Hồ Chí Minh là một lãnh tụ cách mạng, một nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Trong những di sản mà Người để lại cho đời thì thi ca chiếm vị trí quan trọng. Thơ Hồ Chí Minh thể hiện tình yêu đời, yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước thắm thiết, thể hiện một nghệ thuật thơ mang đậm màu sắc cổ điển và hiện đại. "Ngắm trăng" là bài thơ số 20, được rút ra trong tập "Nhật kí trong tù". Tác phẩm được viết theo thể thơ tứ tuyệt ngắn gọn, giản dị nhưng hàm súc, mở ra thế giới tâm hồn, tình cảm phong phú của Bác trong hoàn cảnh tối tăm gian khổ của ngục tù.
Tháng 8 năm 1942, Hồ Chí Minh từ Pác Pó (Cao Bằng) bí mật lên đường sang Trung Quốc để tranh thủ sự viện trợ của quốc tế cho cách mạng Việt Nam nhưng khôn ngờ đến Quảng Tây, Người bị chính quyền tàu Tưởng bắt giam vô cowsvaf giải qua 30 mươi nhà giam của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây, bị đày đọa trong hơn một năm trời. Người viết tập thơ "Nhật kí trong tù" để nhằm múc đích giải khuây nhưng qua tập thơ, người đọc vẫn thấy được chân dung tâm hồn con người Hồ Chí Minh - một tinh thần lạc quan, một phong thái ung dung thanh thản, một bản lĩnh thép cứng cỏi phi thường của người chiến sĩ cộng sản và một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm yêu thương con người, yêu thiên nhiên tha thiết của Bác. Bài thơ "Ngắm trăng" được Bác viết vào trong hoàn cảnh ngục tù nhưng trước vẻ đẹp của ánh trăng đêm, Bác đã thoát khỏi xiềng xích gông cùm của cảnh tù mà vượt ngục bằng tinh thần đến với thiên nhiên tự do mênh mông khoáng đạt. Có thể nói, bài thơ là minh chứng tiêu biểu cho tâm thế: "Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao" của Người.
Trước hết hai câu thơ mở đầu là lời giới thiệu về hoàn cảnh trong chốn ngục tù và nỗi niềm băn khoăn mộng mơ của người nghệ sĩ:
Ngục trung vô tửu diệc vô hoa
Đối thử lương tiêu nại nhược hà?
dịch thơ:
Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Điệp từ "vô" (không) được nhắc lại hai lần có tác dụng nhấn mạnh đến những cái không có đáng lẽ ra không thể thiếu trong lúc này: không rượu, không hoa. Và đối lập với cái không bên trên là "cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ". Câu hỏi tu từ ở câu thơ thứ hai "nại nhược hà?" (như thế nào) thể hiện sự băn khoăn, bồn chồn, bối rối của người nghệ sĩ khi đứng trước "cảnh đẹp": không có rượu, cũng chẳng có trăng để thưởng ngoạn trăng đêm cho trọn vẹn thì biết làm sao?. Sự tiếc nuối, băn khoăn là biểu hiện của một tấm lòng thành thực, của tâm hồn yêu thiên nhiên đắm say, ngây ngất và khát khao được đằm mình cùng với ánh trăng. Vượt thoát ra khỏi khuôn khổ câu chữ, câu thơ vừa cho thấy một tâm hồn nghệ sĩ của Hồ Chí Minh, lại vừa cho thấy một bản lĩnh thép của ngừoi chiến sĩ cộng sản. Dù đối diện với khó khăn, với gông cùm xiềng xích nơi ngục tù, Bác vẫn mở lòng ra mà đón nhận tất cả vẻ đẹp của thiên nhiên, của ánh trăng đêm nơi nhà giam lạnh lẽo.Lời thơ đã cho thấy một tâm hồn thanh cao, yêu cái đẹp vượt lên trên hoàn cảnh nghiệt ngã của người tù Hồ Chí Minh.
Và khi phải đứng trước cảnh đẹp mà không biết phải ứng xử làm sao vì thiếu thốn đủ điều, Bác đã tìm đến cách giải quyết hoàn cảnh đó thật khéo léo, chân tình: lấy tấm lòng để đáp lại tấm lòng, lấy tình yêu với trăng mà đối lại với vầng trăng - người bạn tri kỉ của mình. Đó là cách ứng xử đầy nghĩa tình, đầy lãng mạn, mộng mơ:
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia.
Qủa là một cuộc kì duyên hội ngộ!. Bất chấp cả không gian xung quanh, của chiếc "song sắt" chắn ngang trước mặt, người và trăng, trăng và người cứ hướng về nhau bằng một tấm lòng đối đãi người tri kỉ. Người thì hướng ra ngoài song để ngắm nhìn vẻ đẹp của trăng, còn trăng cũng vượt qua song sắt để đến bên người. Một không gian hoàn toàn tĩnh lặng trong những phút giây giao hòa mãnh liệt nồng nàn giữa người và trăng. Nghệ thuật nhân hóa ở câu thơ cuối đã làm cho vầng trăng trở nên có tâm hồn, có ánh mắt, có dáng hình cụ thể và cũng biết đồng cảm, sẻ chia để trở thành kẻ tâm giao, người tri kỉ, bạn bè của người tù. Thật là một khoảnh khắc lãng mạn, giàu chất thơ, chất họa, ánh trăng đã xoa tan đi cảnh ngục tù tăm tối, làm cho hồn người trở nên sáng trong, thanh bạch. Câu thơ dựng lên một bức tranh đêm với cảnh người tù ngắm trăng thật đẹp, thật ấm áp, tươi vui, thể hiện sự giao cảm đặc biệt của người với trăng.
"Ngắm trăng" mang đậm màu sắc cổ điển và tinh thần hiện đại. Màu sắc cổ điển được thể hiện ở đề tài (Vọng nguyệt), thi liệu (rượu, hoa, trăng), thể thơ tứ tuyệt, cấu trúc đăng đối (hai câu cuối). Còn vẻ đẹp hiện đại thể hiện ở tâm hồn lạc quan, luôn ngập tình yêu thiên nhiên, tình yêu cuộc sống và bản lĩnh phi thường luôn hướng về ánh sáng của người chiến sĩ cộng sản...
Bài thơ được viết theo thể tứ tuyệt, chỉ có 28 chữ cái rất ngắn gọn, cô đúc nhưng đã khắc họa thành công một bức chân dung tâm hồn của người chiến sĩ cộng sản: yêu thiên nhiên với tinh thần lạc quan, manh mẽ, vượt lên trên hoàn cảnh tù đầy khắc nghiệt. Đó là chất thép trong bài thơ hay chính là chất thép trong bản lĩnh nghị lực phi thường của người chiến sĩ vĩ đại - Hồ Chí Minh.