Người Việt từ xa xưa rất coi trọng hàm răng và mái tóc. Đó là cái nhìn đầu tiên để đánh giá một người đẹp. Câu thành ngữ trên đã nói lên điều đó.
Thuở xưa, khi còn bé, con gái để tóc trái đào, nhưng đến tuổi trưởng thành thì không bao giờ cắt tóc nữa mà cứ để cho dài mãi. Có được một mái tóc dài và bóng mượt là niềm kiêu hãnh của người con gái. Xưa kia muốn giữ được một mái tóc đẹp thì phải năng gội bằng nước bồ kết cho sạch, gội xong phải xả lại bằng chanh cho mềm tóc. Muốn tóc thơm thì cho lá hương nhu hay lá sả, hạt mùi, đun cùng nước gội đầu. Đứng cạnh người đàn bà mới gội, ta ngửi thấy mùi hương thoảng thoảng của đồng nội, của cỏ cây lá ngàn, và có biết bao chàng trai chỉ vì những mùi hương ấy mà phải một thời say đắm không dứt ra được. Ở miền Nam trồng nhiều dừa, người ta còn bôi nhẹ một lượt dầu dừa lên mái tóc để lấy mùi thơm và làm bóng tóc. Ngày nay, những mùi hương đó có chăng chỉ còn lại trong hoài niệm của những người lớn tuổi.
Đến nay ta chỉ có những tấm ảnh chụp phụ nữ Việt Nam cuối thế kỷ 19, còn trước đó thì chỉ có những mô tả mơ hồ của các nhà du hành. Đầu thế kỷ 17, linh mục người Ý Chistophorro Borri (1583-1632) đã đến Bình Định, lúc đó thuộc lãnh thổ Đàng Trong dưới sự cai trị của các chúa Nguyễn. Viết về cách để tóc của phụ nữ Việt ông nói: “Họ để tóc xõa và bồng bềnh trên hai vai, tóc dài đến mức chấm đất, và tóc càng dài, người ta càng cho là đẹp. Trên đầu họ đội một thứ mũ rộng vành, rộng đến mức che lấp cả mặt, khiến cho mắt nhìn chỉ thấy được có ba bốn bước phía trước, và cái mũ đó được tết bằng lụa hay vàng tùy theo thứ bậc của người đội. Sau đấy, các phu nhân để chào hỏi một cách lễ độ, phải ngả mũ ra để người ta có thể nhìn thấy trước mặt.” Đoạn văn trên chỉ cho ta những thông tin mơ hồ về cách để tóc của người Việt ở miền Trung. Riêng cái mũ rộng vành thì có lẽ tác giả lầm cái nón chóp nhọn mà phụ nữ phía nam quen đội.
Hơn ba thế kỷ sau, bác sĩ quân y Charles-Édouard Hocquard theo quân viễn chinh Pháp đến Bắc Kỳ từ tháng 2-1884 đã ghi lại những trang về người phụ nữ mà ông đã gặp trong những ngày đầu đến Hà Nội: “Điều khiến tôi ngạc nhiên khi đến xứ sở kỳ lạ này, là khó khăn trong thời gian đầu để phân biệt đàn ông và đàn bà từ cái nhìn đầu tiên. Cả hai đều để tóc như nhau. Quần áo cũng gần như nhau. Đàn bà cũng quấn khăn như đàn ông […]” Tuy quan sát nhầm lẫn như vậy, nhưng Hocquard đã để lại cho chúng ta nhiều ảnh để có thể thấy cách để tóc của những đàn bà miền Bắc hồi đó.
Người phụ nữ đất Bắc thường buộc tóc về phía bên thành cuộn dài, bọc bên ngoài bằng một cái khăn hẹp mà dài rồi quấn quanh đầu từ phía trước ra phía sau. Đầu mối còn thừa thì giắt vào dưới vành khăn, để xõa sang bên một túm tóc nhỏ gọi là đuôi gà. Vì vậy mà câu “một thương tóc bỏ đuôi gà…” không phải xa lạ với các chàng trai xứ Bắc. Khi đi ra ngoài, để giữ cho tóc khỏi sổ người ta thường trùm một cái khăn vuông, vừa là để che nắng vừa chống rét. Người bình dân thường trùm khăn đen, phía trước trán gập nhọn giống như mỏ con chim nên được gọi là “khăn mỏ quạ”.
