Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ (3 Bài) - Mùa xuân nho nhỏ

1 trả lời
Hỏi chi tiết
733
0
0
Nguyễn Thị Sen
07/04/2018 14:22:02

Đề bài: Phân tích bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải.

Bài làm 1

   Núi Ngự sông Hương là quê hương thân yêu của nhà thơ Thanh Hải. Ông là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Mồ anh hoa nở, Những đồng chí trung kiên, Mùa xuân nho nhỏ... là những bài thơ đặc sắc nhất của Thanh Hải.

   Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được ông viết vào năm 1980, trong khung cảnh hòa bình, xây dựng đất nước. Một hồn thơ trong trẻo. Một điệu thơ ngân vang. Đất nước vào xuân vui tươi rộn ràng.

   Sáu câu thơ đầu như tiếng hát reo vui đón chào một mùa xuân đẹp đã về. Trên dòng sông xanh của quê hương mọc lên "một bông hoa tím biếc". Động từ "mọc" nằm ở vị trí đầu câu thơ gợi tả sự ngạc nhiên vui thú, một niềm vui hân hoan đón chào tín hiệu mùa xuân:

 Mọc giữa dòng sông xanh, Một bông hoa tím biếc. 

   "Bông hoa tím biếc" ấy chỉ có thể là hoa lục bình, hoặc hoa súng mà ta thường gặp trên ao hồ, sồng nước làng quê:

 Con sông nhỏ tuổi thơ ta tắm Vẫn còn đây nước chẳng đổi dòng Hoa lục bình tím cả bờ sông...    (Trở về quê nội - Lê Anh Xuân) 

   Màu xanh của nước hòa hợp với màu "tím biếc"của hoa đã tạo nên bức tranh xuân chấm phá mà đằm thắm.

   Ngẩng nhìn bầu trời, nhà thơ vui sướng lắng tai nghe chim chiền chiện hót Chim chiền chiện còn gọi là chim sơn ca, bạn thân của nhà nông. Từ "ơi" cảm thán biểu lộ niềm vui ngây ngất khi nghe chim hót:

 Ơi con chim chiền chiện                                          Hót chi mà vang trời. 

   Hai tiếng "hót chi" là giọng điệu thân thương của người dân Huế được tác giả đưa vào diễn tả cảm xúc thiết tha giữa người với tạo vật. Chim chiền chiện hót gọi xuân về. Tiếng chim ngân vang, rung động đất trời đem đến bao niềm vui. Ngắm dòng sông, nhìn bông hoa đẹp, nghe chim hót, nhà thơ bồi hồi sung sướng:

 Từng giọt long lanh rơi Tôi đưa tay tôi hứng 

   "Đưa tay... hứng" là một cử chỉ bình dị trân trọng, thể hiện sự xúc động sâu xa. "Giọt long lanh" là sự liên tưởng đầy chất thơ. Là giọt sương mai, hay giọt âm thanh tiếng chim chiền chiện? Sự chuyển đổi cảm giác (thính giác - thị giác) đã tạo nên hình khối thẩm mĩ của âm thanh.

   Tóm lại, chỉ bằng ba nét vẽ: dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện hót..., Thanh Hải đã vẽ nên một bức tranh xuân đẹp tươi và đáng yêu vô cùng. Đó là vẻ đẹp và sức sống măn mà của đất nước vào xuân.

   Bốn câu thơ tiếp theo nói về mùa xuân sản xuất và chiến đấu của nhân dân ta. Cấu trúc thơ song hành để chỉ rõ hai nhiệm vụ chiến lược ấy:

 Mùa xuân người cầm súng, Lộc giắt đầy quanh lưng. Mùa xuân người ra đồng Lộc trải dài nương mạ. 

   "Lộc" là chồi non, cành biếc mơn mởn. Khi mùa xuân về cây cối đâm chỗi nảy lộc. "Lộc"trong vãn cảnh này tượng trưng cho vẻ đẹp mùa xuân và sức sống mãnh liệt của đất nước. Người lính khoác trên lưng vành lá ngụy trang xanh biếc, mang theo sức sống mùa xuân, sức mạnh của dân tộc để bảo vệ Tổ quốc. Người nông dân đem mồ hôi và sức lao động cần cù làm nên màu xanh cho ruộng đồng, "trải dài nương mạ " bát ngát quê hương. Ý thơ vô cùng sâu sắc: máu và mồ hôi của nhân dân đã góp phần tô điểm mùa xuân và để giữ lấy mùa xuân mãi mãi.

