Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phân tích vẻ đẹp vừa hùng vĩ, dữ dội và mĩ lệ, nên thơ của thiên nhiên núi rừng miền Tây trong Tây Tiến của Quang Dũng. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu: Người Nhật Bản rất thích ăn cá, nhưng chỉ thích ăn cá tươi và cực ghét cá ươn

2 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
37.051
31
7
Ho Thi Thuy
06/04/2017 12:06:51
Bài thơ "Tây Tiến" được sáng tác năm 1948 tại làng Phù Lưu Chanh, khi nhà thơ đã rời khỏi đơn vị cũ Tây Tiến, chuyển sang hoạt động tại một đơn vị khác.

Tây Tiến là một đơn vị bộ đội chống Pháp được thành lập năm 1947, có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt Lào, tiêu hao sinh lực Pháp tại Thượng Lào và miền Tây Bắc Việt Nam. Địa bàn hoạt động của đoàn quân Tây Tiến rất rộng lớn trải dài từ Sơn la, Hòa Bình, miền tây Thanh Hóa đến Sầm Nưa ( Lào) – là những nơi hiểm trở, hoang vu, rừng thiêng nước độc. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, có nhiều học sinh, sinh viên, trong đó có Quang Dũng. Họ sống và chiến đấu trong hoàn cảnh gian khổ, thiếu thốn, bệnh sốt rét hoành hành nhưng vẫn lạc quan, anh dũng. Hoạt động được hơn một năm thì đơn vị Tây Tiến trở về Hòa Bình thành lập Trung đoàn 52.

Bài thơ ra đời từ nỗi nhớ, kỉ niệm, hồi ức của Quang Dũng về đồng đội và địa bàn chiến đấu cũ. Tác phẩm sau khi ra đời đã được bao thế hệ thanh niên và bạn yêu thơ truyền tay tìm đọc. Đến năm 1986, bài thơ được in trong tập thơ " Mây đầu ô" (xuất bản 1986).

Ban đầu bài thơ có tên là "Nhớ Tây Tiến", sau đó tác giả chuyển lại thành "Tây Tiến". Nhan đề "Tây Tiến" đảm bảo tính hàm súc của thơ, không cần phải trực tiếp bộc lộ nỗi nhớ mà tình cảm ấy vẫn hiện lên sâu sắc, thấm thía. Nhan đề còn làm nổi rõ hình tượng trung tâm của tác phẩm, đó là hình tượng đoàn quân Tây Tiến. Việc bỏ đi từ "nhớ" đã vĩnh viễn hóa đoàn quân Tây Tiến, khiến cho hình ảnh người lính Tây Tiến trở thành bất tử trong thơ ca kháng chiến Việt Nam.

"Tây Tiến" là bài thơ in đậm phong cách tài hoa, lãng mạn, phóng khoáng của hồn thơ Quang Dũng. Tác phẩm đã bộc lộ nỗi nhớ sâu sắc của nhà thơ với người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng. Đoạn thơ thứ nhất đã tái dựng lại sống động bức tranh thiên nhiên miền Tây với những khung cảnh, những chặng đường hành quân gian khổ, từ đó hình ảnh những chiến sĩ Tây Tiến cũng lần lượt hiên ra.

2/ Phân tích đoạn thơ
a/ Bài thơ mở ra bằng một nỗi nhớ trào dâng:
Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi !
Nhở về rừng núi, nhớ chơi vơi

Tiếng gọi "Tây Tiến ơi" bật lên bởi một nỗi nhớ sâu sắc, cồn cào không kìm nén nổi. Đối tượng của nỗi nhớ ấy rất cụ thể, rõ ràng là: "sông Mã", "Tây Tiến", "rừng núi". Nỗi nhớ ấy phải khắc khoải lắm thì tác giả mới điệp lại hai lần từ " nhớ". " Nhớ chơi vơi" là nỗi nhớ chập chờn hư thực, vừa tha thiết, thường trực, vừa mênh mang, đầy ám ảnh, vừa mở ra không gian của tiềm thức, vừa như gợi ra không gian trập trùng của núi đèo rộng lớn. Cách hiệp vần "ơi" làm câu thơ như ngân vang, phù hợp với biên độ của cảm xúc.

