Đề làm: Phân tích - Bình luận bài Thuế máu trích Bản án chế độ thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc
Bài làm
Với tư cách là một thiên phóng sự điều tra, Bản án chế độ thực dân Pháp là văn chương báo chí. Sức thuyết phục của nó là những con số, những nhân chứng, những thống kê, nghĩa là những sự thật không gì chối cãi được. Người viết nó ở vào vị thế khách quan không hề khoa trương cường điệu. Song, một mặt khác, tác phẩm rất gần với văn chương hình tượng, nghĩa là những sáng tạo nghệ thuật ở một loạt hình ảnh gợi cảm, ở giọng điệu trào phúng, giễu cợt, mỉa mai. Sự kết hợp về mặt thể loại này đã đưa đến một hiệu quả không ngờ : tố cáo chế độ thực dân, phơi bày cuộc sống khốn cùng của người dân các xứ thuộc địa. Lòng căm giận (đối với chế độ thực dân) và yêu thương (đối với nhân dân các nước thuộc địa) là những mạch ngầm văn bản thể hiện một khát vọng mãnh liệt, sâu sắc của tinh thần chiến đấu, của ý chí chiến đấu giành độc lập tự do của cây bút tài hoa cũng là của một người chiến sĩ cách mạng.
Thuế máu là một cách đặt tên chương đầy ấn tượng, có sức biểu cảm, khơi gợi rất cao. Đây là một thứ thuế cực kì vô lí, một sự bóc lột tàn bạo, trắng trợn đến tận cùng sinh mạng của những người dân thuộc địa. Chiến tranh phi nghĩa đối với bọn đế quốc là một cách làm giàu nhanh nhất và bóc lột xương máu của những người dân thuộc địa mà chúng tự phong cái nghĩa vụ khai hoá, bảo hộ là con đường rẻ nhất. Đó là những cuộc chiến tranh mang lại lợi nhuận vổ cùng lớn. Bóc lột sức lực mồ hôi đã là một tội ác. Bóc lột xương máu lại là một tội ác lớn hơn. Bản chất độc ác ấy, lần đầu trên báo chí được phanh phui, bộ mặt của bọn thực dân hiên nguyên hình là những loài dã thú trong thời đại văn minh. Tính chất phản nhân loại ấy được lôi ra ánh sáng, trước vành móng ngựa của lương tri. Trình tự và cách đặt tên các phần trong chương đầu của tác phẩm vừa theo lô gích thời gian, trọn vẹn một quy trình công nghệ đưa thân xác người dân thuộc địa vào guồng máy chiến tranh (Chiến tranh và "người bản xứ" ; Chế độ lính tình nguyện ; Kết quả của sự hi sinh) vừa theo nguyên tắc của nghệ thuật. Hình thức đầu cuối tương ứng trong kết cấu (như hình ảnh chiếc lò gạch trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao) tạo nên sự va đập dữ dội trong tâm trí của người đọc, người nghe. Xương máu mà người dân thuộc địa phải trả cho các cuộc chiến tranh đế quốc thật la vô nghĩa. Sự lừa bịp của bọn thực dân không còn một thứ bình phong hay mĩ từ nào che giấu được.
1. Chiến tranh và "người bản xứ".
Người bản xứ, truớc mắt bọn thực dân, vốn chỉ là "những tên da đen bẩn thỉu", "những tên An-nam-mít bẩn thỉu", tưởng không liên quan gì đến các cuộc chiến tranh, thậm chí không biết gì về các cuộc chiến tranh. Cái họ biết chỉ là "kéo xe tay và ăn đòn của các quan cai trị nhà ta". Bởi vậy, khi đột ngột nhận được vinh dự đặc biệt, danh hiệu tối cao thì chính họ không sao hiểu nổi. Thì ra chiến tranh bùng nổ, họ là những vật hi sinh, họ phải đóng một thứ thuế không nằm trong văn bản luật định thông thường : thuế máu. Bọn đế quốc thời nay không hẳn giống bọn đế quốc thời xưa ở chỗ chúng khôn ngoan hơn. Không "uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ" (Hịch tướng sĩ), chúng lừa bịp những người dân đen bằng những lời đường mật. Bị cưỡng bức phải nghe theo (không nghe đã có roi vọt, có nhà tù), những người dân đen ấy lập tức phải rơi vào những cảnh ngộ thảm thương : xa lìa gia đình quê hương, vật hi sinh cho lợi ích và danh dự của kẻ cầm quyền. Kẻ ở lại hậu tuyến chẳng khác nào người ra trận "đằng nào cũng thế thôi" có mà chạy đằng trời trước cuộc chiến tranh "để bảo vệ cho cái công lí và tự do mà chính họ không được hưởng một tí nào", sắc điệu trào phúng, mỉa mai trong ngôn từ, trong giọng điệu, đặc biệt là trong những quan hệ không ăn nhập gì với nhau, thậm chí đối lập với nhau dẫn đến hậu quả gây cười, một cách gây cười đối với trí tuệ, với nhận thức người nghe thật là sâu sắc. Ây là chưa kể một văn phong theo kiểu thời thượng châu Âu, nhất là văn chương Pháp đã tạo nên một sự hoà nhập giữa văn học Việt Nam vào văn chương thế giới mà đây là tác phẩm đầu tiên.
2. Chế độ lính tình nguyện
Bản thân cụm từ "chế độ lính tình nguyện" đã là một cách gọi giễu cợt mỉa mai nhằm che đậy một sự thật bên trong hoàn toàn ngược lại. Cũng như sau khi công việc bắt lính đã hoàn tất, phủ toàn quyền Đông Dương đã tuyên bố một cách trịnh trọng, vui vẻ : "Các bạn đã tấp nập đầu quân, các bạn đã không ngần ngại rời bỏ quê hương xiết bao trìu mến để người thì hiến xương máu của mình như lính khố đỏ, kẻ thì hiến dâng cánh tay lao động của minh như lính thợ". Sự thật trong việc bắt lính đã bị nhà cầm quyền xuyên tạc đi, tô hồng lên một cách đáng hổ thẹn. Đó là một gian dối không có lương tâm nhằm lừa bịp dư luận có lợi cho những kẻ chủ trương. Tuy vậy (hay chính là vì vậy) vì cảm thấy luận điệu trên đây là một sự xúc phạm ghê gớm không chỉ đến tính mạng mà còn đến danh dự con người - ở đây là người dân các nước thuộc địa, tác giả bài viết đã ngay lập tức vạch trần cái dụng ý tối tâm đằng sau những mĩ từ kệch cỡm. Lời lẽ tuy nhẹ nhàng nhưng sự thật được đưa ra như một cái tát vả vào miệng kẻ ăn không nói có không biết ngượng mồm : "Nếu quả thật người An Nam phấn khởi đi lính đến thế, tại sao lại có cảnh, tốp thì bị xích tay điệu về tỉnh lị, tốp thi trước khi xuống tàu, bị nhốt trong một trường trung học ở Sài Gòn, có lính Pháp canh gác, lưỡi lê tuốt trần, đạn lên nòng sẵn ?". Bao nhiêu câu hỏi liên tiếp đặt ra dưới hình thức nghi vấn, nhưng có ý nghĩa phủ định, ví như tác giả nói về sự phản ứng quyết liệt chế độ bắt lính bằng các cuộc biểu tình, những vụ bạo động "phải chàng là những biểu hiện của lòng sốt sắng đầu quân tấp nập và không ngần ngại ?".
Tuyên truyền chủ trương bắt lính và sự thật về hành động bắt lính hoàn toàn trái ngược với nhau. Đối với quan đầu tỉnh (mà tác giả cố ý dùng từ "chúa tỉnh") chỉ cần phát ra một cái lệnh nhẹ nhàng về số lượng và thời hạn. Cái lệnh ấy không cần hướng dẫn tỉ mỉ, chẳng hạn phương pháp tiến hành như thế nào, đối tượng bắt lính là ai ? Tác giả bài văn có một lời bình cứ như là một chú thích một dấu mở ngoặc đơn về bộ mặt có vẻ như dễ dãi, nhân từ của những viên quan đầu tỉnh : "Bằng cách nào, điều đó không quan trọng. Các quan cứ liệu mà xoay xở". Thế là như một phản xạ dây chuyền, đèn xanh tín hiệu bật lên, các quan dưới quyền tha hồ vào cuộc, một sự tiếp tay đầy hứng thú, một kho kinh nghiệm được, giở ra, vì về khoản này "các ông tướng ấy thạo hết chỗ nói, nhất là xoay xở làm tiền". Chỉ thương xót cho những người bị bắt lính. Kẻ thì chịu chết "không còn kêu cứu vào đâu được", người thì bị giam giữ để lựa chọn một trong hai cách "đi lính tình nguyện hoặc xì tiền ra".
3. Kết quả của sự hi sinh
Dấu hiệu của cuộc chiến tranh kết thúc không phải bằng sự im lặng của tiếng súng đại bác sau khi "đã ngấy thịt đen, thịt vàng rồi", mà bằng sự im lặng của "các quan cai trị nhà ta". Họ im lặng cũng phải, vì thân xác, sinh mạng của những người sống sót trở về như những món hàng lỗi mốt. Trước con mắt của nhà cầm quyền, họ đâu còn là những "chiến sĩ bảo vệ công lí và tự do", họ trở về cái thân phận của chính họ lúc ban đầu sau khi chịu đóng thuế máu cho các quan cai trị, họ mặc nhiên trở lại là "giống người bẩn thỉu".
Công lao của những kẻ đáng thương ấy không phải là không được nhớ đến. Chỉ có cách mà họ (nhà cầm quyền) nhớ đến thì chính nạn nhân của họ không ngờ. Ấy là sự tước đoạt trắng trợn tất cả những gì mà người dân bản xứ mua được sau khi đã đóng đủ "thuế máu" trong cuộc chiến tranh. Cũng chính những con người ấy bị đối xử như súc vật trước khi họ được chào đón (lúc trở về với mảnh đất quê hương) bằng một bài diễn văn sặc mùi "yêu nước" đại loại như : "Các anh đã bảo vệ Tổ quốc, thế là tốt. Bây giờ, chúng tôi không cần đến các anh nữa, cút đi !". Đó là những nạn nhân nsười thuộc địa, còn với chính người Pháp (những tử sĩ, thương binh của họ) thì sao ? Họ (hay thân nhân họ) được cấp môn bài bán lẻ thuốc phiện. Lời cảm ơn của người nhận quà, theo tác giả không còn một cách nào khác hơn là "nhổ vào mặt kẻ tặng quà", y như cái nhổ vào mặt tên toàn quyền Va-ren của Phan Bội Châu vậy (Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu - Nguyễn Ái Quốc).
Toàn bộ bài văn, xét về mặt nghệ thuật thì cái nổi trội nhất là bút pháp trào phúng: ngôn ngữ trào phúng, ngữ điệu trào phúng, kết cấu, lập luận nhằm mục đích trào phúng. Tác giả của nó đã sử dụng cách đánh chính diện, đánh vỗ mặt theo lối bóc trần tâm địa của kẻ lừa bịp mị dân, dồn chúng vào đến chân tường không nơi ẩn nấp. Còn cách đánh lại rất văn chương, đã đạt đến chiều sâu của sự thâm thuý.