   Cả dân tộc bước vào mùa xuân với khí thế khẩn trương và náo nhiệt:

 Tất cả như hối hả Tất cả như xôn xao. 

   "Hối hả" nghĩa là vội vã, gấp gáp, khẩn trương. "Xôn xao" nghĩa có nhiều âm thanh xen lẫn vào nhau, làm cho náo động; ở trong câu thơ, "xôn xao "cùng với điệp ngữ "tất cả như... " làm cho câu thơ vang lên nhịp điệu vui tươi, mạnh mẽ khác thường. Đó là hành khúc Mùa Xuân của thời đại Hổ Chí Minh.

   Đoạn thơ tiếp theo nói lên những suy tư của nhà thơ về đất nước và nhân dân:

 Đất nước bốn nghìn năm Vất vả và gian lao Đất nước như vì sao Cứ đi lên phía trước. 

   Chặng đường lịch sử của đất nước với bốn nghìn năm trường tồn, lúc suy vong, lúc hưng thịnh với bao thử thách "vất vả và gian lao". Thời gian đằng đẵng ấy, nhân dân ta từ thế hệ này qua thế hệ khác đã đem xương máu và mồ hôi, lòng yêu nước và tinh thần quả cảm để xây dựng và bào vệ đất nước. Dân ta tài trí và nhân nghĩa. Bốn nghìn năm lập quốc tỏa sáng nền văn hiến Đại Việt đã khẳng định sức mạnh Việt Nam. Câu thơ "Đất nước như vì sao" là một hình ảnh so sánh đẹp và đầy ý nghĩa. Sao là nguồn sáng lấp lánh, là vẻ đẹp bầu trời, vĩnh hằng trong không gian, và thời gian. So sánh đất nước với vì sao là biểu lộ niềm tự hào đối với đất nước Việt Nam anh hùng, giàu đẹp. Hành trang đi tới tương lai của dân tộc ta không một thế lực nào có thể ngăn cản được: "Cứ đi lên phía trước". Ba tiếng "cứ đi lên" thể hiện chí khí, quyết tâm và niềm tin sắt đá của dân tộc để xây dựng một Việt Nam "dân giàu, nước mạnh".

   Sau lời suy tư là điều tâm niệm của Thanh Hải. Trước hết là lời nguyện cầu được hóa thân:

 Ta làm con chim hót Ta làm một cành hoa Ta nhập vào hòa ca Một nốt trầm xao xuyến. 

   "Con chim hót" dể gọi xuân về, đem đến niềm vui cho con người. "Một cành hoa" để tô điểm cuộc sống, làm đẹp thiên nhiên sông núi. "Một nốt trầm" của bản "hòa ca" êm ái để làm xao xuyến lòng người, cổ vũ nhân dân. "Con chim hót", "một cành hoa ", "một nốt trầm..." là ba hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho cái đẹp, niềm vui, cho tài trí của đất nước và con người Viêt Nam.

   Với Thanh Hải, hóa thân là để hiến dâng, để phục vụ cho một mục đích cao cả:

 Một mùa xuân nho nhỏ Lặng lẽ dâng cho đời Dù là tuổi hai mươi Dù là khi tóc bạc. 

   Lời thơ tâm tình thiết tha. Mỗi con người hãy trờ thành "một mùa xuân nho nhỏ" để làm nên mùa xuân bất diệt của đất nước. Ai cũng phải có ích cho đời. "Mùa xuân nho nhỏ" là một ẩn dụ đầy sáng tạo khắc sâu ý tưởng: "Mỗi cuộc đời đã hóa núi sông ta" (Nguyễn Khoa Điềm). "Nho nhỏ" và "lăng lẽ" là cách nói khiêm tốn, chân thành. "Dâng cho đời" là lẽ sống đẹp, cao cả. Bởi lẽ "Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình " (Tố Hữu). Sống hết mình thủy chung cho đất nước, đem cả cuộc đời mình phục vụ đất nước, cả từ lúc "tuổi hai mươi" trai tráng cho đến khi về già "tóc bạc". Thơ hay là ở cảm xúc chân thành. Thanh Hải đã nói lên những lời gan ruột của mình. Ông đã sống như lời thơ ông tâm tình. Khi đất nước bị Mỹ - Diệm và bè lũ tay sai âm mưu chia cắt làm hai miền, ông hoạt động bí mật trong vùng giặc, gây dựng phong trào cách mạng, coi thường cảnh máu chảy đầu rơi. Cảm động hơn nữa là bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được ông viết ra trên giường bệnh, một tháng trước lúc ông qua đời.

