Tức cảnh Pác Bó là một trong những bài thơ tứ tuyệt tiêu biểu cho phong cách thơ Hồ Chí Minh. Bài thơ bình dị mà pha chút giọng điệu vui đùa này đã thể hiện tinh thần lạc quan, phong thái ung dung của Bác trong cuộc sống cách mạng đầy gian khổ ở Pác Bó. Với người, làm cách mạng và sống hòa hợp với thiên nhiên là một niềm vui lớn. Đấy cũng chính là thú lâm tuyền của Người:
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang”
Trước hết ta nên hiểu thú lâm tuyền là gì. Thú lâm tuyền là niềm vui thú được sống với rừng, suối. Thú lâm tuyền của Bác là được sống vui thích, thoải mái, gắn bó, hòa nhịp với thiên nhiên.
Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu tìm đường cứu nước, tháng 2 – 1941, Nguyễn Ái Quốc đã bí mật trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người sống trong hang Pác Bó – một hang núi nhỏ sát biên giới Việt – Trung (Thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng). Câu thơ đầu tiên của bài thể hiện được nếp sống của Người ở Pác Bó:
“Sáng ra bờ suối, tối vào hang”
Câu thơ cho ta biết được không gian sống của Bác Hồ, đó là không gian núi rừng hoang sơ, dân dã, có suối và hang. Không phải là một ngôi nhà, hay một căn biệt thự xa hoa – lộng lẫy. Câu thơ ngắt nhịp 4/3, tạo thành hai vế sóng đôi và đặc biệt có sự đối xứng nhịp nhàng: “sáng” – “tối”, “suối” – “hang”, “ra” – “vào” toát lên cảm giác về sự nhịp nhàng, nề nếp: sáng ra, tối vào. Hơn nữa, giọng điệu của câu câu cũng thật thoải mái, phơi phới, cho thấy Bác Hồ sống thật ung dung, hòa điệu nhịp nhàng với nhịp sống núi rừng. Và điều đó cũng chứng tỏ rằng, Người sống rất giao hòa, giao cảm với thiên nhiên, gắn bó và yêu thiên nhiên sâu sắc.
Nếu câu thơ thứ nhất nói về công việc nơi ở của Bác thì câu thơ thứ hai lại nói đến cuộc sống sinh hoạt ăn uống thường nhật của Bác:
“Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng.”
Ở nơi rừng núi thiếu thốn trăm bề, Bác chỉ ăn những thứ sẵn có của núi rừng: cháo bẹ , rau măng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong bài viết Từ Pác Bó đến Tân Trào có kể lại: “Những khi trời mưa to, rắn rết chui cả vào chỗ nằm. Có buổi sáng, Bác thức dậy thấy một con rắn rất lớn nằm khoanh tròn ngay cạnh Người (…) Bác sốt rét luôn. Thức ăn cũng rất thiếu (…) Có thời gian, cơ quan chuyển vào vùng núi đá trên khu đồng bào Mán Trắng, gạo cũng không có, Bác cũng như anh em khác phải ăn cháo bẹ hàng tháng”. Mặc dù gian khổ, khó khăn như vậy, nhưng với giọng điệu vui đùa, hóm hỉnh “vẫn sẵn sàng” cho chúng ta thấy được tinh thần lạc quan của Hồ Chí Minh. Và qua đây, chúng ta có thể khẳng định rằng, được sống giữa lòng đất nước sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, được sống chan hòa với thiên nhiên, dù có khó khăn, thiếu thốn ra sao thì Bác vẫn thấy vui, thấy hạnh phúc. Đó là niềm vui, là thú lâm tuyền đặc biệt của Người chiến sĩ cách mạng mà ít ai có được.
Đến sau này, trong bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc (1947) của Bác Hồ, cũng diễn tả niềm vui thích, sảng khoái đặc biệt của Người trong cuộc sống ở rừng chắc chắn có nhiều gian khổ lúc bấy giờ:
“Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay
Vượn hót chim kêu suốt cả ngày
… Non xanh nước biếc tha hồ dạo
Rượu ngọt chè tươi mặc sức say…”
Điều kiện sinh hoạt ăn, ở tại Pắc Bó gian khổ là thế. Điều kiện làm việc cũng khó khăn không kém. Bàn làm việc là một phiến đá bên bờ suối Lê-nin “bàn đá chông chênh” nhưng Người vẫn say sưa làm công việc cao quý: dịch tài liệu học tập cho cán bộ cách mạng khi đó. Và đối với Hồ Chí Minh, được sống, được làm việc, được hòa mình vào thiên nhiên núi rừng Pác Bó như vậy, Người cảm thấy cuộc đời ấy quả thật đặc biệt:
“Cuộc đời cách mạng thật là sang”
Câu thơ kết bài đã nói lên toàn bộ ý nghĩa của bài thơ. Cuộc đời cách mạng dù ăn, ở, điều kiện làm việc có thiếu thốn, khó khăn đến mấy thì được sống giữa thiên nhiên núi rừng và được làm việc vì nhân dân, vì tổ quốc, thì cuộc đời đó với Bác quả thật rất sang trọng, quý phái.
Thật vậy, trong tâm khảm của mình, Bác Hồ – vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta luôn ao ước được sống “nơi có non xanh, nước biếc”. Đó chính là sở nguyện của Bác. Các bậc cao nhân mặc khách ngày xưa thường tìm đến thú lâm tuyền vì cảm thấy bất lực trước thực tế xã hội, muốn “lánh đục về trong”, tự an ủi bằng lối sống “an bần lạc đạo”. Tiêu biểu như Nguyễn Trãi, với bài thơ Côn Sơn ca:
“Côn Sơn suối chảy rì rầm,
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai.
Côn Sơn có đá rêu phơi,
Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm.”
Nguyễn Trãi trở về sống trong thiên nhiên Côn Sơn vì chán ghét con đường công danh, khi thời thế đã rối loạn, khi tài năng của mình không còn được coi trọng hoặc thậm chí bất lực trước sự suy vong của xã hội. Cảnh thiên nhiên giúp ông cảm thấy thanh thản trước sự đời. Tuy đó là lối sống thanh cao, khí tiết nhưng không thể không gọi là tiêu cực. Trong khi đó Bác Hồ sống cảnh lâm tuyền không phải để trốn tránh cuộc sống mà để hoạt động cách mạng, bảo vệ đất nước, cảnh thiên nhiên giúp Người có thêm sức mạnh đẻ đấu tranh. Hồ Chí Minh sống hòa nhịp với lâm tuyền nhưng vẫn vẹn cốt cách chiến sĩ; và chính cuộc sống lâm tuyền đó là một biểu hiện của cuộc đời cách mạng của Người. Như vậy, chúng ta thấy, cùng vui thú lâm tuyền, nhưng Nguyễn Trãi và người xưa là những ẩn sĩ lánh đời, còn Hồ Chí Minh là chiến sĩ cứu đời. Đây chính là nét tiến bộ hơn trong thơ Hồ Chí Minh so với người xưa.
Bài thơ tứ tuyệt ngắn gọn nhưng đã cho chúng ta hiểu thêm về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ. Bên cạnh đó, bài thơ còn là bài học thấm thía về thái độ sống và quan điểm sống đúng đắn, tích cực của một chiến sĩ cộng sản chân chính.