- Cảm nhận đoạn thơ trong bài thơ “Vội vàng” (Xuân Diệu)
– Về nội dung: Quan niệm sống của Xuân Diệu xuất phát từ tình yêu cuộc sống, con người tha thiết và một cảm quan đặc biệt về thời gian. Vẻ đẹp cuộc sống trong cái nhìn của nhà thơ hiện ra với những hình ảnh vô cùng đẹp đẽ : mây đưa, gió lượn, cánh bướm, tình yêu, cỏ rạng ngời trong nắng. Nhà thơ đã nhân hoá những vẻ đẹp thiên nhiên đó để nó mang hương sắc của tuổi xuân, tuổi trẻ. Tuy nhiên, những vẻ đẹp ấy sẽ phai tàn cùng với sự trôi chảy của thời gian. Vì vậy, sống là phải chủ động, hết mình, đắm say, mãnh liệt, thức nhọn mọi giác quan để tận hưởng tất cả những vẻ đẹp của cuộc sống, của niềm vui, tình yêu và hạnh phúc. Chú ý phân tích các từ : ôm-riết-say- thâu-hôn-cắn và điệp từ ta muốn để thấy rõ cảm xúc ham hố, vồ vập cả nhà thơ trước vẻ đẹp cuộc sống trần gian.
– Về nghệ thuật: Góp phần thể hiện nội dung cảm xúc của đoạn thơ, nhà thơ đã sử dụng thành công những câu thơ tự do mang điệu nói, nhịp thơ dồn dập, lôi cuốn; cách sử dụng những động từ táo bạo, mới mẻ; phép lặp từ… để khắc hoạ ước muốn giao cảm tận độ vô biên của thi sĩ với cuộc sống.
- Cảm nhận đoạn thơ trong bài “Từ ấy” (Tố Hữu)
– Về nội dung: Quan niệm sống và cũng là quan niệm nghệ thuật của Tố Hữu thể hiện trong đoạn thơ là kết quả của sự giác ngộ lí tưởng cộng sản. Nó đã chỉ rõ con đường đời và con đường nghệ thuật của nhà thơ là phải đứng vào hàng ngũ những người lao động để gắn bó, cùng chiến đấu vì lí tưởng cộng sản. Tố Hữu quan niệm : sống là tự nguyện đặt cái “tôi” của mình trong mối quan hệ gắn bó với quần chúng nhân dân. Tâm hồn thi sĩ trải rộng với cuộc đời, cùng hoà nhịp, đồng cảm với những con người đau khổ như những người ruột thịt. Sống là chiến đấu, là hi sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì quần chúng, nhân loại cần lao. (Chú ý phân tích các từ : “tôi buộc”, “tôi đã là con”, “là anh”, “là em”, “trăm nơi”, “hồn khổ”, “vạn nhà”, “kiếp phôi pha”…)
– Về nghệ thuật: Góp phần thể hiện nội dung cảm xúc của đoạn thơ, nhà thơ đã sử dụng thành công phép lặp, những từ ngữ giàu tính tạo hình, biểu cảm ngôn ngữ thơ giàu nhạc điệu, nhịp thơ dồn dập, mạnh mẽ….
- Những điểm tương đồng và khác biệt của hai đoạn thơ
* Tương đồng:
– Hai đoạn thơ đều thể hiện quan niệm sống tích cực, đẹp đẽ của một thế hệ tuổi trẻ được thức tỉnh ý thức cá nhân, khát khao được khẳng định mình bằng một cuộc sống có ý nghĩa. Đó là lẽ sống cao đẹp của những con người gắn bó với cuộc đời, với nhân dân, đất nước.
– Hai nhà thơ đã vận dụng những thành tựu nghệ thuật của công cuộc hiện đại hóa thơ ca đương thời.
* Khác biệt:
– Đoạn thơ của Xuân Diệu thể hiện quan niệm sống của một nhà thơ Mới. Nó thể hiện sự trân trọng của nhà thơ với vẻ đẹp cuộc sống, tuổi trẻ, niềm vui, hạnh phúc ở cuộc đời. Đó là một quan niệm giàu giá trị nhân văn.
– Đoạn thơ của Tố Hữu nêu lên lẽ sống của một nhà thơ cách mạng đã nhận thức sâu sắc mối liên hệ giữa cá nhân mình với quần chúng lao khổ để chiến đấu vì một lí tưởng chung. Đó là lẽ sống cao đẹp của con người ưu tú khi được giác ngộ cách mạng.