   Thanh Hải sử dụng biện pháp nghệ thuật điệp ngữ rất tài tình: "Ta làm... ta làm... ta nhập...", "dù là tuổi... dù là khi... "đã làm cho âm điệu thơ, giọng thơ tha thiết, sâu lắng, ý thơ được khắc sâu và nhấn mạnh. Người đọc xúc động biết bao trước một giọng điệu thơ trữ tình, ấm áp tình đời như vậy. Có thể xem đoạn thơ này là những lời trăng trối cùa ông.

   Khổ thơ cuối là tiếng hát yêu thương:

 Mùa xuân ta xin hát  Câu Nam ai, Nam bình Nước non ngàn dặm mình Nước non ngàn dặm tình Nhịp phách tiền đất Huế. 

   Nam aiNam bình là hai điệu dân ca Huế rất nổi tiếng mấy trăm năm nay. Phách tiền là một nhạc cụ dân tộc để điểm nhịp cho lời ca, tiếng đàn tranh, đàn tam thập lục. Câu thơ "Mùa xuân ta xin hát" diễn tả niềm khao khát bồi hồi của nhà thơ đối với quê hương yêu dấu buổi xuân về. Quê hương đất nước trải dài ngàn dặm, chứa chan tình yêu thương. Đó là "ngàn dặm mình", "ngàn dặm tình" đối với non nước và xứ Huế quê mẹ thân thương! Câu thơ của người con đất Huế quả là "dịu ngọt".

   Mùa xuân là đề tài truyền thống trong thơ ca dân tộc. Thanh Hải đã góp cho thơ ca dân tộc một bài thơ xuân đẹp, đậm đà tình nghĩa. Thể thơ năm chữ, giọng thơ lúc mạnh mẽ, lúc tha thiết ngân vang. Ngôn ngữ thơ trong sáng và biểu cảm, hàm súc và hình tượng. Các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, song hành đối xứng, điệp ngữ... được vận dụng sắc sảo, tài hoa. Tình yêu mùa xuân gắn liền với tình yêu đất nước, quê hương được Thanh Hải diễn tả một cách sâu sắc, cảm động. Mỗi một cuộc đời hãy là một mùa xuân. Đất nước ta mãi mãi sẽ là những mùa xuân tươi đẹp.

Bài làm 2

   Khi nàng xuân nhẹ lướt trở về, trên trái đất như phủ lên một sức sống rạo rực kỳ diệu; Hương uân quyện vào thiên nhiên, sông núi đất trời, tình xuân thấm vào tâm hồn mỗi con người với bao niềm hạnh phúc. Cả mùa xuân bừng nở giữa khaongr không gian tươi xanh ấy. Một thoáng bang khuâng, ta chợt nhận ra hình nhưu hương xuân, sắc xuân, tình xuân và cả mùa xuân đang hòa và trong bản xô-nát mùa xuân của nhà thơ Thanh Hải: Mùa xuân nho nhỏ.

    Mọc giữa dòng sông xanh    Nhịp phách tiền xứ Huế 

   Đọc kỹ bài thơ, ngẫm nghĩ, ta sẽ nghe được nhịp đập rạo rực mùa xuân đầy sức sống. Qua đó, chúng ta càng hiểu bản hợp tấu kỳ diệu của mùa xuân, của tâm hồn, của cuộc sống ...

   Mùa xuân nho nhỏ - Tên của bài thơ đã tạo cho người đọc một cảm giác dễ chịu thoải mái. Mùa xuân nho nhỏ Vâng mùa xuân của Thanh Hải thật đơn swo và giản dị ở mức "nho nhỏ" mà thôi.