Trong khi đó ở miền Nam có lẽ do ảnh hưởng của người Hoa nhập cư ồ ạt từ các thế kỷ 17-18, nên phụ nữ lại bới tóc cao sau gáy rồi cài một cái trâm giữ cho tóc khỏi sổ. Khi ra ngoài thì quấn quanh đầu một cái khăn rộng dệt ô đen trắng giống như khăn của phụ nữ Khmer hay Mã Lai. Người ta gọi đó là chiếc khăn rằn với nhiều công dụng như che nắng, lau mặt hay quàng lên người... Vào buổi đầu, đàn bà Việt ở thành thị còn thua kém các thím Khách, cho nên cách bới tóc của người Hoa được coi là mẫu mực, đã được cụ Vương Hồng Sển mô tả như sau: “Các ỷ, các ý trong Chợ Lớn thì đầu bới tóc thả bánh lái “ba vòng một ngọn”, ăn trầu tích toát, để móng tay dài và mỗi lần xỉa thuốc thường vảnh ngón tay cho người ngoài thấy mình có cà rá hột xoàn bự, hay bộ nhẫn vàng quấn kiểu “cửu khúc liên hoàn”. Trên vai mấy ỷ thường giắt một cái khăn vằn Nam Vang dùng để lau trầu, khác với mấy cô vợ Tây thì quấn chuỗi hột vàng gần gãy cổ, tay đeo kiềng vàng chạm kiểu “nhứt thi nhứt họa”, thêm mặc áo mớ ba mớ bảy, tóc xức dầu thơm chánh hiệu “Cô Ba”.
Dù để tóc bới, nhưng người phụ nữ Huế không quên quấn một chiếc khăn gợi nhớ lại mái tóc quấn của người xứ Bắc. Nhưng với phụ nữ quí tộc thì khi vào chốn cung đình hay trong các dịp lễ tết, bắt buộc phải quấn khăn vành dây, thân phận càng cao quí thì cái khăn càng phải to và rộng. Chiếc khăn vành tồn tại mãi cho đến ngày nay đối với phụ nữ khắp ba miền trong các nghi thức đặc biệt và nhất là trong đám cưới.
Sang đầu thế kỷ 20, khi cuộc sống đô thị phát triển, người phụ nữ bắt đầu tham gia công việc xã hội, dần dần có mặt ở trường học, bệnh viện và nhiều nơi công cộng khác, khiến họ phải tìm một kiểu tóc hợp lý hơn, thuận tiện trong công việc. Ngoài Bắc kiểu quấn tóc bằng khăn vải, dù là khăn nhung sang trọng hơn nhưng vẫn gây điều bất tiện, nên nhiều người đã chuyển sang quấn tóc trần khiến đầu tóc nhẹ nhàng mượt mà hơn. Việc quấn tóc trần khiến cho độn tóc bằng vải trở thành vô dụng, vì vậy những người tóc thưa phải dùng cái độn tết bằng tóc thật. Từ đấy xuất hiện cái nghề thu mua tóc rối để chải thẳng ra kết thành cái độn tóc, không những có các cửa hàng chuyên bán tóc độn, mà còn có những người đi dọc các phố phường mồm rao “ai tóc rối đổi kẹo không?”
Cái khăn mỏ quạ đã nhường chỗ cho chiếc khăn san nhẹ nhàng bay bổng. Trên báo Ngày Nay các số tháng 1-1935, bà Trịnh Thị Thục Oanh, một nhà giáo nổi tiếng ở trường nữ học đã nhận xét rằng “từ năm 1920 mốt mặc áo màu và quàng khăn san đã ra đời tại Hà Nội”. Nhưng rồi quấn tóc trần phải lùi bước dần nhường cho sự du nhập của tóc bới ở miền Nam. Chỉ có khác là tóc bới bây giờ buông thõng thấp che kín gáy tạo nên vẻ duyên dáng hơn.
Một trong những “cải cách” lớn của cái tóc là rẽ đường ngôi. Xưa kia, người phụ nữ đoan trang phải để đường ngôi thẳng chính giữa trán, những người đầu tiên dám rẽ đường ngôi lệch đã phải chịu sự dè bỉu của dư luận. Năm 1937, trên báo Phong Hóa vẫn còn có bài chế giễu cô “Gái mới” với câu:
Gớm cô gái mới, mới làm sao!
Các mốt cô không thiếu mốt nào.
Đầu quấn tóc trần, ngôi rẽ lệch,
Chân lê mang cả gót đầm cao…
Nhưng khi ở thành thị, đường ngôi lệch trở thành phổ biến, thì ở nông thôn, nhiều cô gái trẻ muốn đỏm dáng một tí vẫn còn chưa dám mạnh dạn. Khi tả một cô gái nửa tỉnh nửa quê trong truyện Cái Ve, nhà văn Khái Hưng đã nói đến “cái khăn nhung vấn lẳn vành, mái tóc rẽ hơi lệch như muốn theo kiểu mới, nhưng còn nhút nhát, rụt rè, chưa dám quả quyết”. Tóc vấn trần vẫn được chuộng vì giữ được vẻ cao sang hợp với những người luống tuổi.
Nhưng với những cô học sinh trẻ muốn phân biệt mình với các chị lớn tuổi hoặc đã có chồng, lại không bới tóc mà buông dài sau lưng và cặp lại. Mái tóc buông lả lướt đi với chiếc áo dài mềm mại càng làm tăng thêm dáng bay bổng của người con gái ở độ tuổi dậy thì. Mặc dầu mái tóc dài vẫn là niềm tự hào của nhiều cô gái, nhưng tóc ngắn xõa ngang vai cũng được các cô nữ sinh ưa thích nên mới có câu “tóc thề đã chấm ngang vai”.
Bước sang những năm 1930, trong phong trào “vui vẻ trẻ trung”, những cuộc chợ phiên (kermesse) và hội chợ đã được tổ chức ở nhiều thành phố lớn, tuy mục đích là để lấy tiền làm công việc từ thiện (giúp dân bị lụt, giúp trẻ em nghèo…), nhưng lại là dịp cho nam thanh nữ tú phô bày sắc đẹp, thúc đẩy quá trình Âu hóa trong cách ăn mặc của thanh niên Việt Nam. Nhiều kiểu tóc mới đã được báo chí tung ra, tuy lúc đó chưa có tờ báo nào chuyên về thời trang phụ nữ. Có lẽ thay đổi lớn nhất là lối chải tóc bồng phía trước trán, từ chải bồng đơn giản đến quấn sâu kèn khiến cho đầu tóc cao lên, dáng người trở nên chững chạc hơn.
Cho đến gần cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai, đầu tóc uốn xoăn mới xuất hiện, được gọi theo tiếng Pháp là “tóc phi dê”. Những người mạnh dạn đi đầu trong kiểu tóc này phần lớn là những người lấy Tây, hoặc các cô nữ sinh “trường đầm”, những người đã quen với váy áo của phụ nữ Pháp.
Trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi tiếp đến đất nước bị chia cắt, miền Bắc Việt Nam bước vào một thời kỳ khắc khổ khiến cho việc để tóc của phụ nữ phải đơn giản hóa đến tận cùng. Tóc dài cặp sau lưng tuy đơn giản nhưng vẫn bị coi là vướng víu, không thích hợp với cuộc sống lao động. Tóc tết bím trở nên phổ biến từ thành thị đến thôn quê, vì nó gọn, đơn giản.
Trong khi ở miền Nam, do sự tiếp xúc thường xuyên với các mẫu tóc và các phương tiện làm tóc dồi dào, nên việc làm tóc của phụ nữ trở nên đa dạng, thì ở miền Bắc, do thiếu phương tiện và không có báo chí thời trang tóc, nên việc làm tóc chỉ có thể dựa vào những hình ảnh ít ỏi của các cô diễn viên điện ảnh các nước Đông Âu. Tuy các hiệu làm tóc cho phụ nữ ở Hà Nội hay Hải Phòng có thể đếm trên đầu ngón tay, nhưng một số người làm tóc đã có nhiều cố gắng, trong chừng mực cho phép, để đưa ra những kiểu đầu tóc đẹp. Trong thời buổi mà quần ống bó còn bị bài bác, quần ống loe cũng bị cắt, thì tóc phụ nữ muốn làm đẹp vẫn còn phải dè dặt, không dám đưa ra những mốt quá mới lạ. Đó cũng là những cố gắng của những người thợ làm tóc thời đó, biết sáng tạo trong khuôn khổ chật hẹp.
Phải đợi đến sau ngày đất nước thống nhất, rồi trải qua thời kỳ đổi mới, thì việc làm tóc của phụ nữ mới được phát triển một cách tự do. Đáng tiếc là trong những thời gian đầu, do không có những tạp chí thời trang tóc để hướng dẫn, nên các kiểu tóc đưa ra thường mang những cái tên quá thô thiển, như “tóc xù mì” (giống như mì ăn liền), “tóc xù tăm”… Đến nay thì đội ngũ những người làm tóc chuyên chăm sóc sắc đẹp cho phụ nữ đã trở nên đông đảo, người phụ nữ có thể lựa chọn bất cứ kiểu tóc nào cho hợp với dáng vẻ và tuổi tác của mình, không còn sợ những điều cấm kỵ của xã hội, họ chỉ theo một tiêu chí duy nhất là Đẹp