ĐỀ: Phân tích các khổ 1,2,3 trong bài thơ “ Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải.
BÀI LÀM
Từ xưa đến nay, mùa xuân luôn đem đến cho những người nghệ sĩ nguồn cảm hứng dồi dào bất tận. Chỉ riêng trong văn học nói riêng, đã biết bao những tác phẩm lớn đề cập đến đề tài này. Từ bài “Cáo tật thị chúng” của Thiền sư Mãn Giac, “Cảnh xuân” của nhà vua Trần Nhân Tông… đến “ Gặp xuân” của Tản Đà, “Xuân nhật” của Nguyễn Khuyến, “Chúc Tết” của Tú Xương… rồi lại là “Xuân ca” của Tố Hữu, “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử,… Mùa xuân của mỗi vị thi nhân lại mang những cảm xúc khác nhau, buồn xuân có, vui xuân có, nhớ xuân có,.. nhưng riêng với nhà thơ Thanh Hải, một trong những cây bút tiêu biểu của nền văn học miền Nam, thì mùa xuân lại là niềm khao khát được đóng góp sức lực của mình cho Tổ Quốc. Bài thơ mở đầu với cảm xúc trước mùa xuân thiên nhiên và mùa xuân cách mạng qua những khổ thơ sau:
“Mọc giữa dòng sông xanh
….
Cứ đi lên phía trước .”
Nhà thơ Thanh Hải( 1930-1980), tên khai sinh là Phạm Bá Ngoãn, quê ở tỉnh Thừa Thiên- Huế. Trong thời kì kháng Mỹ cứu nước, ông ở lại quê hương hoạt động văn nghệ và là một cây bút có công trong xây dựng nền văn học miền Nam từ những thời kì đầu. Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” được nhà thơ Thanh Hải viết vào tháng 11/1980, không bao lâu trước khi ông qua đời.
Ở khổ thơ đầu, chỉ bằng vài nét phác họa, nhà thơ Thanh Hải đã cho cảm giác ngất ngây trước một khung cảnh mùa xuân tươi đẹp:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc”
Bức tranh mùa xuân hiện lên trước mắt chúng ta với vẻ đẹp đơn sơ, giản dị mà lại gợi cảm vô cùng. Màu xanh của sông, bờ cỏ, bầu trời… bao trùm lên cảnh vật. Màu xanh ấy khiến ta chợt nhớ đến màu “Cỏ non xanh tận chân trời”( Nguyễn Du). Nhưng nếu bức tranh mùa xuân của Thanh Hải lại giống hệt bức tranh của Nguyễn Du thì còn gì thi vị? Với phép đảo ngữ, điểm bật lên màu xanh bào trùm kia lại chính là “một bông hoa màu tím”. Sự xuất hiên bất ngờ ấy đã khiến chúng ta phải chậm rãi lại. Bông hoa ấy có thật hay chỉ là dáng hình của niềm tin, hy vọng, là sắc màu quen thuộc của xứ Huế?
Không dừng lại ở đó, vị thi sĩ của miền Nam đã điểm vào bức tranh một âm thanh trong trẻo:
“Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời”
Tiếng hót lanh lảnh của chú chim chiền chiện như khuấy động, làm bừng tỉnh cả thiên nhiên. Cảnh vật nhờ có tiếng chim mà dường như có hồn hơn. Không kìm được, Thanh Hải đã phải thốt lên tiếng lòng náo nức khi phát hiện vẻ đẹp quê hương: “ơi”, “hót chi mà”.
Rồi tiếng chim ấy, hay vẻ đẹp quê hương ấy gần hơn, gần hơn, hóa thành thực thể;
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”
Giot mà nhà thơ nhắc tới là gì nhỉ? Là những giọt sương sớm ban mai? Là những gọt nắng bao trùm lên bức tranh? Hay liệu có phải là tiếng chim chăng? Nghệ thuật chuyển đổi cảm giác của nhà thơ thật thú vị: tiếng chim có tính thính giác đã có tính thị giác. Sự chuyển đổi đó cùng với điệp từ “tôi” đã thể hiện rõ ràng thái độ yêu thương, chân trọng của tác giả trước đất Huế.
Từ mùa xuân thiên nhiên, Thanh Hải đã liên tưởng tới mùa xuân của cách mạng . Một liên tưởng rất thực nhưng lại cũng rất thơ, độc đáp thú vị vô cùng:
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ”
Bốn câu thơ mang cấu trúc song hành thể hiện rõ hai nhiệm vụ của nhân dân: chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và sản xuất làm giàu nước nhà. Hai nhiệm vụ ấy đặt nặng lên vai của người chiến sĩ – “người cầm súng” và người nông dân – “người ra đồng”. Nét đặc sắc của đoạn thơ là việc sáng tạo hình ảnh “lộc”. “Lộc” là chồi non, cành biếc; “lộc” còn tượng trưng cho sự may mắn, niềm an lành trong năm mới. Cùng với hình ảnh đầy tính biểu trưng, là biểu tượng cho sự mạnh mẽ trỗi dậy của đất nước, cách mạng: “người cầm súng” và “người ra đồng” và hình ảnh “lộc”, Thanh Hải đã khắc họa lại bức tranh người người hăng say vì đất nước, cách mạng và lôc mùa xuân lan tỏa khắp nơi. Đó là cảnh bà con chung sức, hồ hởi lao động, chiến đấu với niềm tin tràn đầy:
“Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao”
Tiết tấu đã trở nên nhanh hơn với nhịp thơ 2/3 cùng điệp ngữ “tất cả” và các từ láy “hối hả”, “xôn xao” khiến ta thấy rõ sức sống mùa xuân đang tràn đầy trong lòng người.
Và rồi nhịp điệu thơ trở nên thật trầm lắng, suy tư về mùa xuân của đất nước cùng niềm tin son sắt của nhà thơ về tương lai, vận mệnh Tổ quốc:
“Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước”
Chặng đường lịch sử của đất nước gắn liền với bốn nghìn năm trường tồn, lúc suy vong, lúc hưng thịnh với bao thử thách "vất vả và gian lao". Để có được sự trường tồn ấy, giang sơn gấm vóc này đã thấm bao máu, mồ hôi và cả nước mắt của các thế hệ, của những tháng năm đằng đẵng lúc hưng thịnh, lúc thăng trầm. Nhưng dù trở lực có mạnh đến đâu cũng không khuất phục được dân tộc Việt Nam:
“Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững
Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”
(Huy Cận)
Dân ta tài trí và nhân nghĩa. Bốn nghìn năm lập quốc tỏa sáng nền văn hiến Đại Việt đã khẳng định sức mạnh Việt Nam. Câu thơ "Đất nước như vì sao" là một hình ảnh so sánh đẹp và đầy ý nghĩa. Sao là nguồn sáng lấp lánh, là vẻ đẹp bầu trời, vĩnh hằng trong không gian, và thời gian. So sánh đất nước với vì sao là biểu lộ niềm tự hào đối với đất nước Việt Nam anh hùng, giàu đẹp. Hành trang đi tới tương lai của dân tộc ta không một thế lực nào có thể ngăn cản được: "Cứ đi lên phía trước". Ba tiếng "cứ đi lên" thể hiện chí khí, quyết tâm và niềm tin sắt đá của dân tộc để xây dựng một Việt Nam "dân giàu, nước mạnh".
Tóm lại, chỉ qua 3 khổ thơ ngắn nhưng tràn đầy những cảm xúc mãnh liệt cùng hình ảnh, lời lẽ bình dị đã truyền cảm đến lì lạ. Có lẽ chính vì nó đã là kết tinh của lòng yêu nước cháy bỏng và khao khát được cống hiến cho đất nước, cho cuộc sống tha thiết của nhà thơ Thanh Hải. Đọc thơ ông, ta đã đưa tâm hồn ta về với vẻ đẹp thiên nhiên, truyền thống văn hóa của đất nước.