   Mở đầu, tác giả viết:

    "Mọc giữa dòng sông xanh    Một bông hoa tím biếc ...    Tôi đưa tay tôi hứng ... 

   Một bức tranh xuân thật đơn sơ và giản dị! Tác giả đã lựa chọn những gam màu thật dịu, thật tươi để phác họa bức tranh xuân của mình, "dòng sông xanh – Hoa tím biếc". Vài nét lướt nhẹ nhàng, nhưng tác giả đã cho người đọc thưởng thức mùa xuân đầy sức sống, trẻ trung, tươi và xanh. Mùa xuân của dòng sông, của bông hoa hay của đất trời quê hương xứ Huế? Những mảng màu sắc hình ảnh giản dị mộc mạc nhưng hài hòa và nên thơ. Đoạn thwo gây ấn tượng và cảm xúc trong lòng người đọc. Như con tằm, tác giả đã rút những sợi tơ của lòng mình dệt nên bài thơ về quê hương bằng tất cả tình yêu của trái tim mình. Câu thơ với âm điệu nhẹ nhàng mà duyên dáng, say sưa. Tiếng chim chiền chiện vút cao phải chăng là nốt thăng rộn ràng, tươi vui của bản nhạc mùa xuân. Tiếng chim ngân vang, kéo dài một âm sắc thánh thót, tiếng chim ấy như lan tỏa, hòa quyền vào bầu trời xuân ấy. Giữa bức tranh xuân đầy mắc sắc, Thanh Hải nhưu đón nhận, như lắng nghe âm thanh của sự sống, của thiên nhiên đang trào dâng, ngân nga. Từng giọt long lanh rơi "giọt sương ban mai" – Hay giọt âm thanh? "Giọt long lanh rơi" – Giọt tình yêu hay hạnh phúc? Ồ phải rồi, đó là giọt mùa xuân êm đềm, thiết tha, giọt mùa xuân tiếng chim, của giọt sương hanh phúc được Thanh Hải trân trọng, nâng niu – áp vào trái tim mình. Mùa xuân, mùa xuân trong Thanh Hải là bức tranh đơn sơ mộc mạc nhưng đầy màu sắc. Cả tiếng chim chiền chiện vút cao, là giọt sương ban mai – mùa xuân là tất cả.

   Trong bản xô-nát của Thanh Hải, ta còn bắt gặp một mùa xuân trẻ trung, xôn xao đầy sức sống, đó là mùa xuân của "người cầm súng" của "người ra đồng".

    Mùa xuân người cầm súng    Tất cả như xôn xao 

   Các thế hệ trươc đã ngã xuống để bảo vệ mầm hạnh phúc của dân tộc; và giờ đây, mầm hạnh phúc ấy đã bừng nở thành hoa hạnh phúc – bừng nở thành niềm tin và hy vọng. Mùa xuân "người cầm súng", với trách nhiệm tiếp nối cha anh bảo vệ đất nước bảo vệ mùa xuân của dân tộc. Hình ảnh người ra đồng, là người tô điểm cho mùa xuân là họa sĩ vẽ những mảng xanh lên mùa xuân; và tất cả như hối hả. Tất cả như xôn xao – sức xuân đang tưng bừng lên. Với nhịp độ khẩn trương, dồn dập tưng bừng hoạt động trên quê hương, đất nước sau ngày giải phóng.

   Hình ảnh thơ giúp ta hiểu được, trên mảnh đất vừa thoát khỏi đau thương, tất cả như rạo rực, như đang nảy nở, sinh sôi trong cái men say của mùa xuân trong cuộc sống hòa bình. "Hối há", "xôn xao" hai từu láy vừa gợi âm, gợi hình, gợi cảm xúc và gợi cả suy tư. Ôi! Một thanh âm từ rất xa vẳng lại, nhanh nhiều, thanh âm "xôn xao" của mùa xuân, của đất trời Việt Nam quê hương ta đấy.

   Câu thơ nhịp nhàng với những vần bằng tha thiết, vần trắc khỏe mạnh, bỗng trầm hẳn, lặng đi trong thoáng suy tưởng của nhà thơ.

