Đề 6:
* Yêu cầu về hình thức:
– Biết viết một bài văn nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống có sử dụng tổng hợp các thao tác nghị luận.
– Bố cục chặt chẽ, mạch lạc.
– Hành văn lưu loát. Không sai các lỗi về chính tả, dùng từ, viết câu.
– Biết thể hiện ý kiến riêng của mình trên cở sở nhận thức đúng về vấn đề cấn nghị luận.
*Yêu cầu về nội dung: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng miễn là đáp ứng được một số yêu cầu cơ bản sau:
1. Nêu được nội dung và bản chất của hiện tượng cần nghị luận: việc lười phát biểu trong giờ học của học sinh là một hiện tượng phổ biến trong tất cả các giờ học, môn học… ở trường học hiện nay.
2. Dùng thao tác giải thích để làm rõ:
– Phát biểu xây dựng bài là một hoạt động thuộc về ý thức và phương pháp học tập đối với người học sinh khi đến lớp.
– Lười phát biểu xây dựng bài là hiện tượng thụ động, không chịu giơ tay phát biểu ý kiến của một hay nhiều học sinh trước những câu hỏi mà thầy cô giáo đặt ra trong giờ học.
3. Phân tích, chứng minh,bình luận về thực trạng và nguyên nhân của hiện tượng:
a. Thực trạng:
Lười phát biểu hay nói khác đi là hiện tượng học sinh thụ động trong tất cả các giờ học ở nhiều môn học… đang là căn bệnh đang lây lan từ học sinh này sang học sinh kia, từ lớp này sang lớp khác, từ trường này sang trường nọ… Thực trạng này, thật sự làm cho không ít thầy cô giáo nói chung và thầy cô giáo có tâm huyết nói riêng rất đau đầu và bức xúc.
b. Nguyên nhân:
– Nguyên nhân khách quan:
+ Có thể do khối lượng kiến thức các môn học quá nhiều…nên thời gian đầu tư cho từng môn học bị hạn chế.
+ Một số thầy cô quá nghiêm khắc, chưa tạo được sự hưng phấn cho người học, thậm chí còn tạo tâm lý sợ hãi, căng thẳng, mệt mỏi cho các em; Do cách đặt câu hỏi nhàm chán (quá dễ hoặc quá khó) chưa phù đối tượng; một số giờ học, môn học thầy cô chưa thu hút được học sinh….
– Nguyên nhân chủ quan:
+ Do nhận thức chưa đúng: nhiều học sinh chưa hiểu hết tác dụng của việc phát biểu xây dựng bài, chưa đủ tự tin vào năng lực của bản thân nên ngại phát biểu; hoặc đa phần học sinh chỉ đầu tư vào các môn mà mình thi đại học nên bỏ rơi các môn khác.
+ Do thái độ, ý thức của một số học sinh lười biếng, không chuẩn bị bài trước khi đến lớp; một số học sinh khác muốn trả lời nhưng lại sợ sai, nếu sai thì mắc cỡ với bạn bè…..
4. Hậu quả và biện pháp khắc phục:
a. Hậu quả của hiện tượng học sinh lười phát biểu:
– Lười phát biểu làm nảy sinh tâm lý thụ động, ỷ lại nên học sinh khó nắm bắt và làm chủ kiến thức của bài học, lâu dần tạo thói quen thiếu tự tin, hạn chế tính tư duy sáng tạo của học sinh. Đồng thời, việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử của học sinh với cộng đồng sẽ gặp nhiều hạn chế, học sinh không dám mạnh dạn thể hiện suy nghĩ và chính kiến của mình trước một vấn đề nào đó…
– Lười phát biểu làm cho giờ học thiếu sinh khí, giờ học buồn tẻ; không có sự hợp tác hai chiều giữa thầy và trò; hiệu quả giờ học bị giảm sút; thầy cô chán nản, không muốn nhiệt tình truyền hết tâm huyết trong khi lên lớp.
b. Biện pháp khắc phục:
– Về phía thầy cô giảng dạy bộ môn: có phương pháp và phong cách và thái độ lên lớp tạo hứng thú cho học sinh; xây dựng hệ thống câu hỏi phù hợp với từng đối tượng; cần có nhiều hình thức khích lệ đối với các học sinh có ý thức phát biểu tốt…
– Về phía nhà trường và giáo viên chủ nhiệm: có những tiêu chí đánh giá chất lượng học sinh kịp thời sau mỗi tuần, mỗi tháng ( đưa việc phát biểu xây dựng bài trở thành tiêu chí có khen chê, thưởng phạt kịp thời).
– Về phía học sinh: cần có sự thay đổi về nhận thức, ý thức và thái độ hành động đúng đắn về việc phát biểu… ; xây dựng bản lĩnh tự tin; luyện khả năng tư duy, diễn đạt tốt; chuẩn bị bài chu đáo khi đến lớp.
5. Rút ra bài học về thái độ ý thức học tập chủ động sáng tạo từ hiện tượng…