trong xã hội phân chia giai cấp
- Ðấu tranh cho hạnh phúc, cho quyền sống của con người, chống lại ách thống trị của chế độ phong kiến.
- Ca ngợi vẻ đẹp của con người lao động
- Tố cáo mạnh mẽ và đấu tranh chống những thế lực phi nhân.
2. Văn học viết phát triển dựa trên những thành tựu của văn học dân gian
- Văn học viết Việt Nam hay bất kỳ một nền văn học dân tộc nào khác đều phải phát triển trên cơ sở kế thừa những tinh hoa của văn học dân gian. Trong tình hình cụ thể của VHTÐVN, mối quan hệ giữa văn học viết và văn học dân gian chủ yếu là do các nguyên nhân sau:
+ Sau khi nước nhà độc lập, nhu cầu thiết yếu mà nhà nước phong kiến Việt Nam cần phải chú ý là việc xây dựng một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, chống lại âm mưu bành trướng, đồng hóa của kẻ thù phương Bắc và nâng cao lòng tự hào dân tộc.
+ Những tác phẩm bằng chữ Hán trong thời kỳ này thường dễ xa lại với quần chúng bình dân, tác phẩm ít được truyền tụng rộng rãi. Vì vậy, càng về sau, nhu cầu quần chúng hóa, dân tộc hóa tác phẩm ngày càng mạnh mẽ. Trong quá trình giải quyết vấn đề này, chỉ có văn học dân gian là nhân tố tích cực nhất.
Quá trình kế thừa, khai thác VHDG là một quá trình hoàn thiện dần các yếu tố tinh lọc từ VHDG bắt đầu từ thơ ca Nguyễn Trãi về sau (Thời Lý- Trần, việc tiếp thu nguồn VHDG chưa được đặt ra đúng mức).
+ Văn học viết tiếp thu từ văn học dân gian chủ yếu là về đề tài, thi liệu, ngôn ngữ, quan niệm thẩm mỹ, chủ yếu là khía cạnh ngôn ngữ và thể loại.
+ Trong quá trình phát triển, hai bộ phận luôn có mối quan hệ biện chứng, tác động, bổ sung lẫn nhau để cùng phát triển (Những tác động trở lại của văn học viết đối với văn học dân gian.
3. Văn học viết phát triển dựa trên cơ sở tiếp thu, tinh lọc những yếu tố tích cực của hệ ý thức nước ngoài
- Sự du nhập của các học thuyết vào Việt Nam chủ yếu do các nguyên nhân sau:
+ Vấn đề giao lưu văn hóa giữa các dân tộc là một vấn đề mang tính quy luật. Từ xưa, nước ta và các vùng phụ cận đã có sự giao lưu văn hóa nhưng chỉ trong phạm vi hẹp, chủ yếu là từ Trung Quốc sang.
+ Hơn 1000 năm bắc thuộc, dân tộc ta không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi sự bành trướng văn hóa và nhất là âm mưu đồng hóa của kẻ thù. Những tên quan lại phương Bắc sang đô hộ Việt Nam không chỉ bóc lột, vơ vét tài nguyên mà còn truyền bá rộng rãi các học thuyết triết học có nguồn gốc từ Trung Quốc vào Việt Nam một cách khéo léo và thâm hiểm.
+ Khi nhà nước phong kiến VN bắt đầu hình thành, giai cấp thống trị không có mẫu mực nào khác hơn là nhà nước PK TQ đã tồn tại trước đó hàng nghìn năm và có rất nhiều kinh nghiệm trong việc lợi dụng các học thuyết triết học như một công cụ đắc lực trong việc củng cố ngai vàng, thống trị nhân dân.
- Các học thuyết Nho - Phật - Lão đều có những điểm tích cực nhất định nên các nhà tư tưởng lớn của Việt Nam thời Trung đại đã chú ý khai thác, tinh lọc, vận dụng sao cho nét tích cực đó phát huy tác dụng trong hoàn cảnh cụ thể của từng giai đoạn lịch sử.
4. Văn học chữ Hán phát triển song song với văn học chữ Nôm
Ngay từ khi được các nhà văn mạnh dạn đưa vào sáng tác văn học, chữ Nôm ngày càng khẳng định vị trí của mình bên cạnh chữ Hán vốn đã có ảnh hưởng sâu sắc trong văn học thời Lý Trần.
Sự phát triển của Văn học chữ Nôm khẳng định ý thức dân tộc phát triển ngày càng cao, biểu hiện lòng tự hào, ý thức bảo vệ ngôn ngữ, văn hóa dân tộc chống lại âm mưu đồng hóa của kẻ thù.
Ở thời Lý, Trần, việc sử dụng chữ Nôm trong sáng tác văn học chưa được phổ biến.
Từ thế kỷ XV về sau, Nguyễn Trãi đã mạnh dạn đưa chữ Nôm vào sáng tác văn học. Thơ ông tuy chưa được trau chuốt nhưng đậm đà bản sắc dân tộc. Thành công của Nguyễn Trãi chính là tiền đề cho con đường phát triển của văn học chữ Nôm đến đỉnh cao Truyện Kiều.
5. Thơ phát triển sớm và mạnh hơn văn xuôi.
Ở thời trung đại, văn chính luận mang tính quan phương chủ yếu là công cụ của nhà nước phong kiến. Mặt khác, những đặc thù trong tư duy nghệ thuật, truyền thống sáng tác dẫn đến một thực tế là các tác phẩm văn xuôi hình tượng chỉ chiếm một số lượng khiêm tốn so với các tác phẩm thơ ca.
Thể thơ thường sử dụng nhất trong VHTÐ là thơ Ðường luật. Ðây là hệ quả của quá trình giao lưu văn hóa lâu dài và nằm trong quan niệm thẩm mỹ của các nhà thơ cổ điển. Trong thời kỳ này, thơ Ðường luật đã được chính quy hóa trong văn chương trường ốc và văn chương cử tử. Cho nên, sự thống trị văn đàn của thơ Ðuờng luật trong bất kỳ một tập thơ nào thời trung đại là một điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, việc sử dụng thơ Ðường luật với tư cách là một thể thơ chính thống trong các kỳ thi và trong sáng tác đã gây không ít trở ngại trong nội dung thể hiện do bị chi phối bởi sự ngặt nghèo của luật thơ chặt chẽ.
Ở thời Nguyễn Trãi, thơ luật Ðường biến thể thành thơ thất ngôn xen lục ngôn đầy sáng tạo, độc đáo, phóng khoáng, rất phù hợp với cách nghĩ, cách nói, tâm lý của dân tộc nên được một số nhà thơ đời sau tiếp tục sử dụng (Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm).
6. Việc sử dụng điển tích và các hình ảnh tượng trưng ước lệ - những thủ pháp nghệ thuật được sử dụng phổ biến trong văn chương trung đại
Ðể miêu tả, người ta cho rằng cần phải có những mẫu mực mà qua nhiều thời kỳ đã được mặc nhiên chấp nhận sử dụng. Quan điểm ước lệ không chú ý đến logic đòi sống, đến mối quan hệ thực tế của các hình ảnh mang tính chất mẫu mực, công thức. Vì thế, khi phân tích các hình ảnh ước lệ, chúng ta không cần đặt vần đề có lý hay không có lý, đúng hay không đúng thực tế mà chỉ xem xét sức mạnh khơi gợi của hình tượng có sâu sắc hay không, hình tượng có được dùng đúng tình đúng cảnh và thể hiện được tư tưởng tình cảm của nhà thơ hay không.
Văn học trung đại Việt Nam có một vị trí đặc biệt quan trọng, bởi suốt hàng nghìn năm phát triển, văn học trung đại đã phản ánh được đất nước Việt, con người Việt, đồng thời là ý thức của người Việt về tổ quốc, dân tộc. Nền văn học ấy đã nảy sinh từ chính quá trình đấu tranh dựng nước, giữ nước vĩ đại của dân tộc, đồng thời lại là sức mạnh tham gia vào quá trình đấu tranh này. Chính từ văn học trung đại, những truyền thống lớn trong văn học dân tộc đã hình thành, phát triển và ảnh hưởng rất rõ đến sự vận động của văn học hiện đại.