    "Đất nước như vì sao    Cứ đi lên phía trước" 

   Tương lai Tổ quốc hiện lên rực rỡ huy hoàng, nhưng Thanh Hải lại nhớ về lịch sử dân tộc – nhớ về quá khứ bốn nghìn năm oai hùng "Vất vả và thương đau". Qua đó, ta càng hiểu thêm về Thanh Hải – một tâm hồn nồng nhiệt, gắn bó với mùa xuân với đất nước và sự hi vọng. "Đát nước như vì sao" của tác giả về một ngày mai đẹp đẽ thật đáng quý, đáng yêu!

   Say sưa trong khúc nhạc mùa xuân, tơ lòng tác giả cứ ngân lên như cây đàn muôn điệu. Đọc đoạn thơ cuối, ta cảm nhận được ý nguyện của tác giả: muốn cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp Cách mạng, cho Tổ quốc "bay lên bát ngát mùa xuân"

    Ta làm con chim hót    Ta làm một nhành hoa    Ta nhập vào hòa ca    Một nốt trầm xao xuyến. 

   Điệp từ "Ta làm" láy đi láy lại thật tha thiết chân thành càng làm ta xúc động bởi thái độ sống của nhà thơ. Sống phải làm nên "cái gì đó" cho đời, dù rất nhỏ ...

   Bản hòa ca mùa xuân ngân lên với những nốt thăng rộn rã, tươi vui và với bè trầm tĩnh lặng, du dương. Nhà thơ lặng lẽ "nhập vào hòa ca" nhập vào bản xô-nát cuộc đời một chút xíu gì lặng lẽ, một chút xíu gì dễ thương làm sao. Nốt trầm xao xuyến, một nốt trầm lặng lẽ đơn sơ nhưng không thể thiếu trong bản giao hưởng mùa xuân. Nốt nhạc trầm ngân nga lặng lẽ sau âm hưởng cao nhưng thường để lại trong lòng người ẩn tượng xao xuyến, bâng khuâng, sâu lắng, suy tư.

   Xuân về đúng vào thời gian mà nhà thơ trọng bệnh, nhưng sức sống mãnh liệt đến diệu kì của mùa xuân đã bừng nở trong tâm hồn nhà thơ. Sức trẻ thôi thúc, rộn rã cùng nhịp đập trái tim nằm trên giường bênh, nahf thơ nhìn cuộc sống bằng đôi mắt thiết tha, tràn đầy tình yêu thương lạc quan và hi vọng :

    Một mùa xuân nho nhỏ ...    Lặng lẽ dâng cho đời ...    Dù là tuổi hai mươi     Dù là khi tóc bạc 

   Âm điệu thơ lắng dần ở khổ thứ tư, ồi chìm hẳn ở các khổ sau. Đọc thơ, ta như nghe được tiếng thì thầm, miên man của mùa xuân, của lòng người. Một lần nữa, tác giả lại nhắc tên bài thơ Mùa xuân nho nhỏ. Một tiếng chim một nhành hoa, một nốt trầm xao xuyến tạo nên một mùa xuân nho nhỏ. Nếu mỗi con người là "mùa xuân nho nhỏ" thì đất nước sẽ là cả một mùa xuân vĩnh viễn với bầu trời đầy chim, đất đầy hoa và lòng người đầy tiếng hát. Ước muốn tha thiết của Thanh Hải là được cống hiến cho cuộc đời tất cả tuổi thanh xuân, tất cả cuộc sống của mình. Ông nguyện hát cho đất nước cho quê hương bản Nam Ai Nam Bình ; bản xô-nát của mùa xuân, bản xô-nát của lòng người cùng hòa âm thành bản hòa ca bất tử của dân tộc.

   Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ là một bức tranh thiên nhiên đơn sơ mộc mạc một bản nhạc dịu dàng tha thiết. Một tâm hồn chân thành tự nguyện. Mùa xuân nho nhỏ - Đi giữa bầu trơi xuân – hình như tôi nghe đâu đây hi vọng về bản hòa ca mùa xuân bất tử.

