Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Nghị luận về thái độ sống ân nghĩa, thủy chung trong bài Viếng lăng Bác và Ánh trăng

2 trả lời
Hỏi chi tiết
922
2
1
Boy With Luv
28/05/2019 10:20:30
a.Viếng Lăng Bác
Mở bài
Hồ Chí Minh – Lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta trong gần một thế kỉ đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho thơ ca, nhạc họa. Một trong những bài thơ hay đã được phổ nhạc, bày tỏ tình cảm chân thành của người con miền Nam với Bác phải kể đến “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương.
Thân bài
Ra đời năm 1976, bài thơ gồm bốn thể tự do, kết hợp cảnh miêu tả lăng bác với bộc lộ cảm xúc, tâm trạng. Ngoại cảnh được chấm phá vài nét còn chủ yếu là tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ khi vào viếng lăng Bác. Mở đầu bài thơ, Viễn Phương đã miêu tả quang cảnh lăng Bác và sự xúc động bồi hồi:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”
Giản dị, không hoa mĩ, câu thơ giống một lời chào, lời gửi thưa thành kính nhưng lại nói với ta rất nhiều điều về tấm lòng của người dân Việt Nam với Bác. Tác giả xưng “con”, biểu lộ được tình cảm gần gũi, thân thương, kính trọng vì từ sâu thẳm lòng mình, Viễn Phương coi Bác là người cha nhân hậu, hiền từ, như nhà thơ Tố Hữu đã hơn một lần nói thế:
“Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam mong Bác nỗi nhớ cha”
Tình cảm cha – con trào lên để rồi lại lắng xuống khi hiện ra lung linh trong sương sớm hàng tre bát ngát:
“Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát”
Từ láy biểu cảm “bát ngát” gợi không gian rộng lớn, xanh mát. Cảnh quan lăng vừa thực vì có hàng tre, vừa ảo vì có sương sớm, quen làm sao mà cũng lạ làm sao! Sự hiện diện của hàng tre khiến cho nhà thơ phải thốt lên:
“Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam”
Thán từ “ôi” tách thành câu đặc biệt vừa biểu lộ sự ngạc nhiên, vừa diễn tả nỗi xúc động. Hàng tre đã trở thành một biểu tượng về sự kiên cường, bất khuất, hiên ngang của dân tộc Việt Nam, nên khi nhìn hàng tre nhà thơ xúc động là điều dễ hiểu. Trong thơ Nguyễn Duy, hàng tre đã trở thành biểu tượng cho dân tộc chúng ta. Nói tới tre là nghĩ đến con người Việt Nam với bao phẩm chất tốt đẹp. Liên tưởng Nguyễn Duy cũng gặp gỡ Viễn Phương ở điểm đó:
“ Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”
Hoán dụ “bão táp mưa sa” lấy cái cụ thể để chỉ cái trừu tượng là khó khăn gian khổ. Còn “hàng tre” trong tư thế “đứng thẳng hàng” vừa là hình ảnh tả thực, vừa là ẩn dụ chỉ sức mạnh tinh thần, ý chí và bản chất kiên cường, bất khuất, không chịu cúi đầu của con người Việt Nam. Đọc hai câu thơ ta thấy cả một dân tộc như đã hợp thành một đội ngũ nghiêm trang, chỉnh tề bên Người. Trong khó khăn, gian khổ, trong bão táp mưa sa vẫn giữ lòng thủy chung với Bác.
Khi tình cha con hòa quyện trong tình quần chúng- lãnh tụ thì hồn thơ Viễn Phương bất chợt thăng hoa để sáng tạo nên hình ảnh tuyệt đẹp về Bác và lòng dân với Bác:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”
Ở cặp câu thơ đầu, nhà thơ khẳng định sự vĩ đại của Bác thông qua nghệ thuật ẩn dụ: “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/ Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”. Mặt trời “trên lăng” là mặt trời của tự nhiên. Mặt trời “trong lăng”là trái tim và tình yêu của Bác. Cách so sánh của Viễn Phương thật tự nhiên, dùng từ thật chọn lọc. Chỉ khác nhau một chữ “trên” và “trong” mà người đọc thấy: một đằng là cụ thể, một đằng là biểu tượng nhưng lại có ý nghĩa tương đồng. Trong vũ trụ, mặt trời là thiên nhiên rực rỡ, ấp áp chiếu sáng và duy trì sự sống cho cỏ cây hoa lá muôn loài. Cũng như thế, với chúng ta. Bác là ánh sáng, Bác là nguồn sức mạnh, cổ vũ và soi đường cho cả dân tộc thoát kiếp nô lệ tăm tối để đến với độc lập – tự do- thống nhất.
