Đề 2 :
"Gió hun hút lạnh lùng
Trong đêm khuya phố vắng
Súng trong tay im lặng
Chú đi tuần đêm nay
Hải Phòng yên giấc ngủ say
Cây rung theo gió, lá bay xuống đường…
Chú đi qua cổng trường
Các cháu miền Nam yêu mến
Nhìn ánh điện qua khe phòng lưu luyến
- Các cháu ơi! Giấc ngủ có ngon không?…"
Đó là đoạn đầu bài thơ "Chú đi tuần" in trong sách giáo khoa mà tôi đã thuộc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cách đây hơn 40 năm. Hình ảnh người chiến sĩ cảm thông, thương yêu và muốn chở che cho các em nhỏ miền Nam như người ruột thịt, giữa thời tiết khắc nghiệt, cứ ám ảnh mãi trong tâm trí tôi.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi vào phục vụ trong quân đội. Đến năm 1983, được về Báo Quân đội nhân dân công tác, tôi rất bất ngờ khi biết tác giả bài thơ "Chú đi tuần" chính là nhà báo lớp đàn anh của chúng tôi: Đại tá Trần Ngọc (ông nguyên là trưởng phòng kinh tế Báo Quân đội nhân dân và nguyên là Tổng biên tập Báo Cựu chiến binh Việt Nam). Từ ngày về nghỉ hưu ở một cái ngõ nhỏ Hà Nội, thỉnh thoảng, ông trở lại thăm tòa soạn Báo QĐND. Vào một buổi sáng gần dịp kỷ niệm lần thứ 30 ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, ông đi xe đạp đến tòa soạn để gửi cho chúng tôi một số bài viết cho mục "Một thời trận mạc". Nét chữ của ông thật chân phương. Ông viết bằng loại giấy học trò. Mỗi bài của ông còn giá trị ở chỗ có kèm theo tấm ảnh của nhân vật mà ông chụp từ thời kỳ chống Mỹ.
Rót nước mời ông, rồi chúng tôi mạo muội hỏi ông xung quanh việc ông sáng tác bài thơ "Chú đi tuần" trước đây như thế nào?
Ông xúc động kể: Bài thơ "Chú đi tuần" ông viết vào năm 25 tuổi, khi đó là chính trị viên đại đội. Với cảm xúc thương mến vô bờ các cháu học sinh miền Nam còn rất nhỏ tuổi (học cấp 1 ở trường số 4, số 6, gần cảng Hải Phòng) đã phải sống xa gia đình, quê hương, đang còn bị kìm kẹp dưới ách thống trị của đế quốc và bè lũ tay sai, ông đã viết bài thơ trong một đêm đông gió thổi hun hút, lạnh buốt. Bài thơ viết vừa ráo mực, ông liền gửi đến Tạp chí Văn nghệ Quân đội với lời đề tặng các cháu học sinh miền Nam. Bài thơ đã sớm được đăng trên tạp chí năm 1956. Rồi ông nhận được tặng phẩm của tạp chí gửi cho là một hộp thuốc đánh răng. Sau này, bài thơ được đưa vào sách giáo khoa lớp 3 từ bao giờ ông cũng không biết. Cuối năm 1959 đầu năm 1960, ông là giáo viên Trường sĩ quan Lục quân 1, đóng quân ở Sơn Tây. Một hôm, ông và các giáo viên tổ chức cho đơn vị học viên đi tập chiến thuật quân sự. Giờ nghỉ, ông và học viên ngồi tản ra dưới bóng cây gần một trường tiểu học, bỗng nghe thấy các em học sinh trong lớp đọc thuộc lòng bài thơ này. Ông rất ngạc nhiên rồi chờ đến cuối giờ học, ông hỏi cô giáo thì mới biết bài thơ "Đêm nay đi tuần" do ông sáng tác in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội ngày nào đã được đổi tên là "Chú đi tuần" và trích đăng ở tập 2, sách giáo khoa lớp 3.
Có dạo, một người bạn ở Thành phố Hồ Chí Minh ra thăm Hà Nội kể với ông rằng, trong cuộc họp mặt của học sinh miền Nam học ở miền Bắc trước kia, có người tâm sự về kỷ niệm xưa và đọc bài thơ "Chú đi tuần" rồi nêu câu hỏi: "Chú bộ đội trẻ viết bài thơ năm xưa bây giờ ở đâu? Còn hay mất?". Nghe anh bạn nói, ông nghẹn ngào không nén nổi nước mắt bởi tình cảm chân thành của ông đối với học sinh miền Nam nói riêng và đối với nhân dân miền Nam nói chung vẫn được các anh, các chị em bây giờ nhớ tới.
Mới đây, trong dịp kỷ niệm lần thứ 34 ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, nhớ tới bao kỷ niệm làm báo với Đại tá, nhà báo Trần Ngọc, anh em phóng viên trẻ chúng tôi đã gọi điện hỏi thăm ông. Từ đầu dây bên kia, giọng ông khi sôi nổi, lúc bùi ngùi. Trong câu chuyện với ông tôi biết thêm, năm 2009 này, ông đã sang tuổi 80. Tuổi thơ của ông chịu nhiều mất mát, thiệt thòi, vì mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Ông đi bộ đội từ năm 1946, một năm sau, tức là năm 1947, ông được kết nạp Đảng. Năm 1949, ông là chính trị viên trung đội. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông tham gia chiến đấu ở nhiều địa phương thuộc vùng đất Tây Bắc, trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Đến đâu chứng kiến cảnh đời thương tâm, xúc động, ông thường chia sẻ bằng những vần thơ chắt ra từ đáy lòng mình. Có thời gian, ông làm cán bộ tuyên huấn và làm báo ở một trung đoàn. Đến đầu năm 1964, ông được về công tác ở Báo Quân đội nhân dân. Vào một ngày giáp Tết Nguyên đán năm 2008, ông rất phấn khởi khi nhận được món quà tết gồm thư chúc tết của Nhà xuất bản Giáo dục, tập sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5, tập 2, in lại bài thơ "Chú đi tuần" của ông và nhuận bút bài thơ ấy là 100.000 đồng. Biết được tin này, các cháu ông quê ở Hải Phòng vui lắm, vì các cháu đã thuộc từ lâu bài thơ "Chú đi tuần" của ông trong sách giáo khoa mới.
Sau khi chúc mừng Đại tá, nhà báo Trần Ngọc, chúng tôi lựa lời nói, nhiều nhà thơ, nhà báo có tập thơ riêng, hoặc được in thơ ở tuyển tập này, tuyển tập kia, nhưng lại không có hạnh phúc như ông có thơ trong sách giáo khoa. Ông đáp rằng, cả đời ông đã viết nhiều bài thơ và thật may mắn khi bài thơ "Chú đi tuần" của ông được đưa vào sách giáo khoa. Trong giai đoạn cải cách sách giáo khoa, bài thơ đó đã đưa ra khỏi sách giáo khoa. Nhưng thời gian gần đây, bài thơ đó lại được đưa vào sách giáo khoa. Bài thơ có tác dụng giáo dục truyền thống cho học sinh về một thời điểm lịch sử quan trọng của đất nước. Đó cũng là nguồn động viên tinh thần rất quý giá với tác giả bài thơ, một thời cầm súng, làm thơ, viết báo!
Đại tá, nhà báo Trần Ngọc cúp máy điện thoại, tôi nóng lòng ra phố tìm đến một cửa hàng sách giáo khoa ngay. Tôi thật hồi hộp khi mở từng trang sách Tiếng Việt lớp 5, tập 2 (tái bản lần thứ hai) của Nhà xuất bản Giáo dục. Đúng như nhà báo Trần Ngọc tâm sự, bài thơ "Chú đi tuần" của ông in ở trang 51, 52 phần tập đọc của tập sách này, có minh họa các chú bộ đội đi tuần bằng màu sắc rất trẻ trung. Lúc đó bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu kỷ niệm của tôi về bài thơ và tác giả bài thơ lại ùa về.
chị Trậm; họ nói là phải ghi nguồn sách giải nữa đấy ạ