Bài làm 3

   Đọc Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ quê xứ Huế ấy, ta dễ dàng nhận ra chủ đề của tác phẩm : "Ta làm con chim hót, ta làm một nhành hoa ... Một mùa xuân nho nhỏ, lặng lẽ dâng cho đời ..." Đáng trân trọng làm sao tình yêu cuộc sống của người thi sĩ khi chúng ta biết rằng bài thơ ấy ra đời lúc anh trên giường bệnh và chỉ ít lâu sau anh mất ! Có phải chính giây phút giáp mặt với cái chết, giây phút giáp ranh mùa đông lạnh giá và mùa xuân ấm áp, cái thời điểm kì diệu đó dã khiến tấm lòng con người bừng lên sự sống mới, khiến ngòi bút nhà thơ nở hoa. Đã có nhiều người bình luận về nội dung tá phẩm. Ở đây, chúng tôi thử đi từ ngôn ngữ nghệ thuật ...

    Mọc giữa dòng sông xanh    Một bông hoa tím biếc 

   Tại sao màu nước sông lại xanh, mà không là "dòng sông trong mát" (bài Vàm Cỏ Đông của Hoài Vũ) không là "dòng sông đỏ nặng phù sa" (bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi) ? Có phải đấy là màu nước của Hương Giang, hay chính là tín hiệu báo mùa xuân đang về ? Mùa xuân trang trải êm trôi một dòng xanh dịu mát, bỗng mọc lên ở giữa : "Một bông hoa tím biếc". Cùng một gam màu lạnh, nhưng sắc tím biếc của bông hoa nổi trội đậm đà, nồng ấm cả dòng sông xanh. Bông hao là có thật, hay cũng là dáng hình của niềm tin, là sắc mà uthaan quen của quê hương xứ Huế mà đôi mắt nhà thơ từng bắt gặp, ngòi bút nhà thơ từng ghi chép ? Nghệ thuật dựng hình, pha màu, kết hợp đẩu cấu trúc, tạo cho câu thơ nhịp đi mau lẹ bất ngờ, nhịp của ngôn từ và nhịp của cảm xúc. Thiên nhiên, nhất là mùa xuân vốn hào phóng, sẵn sàng trao tặng cho con người, mọi vẻ đẹp nếu con người biết mở rộng tấm lòng. Thì đây, một nét đẹp nữa của mùa xuân:

    Ơi! Con chim chiền chiện    Hót chi mà vang lừng    Từng giọt long lanh rơi    Tôi đưa tay tôi hứng 

   Nhà thơ thực đã đón nhận mùa xuân với tất cả sự tài hoa của ngòi bút, sự thăng hoa của tâm hồn. Anh dùng từ thán "ơi" để gọi chú chim xinh nhỏ và lanh lợi, rồi hỏi "hót chu", như ngỡ ngàng thích thú, như đùa vui, níu kéo. Từ đó, anh lắng nghe tiếng chim hót. Nghe bằng tai chưa đã, anh nghe bằng cả trái tim xao động, bằng trí tưởng tương, liên tưởng độc đáo. Qua câu chữ anh dùng, "tôi đưa tay tôi hứng" tiếng chim vang xa bỗng gần lại, rõ ràng tròn trịa như kết thành những giọt sương óng ánh sắc màu, rơi rơi, rơi mãi tưởng chừng không dứt. Nghệ thuật ví ngầm, chuyển đổi cảm giác quả đã đạt được tới mức tinh tế đáng khâm phục. Nói nghệ thuật cũng để hiểu nội dùng, vì nhà thơ có bao giờ cố ý tỉa tót ngôn từ cho văn chương hoa mĩ, mà chủ yếu ảnh hưởng về cuộc sống, sự sống. Mười câu thơ tiếp theo là hình ảnh cuộc sống của đất nước nhân dân ta sau chiến thắng, chiến thắng nhưng chưa thật hoàn toàn yên ổn:

    Mùa xuân người cầm súng    Lộc giắt đầy trên lưng    Mùa xuân người ra đồng    Lộc trải dài nương mạ 

   Ở đoạn này có ba hình ảnh đẹp : vòng lá ngụy trang của người chiến sĩ đang nẩy những chồi non, lộc biếc như mang theo cả mùa xuân cùng các anh ra trận. Trên nương mạ, ruộng lúa của bác nông dân, mầm non, sức sống thanh xuân đang đua nhau trỗi dậy, giục giã, thôi thúc lòng người. Và hình ảnh thứ ba : "Đất nước như vì sao – Cứ đi lên phía trước". Mùa xuân, sức sống thanh xuân lớn dần lên từ vòng lá ngụy trang mở râ cả cánh đồng lúa, từ mỗi con người cụ thể trong chiến đấu, trong lao động hòa nhập, chung đúc thành "đất nước bốn nghìn năm", hóa thành những vì sao đi lên, bay lên, ngời sáng lung linh. Nói rằng tác giả khéo chọn dược từ "Lộc" đa nghĩa thật đúng, hoặc khéo dùng phép liên tưởng so sánh cũng đúng. Bởi vì dến phút này, Thanh Hải đã chuyển từ hiện thực sang lãng mạn, là tấm lòng yêu thương, mơ mộng khát khao sống, khát khao hiến dâng, ca ngợi. Hiểu như thế, chúng ta sẽ đồng cảm được với nhà thơ khi anh kết thúc bài thơ bằng những dòng chữ cất lên từ gan ruột:

    Ta làm con chim hót    Ta làm một cành hoa    Ta nhập vào hòa ra    Một nốt trầm xao xuyến           ....    Nước non ngàn dặm mình    Nước non ngàn dặm tình... 

   Đến đây có lẽ nhà thơ không cầm bút nữa, mà đang ôm đàn, gõ phách hát bài ca màu xuân, bài ca cuộc sống ... Những biện pháp tu từ như điệp ngữ (ta làm, ta làm ... nước non, nước non,,,) ẩn dụ (mùa xuân nho nhỏ, nốt trầm xao xuyến, nhịp phách tiền đất Huế ...) hoán dụ (tuổi hai mươi, tóc bạc) câu chữ, âm thanh nhịp điệu ... hài hòa, ríu rít ngân nga lan tỏa hết như một điệu dân ca xứ Huế vậy. Tiếng thơ của một người bỗng thành tiếng hát của muôn người, giục giã muôn người.

   Thơ viết trên giường bênh xưa nay không hiếm. Nhưng để bài thơ thực sự sống thay tác giả, ở lại với mọi người, trò chuyện an ủi động viên mọi người thì là việc hiếm. Ở chương trình văn lớp 9, kì I, chúng ta đã biết vài Có bệnh bảo mọi người của Mãn Giác thiền sư thời Lý, thế kỉ XII. Chắc phải trải qua một chặng đường dài tu luyện vô cùng gian khổ để đạt tới độ uyên thâm, hoàn hảo của sư giác ngộ – sư "Mãn Giác" – vị thiền sư ấy mới sáng tác được một bài thơ với hình tượng tuyệt vời "Ai bảo xuân tàn hoa rụng hết – Đêm qua sân trước một nhành mai". Nhành mai ấy chính là biểu tượng của tình yêu, niềm tin cuộc sống, đã bất tử đến nghìn năm nay. Với bài Mùa xuân nho nhỏ chưa ai dám đoán định nó sẽ tồn tại bao lâu, Người viết bài này cũng không có ý đem so sanh nó với Có bệnh bảo mọi người của nãn Giác. Tuy nhiên với Thanh Hải nhà thơ chiến sĩ trải qua 30 năm vừa chiến đấu vừa sáng tác, sống và viết vì sự nghiệp lớn lao của nhân dân, đất nước, chúng ta cần biết trân trọng. Từ những bài thơ đầu, tiêu biểu là Mồ anh hoa nở viết năm 1956 với hình ảnh đặc sắc "Bông hồng nở và nở - Hương thơm bay và bay ...", đến bài Mùa xuân nho nhỏ, sáng tác năm 19980, trước lúc đi xa, anh cố gắng vượt lên từng bước, đã để lại cho đời những trang thơ "chân chất và bình dị, đôn hậu và chân thành". Riêng ở bài thơ cuối Mùa xuân nho nhỏ những đặc tính chân chất, bình dị, đôn hâu, chân thành kết hợp nhuần nhuyễn giữa nội dung và nghệ thuật, nét tài hoa của ngòi bút và phút thăng hoa trong tâm hồn, đạt tới vẻ đẹp thơ đích thực. Đến mùa xuân năm 1993 này, bài thơ đã được 13 tuổi và chắc còn sống nhiều năm nữa trong lòng mỗi bạn đọc, kể từ người trẻ tuổi đến những bậc cao niên.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập Ngữ văn Lớp 9 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư