Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Đề bài: Phân tích bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận.
Bài làm
Huy Cận là một trong các nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ Mới với tập thơ “Lửa thiêng” (1940). Và sau năm 1945, Huy Cận cũng là một nhà thơ tiêu biểu cho nền văn học kháng chiến. Nếu trước cách cách mạng tháng 8, Huy Cận mang một hồn thơ của "cái tôi" ảo não sầu bi – “một mạch sầu ngàn năm ngấm ngầm trong cõi đất này” (Hoài Thanh) thì sau cách mạng tháng 8, Huy Cận hướng ngòi bút đến sự hòa hợp riêng - chung, biểu hiện niềm vui và sự hòa nhập với cuộc đời mới. Bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá" rất tiêu biểu cho cảm hứng vũ trụ của Huy Cận, đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp cầm bút của ông. Tác phẩm được in trong tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958). Qua bài thơ, chúng ta thấy được vẻ đẹp tráng lệ, hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động của ngư dân miền biển khi đứng trước cuộc sống mới, sau hòa bình lập lại.
Bài thơ được sáng tác vào năm 1958, trong hoàn cảnh miền Bắc nước ta được giải phóng và đang từng bước xây dựng Chủ nghĩa xã hội, xây dựng cuộc sống mới trong không khí hào hứng, phấn khởi. Giữa năm 1958, trong chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh, Huy Cận tận mắt chứng kiến sự hồi sinh của đất nước, của nhân dân, của con người lao động đang ra sức dựng xây làm đẹp cho quê hương xứ sở. Từ đó mà Huy Cận có cảm hứng viết nên bài thơ.
Thi phẩm là một sự sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nhà thơ trong việc xây dựng hình ảnh bằng sự liên tưởng, tưởng tượng phong phú, hấp dẫn. Âm hưởng chung của toàn bài: khỏe khoắn, tươi vui, hào hùng, lạc quan mạnh mẽ.
Trước hết là Cảnh đoàn thuyền ra khơi và tâm trạng náo nức của con người lao động ở hai khổ thơ đầu. Đó là một bức tranh thiên nhiên vào lúc hoàng hôn buông xuống thật huy hoàng, tráng lệ:
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then đêm sập cửa
Hình ảnh “mặt trời” đã được nhân hóa (xuống biển) và so sánh (như hòn lửa) trở nên sống động, huy hoàng. Đó là tín hiệu của sự vận động, chảy trôi của thời gian, báo hiệu thời khắc của ngày tàn đêm đến. “Sóng” và “đêm” cũng được nhân hóa với hành động “cài then” , “sập cửa”. Vũ trụ được hình dung như một ngôi nhà lớn đang vào đêm với động tác như con người: tắt lửa, cài then, sập cửa. Màn đêm như là tấm cửa khổng lồ đã sập xuống, còn những con sóng lượn là cái then cài. Thiên nhiên như dọn dẹp để nghỉ ngơi sau một chu trình hoạt động.
Giữa lúc thiên nhiên chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi thì đó lại là thời gian con người bắt đầu cuộc sống lao động:
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
Từng đoàn, từng đoàn thuyền lần lượt nhổ neo đẩy thuyền ra khơi. Phụ từ “lại” như vừa diễn tả sự đối lập giữa hoạt động của vũ trụ với hoạt động của đoàn thuyền; đồng thời cũng gợi lên tư thế chủ động, hết sức khẩn trương, mau lẹ, tích cực trong công việc mà hằng ngày cứ diễn ra lặp đi lặp lại của người dân chài lưới: "lại ra khơi". Tuy nhiên, khí thế ra khơi của họ vẫn hăm hở, náo nức, rộn rã tiếng nói, tiếng hát vui cười. “Câu hát căng buồm” là một hình ảnh ẩn dụ cho tâm hồn lạc quan, niềm vui và sức mạnh của con người lao động. Và con người lao động như hiện lên làm chủ tự nhiên, làm chủ biển cả. Chính tiếng hát đã hòa cùng với gió trời thổi phồng cánh buồm, đẩy con thuyền tiến ra ra khơi xa. Tâm tư của người đánh cá gửi gắm trong tiếng hát: phấn khởi, say mê với công việc và niềm hi vọng tin tưởng sẽ bắt được nhiều cá tôm, đem về làm giàu cho tổ quốc.
Hát rằng cá bạc biển Đông lặng
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
Đến dệt lưới ta đoàn cá ơi!
Với hình thức liệt kê hình ảnh các loài cá: cá bạc, cá thu, Huy Cận đã cho người đọc thấy sự giàu có của biển Đông. Biển Đông có rất nhiều cá và đang chờ mọi người tới khai thác. Cá được nhà thơ so sánh “như đoàn thoi”. Đoàn thoi hoạt động rất nhanh và nhiều trên bến phà. Và cá ở biển Đông cũng nhiều và bơi rất nhanh như thoi đưa vậy. Câu thơ cất cao lên tiếng hát, tràn ngập niềm say mê, phấn khởi trước sự ưu ái của thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng chài. Vì thế, hai câu thơ cuối, Huy Cận như nhập thân vào người lao động, thể hiện niềm mong mỏi của người ngư dân có thể bắt được nhiều cá tôm. Họ hi vọng, những đàn cá "đêm ngày dệt biển" ấy sẽ vào “dệt lưới” của đoàn thuyền. Vần "ơi" kết hợp với dấu chấm cảm ở câu thơ cuối khiến cho hình ảnh của những đàn cá hiện lên thật sinh động, thật gần gũi, thân thiết với con người.
Với khả năng quát sát miêu tả tinh tế, hòa cùng với cảm hứng vũ trụ thật mãnh liệt, Huy Cận đã tái hiện vẻ đẹp cận cảnh đoàn thuyền ra khơi hùng tráng, thơ mộng trong đêm trăng:
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng
Dưới sự hình dung và tưởng tượng bay bổng, hình ảnh con thuyền đánh cá hiện lên thật đẹp, thật độc đáo, mang tầm vóc vũ trụ: người lái thì là gió trời; cánh buồm thì là vầng trăng và con thuyền đang bay giữa không trung (lướt giữa mây cao), như có thể chạm vào mây trời. Nó khác hẳn với con thuyền cô đơn, nhỏ bé, lạc lõng giữa không cùng trời đất mênh mang trong bài thơ "Tràng Giang" trước cách mạng:
Sóng gợn Tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng.
Còn ở đây, con thuyền không hề nhỏ bé, đơn độc mà lại rất lớn lao, làm chủ cả biển trời bao la, rộng lớn. Bức tranh không gian của biển cả được mở rộng ra ba chiều: chiều cao của mây, chiều sâu của bụng biển, chiều rộng của biển khơi có tác dụng tôn thêm tầm vóc lớn lao của con thuyền và con người lao động. Các động từ được sử dụng dày đặc: “lái – lướt- đậu – dò – dàn đan – vây giăng” có tác dụng diễn tả hành động đánh cá rất nhanh, rất khẩn trương của những đoàn thuyền đánh cá trên biển. Hình ảnh: “dàn đan thế trận” là một hình ảnh ẩn dụ cho hành động đánh cá của ngư dân. Đánh cá nhưng cũng cần phải bày binh bố trận, có chiến thuật, chiến lược thì mới có thể bắt được nhiều tôm cá. Chính vì thế, họ đã đưa con thuyền tiến ra tận khơi xa, dò bụng biển để tìm được nguồn cá lớn. Và nhưng con thuyền hiện lên như là những con tuấn mã, băng băng lướt qua sóng đèo, chinh phục tự nhiên. Và ngư dân thì làm việc với tinh thần dũng cảm, hăng say và trí tuệ nghề nghiệp với một tâm hồn phơi phới của người làm chủ thiên nhiên, vũ trụ.
Sau khi đã đưa chiếc thuyền tiến ra xa, quăng lưới bủa vây thì tất cả cảnh đẹp giàu có của biển cả thu lại vào tầm mắt của người ngư dân đánh cá:
Cá nhụ cá chim cùng cá đé
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe
Đêm thở sao lùa: nước Hạ Long.
Biển đẹp và giàu có đã tô điểm cho sức sống của biển cả và làm cho bức tranh lao động thêm rực rỡ, tươi vui. Nghệ thuật liệt kê các loài cá: cá nhụ, cá chim, cá đé, cá song có tác dụng thể hiện sự giàu có của biển cả. Biển cả rất phong phú thủy hải sản, toàn loài cá hiếm, cá ngon ( chim, thu, nhụ, đé là tứ quí của biển Đông) đang đợi con người tới đánh bắt. Biển không chỉ giàu mà còn rất đẹp, rất thơ mộng. Điều đó được tạo nên bởi sự phối hợp màu sắc của thiên nhiên với sắc màu của các loài cá trên biển: lấp lánh, đen hồng, vàng chóe. Những con cá song hiện lên như những ngọn đuốc đen hồng đang bơi trong luồng nước dưới ánh trăng đêm. Những đàn cá tung tăng, bơi lội quẫy đuôi làm cho ánh trăng in xuống mặt nước như bị tan ra thành biển trăng “vàng chóe”. Không gian biển cả chao nghiêng vừa như thực, vừa như hư, đậm chất lãng mạn bay bổng. Câu thơ cuối qua phép nhân hóa, khiến cho thấy vũ trụ hiện lên như một người khổng lồ, biển cả như một cái lồng ngực đang phập phồng những hơi thở đều đặn. Những ánh sao đêm in xuống mặt nước, thủy chiều xô bóng sao dưới mặt nước mà tạo thành sao lùa nước Hạ Long. Và trong hình dung của nhà thơ, ấy chính là tiểng thở của đêm, của biển cả.
Tiếp tục đến khổ năm, cảnh gõ thuyền xua cá vào lưới:
Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.
Nhà thơ cảm nhận thấy tiếng hát của người ngư dân làng chài như đang hòa cũng với âm thanh của biển cả tự nhiên. Dưới màn đêm, ánh trăng sáng soi trên bầu trời in hình xuống mặt nước và trở thành biển trăng, sóng xô bóng trăng như gõ vào mạn thuyền tạo thành nhịp trăng để xua cá vào lưới. Vì thế tiếng hát của con người hòa cũng với thiên nhiên vũ trụ, tạo cảm giác cho người đọc thấy rằng, công việc đánh bắt cá tưởng chừng vô cùng là nặng nhọc, vất vả nhưng chính âm thanh tiếng hát đã biến cái khó khăn, vất vả ấy trở thành bài ca lao động đầy mạnh mẽ, hăng say, vui sướng một cách lạ lùng. Đặc biệt trong cảm nhận của nhà thơ, biển được ví như người mẹ của thiên nhiên: “Biển cho ta cá như lòng mẹ/ Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”. Nghệ thuật so sánh và nhân hóa vừa cho thấy được tình cảm bao la, vĩ đại, cao cả của người mẹ biển cả tự nhiên; lại vừa bộc lộ niềm biết ơn sâu sắc của con người ngư dân đối với người mẹ thiên nhiên, vũ trụ.
Cảnh kéo lưới, bắt cá của ngư dân được miêu tả vừa chân thực, vừa giàu chất lãng mạn:
Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.
Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.
"Sao mờ" là khoảng thời gian chuẩn bị trời đã bắt đầu rạng sáng, đó cũng chính lúc công việc của người ngư dân càng trở nên khẩn trương, mau lẹ để kéo lưới cho kịp trời sáng. Cảnh lao động hiện lên như một bức tranh sống động, với những nét tạo hình đầy khỏe khắn, gân guốc với hình ảnh trung tâm là con người lao động. Cụm từ “kéo xoăn tay” không chỉ cho thấy những mẻ cá bội thu, nặng trĩu mà đây còn là một nét vẽ tạo hình với những bắp thịt săn chắc của những chàng thanh niên ngư dân cuồn cuộn nổi lên để kéo cá vào khoang thuyền. Từ đó khiến ta chợt nhớ tới câu thơ của nhà thơ Tế Hanh trong bài thơ “Quê hương” khi cũng viết về dân chài lưới quê mình:
Dân chài lưới nàn da ngâm dám nắng
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm.
Ánh nắng hồng của bình minh hòa cùng với sắc màu của cá: “bạc”, “vàng” có tác dụng tô đậm thêm sự giàu có và quí giá “rừng vàng bể bảng” của biển cả mà thiên nhiên ban tặng cho con người. "Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng” gợi tả công việc nhịp nhàng của ngư dân với sự vận hành của vũ trụ. Khi lưới xếp lên khoang cũng là lúc đoàn thuyền trở về đón ánh bình minh, kết thúc một ngày lao động vất vả, mệt nhọc. Hình ảnh “nắng hồng” ở cuối khổ thơ biểu tượng cho niềm vui, niềm lạc quan tin tưởng vào tương lai, sự hồi sinh mới mẻ của đất nước sau chiến tranh.
Bài ca lao động khép lại trong khổ thơ cuối với hình ảnh đoàn thuyền trở về trong thắng lợi lúc bình minh lên:
Câu hát căng buồm cùng gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
Mở đầu bài thơ lúc ra khơi bắt cá là câu hát và khép lại bài thơ khi đoàn thuyền đánh cá trở về cũng là câu hát của con người lao động ngư dân làng chài, điều đó cho thấy cả hành trình đánh bắt cá của ngư dân đã trở thành bài ca lao động. Nếu tiếng hát mở đầu khi ra khơi là tiếng hát biểu trưng cho tinh thần lạc quan, niềm hi vọng, tin tưởng để rồi khi trở về sẽ bắt được nhiều cá tôm, làm giàu cho tổ quốc thân yêu thì câu hát ở cuối bài thơ lại biểu tượng cho niềm vui sướng, hạnh phúc trước thành quả lao động mà họ đã gặt hái được sau một đêm kéo lưới vất vả. Hình ảnh mặt trời cũng là hình ảnh được lặp lại khi mở đầu và kết thúc bài thơ. Tuy nhiên, sắc thái ý nghĩa của nó khác nhau hoàn toàn. Nếu như hình ảnh mặt trời ở khổ đầu là khoảng không gian và thời gian của buổi chiều hoàng hôn. Nó báo hiệu thời khắc của ngày tàn, biểu tượng cho sự lên ngôi của “bóng tối” của đêm đen. Ngược lại, mặt trời ở khổ cuối lại là khoảng không gian và thời gian vào buổi sáng bình minh. Nó báo hiệu thời khắc của một ngày mới, biểu tượng cho ánh sáng mới, cuộc sống mới, niềm vui, hạnh phúc của người ngư dân sau hành trình nhọc nhằn, gian khó, hiểm nguy. Trong bức tranh ấy, con người ngư dân xuất hiện trong tư thế sáng ngang với mặt trời, với thiên nhiên, vũ trụ: “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”. Đoàn thuyền là hình ảnh hoán dụ cho con người ngư dân. Nếu thơ xưa, con người thường chìm khuất trước thiên nhiên thì nay, dưới cái nhìn của người chiến sĩ cách mạng trong thời đại mới, con người hiện lên thật tự tin, mạnh mẽ trong tư thế “chạy đua” với vũ trụ, trời đất. Và sự thực thì con người đã chiến thắng. Bởi khi mặt trời lóe rạng đông thì cũng là lúc đoàn thuyền đã trở về bến đỗ. Ánh mặt trời đã điểm tô cho thành quả lao động thêm rực rỡ. Mặt trời chiếu rọi vào những mắt cá khiến muôn mắt cá như muôn mặt trời tỏa ánh huy hoàng. Như vậy khổ thơ cuối đã khắc họa thành công hình ảnh đoàn thuyền và con người ngư dân hiện lên thật lớn lao, kì vĩ, thể hiện niềm vui, niềm hân hoan vào thành quả lao động, niềm tin tưởng vào cuộc sống mới, vào ngày mai tương sáng của đất nước.
Nét nghệ thuật đặc sắc và nổi bật của "Đoàn thuyền đánh cá" là hình ảnh thơ. Cả bài thơ được dệt bằng nhiều hình ảnh đẹp, đa dạng, rộng lớn và tinh tế với nhiều màu sắc. Hầu như ở khổ thơ nào cũng có những hình ảnh đặc sắc, mới mẻ. Nhà thơ đã sáng tạo hình ảnh từ sự quan sát, cảm nhận chính xác về sự vật kết hợp với sự liên tưởng và trí tưởng tượng mạnh bạo cùng với cảm hứng lãng mạn bay bổng. Phương thức nghệ thuật chủ yếu và phổ biến để xây dựng hình ảnh trong bài thơ này là so sánh và ẩn dụ, tượng trưng, thêm vào đó là lối phóng đại, khoa trương đã đạt được hiệu quả thẩm mĩ và tạo được dấu ấn riêng cho thi phẩm. Bên cạnh đó thì các yếu tố như lời thơ, nhịp điệu, vần... cũng tạo nên âm hưởng giọng điệu khỏe khoắn, tơi vui, mạnh mẽ... góp phần làm nên một bức tranh lao động thật đẹp, thật sống động.
Tóm lại, bài thơ có thể coi là một bản anh hùng ca lao động tuyệt vời, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người. lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước sự hồi sinh của đất nước và cuộc sống mới sau hòa bình lập lại.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |