Lời nói là phương tiện giao tiếp quan trọng của con người, để mọi người trao đổi, trò chuyện, học hành. Từ em bé đến cụ già, từ người có địa vị cao đến người bình thường trong xã hội, ai cũng khéo léo tế nhị. Vì thế cha ông ta đã từng khuyên dạy:
Lời nói không mất tiền mua
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Và
Lời nói gói vàng.
Hai câu trên thoạt đọc qua tưởng là trái ngược, mâu thuẫn với nhau, nhưng đọc kĩ ngẫm nghĩ thật sâu thì không phải thế, câu này là tiền đề của câu kia.
Lời nói đúng là không mất tiền mua bởi vì ai cũng có. Bởi lời nói là sản phẩm của xã hội, là sở hữu chung của mọi người. Ai cũng không phải bỏ tiền ra mua và muốn dùng bao nhiêu cũng được. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau nghĩa là lựa chọn lời nói phải phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp, phải đúng lúc, đúng chỗ, có lí, có tính khéo léo tế nhị mới thuyết phục được người nghe và đạt hiệu quả giao tiếp. Những lời nói như vậy quý chẳng khác gì gói vàng. Vàng rất quý trong cuộc sống, là vật rất đắt và có giá trị lớn về vật chất. Lời nói là thứ không mất tiền mua thế nhưng những lời nói biết lựa lời đúng chỗ, đúng lúc nó còn quý hơn cả vàng.
Lời nói gói vàng bởi nó phản ánh trình độ văn hoá của con người là thước đo nhân cách của con người. Qua lời nói ta có thể đánh giá con người đó tốt hay xấu, tin tưởng hay không nên tin tưởng. Những lời nói đúng đắn đem lại những hiệu quả bất ngờ. Ta cần nhớ trong lịch sử nước nhà thiên tài Nguyễn Trãi với ngòi bút của mình đã hạ được rất nhiều thành của giặc mà không phải mất một mũi tên hòn đạn nào chỉ bằng những lời phân tích thiệt hơn, phải trái, đúng sai. Phan Huy Chú đánh giá ngòi bút của Nguyễn Trãi có sức mạnh hơn mười vạn quân. Trường hợp như vậy còn quý hơn cả gói vàng. Trong cuộc sống cũng vậy, cùng bán một thứ hàng nhưng người ăn nói nhẹ nhàng sẽ thu hút được khách mua nhiều hơn, những người cáu cẳn sẽ bán hàng được ít hơn.
Trong cuộc sống vì sao phải lựa lời? Vì khi lựa lời lời nói sẽ mang lại hiệu quả giao tiếp cao. Khi lựa lời mà nói sẽ làm cho người nghe vui lòng, dễ dàng tiếp thu ý kiến của mình. Nói mà không lựa lời làm cho người nghe khó tếp thu, không đạt được mục đích giao tiếp. Nhiều cuộc ẩu đả xô xát đã xảy ra, thậm chí cả cuộc chiến giữa nước này với nước khác mà điểm xuất phát chỉ vì một lời nói. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau hoàn toàn khác hẳn với thái độ khúm núm, sợ sệt, nịnh bợ, thể hiện nhân cách kém cỏi để lấy lòng người khác vì lợi ích cá nhân của mình.
Khuyên mọi người lựa lời để vừa lòng nhau cũng không đồng nhất với thái độ xuề xoà, nể nang thủ tiêu đấu tranh khi phê phán những sai lầm khuyết điểm của bạn bè và người thân, vấn đề ở đây là phải có thái độ chân thành, thẳng thắn. Có một sức mạnh sống chết ở miệng lưỡi chúng ta. Một lời động viên khích lệ cho một người đang bế tắc có thể vực người đó dậy và giúp họ vượt qua khó khăn. Nhưng cũng có những lời nói có thể giết chết một con người đang cơn tuyệt vọng. Do đó, hãy cẩn thận với những gì chúng ta nói.
Xã hội ngày càng phát triển đòi hỏi con người ngày càng phải lịch sự, văn minh “học ăn, học nói, học gói, học mở” là những điều luôn cần thiết.