“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”
Nhịp thơ chầm chậm như bước chân đi lặng lẽ.Đoàn người vào lăng viếng Bác thành “dòng” mãi không dứt. Thông qua nghệ thuật ước lệ, dòng người bất tận kia trở thành “tràng hoa” dâng lên người cha già. “Tràng hoa” có thể là hình ảnh thực, có thể là ẩn dụ chỉ tấm lòng thơm thảo như hoa ngát hương hay tượng trưng cho muôn triệu cuộc đời nở hoa dưới ánh sáng mặt trời Bác Hồ rực rỡ. Dù hiểu theo nghĩa nào thì hình ảnh thơ cũng thật đẹp.
Chữ “dâng” diễn tả sự thành kính, lòng biết ơn. Từ “ngày ngày” được nhắc lại hai lâng như một điệp ngữ, song đôi với câu thơ trước, vừa có ý nhấn mạnh,vừa có ý so sánh. Giống như “ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng”, tình cảm của nhân dân với Bác cũng vĩnh hằng như quy luật vận hành của vũ trụ. “Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân” là một ẩn dụ đẹp và sáng tạo của nhà thơ. Bởi “mùa xuân” không chỉ gọi tuổi mà còn gợi đến sự bất tử và khẳng định sức cống hiến không mệt mỏi, thanh xuân của Bác Hồ cho đất nước, nhân dân.
Kết bài
Như vậy, chỉ qua hai khổ thơ đầu thôi nhưng nhà thơ Viễn Phương đã khắc họa được tình cảm sâu đậm, sự biết ơn, kính mến của người con miền Nam cũng như những người con của cả nước Việt Nam đối với Bác. Sự kính yêu, trân trọng này sẽ mãi nằm trong trái tim mỗi con người, để mỗi khi nhắc lại sẽ trào dâng cảm xúc tự hào.
b.Ánh Trăng
Vậy là chiến tranh đã đi qua hơn ba mươi năm trên mảnh đất Việt Nam nhọc nhằn và anh dũng của chúng ta. Ba mươi năm, một thời gian đủ dài và đủ chín để chúng ta thấy được diện mạo trọn vẹn của hòa bình. Nhưng liệu đã có khi nào lòng chúng ta thầm hỏi: bên trong cái nhịp sống sôi nổi cuồn cuộn hôm nay, vẫn có những cuộc chiến không tiếng súng diễn ra âm thầm và khốc liệt? Đó là “cuộc chiến” trong mỗi cá thể người: để giành giật lấy phần tốt đẹp và loại bỏ đi phần xấu xa tiềm ẩn, vươn lên hoàn thiện nhân cách của mình. Vấn đề nóng hổi mà đầy trăn trở ấy đã được phản ánh khá sâu sắc qua những tác phẩm “hậu chiến tranh” mà “Ánh trăng” của Nguyễn Duy là một minh chứng.
Bằng hình tượng “Ánh trăng” thấm đượm ý nghĩa nhân văn và tư tưởng triết luận, Nguyễn Duy đã thẳng thắn và quả cảm gửi tới chúng ta một bức thông điệp tha thiết, đẹp đẽ: “Hãy lắng laị một phút cái chen lấn, bận bịu của cuộc sống để nhìn lại bản thân mình!” – để trở về với cội nguồn đạo lý “nhớ nguồn” của dân tộc thông qua việc xây dựng nhân vật trữ tình biết tự soi rọi, tự ý thức về những lầm lỗi của mình, để hướng thiện.
