Trên con đường hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ luôn xem văn chương là thứ vũ khí đấu tranh lợi hại, có tác dụng giáo dục to lớn. “Thuế máu” là áng văn giàu chất chính luận. Tác phẩm như một bản án tố cáo thủ đoạn và chính sách vô nhân đạo của bọn thực dân đẩy người dân thuộc địa vào các lò lửa chiến tranh. Một trong những yếu tố làm nên thành công của tác phẩm đến từ nhan đề “Thuế máu”.
Là một công dân, hẳn chúng ta đều quen thuộc với các loại thuế: thuế thu nhập cá nhân, thuế kinh doanh, thuế ruộng, thuế đất... Vào tình cảnh đất nước ta là thuộc địa của Pháp lúc bấy giờ, người dân đã nghèo khổ lại còn phải gánh trên lưng trăm thứ thuế: thuế muối, thuế gạo, thuế đất, thuế thân... Thậm chí người đã chết cũng phải đóng thuế như trong Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Thế nhưng, thuế máu lại gây một ấn tượng mạnh cho người đọc. Thứ thuế được trả bằng máu làm cho người khác không khỏi rùng mình kinh hãi. Thứ thuế máu ấy được tạo ra khi đế quốc Pháp muốn củng cố địa vị của mình bằng các cuộc chiến tranh phi nghĩa trên chiến trường quốc tế, họ có ngại gì không bắt đám dân “dễ bảo” kia mang xương máu ra mà cống nộp. Vậy là ngay từ nhan đề, ta đã có thể hình dung phần nào về sự khốn khổ cùng số phận bi thảm của những người dân An Nam thuộc địa đầu thế kỉ.
Để thu thứ “thuế máu” ấy, chính quyền thực dân đã thực hiền nhiều thủ đoạn bỉ ổi và tàn nhẫn. Chúng giở nhiều thủ đoạn, mánh khóe xảo trá đối với người dân thuộc địa. Nếu như trước chiến tranh, họ được xem là giống người hạ đẳng, là “man di, mọi rợ”, thì khi chiến tranh xảy ra, họ được tâng bốc là những “con yêu”, “bạn hiền”, “những chiến sĩ bảo vệ công lí và tự do”. Sự tương phản ấy được tác giả vạch trần bằng giọng điệu mỉa mai nhằm châm biến sự giả dối, thâm độc của chế độ thực dân. “Thuế máu” được trưng thu bằng những hành động vô cùng tàn nhẫn. Chúng tiến hành vây bắt, cưỡng bức, đàn áp dã man nếu phản đối, lợi dụng việc bắt lính để xoay sở kiếm tiền, bắt người dân thuộc địa phải rời bỏ gia đình, quê hương, buộc họ bỏ mạng nơi những miền đất xa lạ, bị biến thành vật hi sinh cho lợi ích, danh dự của chủ nghĩa thực dân. Thuế máu chính là thứ thuế ghê gớm, độc ác nhất của thực dân Pháp, đè lên số phận thảm thương của người dân sau bao áp bức, bóc lột. Còn sau khi đã bóc lột hết “thuế máu” của họ thì sao? Bộ mặt táo tợn, tàn nhẫn của bọn thực dân tiếp tục được bộc lộ khi tước hết của cải của người lính thuộc địa, đánh đập họ vô cớ, đối xử với họ như súc vật. Người dân thuộc địa lại trở về vị trí hèn hạ như ban đầu sau khi bị bóc lột hết thuế máu. Họ tiếp tục bị lừa dối, bị áp bức, bị đẩy vào tình cảnh túng quẫn, là nạn nhâm của chính sách cai trị hiểm độc. Nhan đề “Thuế máu” không chỉ gợi số phận thảm thương của người dân thuộc địa, nó còn bao hàm cả thái độ mỉa mai và lòng căm phận của tác giả đối với chính quyền thực dân. Nghệ thuật lập luận đặc sắc ở chỗ kết hợp giữa miêu tả và bình luận để châm biếm thứ thuế máu của bọn thực dân, giọng văn chua cay để vạch trần, lên án những hình thức bóc lột dã man của thực dân Pháp, trong đó có thuế máu.
“Thuế máu” đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm ngay từ nhan đề. “Thuế máu” với sức gợi mở vô cùng lớn thực sự đã gây nên nỗi ám ảnh cho người đọc về một thời kì u tối trong lịch sử.