Động đất hay địa chấn là sự "rung chuyển trên bề mặt Trái Đất" do kết quả của sự giải phóng năng lượng bất ngờ ởlớp vỏ Trái Đất và phát sinh ra Sóng địa chấn . Nó cũng xảy ra ở các hành tinh có cấu tạo với lớp vỏ ngoài rắn như Trái Đất . Trong lịch sử tồn tại và phát triển, nhân loại luôn luôn phải đương đầu với các tai họa thiên nhiên, như lũ lụt, hạn hán, bão tố, động đất, sóng thần, núi lửa… Trong các tai họa thiên nhiên đó, có lẽ động đất là tai họa khủng khiếp nhất, bởi vì chỉ trong vài giây đồng hồ cả một thành phố có thể bị sụp đổ hoàn toàn, cả một khu vực có thể bị sụt lún và đôi khi những dòng sông cũng bị đổi dòng do hậu quả của những trận động đất cực mạnh. Điều đáng sợ hơn là cho đến nay khoa học và kỹ thuật đương đại vẫn chưa dự báo chính xác thời điểm và địa điểm động đất sẽ xảy ra. Do đó, con người chưa có biện pháp phòng chống chủ động đối với từng trận động đất, như phòng chống bão hay lũ lụt. Đề cập đến động đất chúng ta phải nói đến sóng thần, một tai họa thiên nhiên có liên hệ trực tiếp với động đất xảy ra trong lòng đất dưới đáy biển và đại dương. Sóng thần cũng có thể tàn phá những khu vực rộng lớn ven bờ biển, nhưng nếu cảnh báo kịp thời cho những vùng bị đe dọa, chúng ta có thể giảm nhẹ đáng kể thiệt hại. Đối với tai họa động đất, tuy chưa thể dự báo chính xác, nhưng chúng ta vẫn có các giải pháp hạn chế thiệt hại do động đất gây ra. Ngày nay, đối với những người không nghiên cứu động đất, dường như động đất xảy ra ngày càng nhiều và gây thảm hoạ ngày càng lớn. Thực ra, ấn tượng đó không đúng hay không hoàn toàn đúng. Hiện nay các nhà địa chấn học có rất nhiều trạm ghi động đất (tất nhiên vẫn chưa đủ và phân bố chưa đều khắp!) có khả năng ghi nhận các trận động đất với các cường độ khác nhau, trong đó có những động đất mà con người không cảm thấy được. Những thông tin về động đất như vậy được đưa lên các trang báo, lên các bản tin phát thanh, truyền hình, lên mạng internet. Và điều đó đã tạo cho công chúng ấn tượng về “sự nổi loạn” của hiện tượng động đất trong thời gian mấy thập niên gần đây. Mặt khác, từ những năm 50 của thế kỷ 20, tiến trình công nghiệp hoá, đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ hầu như ở tất cả các quốc gia, nên động đất gây ra những thiệt hại to lớn cũng là điều dễ hiểu, nếu động đất xảy ra tại vùng đô thị có mật độ dân cư cao.