Bố có một đôi giày da màu nâu, mẹ mua cho bố từ lâu lắm rồi nhưng bố rất ít khi dùng đến. Hằng ngày, bố ra đồng với đôi chân đất, những ngón chân móng cộc to bè toẽ ra hai bên.
Sau mỗi vụ mùa gót chân bố hằn thêm nhiều vết nứt. Về nhà, vẫn đôi chân ấy, bố lại lụi cụi dọn chuồng trâu, chuồng gà, xăm xăm ra vườn chặt chuối thái cho lợn ăn. Khi bóng tối nhá nhem trên sân gạch, bố mới chịu ra giếng lấy hai bàn chân cọ cọ vào nhau rồi xỏ vào đôi dép mà đế dép đã mòn dính đất. Con nhẩm tính giờ xỏ dép của bố trong một ngày đếm được trên đầu ngón tay.
Ngày mùa, thời gian đi dép của bố co lại chỉ còn mươi mười lăm phút trước khi lên giường ngủ. Cả ngày nai lưng ngoài đồng, tối đến lùa vội bát cơm bố lại ra sân đứng ghì bên cái máy tuốt lúa cho đến khuya. Mệt quá, bố nằm vắt người ngang cái chõng tre kê ngoài sân mà ngáy. Nhấc chân bố lên, con nhìn thấy mấy vệt bùn khô quắt lại nơi gấu quần. Thương bố quá!
Có lần trong bữa ăn mẹ đùa:
- Ai cũng như bố mày thì hàng giày dép phá sản.
Bố cười:
- Đi chân đất mới sống lâu.
Nhưng con biết đôi chân của bố sinh ra đã gắn với ruộng đồng, ao hồ, sông suối. Đôi chân đầy những vết chai ngã theo những luống cày, đôi chân táp nắng giữa những trưa hè men theo bờ sông, bờ ruộng kiếm con cá, con tôm để bữa cơm gia đình có thêm tí thức ăn mặn. Bố mẹ lấy nhau với hai bàn tay trắng nên đôi chân cục mịch ấy đã tự nhào đất nung gạch xây cất một ngôi nhà nhỏ để con cái không phải tủi thân vì sống cảnh nhà tranh vách đất.
Đôi bàn chân gân guốc mà vững chải đã bao lần trèo lên mái nhà sửa lại cái máng nước giữa trời mưa. Đôi bàn chân bạc đi trong mùa lũ kéo về, nước ăn mòn dần những kẻ chân đỏ tấy. Đôi chân đi nhiều đã thành dạn.
Từ ngày mẹ ốm, đôi bàn chân lam lũ của bố trở thành “đôi chân chạy”: Đôi chân ấy đã bao lần cõng mẹ chạy lên trạm y tế xá cấp cứu giữa đêm, đôi chân ấy chạy sấp chạy ngửa vay mượn tiền nong thuốc thang chữa bệnh cho mẹ, chạy ăn từng bữa để con mình không phải đói giữa mùa giáp hạt.
Cũng với đôi bàn chân ấy, bố đã băng qua khói bụi đuổi theo chiếc ô tô khách dưới quê lên thành phố chỉ để kịp gửi cho con ít tiền dành dụm được từ bán con lợn, đàn gà, thêm chai mắm tép, lọ muối vừng…để cuộc sống sinh viên xa nhà của con bớt đi phần chật vật.
Hơn nửa đời người, tóc đã pha sương, đôi bàn chân gầy guộc lại lần giường tập đi sau lần bố ngã xe phải bó bột vì một tình thương vốn ngự trị từ lâu trong tim bố:
- Phải cố để con cái nó khỏi lo.
Bố ơi, mỗi con người sinh ra người lành lặn chỉ có một đôi bàn chân để bước đi trong cuộc đời và dừng lại nghỉ ngơi những khi mệt mỏi, khi tuổi già bóng xế. Còn đôi chân đất của bố đã bước không ngừng, không nghỉ vì mẹ, vì chúng con, vì cuộc đời của những người thân yêu trong gia đình.
Có lẽ vì thế mà đôi chân ấy đã không còn đủ sức chờ đến ngày chúng con trưởng thành. Bố đã đi xa nhưng đôi giày năm nào mẹ mua cho bố, chúng con vẫn còn giữ lại. Đó là kỷ vật thiêng liêng mà mỗi lần chạm đến , con lại thấy rưng rưng thương một đôi chân đất cả cuộc đời vất vả và lam lũ, để đôi chân non của con cái mình được cứng cáp nơi thị thành.
Ở thành phố, thi thoảng con vẫn cởi bỏ những đôi giày cao gót áp lòng bàn chân lên mặt đất để cảm nhận một điều bố đã nói ngày xưa mà bây giờ con mới hiểu: Cuộc đời con người bắt đầu từ những bước đi.