Đêm đông giá lạnh Bác ngủ trong hang Pác Bó, trong lán Nà Lừa đơn sơ. Bác mặc quần áo nâu sòng, guồng nước, tát nước cùng dân. Bác ra trận địa pháo thăm bộ đội cao xạ, tặng kẹo cho bộ đội. Bác trồng cây đa trên đồi Vật Lại (Ba Vì, Hà Nội) trong mùa xuân thứ 79, mùa xuân cuối cùng của cuộc đời…
Đó là hình ảnh xiết bao gần gũi về một vị Chủ tịch nước, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Không thấy hình bóng của một “ông vua”, như sinh thời Người thường nói: “Bác không phải là vua”. Ngày Tết, Bác thường đi thăm, chúc Tết những người dân nghèo. Có lần Bác vào một xóm nhỏ, gặp chị chủ nhà đi gánh nước về. Biết Bác Hồ đến thăm, chúc Tết, chị nghẹn ngào như không tin ở mắt mình: “Có bao giờ… có bao giờ Chủ tịch nước lại tới thăm nhà chúng con…”. Bác cười đôn hậu: “Bác không tới thăm những người như mẹ con thím, thì còn thăm ai?”. Sáng mùng một Tết, Bác thăm các chiến sĩ cảnh vệ trực ở Phủ Chủ tịch, tặng anh em bánh chưng, thuốc lá và dặn dò: “Vì công việc mà các chú không được về ăn Tết với gia đình. Các chú nhớ không được nói ở lại để bảo vệ Hồ Chủ tịch mà là bảo vệ Trung ương, Chính phủ”.
Đó là những điều bình dị nhất ở một con người vĩ đại. Một nhà thơ đã viết: “Bác vĩ nhân trong mỗi đời thường/Bởi đời thường trong vĩ nhân của Bác”. Những câu chuyện kể về nếp sống thanh cao, giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh được các thế hệ người Việt Nam kể cho nhau nghe nhiều lần và lần nào cũng tìm ra những tầng, những vỉa ý nghĩa mới.
Có một đoàn khách nước ngoài đến thăm nhà sàn của Bác. Sau khi nghe người hướng dẫn kể, ngôi nhà này được làm trong dịp Bác đi công tác dài ngày ở nước ngoài, vì nếu ở nhà Bác sẽ không đồng ý cho làm, ai nấy đều ồ lên ngạc nhiên. Vì trước đó Bác vẫn ở trong ngôi nhà bê tông chật chội dành cho người thợ điện của Toàn quyền Đông Dương. Một vị khách nhận xét, ông Hồ có lẽ là lãnh tụ duy nhất trên thế giới không có nhà riêng. Khách ghi vào sổ cảm tưởng: “Không một ai đến thăm nơi ở khiêm nhường này mà không trào dâng niềm xúc cảm trước sự vĩ đại của một nhân cách văn hóa lớn đã trở thành huyền thoại ngay trong cuộc sống đời thường của mình”. Cho đến nay, sau gần 50 năm Bác đi về “thế giới người Hiền”, căn nhà sàn lộng gió thời đại đã trở thành căn nhà chung của người dân đất Việt. Con cháu về thăm khu nhà sàn đều như thấy hình bóng Bác và cùng suy ngẫm về đạo đức, lối sống của một Con Người vĩ đại.
Mọi người cùng suy ngẫm, bởi lâu nay không ít cán bộ có chút chức quyền đua nhau làm nhà to. Một tỉnh miền núi nghèo cũng có “phố quan”. Đêm đêm ánh đèn cao áp xanh rười rượi hắt sáng cả một khu vườn lớn. Biệt thự nối biệt thự thật đối nghịch với cảnh nhà dân tranh tre nứa lá cheo leo trên sườn núi. Mà không phải chỉ có một nhà. Có ông quan tỉnh có nhà riêng ở nơi mình sinh sống, làm nhà thờ ở quê, rồi xây biệt thự ở thủ đô Hà Nội… Chuyện quan tỉnh có biệt phủ rộng vài hécta, có khu vườn triệu “đô” không còn là cá biệt. Nhưng khi kiểm tra đến thì nhà đất toàn mang tên vợ, tên con. Những “ông quan” cách mạng ấy khi đứng trước ngôi nhà sàn của Bác liệu có chút nào day dứt?
Lại nhớ chuyện cái xe ô tô Bác đi suốt mấy chục năm. Bây giờ đến thăm Khu di tích Phủ Chủ tịch, mọi người vẫn thấy chiếc xe Pobeda của Nga. Bao năm Người vẫn dùng chiếc xe cũ, mặc dù Văn phòng Chủ tịch nước nhiều lần đề nghị thay xe, Bác vẫn bảo xe còn dùng tốt, đất nước còn khó khăn phải triệt để tiết kiệm. Bây giờ thì không ít vị cứ lên chức là thay xe. Xe của giám đốc tiền nhiệm mới đi được một năm, người sau cũng không “dùng lại”. Rồi đi xe quá tiêu chuẩn quy định, đi xe do doanh nghiệp biếu tặng. Có ông cán bộ tầm tầm cũng cậy cục kiếm đâu đó lắp cái đèn ưu tiên trên nóc xe, đèn xoay nhoáng nhoàng, hú còi inh ỏi. Họ suy nghĩ gì khi đứng trên bục thao thao nói về “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ”. Sự liêm khiết, giản dị ở Bác bắt nguồn từ một điều rất bình dị, như Người nói: “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi, nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm được như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính”.
Bác Hồ đi công tác thường không báo trước. Không đón rước linh đình. Người đi phía sau bất ngờ đến thăm nhà bếp, nhà ăn. Có lần thấy khẩu hiệu lớn giăng ngang cổng cơ quan “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, Bác nói vui: “Hồ Chủ tịch muốn nằm!”. Đi công tác Bác thường đem theo cơm nắm, muối vừng để dùng bữa cho tiện, cho đỡ phiền phức địa phương, kẻo “vì Bác đến thăm mà phải thịt một con bò”. Còn cán bộ ta nay đi làm việc với địa phương thì “tỉnh nhà”, “huyện nhà” căng phông rõ to “Nhiệt liệt chào mừng đồng chí... Ủy viên... thăm và làm việc”. Nay, sau khi chấn chỉnh, đã bỏ được 4 chữ “nhiệt liệt chào mừng”, nhưng cái phần “đuôi” thì vẫn nguyên xi như vậy. Quá hình thức và tốn kém! Nhưng tại sao chỉ khi đón một số đồng chí mới có “khẩu hiệu” này? Chúng tôi thấy đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đến thăm và làm việc ở nhiều địa phương, đơn vị đều không thấy được chào đón bằng những khẩu hiệu như thế.
Lại còn chuyện “kính thưa” mới sốt ruột làm sao. Bác Hồ của chúng ta vốn không thích chuyện “kính thưa” kéo dài hết vị này đến vị kia. Cách làm việc của Bác là ngắn gọn, thiết thực, chống phô trương, hình thức. Khi có các đồng chí lãnh đạo cùng đi với Bác, Bác thường nói: “Hôm nay chú Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) sẽ nói chuyện với các cô các chú; bữa nay chú Lành (nhà thơ Tố Hữu) sẽ nói chuyện và đọc thơ nữa”. Bây giờ thì đâu đâu cũng thấy “kính”. Màn giới thiệu đại biểu với hàng dãy chức vụ, học hàm, học vị kéo dài vô cùng tận, lãnh đạo rồi nguyên lãnh đạo. Mà càng tỉ mỉ thì càng dễ sai sót. Có ông bị “quên” giới thiệu đã đùng đùng bỏ về. Mới đây Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì một hội nghị. Đồng chí đề nghị: “Thôi từ bây giờ cái màn “kính thưa” thì dừng nhé! Vào thẳng việc, đề xuất giải pháp, ai lạc đề là tôi cắt. Mong các đồng chí thông cảm”.