Mạng xã hội là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên internet với nhiều mục đích khác nhau, không phân biệt không gian và thời gian. Những người tham gia vào mạng xã hội còn được gọi là cư dân mạng.
Mạng xã hội có những tính năng như chat, e-mail, phim ảnh, voice chat, chia sẻ file, blog… Mạng đổi mới hoàn toàn cách cư dân mạng liên kết với nhau và trở thành một phần tất yếu của mỗi ngày cho hàng trăm triệu thành viên khắp thế giới. Các dịch vụ này có nhiều phương cách để các thành viên tìm kiếm bạn bè, đối tác: dựa theo group (ví dụ như tên trường hoặc tên thành phố), dựa trên thông tin cá nhân (như địa chỉ e-mail), hoặc dựa trên sở thích cá nhân (như thể thao, phim ảnh, sách báo, hoặc ca nhạc), lĩnh vực quan tâm: kinh doanh, mua bán...
Hiện nay thế giới có hàng trăm mạng mạng xã hội khác nhau, với MySpace và Facebook nổi tiếng nhất trong thị trường Bắc Mỹ và Tây Âu. Tại Việt Nam xuất hiện rất nhiều các mạng xã hội như: Zing Me, Zalo,...
Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng nắm bắt được các thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau trên internet và đặc biệt là thông qua mạng xã hội với tốc độ lan truyền nhanh chóng. Mạng xã hội đã trở nên phổ biến và gần gũi với mọi người nhất là đối với giới trẻ. Mục đích của mạng xã hội là tạo ra một hệ thống trên nền Internet cho phép người dùng giao lưu và chia sẻ thông tin một cách có hiệu quả, vượt ra ngoài những giới hạn về địa lý và thời gian.Những lợi ích mà mạng xã hội mang lại cho chúng ta rất nhiều và tác động tích cực nếu chúng ta biết cách sử dụng chúng một cách hợp lý. Nó có thể giúp chúng ta:
1. Giới thiệu bản thân mình với mọi người: chúng ta có thể giới thiệu tính cách, sở thích, quan điểm của bản thân trên mạng xã hội và nó có thể giúp chúng ta tìm kiếm những cơ hội phát triển khả năng của bản thân.
2. Kết nối bạn bè: chúng ta có thể biết được nhiều thông tin về bạn bè hoặc người thân bằng cách kết bạn trên mạng xã hội. Chúng ta cũng có thể gặp gỡ và giao lưu kết bạn với tất cả mọi người trên thế giới có cùng sở thích hay quan điểm giống mình. Từ đó có thể xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn hoặc hợp tác với nhau về nhiều mặt.
3. Tiếp nhận thông tin, học hỏi kiến thức và kỹ năng: việc cập nhật thông tin trong một xã hội hiện đại như hiện nay là điều nên làm và cần phải làm, nó giúp chúng ta dễ dàng tìm hiểu, nắm bắt được nhiều thông tin quan trọng. Học hỏi thêm rất nhiều kiến thức, trau dồi những kĩ năng giúp cho bạn hoàn thiện bản thân mình hơn nữa.
4. Kinh doanh: bán và mua hàng online không còn xa lạ với tất cả chúng ta vì thế mạng xã hội là một môi trường kinh doanh vô cùng lí tưởng. Bạn cũng có thể dùng nó để quảng cáo cho những sản phẩm của công ty, giúp cho bạn có thể tìm kiếm được những khách hàng tiềm năng.
5. Bày tỏ quan niệm cá nhân: trải qua rất nhiều hoạt động căng thẳng trong cuộc sống, mỗi con người cần bày tỏ và cần nhận được sự sẻ chia để chúng ta cảm thấy thanh thản hơn. Thế nhưng việc chia sẻ vấn đề của mình ngoài đời thực đôi khi trở nên khó khăn với một số người ít nói. Chính vì thế việc viết ra những suy nghĩ của mình qua bàn phím máy tính sẽ giúp chúng ta giải tỏa được phần nào.
6. Mang đến lợi ích về sức khoẻ: giúp cải thiện não bộ và làm chậm quá trình lão hoá, nghiên cứu của giáo sư Gary Small tại trường Đại học California Los Angeles cho thấy càng sử dụng và tìm kiếm nhiều thông tin với internet, não bộ sẽ càng được rèn luyện tốt hơn và các khả năng phán đoán, quyết định cũng sẽ từ đó phát triển thêm. Ông còn đồng thời nhận thấy rằng, việc sử dụng internet nhiều có thể giúp cho não bộ hoạt động tốt hơn, giúp làm giảm quá trình lão hóa và làm cho người lớn tuổi vẫn có suy nghĩ hết sức lạc quan.
Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà mạng xã hội đã mang đến cho con người hiện nay như giúp ích cho công việc, cho việc tìm kiếm thông tin, thiết lập các mối quan hệ cá nhân hay giải trí… Tuy nhiên, nó cũng chứa đựng nhiều nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng xấu tới công việc, mối quan hệ cá nhân và cuộc sống của người sử dụng.
1. Giảm tương tác giữa người với người: nghiện mạng xã hội không chỉ khiến bạn dành ít thời gian cho người thật việc thật ở quanh mình, mà còn khiến họ buồn phiền khi bạn coi trọng bạn bè “ảo” từ những mối quan hệ ảo hơn những gì ở trước mắt. Dần dần, các mối quan hệ sẽ bị rạn nứt và sẽ chẳng ai còn muốn gặp mặt bạn nữa.
2. Lãng phí thời gian và xao lãng mục tiêu thực của cá nhân: quá chú tâm vào mạng xã hội dễ dàng làm người ta quên đi mục tiêu thực sự của cuộc sống. Thay vì chú tâm tìm kiếm công việc trong tương lai bằng cách học hỏi những kỹ năng cần thiết, các bạn trẻ lại chỉ chăm chú để trở thành “anh hùng bàn phím” và nổi tiếng trên mạng. Ngoài ra, việc đăng tải những thông tin “giật gân” nhầm câu like không còn là chuyện xa lạ, song nó thực sự khiến người khác phát bực nếu dùng quá thường xuyên. Mạng xã hội cũng góp phần tăng sự ganh đua, sự cạnh tranh không ngừng nghỉ để tìm like và nó sẽ cướp đi đáng kể quỹ thời gian của bạn.
3. Nguy cơ mắc bệnh trầm cảm: các nghiên cứu gần đây cho thấy những ai sử dụng mạng xã hội càng nhiều thì càng cảm thấy tiêu cực hơn, thậm chí có thể dẫn đến trầm cảm. Điều này đặc biệt nguy hiểm với những ai đã được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm từ trước. Vì thế, nếu bạn phát hiện mình thường xuyên cảm thấy mất tinh thần, có lẽ đã đến lúc tạm biệt “facebook” trong một thời gian.
4. Giết chết sự sáng tạo: mạng xã hội là phương tiện hiệu quả nhất để làm tê liệt và giết chết quá trình sáng tạo. Quá trình lướt các trang mạng xã hội có tác động làm tê liệt não bộ tương tự như khi xem tivi trong vô thức. Nếu hôm nay bạn có kế hoạch làm việc thì hãy tuyệt đối tránh xa các trang mạng xã hội.
5. Không trung thực và bạo lực trên mạng: “Anh hùng bàn phím” là một từ không còn xa lạ trong thời gian gần đây. Người ta cảm thấy thoải mái trên mạng nên họ thường nói những điều mà ngoài đời không dám phát biểu hoặc không có thực. Đồng thời vấn nạn bạo lực trên mạng càng nhức nhối thì ngoài đời con người cũng dần trở nên bạo lực hơn hẳn.
6. Thường xuyên so sánh bản thân với người khác: những gì người ta khoe khoang trên mạng không hẳn là con người thật của họ, và việc thường xuyên so sánh những thành tựu của mình với bạn bè trên mạng sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến tinh thần của bạn. Hãy dừng việc so sánh và nhớ rằng ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu của riêng mình. Từ những hành động thực tế để có thể làm tăng giá trị của bản thân là điều cần thiết đối với mỗi chúng ta.
7. Mất ngủ: ánh sáng nhân tạo tỏa ra từ màn hình các thiết bị điện tử sẽ đánh lừa não của bạn làm bạn khó ngủ hơn. Ngoài ra, nhiều bạn trẻ hiện nay sẵn sàng thức thâu đêm chỉ vì đam mê các game online. Thiếu ngủ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe và tinh thần.
8. Thiếu riêng tư: đã có nhiều thông tin cho rằng các trang mạng xã hội bán thông tin cá nhân của người sử dụng, lại thêm nhiều nguy cơ từ hacker, virus. Những điều này đều cảnh báo rằng sự riêng tư cá nhân đang dần mất đi trong khi mạng xã hội càng phát triển.
Từ việc đó, chúng ta thấy rằng, những thông tin được báo chí đăng hay được truyền tải từ mạng xã hội đã được lan tỏa rộng rãi và được dư luận hết sức quan tâm, mặc dù người đọc hay chia sẻ thông tin đó trên mạng xã hội, đều chưa biết thực hư sự chính xác của thông tin đó ra sao. Xét về góc độ này, chúng ta có thể thấy được mặt trái của mạng xã hội, mọi người đều có thể đọc và chia sẻ những thông tin mà không hiểu rõ về vấn đề, chính điều này đã vô tình gây ra những rắc rối, những ảnh hưởng xấu tới cuộc sống cá nhân của những người trong cuộc.
Do đó, bên cạnh phát huy được những mặt tích cực của mạng xã hội thì cần loại bỏ và ngăn chặn được những mặt tiêu cực của nó. Và có không có giải pháp nào hiệu quả và tối ưu hơn đó là từ chính công tác quản lý của cơ quan quản lý và sự nhận thức, mục đích của người sử dụng. Hãy có cách nhìn và sử dụng mạng xã hội một cách đúng đắn để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.