Hai câu thơ đầu đã khơi mạch chủ đạo của cả bài thơ là nỗi nhớ khôn nguôi. Nỗi nhớ ấy được cụ thể dần dần trong những vần thơ tiếp sau.

b/ Hai câu thơ tiếp: gợi lại hình ảnh đoàn quân hành quân trong đêm:
"Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi"

Hai câu thơ vừa tả thực, vừa sử dụng bút pháp lãng mạn.Những từ chỉ địa danh Sài Khao, Mường Lát gợi ra địa bàn rộng lớn, đầy lạ lẫm đối với người lính Tây Tiến. Sương mù vùng cao dày đặc như trùm lấp bước chân, nuốt chửng cả đoàn binh vốn đang mỏi mệt, rệu rã vì chặng đường dài gian khổ. Quang Dũng đã nhìn thấy và miêu tả một mảng hiện thực khuất lấp trong thơ ca kháng chiến. Nhưng những người lính ấy, dù mệt mỏi mà tâm hồn vẫn trẻ trung, hào hoa, lạc quan, yêu đời. Hình ảnh " hoa về trong đêm hơi" là hình ảnh đẹp giàu sức gợi. Đó có thể là những ánh đuốc sáng lung linh của đoàn quân đang tiến về bản làng, cũng có thể là hình ảnh đoàn quân từ rừng đi ra, trên tay vẫn cầm theo những đóa hoa rừng ngát hương, mà đó cũng có thể là hình ảnh ẩn dụ về đoàn quân Tây Tiến như những bông hoa rừng. Đoàn quân ấy hành quân trong một " đêm hơi" đầy huyền ảo, mơ hồ, bảng lảng khói sương chốn rừng suối. Hai câu thơ in đậm dấu ấn tài hoa, lãng mạn của Quang Dũng.

c/ Bốn câu thơ tiếp theo đặc tả địa hình hiểm trở của miền Tây:
Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời,
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Nhà thơ sử dụng một loạt các từ láy tượng hình "khúc khuỷu", " thăm thẳm", " heo hút", kết hợp với cách ngắt nhịp 4/3 như chặt đôi câu thơ, mật độ thanh trắc dày đặc khiến câu thơ trúc trắc gợi sự vất vả, nhọc nhằn. Những phép tu từ đó mở ra trong tâm tưởng người đọc ấn tượng về sự gập ghềnh, hiểm trở, ẩn chứa bao bất trắc, nguy hiểm của núi cao, vực sâu nơi núi rừng miền Tây. Hình ảnh " súng ngửi trời" là một nhân hóa táo bạo, đặc tả sự chót vót của dốc núi. Người lính Tây Tiến leo lên đỉnh dốc, cảm tưởng như mũi súng có thể chạm mây. Từ đó, ta cũng thấy được nét tinh nghịch khỏe khoắn, vẫn có thể trêu đùa vô tư sau một chặng đường hành quân vất vả, mệt nhọc của các anh lính Tây Tiến. Phép đối " ngàn thước lên cao – ngàn thước xuống" càng nhấn mạnh độ gập ghềnh, hình sông thế núi trập trùng, hiểm trở của thiên nhiên miền Tây. Ba câu thơ giàu chất hội họa, dựng lên bức tranh hoang vu, dốc đèo đứt nối, hùng vĩ trên con đường hành quân của chiến sĩ Tây Tiến. Câu thơ thứ tư toàn bộ là bảy thanh bằng " Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi", vần mở "ơi" đặt cuối câu tạo cảm giác nhẹ nhàng gợi ra những phút giây nghỉ ngơi thư giãn của người lính. Họ đứng trên những đỉnh núi, thưởng thức chút bình yên, vẻ đẹp lãng mạn của núi rừng, phóng tầm mắt, thấy mưa rừng giăng mờ nơi bản làng Pha Luông xa xôi. Bốn câu thơ vừa gợi ra sự dữ dội hoang vu, sự êm đềm của núi rừng, vừa gợi ra những cuộc hành quân vất vả nhọc mệt nhưng đầy trẻ trung, yêu đời của các chàng trai Tây Tiến.

d/ Người lính Tây Tiến không chỉ đối diện với dốc cao vực sâu mà còn phải chịu những mất mát hi sinh:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời.

Cách nói tránh về cái chết "không bước nữa", "bỏ quên đời" gợi tư thế ngạo nghễ của người lính Tây Tiến. Họ chủ động chấp nhận cái chết, coi nó chỉ đơn giản như một giấc ngủ mà thôi. Tư thế hi sinh " gục lên súng mũ" đầy xót xa nhưng cũng thật hào hùng. Hình ảnh về người lính anh dũng hi sinh ấy sau này ta còn bắt gặp trong "Dáng đứng Việt Nam": " Và anh chết trong khi đang đứng bắn- Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng". Câu thơ đã tiếp tục cảm hứng bi tráng khi xây dựng chân dung người lính Tây Tiến.

e/ Và người lính Tây Tiến tiếp tục chịu sự thử thách của núi rừng miền Tây:
"Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người".

Các từ láy chỉ biên độ lặp lại thường xuyên của thời gian" chiều chiều", "đêm đêm" kết hợp với biện pháp nhân hóa " thác gầm thét", " cọp trêu người" đã nhấn mạnh vẻ bí hiểm, dữ dội,hoang dã chứa đầy nguy hiểm, cái chết luôn luôn rình rập đe dọa người lính của núi rừng miền Tây. Sự nguy hiểm ấy không chỉ trải rộng trong không gian mà còn kéo dài và lặp lại thường xuyên theo thời gian.

g/ Hai câu thơ cuối đoạn lại đột ngột chuyển cảnh:
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Núi cao rừng rậm lùi xa, chỉ còn lại hương vị ấm áp nghĩa tình quân dân lan tỏa từ nồi cơm của các cô gái Thái. Từ cảm thán " Nhớ ôi" đứng đầu câu thơ diễn tả nỗi nhớ da diết, ám ảnh khôn khuây của Quang Dũng cũng như người lính Tây Tiến về đồng bào miền Tây. Nhà thơ như nhói lòng khi hồi tưởng lại cảnh đoàn quân quây quần quanh nồi xôi nếp thơm lừng đang bốc khói. Đó là những giây phút ấm áp ngắn ngủi nhưng lại dịu ngọt, tinh tế nên khắc sâu mãi trong tâm trí nhà thơ. Cách kết hợp từ " mùa em" rất độc đáo, gợi những liên tưởng đẹp, lãng mạn về những cô gái Thái vừa khỏe khoắn vừa dịu dàng mà đằm thắm yêu thương. Hai câu thơ kết thúc đoạn một bài thơ Tây Tiến có âm điệu nhẹ nhàng tha thiết gợi cảm giác êm dịu, ấm áp, tạo tâm thế cho người đọc cảm nhận đoạn thơ tiếp theo.

Trong những đoạn thơ còn lại, nhà thơ Quang Dũng tiếp tục hồi tưởng về cảnh những đêm liên hoan văn nghệ thắm thiết tình quân dân, những buổi chiều trên sông nước miền Tây thơ mộng, hư ảo, hồi tưởng về chân dung tập thể những người lính Tây Tiến anh dũng, hào hoa. Cuối bài thơ, Quang Dũng bộc lộ lời nguyện thề mãi gắn bó với miền Tây và đoàn quân Tây Tiến.

III/ KẾT BÀI.
Đoạn thơ đầu bài thơ Tây Tiến đã thể hiện tài hoa và tâm hồn lãng mạn phóng khoáng của nhà thơ Quang Dũng. Đoạn thơ có ngôn ngữ giàu chất tạo hình, giàu nhạc điệu, gây ấn tượng táo bạo, dựng lên bức tranh sinh động, có chiều sâu về cảnh hành quân của đoàn quân Tây Tiến trên cái nền thiên nhiên rừng núi hùng vĩ thơ mộng miền Tây. Qua đó, ta cảm nhận được sự gắn bó sâu sắc, nỗi nhớ tha thiết của nhà thơ Quang Dũng về những ngày tháng chiến đấu trong đoàn quân Tây Tiến – một thời mãi mãi để nhớ và tự hào.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
15
9
NGUYỄN THỊ THU HẰNG
06/04/2017 12:21:05
Cuộc kháng chiến chống Pháp hào hùng của dân tộc đã để lại nhiều dấu ấn không thể phai mờ. Trong những dấu ấn đó là hình ảnh người lính – người anh hùng quả cảm đã ngã xuống cho đất nước thanh bình hôm nay. Bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng chính là một minh chứng tiêu biểu khi đã dựng lên bức tượng đài bất tử về người lính trong suốt những năm tháng chiến tranh gian lao.

Tây Tiến trước hết là tên một đoàn quân với đa số là những chàng trai sinh viên Hà thành. Đại đội trưởng của đoàn quân ấy không ai khác chính là nhà thơ Quang Dũng. Khi phải chuyển đơn vị, nỗi nhớ núi rừng, nhớ đồng đội đã thôi thúc Quang Dũng viết thành thơ. “Tây Tiến” vì thế cũng chính là một bài thơ thể hiện nỗi nhớ về đồng đội, về chiến trường xưa với bao kỉ niệm vui buồn đủ cả. Bài thơ được mở đầu bằng một tiếng gọi, chân thành, tha thiết:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Sông Mã không chỉ là một địa danh mà nó còn là một “chứng nhân lịch sử” trong suốt chặng đường hành quân. Tây Tiến cũng không chỉ là tên một đoàn quân mà nó đã trở thành một người bạn, một người tri kỉ bấy lâu. “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi” như thể bật lên rằng: những ngày tháng cùng nhau hành quân ròng rã, buồn vui nay đã xa rồi. Cách gieo vần “ơi” trong hai câu đầu này cũng cho thấy nỗi nhớ trải dài, miên man, cồn cào, da diết và vang vọng.

Nhớ về Tây Tiến, nhà thơ cũng không thể nào quên được những khó khăn gian khổ suots chặng đường hành quân. Một loạt các địa danh và những từ láy được sử dụng rất đắt đã gợi lên những khung cảnh hùng vĩ, hoang sơ mà không kém phần hiểm trở, gian nguy:

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Những “hoa”, những “sương” làm cho thiên nhiên trở nên thơ mộng và cảm giác bình yên vui tươi hơn. Thế nhưng, những “dốc lên khúc khuỷu”, “heo hút cồn mây” lại tôn lên vẻ đẹp hùng vĩ cho bức tranh thiên nhiên kì tráng. Không những thế, “nhà ai mưa xa khơi” và “ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống” đã gợi lên sự hiểm trở, gồ ghề, khó khăn, khập khiễng của núi rừng.

Sự trắc trở, hiểm nguy của thiên nhiên còn được diễn tả một cách gân guốc:

Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

“Chiều chiều” rồi “đêm đêm” thiên nhiên dữ dội “gầm thét” và những hiểm nguy luôn rình rập như thể “trêu người”. Thiên nhiên hùng vĩ mà kì tráng, qua nét bút của Quang Dũng đã trở nên khắc nghiệt, khó khăn và đầy những những hiểm ngụy. Và vì chiến tranh, vì rừng thiêng nước độc cho nên rất nhiều chiến sỹ, rất nhiều đồng đội đã phải bỏ mình nơi đó, bỏ lại tuổi trẻ và những ước mơ dở dang:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục bên súng mũ bỏ quên đời

Sự trầm lắng của câu thơ như một nốt trầm lặng thành kính, thiêng liêng trong một bản nhạc hào hùng vừa qua. Ở đó, những người lính thật đáng quý biết bao. Họ đã hy sinh cả tuổi trẻ – điều tốt đẹp nhất của cuộc đời – để gìn giữ cho hòa bình hôm nay.

Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng – Văn lớp 12

Nhớ về Tây Tiến, nhà thơ cũng không chỉ nhớ về thiên nhiên hùng vĩ, hiểm nguy hay những mất mát đau thương nơi chiến trường các đồng đội đã gửi lại tuổi xanh mà nhà thơ còn nhớ về những kỉ niệm đẹp đẽ bên nhau, giữa tình đồng đội, tình quân dân:

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.

Đây có thể nói là những câu thơ đẹp nhất trong bài thơ. Vẻ đẹp ánh sáng và âm thanh, có thơ và có nhạc đầy say mê và lãng mạn. Nó đối lập hoàn toàn với những con đường hành quân gian lao, nguy hiểm, với những thiếu thốn, nhọc nhằn của người lính ở phía trên. Trong buổi liên hoan văn nghệ, những điệu nhạc hồn thơ và cô em xiêm áo lộng lẫy e lệ đã làm say lòng người lính trẻ, làm cho họ quên hết những mệt mỏi, gian khó đã qua và sắp tới. Không gian Tây Bắc lãng đãng, mơ hồ trong một miền tâm thức, với “dáng người trên độc mộc”, với “dòng nước lũ hoa đong đưa”. Đến đây, vẻ đẹp lãng mạn, nên thơ đã thay dần cho cái vẻ tàn khốc, hoang sơ trước đó. Không những thế, trong đoạn thơ này, người đọc cũng thấy toát lên cái tình sâu lắng thiết tha. Đó là tình đồng đội, tình quân dân, tình người thắm thiết, keo sơn.

Những đêm liên hoan, những nét tinh nghịch đáng yêu của người lính là những hình ảnh khắc sâu vào tâm khảm của nhà thơ. Nét tinh nghịch, đáng yêu ấy còn được dí dỏm ngay cả khi khó khăn nhất, cận kề cái chết nhất:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Sự sự khắc nghiệt của thiên nhiên Tây Bắc đã khiến cho những chàng trai Hà thành trở nên tiều tụy “da xanh”, đầu “không mọc tóc”. Thế nhưng, họ vẫn giữ được vẻ uy nghiêm, đoàn quân vẫn “dữ oai hùm” và vẫn giữ được nét thanh lịch, nho nhã của người Hà thành “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Chính hình ảnh “dáng kiều thơm” đầy mơ mộng đã trở thành động lực giúp cho những người lính bước tiếp trên con đường hành quân còn nhiều gian khổ.

“Tây Tiến” không chỉ khắc họa hình ảnh, đời sống hiện thực của những người lính cụ Hồ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt mà Quang Dũng còn dựng lên một bức tượng đài kì vĩ về người anh hùng của đất nước, của dân tộc. Giữa núi sông tráng lệ, bức tượng đài ấy đứng sừng sững càng làm tôn thêm vẻ đẹp kì vĩ và bất tử:

Rải rác bên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào tay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Dù là nói về cái chết, nỗi đau thương mất mát nhưng Quang Dũng lại không dùng những từ ngữ bi ai. Trái lại, với hình ảnh “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” và chiếc “áo bào” cho người chiến sĩ quả cảm về với đất đã tạo nên một hình ảnh kì vĩ, lớn lao hơn cái chết. Các anh đã hy sinh tuổi trẻ của mình để tiến bước ra chiến trường, bảo vệ núi sông đất nước. Trên con đường hành quân đầy gian khổ ấy, có biết bao người lính đã ngã xuống, gửi lại nơi này tuổi xanh và những mơ ước còn dang dở. Thế nhưng các anh không sợ và cũng “chẳng tiếc”, bởi hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân là một nghĩa cử cao đẹp và thiêng liêng. Cũng chính vì thế mà sông Mã “gầm lên khúc độc hành” như một khúc tráng ca tiễn đưa người anh hùng về với đất mẹ. Bức tượng đài về người anh hùng đặt giữa thiên nhiên, giữa cha trời đất mẹ bỗng trở nên kì vĩ, lớn lao và bất tử.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng âm vang vọng của nó thì còn mãi. “Tây Tiến” chính là một trong những bài ca không thể nào quên của những năm tháng trường kì chống Pháp. Bằng bút pháp hiện thực kết hợp với lãng mạn, Quang Dũng đã khắc họa nên bức chân dung người lính cụ Hồ với những vất vả, gian truân nhưng cũng đầy hào hoa lãng mạn, dựng nên bức tượng đài kì vĩ về người anh hùng bất khuất trong chiến đấu. Với tất cả tính thần ấy, “Tây Tiến” đã trở thành một dấu ấn thiếng liêng với nhà thơ Quang Dũng và với tất cả chúng ta.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×