Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Nét đẹp ân tình thủy chung của con người Việt Nam qua hai bài thơ Bếp lửa (Bằng Việt) và Ánh trăng (Nguyễn Duy)

2 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
28.860
52
26
Vân Cốc
17/12/2018 20:54:53
bạn tham khảo bài sau :
"Đừng đánh mất quá khứ vì với quá khứ, người ta xây dựng tương lai" (Anatole France). Thật vậy, "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", "Uống nước nhớ nguồn" đó là truyền thống lâu đời của con người Việt Nam. Truyền thống ấy đã được nhắc đến rất nhiều trong các tác phẩm văn học từ bao đời nay.
- Nổi bật là hai bài thơ "Ánh trăng" của Nguyễn Duy và "Bếp lửa" của Bằng Việt.
- Qua các tác phẩm, các tác giả đã kín đáo bộc lộ những suy nghĩ, những chiêm nghiệm về một lẽ sống ân nghĩa thuỷ chung cao quí trong cuộc đời mỗi con người.
II. Thân bài:
1. Khái quát ( Dẫn dắt vào bài )
- Hoàn cảnh sáng tác: Bằng Việt và Nguyễn Duy đều đã từng sống, trải qua những năm tháng khó khăn, thiếu thốn, khốc liệt của chiến tranh và được cưu mang, đùm bọc,sẻ chia…-> khi viết những tác phẩm này, hai nhà thơ đã được hưởng cuộc sống hoà bình, ấm no, hiện đại.
- Gợi nhắc đạo lí về lòng biết ơn, lối sống ân nghĩa, thuỷ chung đối với mỗi người.Dù là lòng thương nhớ, biết ơn bà hay ân tình với nhân dân, đất nước thì đều có chung một nét đẹp nhân văn - đạo lí uống nước nhớ nguồn.
2. Nét đẹp ân nghĩa, thuỷ chung trong bài thơ "Bếp lửa" của Bằng Việt.
* Đó là tình cảm của người cháu đối với bà khi đã trưởng thành, xa nhà. Nơi đất khách nhưng người cháu vẫn đau đáu nhớ về bà, nhớ về những năm tháng tuổi thơ xa cách cha mẹ, gắn bó với bà. Những năm tháng đói khổ được bà chăm sóc.
- Cháu nhớ bà, xót xa, thương cảm thấu hiểu cuộc đời của bà cơ cực, gian nan mà giàu đức hi sinh.
- Kỉ niệm thời thơ ấu bên bà: Bà chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ cháu.
- Cuộc sống khó khăn, cuộc đời nhiều gian khổ nhưng tấm lòng bà vẫn bền bỉ, mênh mông, giàu đức hi sinh.
- Người cháu không nguôi nhớ về bà, nhớ về quê hương cội nguộn
=> Hình ảnh "bếp lửa" bình dị, thân thuộc=> hình ảnh kỉ niệm tuổi thơ, gian khó nhọc nhằn, ấm áp tình bà cháu, xóm làng=>hình ảnh quê hương, cội nguồn – nỗi nhớ trong lòng người xa quê.
=> Khẳng định giá trị nghệ thuật của bài thơ nhé!
3. Nét đẹp ân nghĩa, thuỷ chung trong bài thơ "Ánh trăng" của Bằng Việt.
* Trong bài thơ này, truyền thống ân nghĩa, thuỷ chung được thể hiện qua lời tâm tình của nhân vật trữ tình.
- Gợi nhớ kỉ niệm tuổi thơ đẹp đẽ gắn bó với thiên nhiên, quê hương.
- Trân trọng những sẻ chia trong những năm tháng gian lao, vất vả ở những năm tháng chiến tranh.
=> Ánh trăng là hình ảnh của thiên nhiên, là người bạn tri kỉ là biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, vẻ đẹp vĩnh hằng của cuộc sống.
- Nhắc nhở, thức tỉnh con người lối sống ân tình, ân nghĩa,đừng bao giờ lãng quên quá khứ.
4. Nhận xét, đánh giá:
- Mỗi bài thơ là một hình ảnh, một mạch cảm xúc nhưng đều sâu lắng, thiết tha.
- Cả hai bài thơ đều khẳng định: hãy sống ân tình, thuỷ chung với quê hương, với quá khứ, với lịch sử và nhân dân. Chẳng ai hạnh phúc nếu không biết trân trọng, tri ân và chung thuỷ với quá khứ.
III. Kết bài:
"Ánh trăng" của Nguyễn Duy, "Bếp lửa" của Bằng Việt gợi lại bao suy nghĩ , chiêm nghiệm về một lẽ sống ân nghĩa thủy chung cao quý trong cuộc đời. Có bao giờ ta tự hỏi tại sao cũng chỉ là những hình ảnh quen thuộc thôi mà con người lại có thể nhìn thấy bao điều? Nó níu giữ con người khỏi bị trôi trượt đi bởi những lo toan tất bật hằng ngày, nó bảo vệ con người khỏi những cám dỗ tầm thường. Và trên hết, nó luôn hướng con người đến những giá trị bền vững của cuộc sống.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
75
30
Quỳnh Anh Đỗ
18/12/2018 08:25:08
“Đừng đánh mất quá khứ vì với quá khứ, người ta xây dựng tương lai” (Anatole France). Thật vậy, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” – đó là truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy đã được nhắc đến rất nhiều trong các tác phẩm văn học từ bao đời nay. Chỉ bàn đến các tác phẩm văn học hiện đại lớp 9, hẳn chúng ta đều biết đến các tác phẩm thuộc chủ đề này: “Bếp lửa” của Bằng Việt, “Ánh trăng ” của Nguyễn Duy. Qua các bài thơ, các tác giả đã kín đáo bộc lộ những suy nghĩ , chiêm nghiệm về một lẽ sống ân nghĩa thủy chung cao quý trong cuộc đời của mỗi con người.
Bằng hình tượng “Ánh trăng” thấm đượm ý nghĩa nhân văn và tư tưởng triết luận, Nguyễn Duy đã thẳng thắn và quả cảm gửi tới chúng ta một bức thông điệp tha thiết, đẹp đẽ: “Hãy lắng laị một phút cái chen lấn, bận bịu của cuộc sống để nhìn lại bản thân mình!” – để trở về với cội nguồn đạo lý “nhớ nguồn” của dân tộc thông qua việc xây dựng nhân vật trữ tình biết tự soi rọi, tự ý thức về những lầm lỗi của mình, để hướng thiện.
Lời nhắn nhủ của nhà thơ giống như một cây chuyện nhỏ với giọng điệu tâm tình .Đây là câu chuyện của chính nhà thơ . Lời thơ mở đầu như đưa người đọc trở về với quá khứ tuổi thơ của tác giả với một giọng kể nhỏ nhẹ . Đó là một tuổi thơ gắn bó thân thiết với thiên nhiên . Tuổi thơ được cảm nhận những điều kì thú của thiên nhiên. Đến khi trở thành người lính , sống ở trong rừng vầng trăng lại thành tri kỉ. Người chiến sĩ có thể nằm ngủ dưới trăng , đứng gác dưới trăng , trăng cùng chia sẻ những gian lao của cuộc đời người lính. Trăng cũng đã cùng vui niềm vui thắng trận của người chiến sĩ .Rõ ràng tình cảm của người chiến sĩ và trăng là tình cảm keo sơn gắn bó ,tưởng như tình cảm đó gắn bó mãi mãi. Nhưng câu chuyện chuyển biến về hiện tại ,điều “ngỡ không bao giờ quên” bây giờ đã quên. Giọng thơ như trầm lắng lại với nét trầm ngâm , suy tư khi kể tới. Cảnh phồn hoa nơi đô thị tập nập , đời sống của con người cũng bắt đầu thay đổi .Ánh sáng của điện đã thay cho ánh sáng của trăng .Bởi thể mà lòng người lúc này cũng thay đổi. Vẫn là vầng trăng xưa , bây giờ vầng trăng ấy lại đi qua ngõ . Thế nhưng người bạn ấy bây giờ đã thành người dưng tức là không hề quen biết.Sự đổi thay này diễn ra trong lòng người lính .Anh đã quên đi người bạn năm xưa , người bạn đã từng chịu chung gian khổ ở rừng, cùng gắn bó với anh tuổi ấu thơ. Giọng thơ thầm thì như lời trò chuyện .Anh đang trò chuyện với chính mình , suy nghĩ về việc mình đã thay đổi tình cảm quên đi vẻ đẹp của thiên nhiên,bình dị. Phải chăng , sự suy ngẫm này như một sự sám hối , tự trách mình .Sống trong hiện tại mà quên đi quá khứ , sống trong hoà bình có đầy đủ vật chất mà quên đi những ngày gian khổ .
Nhưng nhà thơ không dừng lại ở đó mà còn sáng tạo ra một cuộc sống chân thật mà cũng rất quen thuộc xảy ra ở đô thị đó là hệ thống đèn điện tắt cả.Một không gian phòng buyn-đinh tối om .Người chiến sĩ cũng giống như bao người khác vội bật tung cửa sổ , đột ngột thấy vầng trăng .Như vậy trăng xưa lại đến với người vẫn tròn vẫn đẹp và thuỷ chung với mọi người .
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng, là bể
như là sông, là rừng
Người ngắm trăng và suy ngẫm bâng khuâng “Ngửa mặt lên nhìn mặt ”. Hai chữ “mặt ”trong một vần thơ , mặt trăng và mặt người đối diện nhau . Đó là nhìn mặt tri kỉ, mặt của tình nghĩa mà bấy lâu nay mình dửng dưng. Nguyễn Duy gặp lại ánh trăng như gặp lại người bạn tuổi thơ, như gặp lại người bạn từng sát cánh bên nhau trong những tháng năm gian khổ. Trăng chẳng nói chẳng trách nhưng tâm trạng của người lính có gì đó rưng rưng .Phải chăng đó là tâm trạng xúc động nghẹn ngào .Nước mắt như trực ứa ra .Bao kỉ niệm đẹp của một đời người đã ùa về trong tâm trí người chiến sĩ .Từ « rưng rưng » gợi tả nỗi xúc động của thi sĩ. Những kỷ niệm ngày nào bấy lâu tưởng bị chôn vùi nay lại ùa về đánh thức tâm hồn người trong cuộc « như là đồng là bể,như là sông là rừng”.Câu trúc của câu thơ sóng đôi kết hợp với phép tu từ so sánh , từ “là ”được nhắc lại bốn lần cho ta thấy ngòi bút của Nguyễn Duy thật tài hoa.Ông đã gợi ta được sự gắn bó chan hoà với thiên nhiên của người chiến sĩ trong quá khứ. Bởi lẽ nhớ tới đồng, tới sông , tới bể là nói tới thời ấu thơ , nói tới rừng là nói tới thời chiến tranh. Hai hình ảnh thơ này được lặp lại ở khổ thơ đầu .Như vậy vầng trăng trong đoạn thơ không chỉ là vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn là biểu tượng của quá khứ tình nghĩa.Vầng trăng đã đánh thức dậy tất cả, từ những năm tháng hoa niên cho đến khi cầm súng hành quân đuổi giặc dưới những cánh rừng. Hóa ra những ký ức đẹp đẽ ấy đã không mất đi và con người không phải hoàn toàn vô tâm đến thế. Ký ức ấy chỉ tạm lắng xuống, con người trong lúc bận rộn có thể lãng quên đi nhưng chỉ cần một tác động nhỏ nào đó, chúng sẽ sống dậy vẹn nguyên, thậm chí còn đằm sâu hơn, tạo nên vẻ đẹp không gì sánh nổi của tâm hồn con người.
Nguyễn Duy đưa người đọc cùng đắm chìm tong suy tư, trong chiêm nghiệm về « vầng trăng tình nghĩa » một thời :
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình
Bài thơ dừng ở cảm xúc « rưng rưng » cũng đã rõ chủ đề. Nhưng thêm một đoạn cuối, ý tưởng bài thơ được đẩy cao thêm, rõ hơn và mạnh hơn trong sự bình luận về một thái độ sống. Hình ảnh « vầng trăng” còn được nhà thơ nhìn lại « tròn vành vạnh » thật là đẹp, một cái đẹp viên mãn không hề bị khiếm khuyết dù ai kia thay đổi, vô tình. Ánh trăng sáng tròn đầy hay chính là cái đẹp của tình nghĩa thủy chung, nhân hậu ? Ánh trăng vừa nghiêm khắc, lạnh lùng, vừa bao dung độ lượng : “kể chi người vô tình”.Chính ánh trăng vô ngôn, không một lời trách cứ ấy đã khiến cho “ người vô tình” thấy rõ cái khiếm khuyết của bản thân mà không khỏi “giật mình “ tỉnh ngộ.Thật khó diễn tả cho hết tâm trạng của con người lúc ấy, biết bao ý nghĩa hàm ẩn trong hai chữ « giật mình ». Cái « giật mình » chân thành thay cho một lời sám hối ăn năn. Dù lời sám hối ấy không được cất lên nhưng chính vì thế nó lại làm cho ý thơ trở nên ám ảnh, day dứt hơn. Cả bài thơ là vô nhân xưng, đến đây tác giả mới xưng « ta » để nhận lỗi, để tạ tội. Một cái giật mình tái mặt khi nhận ra chân tướng của chính mình. Đằng sau cái giật mình ấy người đọc cảm nhận được niềm ân hận day dứt của một con người đã nghiêm khắc nhìn thẳng vào mình để nhận ra cái sai của mình Người xưa hay nói « trong cái rủi có cái may ». Một sự cố rất bình thường của nền văn minh hiện đại đã thức tỉnh con người trở về với những giá trị cao đẹp, vĩnh hằng.Đó chính là cái hay và độc đáo của bài thơ có sức cảm hóa lòng người.
Đọc bài thơ người đọc đều cảm nhận thấy đây không chỉ là câu chuyện riêng của nhà thơ mà cũng là chuyện của mình .Từ câu chuyện ấy gợi ra cho người đọc sự suy ngẫm và liên tưởng tới cách sống của chính mình . Nhà thơ tâm sự với bạn đọc những điều sâu kín nơi lòng mình nhưng cũng là để gửi tới người đọc một bức thông điệp về cách sống đẹp trong hoàn cảnh đất nước hoà bình .Qua tâm sự sâu kín của Nguyễn Duy ở bài thơ « Ánh trăng », chúng ta như được thanh lọc lại tâm hồn mình, như lay động miền ký ức mà có lúc vô tình chúng ta đã lãng quên. Mong sao những ai từng ở với sông, với biển, với đồng, với rừng… trong những năm tháng gian lao ấy luôn luôn có được tình cảm này.
Có lẽ khi nhắc về quá khứ, nhất là những thời điểm đẹp đẽ, người ta vẫn thường kể nhiều hơn. Với “Bếp lửa” nhà thơ Bằng Việt thực đã dắt dẫn người đọc vào sâu trong mạch kể, mạch hồi tưởng của ông. Bài thơ đã khơi dậy trong lòng chúng ta một tình cảm cao đẹp đối với gia đình, với những người đã tô màu lên tuổi thơ trong sáng cuả ta. Hồi ức đẹp một đi không trở lại của tuổi thơ được tái hiện không phải bằng một trí nhớ lan man, chắp vá. Trái lại, ở sâu trong tiềm thức của tác giả, hình ảnh “Bếp lửa” và “người bà” lúc nào cũng tỏ sáng lạ kì - trở thành một điểm đi về trong cõi nhớ
Trong kỉ niệm, trong cảm xúc của mỗi nỗi nhớ, lí trí đã nhường chỗ cho tình cảm và cái rõ ràng, minh bạch đã nhoè đi để được thêm những cái mơ màng, chập chờn của hồi ức. Hình ảnh bà và bếp lửa qua tâm trạng ấy đã đồng nhất, hoà quyện với nhau. Tuy một mà hai tuy hai mà một để chỉ còn hiện lên trong tâm tưởng người cháu của một cái gì thật ấp iu, nồng đượm. Hình ảnh bếp lửa là cầu nối để đứa cháu phương xa ngàn dặm gửi tình thương nỗi nhớ về bà, về quê hương. Nhưng qua dòng hồi tưởng nhẹ nhàng tươi mát của cháu, bếp lửa của củi rơm kia cũng không còn là bếp lửa bình thường như cái nhìn trước đó. Nó trở thành một hình ảnh cứ trở đi trở lại trong bài thơ, trong tâm trí người cháu và không lần nào cái bếp lửa bình dị ấy không gắn với hình ảnh người bà tảo tần, đầy thân thương. Và vì lẽ đó mà người ta có cảm giác bếp lửa kia chính là tình cảm của người bà đôn hậu.
Rồi sớm chiều lại bếp lửa bà nhen
Một ngọn lửa lòng bà luôn ủ sẵn
Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…
Tình cảm của bà rõ ràng đã được tượng trưng hoá với “ngọn lửa”. Nếu nói “Bếp lửa” e chưa thật trúng, còn nói “ngọn lửa” thì người ta cảm thấy cái linh hồn, tình cảm đã nằm ngay ở đó. Ngọn lửa ấy phải chăng là tâm huyết, nhiệt huyết (chứa niềm tin dai dẳng) phải chăng là tình yêu (lòng bà luôn ủ sẵn). Từ “Bếp lửa” đến “ngọn lửa” có lẽ là hành trình từ cái đơn sơ giản dị đến những cái thiêng liêng cao cả, từ cái thực đến cái linh hồn. Hình ảnh bếp lửa được thay thế bằng hình ảnh ngọn lửa cụ thể hơn mang ý nghĩa ẩn dụ, tượng trưng cho ánh sáng, hơi ấm và sự sống. Cái bếp lửa mà bà nhen sớm sớm, chiều chiều không phải chỉ bằng nhiên liệu người ta vẫn thường dùng nhóm lửa mà đã sáng bừng lên thành ngọn lửa bất diệt, ngọn lửa của tình yêu thương luôn ủ sẵn trong lòng bà, ngọn lửa của niềm tin dai dẳng, ngọn lửa thắp sáng lên niềm tin, ý chí, hy vọng và nghị lực. Điệp ngữ “một ngọn lửa” nhấn mạnh tình yêu thương ấm áp bà dành cho cháu. Phải chăng chính ngọn lửa lòng bà đã nhen lên trong tâm hồn cháu, ý chí, nghị lực và một tình yêu cuộc sống, một niềm tin tươi sáng về ngày mai. Đó là biểu hiện của sức sống muôn đời bất diệt mang niềm yêu thương, ý chí, nghị lực, niềm tin của bà truyền cho cháu. Khái quát hơn, đó là ý chí, là nghị lực, là niềm tin của cả một dân tộc trong thời kỳ lịch sử vô cùng khó khăn đó, niềm tin về một ngày mai hoà bình, một ngày mai tươi sáng và một tương lai tốt đẹp hơn đang chờ phía trước. Hình ảnh của bà trong tâm hồn nhà thơ không chỉ là người thắp lửa giữ lửa mà còn là người truyền lửa. Lửa ấy là lửa niềm tin, lửa sức sống truyền đến các thế hệ mai sau.
“Lận đận đời bà biết mấy nắng mưa
Mấy chục năm rồi, đến tận bây giờ
Bà vẫn giữ thói quen dậy sớm
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”.
Cuộc đời bà là một cuộc đời đầy gian truân, vất vả, nhiều lận đận, trải qua nhiều nắng mưa tưởng như không bao giờ dứt. Hình ảnh của bà cũng là hình ảnh của bao người phụ nữ Việt Nam giàu đức hy sinh dù gian truân vất vả vẫn sáng lên tình yêu thương.Bà đã nhóm bếp lửa trong suốt cuộc đời bà, đã trải qua nắng mưa “mấy chục năm rồi”. Bà không chỉ nhóm bếp lửa bằng đôi bàn tay già nua, gầy guộc, mà là bằng tất cả tấm lòng đôn hậu “ấp iu nồng đượm” của bà đối với con cháu. Điệp từ “nhóm” được nhắc đi nhắc lại 4 lần trong 4 câu thơ đan kết với những chi tiết rất thực… có điểm chung là cùng gắn với hành động nhóm bếp, nhóm lửa của bà nhưng lại khác nhau ở những ý nghĩa cụ thể: khi thì nhóm bếp lửa ấp iu, nồng đượm để sưởi ấm cho bà cháu qua cái lạnh buốt của sương sớm; đến câu tiếp theo thì đã vừa nhóm bếp luộc khoai, luộc sắn cho cháu ăn đỡ đói lòng mà như còn đem đến cho đứa cháu nhỏ cái ngọt bùi của sắn khoai, của tình yêu thương vô hạn của bà. Đến câu tiếp theo thì lòng bà còn mở rộng hơn cùng với nồi xôi gạo mới mùa gặt là tình cảm xóm làng đoàn kết, gắn bó, chia ngọt, sẻ bùi và đến câu thứ tư thì hoàn toàn mang nghĩa trừu tượng: nhóm dậy cả tâm tình tuổi nhỏ. Tình cảm của bà bao la giản dị như khoai sắn và cũng đậm đà như khoai sắn.Các từ ngữ “ấp iu nồng đượm”, “yêu thương”, “ngọt bùi”, “chung vui” thể hiện sự tinh luyện của một ngòi bút nghệ thuật, đã diễn tả thật hay tình thương, niềm vui, sự no ấm, hạnh phúc mà bà đã mang lại cho con cháu. Bà đã “nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”, nuôi dưỡng và làm bừng sáng những ước mơ, những khát vọng của đàn cháu nhỏ. Bếp lửa bà nhen đã nhóm lên ngọn lửa của tình thương ấm áp. Chính vì thế mà nhà thơ đã cảm nhận được trong hình ảnh bếp lửa bình dị mà thân thuộc sự kì diệu, thiêng liêng:
“ÔI! Kì lạ và thiêng liêng - Bếp lửa”.
Câu thơ cảm thán với cấu trúc đảo thể hiện sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng như một khám phá ra một điều kỳ diệu giữa cuộc đời bình dị. Từ ngọn lửa của bà, cháu nhận ra cả một niềm tin dai dẳng về ngày mai, cháu hiểu được linh hồn của một dân tộc vất vả, gian lao mà tình nghĩa. Như vậy, từ ngọn lửa của bà, cháu nhận ra cả một “niềm tin dai dẳng” về ngày mai, cháu hiểu được linh hồn của một dân tộc vất vả, gian lao mà tình nghĩa. khái quát trở thành ngọn lửa trong trái tim – một ngọn lửa ẩn chứa niềm tin và sức sống của con người.
Bài thơ chứa đựng một ý nghĩa triết lí thầm kín: những gì là thân thiết nhất của tuổi thơ mỗi người đều có sức toả sáng, nâng đỡ con người suốt hành trình đài rộng của cuộc đời. Tình yêu thương và lòng biết ơn bà chính là một biểu hiện cụ thể của tình yêu thương, sự gắn bó với gia đình, quê hương, và đó cũng là sự khởi đầu của tình yêu con người, tình yêu đất nước.
Ánh trăng của Nguyễn Duy, Bếp lửa của Bằng Việt gợi lại bao suy nghĩ , chiêm nghiệm về một lẽ sống ân nghĩa thủy chung cao quý trong cuộc đời. Có bao giờ ta tự hỏi tại sao cũng chỉ là những hình ảnh quen thuộc thôi mà con người lại có thể nhìn thấy bao điều? Nó níu giữ con người khỏi bị trôi trượt đi bởi những lo toan tất bật hằng ngày, nó bảo vệ con người khỏi những cám dỗ tầm thường. Và trên hết, nó luôn hướng con người đến những giá trị cao đẹp của cuộc sống.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×