Khổ thơ đầu như những lời tự sự ghi lại những dòng hồi ức của tác giả về quá khứ:
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỷ
Qua những hình ảnh không gian “đồng, sông, bể, rừng”, tác giả đã diễn tả tinh tế sự vận động của thời gian gắn bó với sự trưởng thành của nhà thơ xuất thân từ đồng nội. Người đọc như thấy thấp thoáng bóng dáng một cậu bé hồn nhiên lớn lên theo tháng ngày nơi đồng ruộng, sông bể để rồi trở thành người chiến sĩ trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ. Trăng gắn bó với tác giả ngay từ thời thơ ấu. Trăng gắn với đồng ruộng, dòng sông, biển cả. Nhưng phải đến khi ở rừng nghĩa là lúc tác giả sống trên tuyến đường Trường Sơn xa gia đình, quê hương, vầng trăng mới thành “tri kỷ”. Trăng với tác giả là đôi bạn không thể thiếu nhau, hiểu biết, thông cảm lẫn nhau. Khổ thơ nhẹ nhàng đưa người đọc lần về quá khứ, hai chữ “hồi” ở câu một và ba làm cho khổ thơ như có một chỗ dừng chân. Cái dừng chân giữa ranh giới của ấu thơ và lúc trưởng thành! Những chữ “hồi, với” được lặp lại diễn tả cuộc sống nhiều biến động của một con người. Điều ấy chứng tỏ nhà thơ đã đi nhiều, từng trải nhiều…Lời thơ như giọng nói thủ thỉ, tâm tình. Phải chăng vì thế mà người đọc bị lôi cuốn theo lời tâm sự của tác giả ?
Tác giả như khắc đậm thêm tình cảm của mình đối với ánh trăng:
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa
Cách nói “trần trụi với thiên nhiên” gợi cho người đọc nghĩ tới sự gần gũi giữa tác giả với thiên nhiên, gần gũi với trăng. Sự “hồn nhiên” vô tư ở đây là của tâm hồn người chiến sĩ hay ánh trăng? Có lẽ cả hai. Tâm hồn người chiến sĩ lúc ấy “hồn nhiên” vô tư đến độ “như cây cỏ” – không có gì tính toán, mưu toan, vụ lợi. Ánh trăng cũng hồn nhiên như trẻ thơ, chân thành như bạn hữu, trăng chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ với những người lính ở rừng núi… Cái “tình nghĩa” vẹn toàn ấy của trăng làm sao con người có thể quên được. Cách nhân hóa “vầng trăng thành tri kỷ”, “vầng trăng tình nghĩa” thể hiện tình cảm nặng lòng của tác giả đối với trăng biết nhường nào! Vầng trăng “tri kỷ” đã đẹp rồi mà “vầng trăng tình nghĩa” còn cao quý biết bao!Lời thơ vẫn thủ thỉ tâm tình nhưng dường như đã xuất hiện những biến chuyển trong lời tâm sự của thi nhân. Từ “ngỡ” ở đầu câu thơ thứ ba như báo trước một điều gì sẽ xảy ra trái với dự đoán và suy nghĩ ban đầu, một chữ “ngỡ” đã mở ra những dòng suy tư khác….
Điều ấy đã trở thành hiện thực, điều “ngỡ không bao giờ quên” ấy bây giờ đã quên:
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Trước đây tác giả sống với sông, với bể, với rừng bây giờ môi trường sống đã thay đổi: tác giả về sống với thành phố. “Từ hồi về thành phố” có lẽ là khi chiến tranh đã qua rồi, cuộc sống yên bình đã trở lại và cũng có nghĩa là những gian khổ, ác liệt của cuộc chiến đấu đã lùi xa. Cái thiên nhiên vĩ đại và nguyên sơ như “đồng, sông, bể, rừng” biến mất, bao quanh con người bây giờ là một kích cỡ nhân tạo: “thành phố”. Đời sống cũng thay đổi theo: “quen ánh điện cửa gương”. “Ánh điện” và “cửa gương” tượng trưng cho cuộc sống sung túc, đầy đủ sang trọng đã khiến cho “cáo vầng trăng tình nghĩa” ngày nào bị tác giả dần lãng quên. Những no đủ hạnh phúc của cuộc sống mới hấp dẫn hơn vầng trăng tri kỷ năm nào. Phải chăng “vầng trăng” ở đây tượng trưng cho những tháng năm trong quá khứ? Hay đó còn là tình bạn, tình đồng chí được hình thành từ những tháng năm gian khổ ấy? “Trăng” bây giờ thành “người dưng”, dường như tác giả không còn nhận ra đó đã từng là người bạn nghĩa tình ngày trước.Hình ảnh nhân hóa ở đây thật sinh động “vầng trăng đi qua ngõ”. Trăng đâu có cao xa vời vợi, trăng vẫn gần gũi thân thương vậy mà con người thật lạnh lùng dửng dưng… Rõ ràng hoàn cảnh tác động đến con người thật mạnh mẽ. Bởi thế người đời vẫn thường nhắc nhau : “ngọt bùi nhớ lúc đắng cay, ra sông nhớ suối có ngày nhớ đêm”. Lời thơ pha chút chua xót, dường như tác giả đang cố giữ nguyên không để cho lời tâm tình kia xao động.Khổ thơ này có kết cấu đối lập, một bên là “ánh điện, cửa gương” sáng lòa, lộng lẫy, rực rỡ và một bên là “ánh trăng” dịu ngọt, thanh nhẹ. Đặt những hình ảnh có vẻ đối lập bên nhau, Nguyễn Duy muốn bộc lộ kín đáo một lời tự nhủ chân thành. Người đọc như bị cuốn theo mạch cảm xúc của tác giả.
Và bài thơ được phát triển đến một tứ thơ có chút kịch tính:
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
Bốn dòng thơ với hai từ “thình lình”, “đột ngột” không khỏi làm người đọc giật mình – cái giật mình như một phản xạ kéo ta ra khỏi luồng suy nghĩ miên man. Cử chỉ “vội bật tung cửa sổ” lúc bấy giờ chỉ là một phản xạ hết sức tự nhiên của một người quen với ánh sáng điện nay lại bị giam trong bóng tối, mong có được một chút ánh sáng bên ngoài cho căn phòng đỡ tối tăm hơn mà thôi chứ đâu phải là một hành động có chủ ý đi tìm người bạn tri kỷ ngày nào.
Riêng tác giả, cái vầng trăng đột ngột hiện ra trên khoảng trời kia đâu phải chỉ để thay thế trong khoảnh khắc cho sự cố mất điện vừa rồi mà nó còn làm xáo trộn tâm hồn thi sĩ:
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng, là bể
như là sông, là rừng
Cử chỉ « ngửa mặt lên nhìn mặt » chính là sự đàm tâm, đối thoại với trăng mà cũng là tự đối thoại với mình. Trong câu thơ, tác giả dùng đối xứng hai từ « mặt » rất hay. Đó là nhìn mặt tri kỉ, mặt của tình nghĩa mà bấy lâu nay mình dửng dưng. Nguyễn Duy gặp lại ánh trăng như gặp lại người bạn tuổi thơ, như gặp lại người bạn từng sát cánh bên nhau trong những tháng năm gian khổ. Từ « rưng rưng » gợi tả nỗi xúc động của thi sĩ… Những kỷ niệm ngày nào bấy lâu tưởng bị chôn vùi nay lại ùa về đánh thức tâm hồn người trong cuộc « như là đồng là bể. như là sông là rừng ».Điệp ngữ « như là » cùng với nhịp thơ gấp bộc lộ rất rõ cảm xúc đang trào dâng mạnh mẽ, con người như đang quay về với những kỷ niệm… Những xúc xảm trong nỗi niềm xót xa, ân hận khiến giọng thơ không thể bình thản như trước nữa. Khổ thơ đầu chỉ nhắc « sống với đồng, với sông, với bể » đến đây trở thành « như là đồng, là bể » giọng kể đã thành giọng hoài niệm. Vầng trăng đã đánh thức dậy tất cả, từ những năm tháng hoa niên cho đến khi cầm súng hành quân đuổi giặc dưới những cánh rừng. Hóa ra những ký ức đẹp đẽ ấy đã không mất đi và con người không phải hoàn toàn vô tâm đến thế. Ký ức ấy chỉ tạm lắng xuống, con người trong lúc bận rộn có thể lãng quên đi nhưng chỉ cần một tác động nhỏ nào đó, chúng sẽ sống dậy vẹn nguyên, thậm chí còn đằm sâu hơn, tạo nên vẻ đẹp không gì sánh nổi của tâm hồn con người.
Nguyễn Duy đưa người đọc cùng đắm chìm tong suy tư, trong chiêm nghiệm về « vầng trăng tình nghĩa » một thời :
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình
Bài thơ dừng ở cảm xúc « rưng rưng » cũng đã rõ chủ đề. Nhưng thêm một đoạn cuối, ý tưởng bài thơ được đẩy cao thêm, rõ hơn và mạnh hơn trong sự bình luận về một thái độ sống. Hình ảnh « vầng trăng » còn được nhà thơ nhìn lại « tròn vành vạnh » thật là đẹp, một cái đẹp viên mãn không hề bị khiếm khuyết dù ai kia thay đổi, vô tình. Ánh trăng sáng tròn đầy hay chính là cái đẹp của tình nghĩa thủy chung, nhân hậu ? Ánh trăng vừa nghiêm khắc, lạnh lùng, vừa bao dung độ lượng : « kể chi người vô tình ».Chính ánh trăng vô ngôn, không một lời trách cứ ấy đã khiến cho « người vô tình » thấy rõ cái khiếm khuyết của bản thân mà không khỏi « giật mình » tỉnh ngộ.Thật khó diễn tả cho hết tâm trạng của con người lúc ấy, biết bao ý nghĩa hàm ẩn trong hai chữ « giật mình ». Cái « giật mình » chân thành thay cho một lời sám hối ăn năn. Dù lời sám hối ấy không được cất lên nhưng chính vì thế nó lại làm cho ý thơ trở nên ám ảnh, day dứt hơn. Cả bài thơ là vô nhân xưng, đến đây tác giả mới xưng « ta » để nhận lỗi, để tạ tội. Một cái giật mình tái mặt khi nhận ra chân tướng của chính mình. Người xưa hay nói « trong cái rủi có cái may ». Một sự cố rất bình thường của nền văn minh hiện đại đã thức tỉnh con người trở về với những giá trị cao đẹp, vĩnh hằng. Đó chính là cái hay và độc đáo của bài thơ có sức cảm hóa lòng người.
Bài thơ tạo được xúc động bởi cách diễn tả như một lời tâm sự chân thành, lời tự nhắc nhớ có giọng trầm tĩnh mà lắng sâu. Khổ cuối của bài thơ dồn nén biết bao niềm tâm sự và mang chiều sâu tư tưởng triết lí : vầng trăng cứ tròng đầy lặng lẽ, thủy chung trọn vẹn, bao dung độ lượng, không hề đòi hỏi sự đền đáp hay đó cũng chính là phẩm chất cao đẹp của nhân dân mà Nguyễn Duy cũng như nhiều nhà thơ cùng thời đã phát hiện và cảm nhận một cách sâu sắc. Có lẽ niềm tâm sự sâu kín giờ đây không chỉ còn là của riêng Nguyễn Duy nữa. Ý kết của bài thơ đã nâng những suy nghĩ của tác giả lên tầm khái quát : Ai cũng có những lúc vô tình quên đi những gì tốt đẹp của ngày xưa. Nếu như không có sự thức tỉnh, những lúc « giật mình » nhìn lại của lương tâm thì biết đâu chúng ta sẽ đánh mất chính mình ?
Có lẽ ai đã từng đọc « Ánh trăng » cũng đều nghiêm khắc với chính mình như thế vì một thời quá khứ chưa được đánh giá đúng mức. Vâng, muộn còn hơn không mỗi chúng ta đều phải có trách nhiệm với những gì thuộc về quá khứ. Thiết tưởng « Ánh trăng » không chỉ làm « giật mình » một Nguyễn Duy mà thôi ! Qua tâm sự sâu kín của Nguyễn Duy ở bài thơ « Ánh trăng », chúng ta như được thanh lọc lại tâm hồn mình, như lay động miền ký ức mà có lúc vô tình chúng ta đã lãng quên. Mong sao những ai từng ở với sông, với biển, với đồng, với rừng… trong những năm tháng gian lao ấy luôn luôn có được tình cảm này.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
1
Death Angel
28/05/2019 18:17:35
Bác Hồ – hai tiếng sao thiêng liêng mà gần gũi, thân thương đến thế! Tinh yêu thương bao la, cao cả của Người đã làm rung động bao trái tim nhà thơ, để rồi cứ thế, những áng thơ tuyệt tác ngân vang, mang đến cho ta những cảm xúc bâng khuâng kì lạ. Đến với Viếng lăng Bác của Viễn Phương một lần nữa ta lại được sống trong tình thương bao la của Bác, được cùng chung nhịp đập con tim với tác giả để mang tấm lòng thành kính thiết tha, của niềm thương vô hạn vào lăng viếng Bác… Còn gì xúc động hơn, còn gì thành kính hơn tấm lòng của một người con miền Nam lần đầu vào lăng viếng Bác. Vị Cha già kính yêu của cả dân tộc Việt Nam, đã từng “Chỉ biết quên mình cho tất cả”, đã từng truyền cho trái tim của triệu triệu con người một tình yêu dạt dào, tha thiết. Và sau bao khát khao, bao hi vọng được gặp Người, giờ đây giây phút thiêng liêng đã đến, trái tim người con cứ thế nấc lên từng tiếng nghẹn ngào, tâm trạng hoà tan vào không gian, thời gian, hoà vào mạch cảm xúc để rồi những vần thơ vang lên, thiêng liêng, xúc động!
Ngay từ mở đầu bài thơ, Viễn Phương đã giới thiệu hình ảnh người con miền Nam ra viếng Bác trong tình cảm xót xa, niềm tiếc thương vô hạn bằng những lời thơ mộc mạc, chân thành:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác ”.
Hai tiếng “con”, “Bác” nghe sao mà gần gũi, sao mà thân thương đến thế! Nhà thơ đã chọn cách xưng hô tựa như cha con, thật quen thuộc. Người con miền Nam sau bao nỗi nhớ mong, khắc khoải, tựa như nhịp đập của một trái tim yêu thương đang trong nỗi niềm thương tiếc vô hạn. Nhà thơ đã khéo léo thay từ “viếng” bằng từ “thăm” như muốn giảm nhẹ đi sự mất mát của nỗi đau. Trong trái tim của Viễn Phương hay của tất cả những người con Việt Nam, Bác luôn còn sống mãi, luôn dành tất cả sự yêu thương, sự hi sinh cao cả cho toàn dân tộc. Đắm chìm trong dòng cảm xúc xót xa, thương cảm dâng trào ấy, tác giả lại giúp ta cảm nhận được những ấn tượng đầu tiên của cảnh vật trước thềm lăng. Lăng Bác uy nghi, tráng lệ mà rất đỗi thân thương, gần gũi. Phải chăng một phần là do nơi đây, muôn loài cây tụ hội, toả hương thơm ngát? Trong đó hàng tre xanh đã trở thành một hình ảnh vô cùng thân thuộc với nhân dân Việt Nam, giờ đây đang đứng trang nghiêm bên lăng để canh giấc ngủ cho Người. Và chính bởi lẽ đó, chính bởi cảm xúc xao xuyến mà Viễn Phương đã dành hẳn ba dòng thơ tiếp theo để miêu tả hàng tre:
“Đã thấy trong sương hàng tre bất ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.”
Nhà thơ lặng đi, trầm ngâm từ phía xa nhìn về lăng Bác và hình ảnh hàng tre thân quen đã khơi gợi bao cảm xúc, liên tưởng thấm thìa. Không phải tình cờ mà nhà thơ đã đưa hình ảnh những hàng tre xanh vào áng thơ của mình. Tre vốn là biểu tượng của con người Việt Nam kiên trung, bất khuất, đã gắn bó với nhân dân ta từ lâu đời. Bởi vậy, khi mới đứng từ xa, nhìn thấy hàng tre xanh xanh, nhà thơ đã bộc lộ cảm xúc cứ tự nhiên dâng trào bằng một tiếng “Ôi” tha thiết, ngọt ngào. Một “Hàng tre xanh xanh Việt Nam” tựa như con người kiên trung, lúc nào cũng bất khuất, không bao giờ chịu đầu hàng trước bão táp, mưa sa. Quả thật là một sự liên tưởng kì thú! Hàng tre – trong phép ẩn dụ – bỗng trở nên sinh động, gần gũi hơn, tựa như trái tim của biết bao người dân Việt Nam sẽ mãi mãi eanh giấc ngủ cho Người trong lòng thành kính vô hạn. Chỉ qua ba dòng thơ mà Viễn Phương đã đem đến cho ta biết bao cảm xúc xao xuyến, bâng khuâng, như đang cùng trái tim, cùng nhịp đập để đứng trước thềm lăng trong tình cảm sâu sắc, lắng đọng.
Và rồi nỗi niềm thành kính, biết ơn, tự hào càng chân thành, da diết khi nhà thơ nhìn mọi cảnh vật trước lăng trong trái tim nhiệt thành hướng về Bác:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.”
Câu thơ đã mở ra hai hình ảnh trọng thể sóng đôi đầy sáng tạo, khéo léo. Nhà thơ đã lấy hình ảnh mặt trời để nói về Bác. Cách so sánh không hề mới trong thơ ca nhưng ta lại được đến với một sự sáng tạo đầy sức thuyết phục: đó chính là hình ảnh mặt trời thật cùng với hình ảnh mặt trời trong lăng là Bác. Trong vòng xoay chuyển của thời gian, ngày ngày trôi qua, ánh mặt trời đều chiếu sáng đỏ rực, đều mang một vẻ đẹp lớn lao, kì vĩ đem lại sự sống cho vạn vật trên trái đất, trở thành hình ảnh vĩnh hằng của vũ trụ. Và đối với dân tộc ta, Bác chính là mặt trời. Chính vì con đường bôn ba suốt năm châu bốn biển đầy vất vả, khó nhọc của Bác, con đường “ra đi với hai bàn tay trắng”. Vậy mà khi trở về, Bác đã đem đến sự sống cho cả dân tộc. Bác chính là mặt trời đã dâng tặng nhân dân Việt Nam cuộc sống ấm no, hạnh phúc, là mặt trời có sắc đố của một trái tim nhiệt huyết tràn ngập tình yêu thương, vĩ đại và vĩnh hằng, cao cả mà gần gũi. Để rồi khi con người ấy ra đi, công lao, sự nghiệp của Người trở thành bất tử trong trái tim mỗi con người Việt Nam khi vào “viếng lăng Bác”. Bằng một hình ảnh thơ, Viễn Phương đã khẳng định Bác chói lọi như một mặt trời chỉ lối, soi đường cho dân ta. Ý thơ vừa ngậm ngùi lại vừa chan chứa xúc cảm tự hào biết ơn, tôn kính và ngợi ca. Thật đúng là:
“Ta bên Người, Người toả sáng bên ta
Ta bỗng lớn ở bên Người một chút”.
(Tố Hữu – Sáng tháng năm)
Vẫn trong mạch cảm xúc ấy, Viễn Phương đã có những suy nghĩ mới mẻ khi ngắm nhìn dòng người vào lăng viếng Bác. Điệp ngữ “ngày ngày” lại một lần nữa được nhấn mạnh như muốn khẳng định, cũng như mặt trời từng ngày “đi qua trên lăng” thì dòng người vào viếng Bác cũng kéo dài vô tận. Không gian đến với lăng Bác là hữu hình, hữu hạn nhưng dòng người ấy không chỉ đến với lăng bằng thương nhớ để đến với trái tim Người, một không gian vô hình, vô hạn, rất đỗi thiêng liêng, cao cả. Bằng tất cả tấm lòng thành kính của mình, những người con Việt Nam đã:
‘‘Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.”
Viễn Phương với con mắt quan sát tinh tế của mình, đã ví từng đoàn người nối theo nhau vào lăng viếng Bác tựa như một tràng hoa thơm dâng lên Người. Hình ảnh ẩn dụ “bảy mươi chín mùa xuân” phải chăng không chỉ muốn nhấn mạnh tới bảy mươi chín tuổi đời của Bác mà còn muốn khẳng định cuộc đời của Bác đẹp như mùa xuân, một cuộc đời đã hi sinh tất cả để đem đến mùa xuân tươi đẹp cho đất nước, cho cách mạng? Và trong trái tim ta, Bác mãi là một mùa xuân đẹp nhất, vĩnh hằng nhất.
Và cái giờ phút thiêng liêng mà người con miền Nam sau bao trăn trở, khát khao nay đã đến. Trong nỗi niềm xúc động dâng trào được nhìn thấy Bác, nhà thơ thấy hình ảnh Bác thật thiêng liêng, gần gũi:
“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sắng dịu hiền.”
Giờ đây, đến với Bác, nhà thơ đã cảm nhận được giấc ngủ bình yên, nhẹ nhàng của Người. Vị Cha già dân tộc nằm đó mà sao tường như đâu đây, cầi tình cảm trìu mến, dịu dàng, thân thuộc vẫn còn khiến trái tim người con miền Nam phải rung động. Từ sự am hiểu về Bác, nhà thơ đã liên tưởng rất thú vị ánh đèn mờ ảo trong lăng chính là ánh sáng dịu hiền của vầng trăng. Bác đã từng rất yêu trăng, coi trăng là một người bạn tri kỉ. Dù ở bất cứ nơi đâu, trong nhà lao, trên chiến trận, tâm hồn thi sĩ của Bác vẫn mãi hướng về trăng. Và lúc này đây, ánh sáng dìu dịu của vầng trăng đang túc trực ở bên Người. Sự liên tưởng không chỉ dừng lại ở đó, tác giả đã miêu tả đó là “vầng trăng dịu hiền” trong lành chính là Bác. Hình ảnh của Bác có thể sánh với tất cả, những gì vĩnh hằng của thiên nhiên, của vũ trụ. Bác có lúc ấm áp, rực rỡ như mặt trời, có lúc lại êm dịu, nhẹ nhàng, trong sáng như vầng trăng thanh cao. Đến bên Bác, ta có cảm giác như được cái luồng ánh sáng ấy bao bọc, để rồi dần cảm nhận ra tình yêu thương mà Bác đã dành cho dân tộc, rất đỗi nhẹ nhàng, trìu mến mà bao la, tha thiết. Càng xúc động trước tấm lòng mênh mang “Ôm cả non sông, mọi kiếp người” của Bác, khi nhìn vào sự thật đau buồn, nhà thơ bỗng cảm thấy đau nhói khi nhận ra:
“Bác đã đi rồi sao Bác ơi! ”
(Tố Hữu – Bác ơi!)
Mặc (Ịù sự nghiệp và trái tim tràn ngập yêu thương của Bác sẽ mãi mãi sống trong lòng tất cả những người con đất Việt, như bầu trời xanh mãi mãi, bất diệt mặc dù cảm nhận được tấm lòng thành kính, biết ơn, tự hào của dân tộc Việt Nam dành cho Bác sẽ không bao giờ eạn, mà sao tác giả vẫn cảm thấy “nghe nhói ở trong tim”. Không phải “đau nhói” mà là “nghe nhói”, ta tưởng như nỗi đau chùng xuống, cả không gian trở nên một màu buồn thương, xót xa vô tận. Câu thơ ngân dài khiến người đọc chúng ta cũng cảm thấy như hoà cùng tâm trạng của tác giả để đau đớn trước sự thật Bác đã đi xa.
Đến bên Bác để khóc, người con miền Nam đã vô cùng xúc động, xót xa, thương tiếc cứ trào dâng rơi vỡ và trong những lời nguyện ước của nhà thơ trước lúc ra về:
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.”
Khi nghĩ đến giờ phút chia xa, nghĩ đến phải trở về miền Nam, trong xa cách, nước mắt nhà thơ cứ thế tuôn trào. Nỗi niềm dồn nén bấy lâu nay, nỗi nhớ nhung khắc khoải được ra viếng Bác giờ đã được in đậm trong những tiếng nấc nghẹn ngào. Bao tình thương, nỗi nhớ giờ lại càng sâu nặng hơn bởi nhà thơ sắp phải xa Bác để trở lại miền Nam yêu dấu. Và trong giờ phút xúc động ấy, nhà thơ đã có những ước nguyện hoá thân rất đỗi bình dị, khiêm nhường. Nhà thơ chỉ muốn trở thành chú chim bé nhỏ để ngày ngày hót bên lăng Bác, thể hiện tấm lòng chân thành, biết ơn của mình đối với Bác, chỉ muốn là một đoá hoa toả hương thơm ngát, được ở mãi mãi bên Người. Và một lần nữa, hình ảnh hàng tre trung hiếu lại được nhắc đến trong lời ước nguyện cuối cùng như chính là tấm lòng thành kính, thuỷ chung mà tác giả dành cho Bác, mãi sắt son, mặn nồng. Bài thơ kết lại trong những khát vọng giản dị, hết sức bé nhỏ mà mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc, lắng đọng.
Đến với Viếng lăng Bác của Viễn Phương, ta đã cảm nhận được nỗi nhớ thương vô cùng sâu sắc, thiết tha của người con miền Nam lần đầu vào lăng viếng Bác, đã cảm nhận rất rõ niềm thành kính, biết ơn, tự hào, niềm thương tiếc vô hạn của trái tim nhà thơ hay là trái tim của cả dân tộc ta dành cho Bác bởi:
“Người là Cha, là Bác, là Anh
Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ.”

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo