Hiện thực cuộc sống vẫn luôn là nơi khơi nguồn cảm hứng, cung cấp đề tài và chất liệu sáng tác cho các nhà văn, nhà thơ trong nhiều thời đại. Nhận xét về mối quan hệ chặt chẽ giữa văn học và hiện thực, Nguyễn Đình Thi đã viết : ”Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không chỉ ghi những gì đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh.” Quả thực, nếu đã từng đọc qua tác phẩm “Ánh trăng” của Nguyễn Duy hay “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải,độc giả đã không chỉ ấn tượng bởi những hình ảnh thơ gần gũi mà sâu sắc, gắn liền với hiện thực của cuộc sống sau chiến tranh; mà còn bởi vẻ đẹp trong tinh thần, trong tâm hồn của chính tác giả, được gởi gắm qua ngòi bút tinh tế, giàu cảm xúc của hai ông. Ẩn chứa trong một “vầng trăng tình nghĩa” hay “một mùa xuân nho nhỏ” ấy là lời nhắn nhủ nhẹ nhàng mà sâu sắc, láng đọng lại một lối sống cao đẹp, coi trọng nghĩa tình hay đẹp đẽ không kém là những khát khao, hi vọng được cống hiến cho cuộc đời chung; đã dần được bộc lộ, thể hiện trong dòng hồi tưởng của thi nhân. Có thể nói, cả hai tác phẩm chính là một minh chứng sáng giá, hàm súc nhất cho lời bình của Nguyễn Đình Thi, làm sáng tỏ hơn cho nhận định thông qua những hình ảnh thơ nhẹ nhàng mà sâu sắc.
Bằng nhiều cách khác nhau, hiện thực đã đi vào những trang văn học hay vô vàn các tác phẩm nghệ thuật khác qua chính con mắt của người nghệ sĩ, để rồi đến với người đọc cùng bao cảm xúc, suy tư. Để làm được điều ấy,các nhà văn, nhà thơ đã không chỉ xây dựng tác phẩm bằng những “vật liệu mượn ở thực tại”, hay đơn thuần là “ghi những cái gì đã có rồi”. Họ đã gửi gắm một lời nhắn nhủ, một bài học nhẹ nhàng mà ý nghĩa qua những hình ảnh thơ rất riêng, với những cảm xúc, rung động trong tâm hồn của mỗi thi nhân. Chính vì vậy, dù cùng hướng về hình ảnh của thiên nhiên qua hình tượng của vầng trăng và mùa xuân đất nước, song ngòi bút của Nguyễn Duy và Thanh Hải lại thể hiện những vẻ đẹp và bài học không hoàn toàn như nhau.
Ra đời vào năm 1978 và được in trong tập thơ cùng tên, “Ánh trăng” đã đánh dấu những chuyển biến trong suy nghĩ và tình cảm của người lính trong cuộc sống sau chiến tranh. Vốn là một nhà thơ mặc áo lính, Nguyễn Duy thường hướng đến và ca ngợi sức mạnh âm thầm, lặng lẽ, biết chịu đựng và hi sinh của con người Việt Nam trong công cuộc kháng chiến trường kỳ, khốc liệt. Hiện rõ qua những tác phẩm “Tre Việt Nam”, “Hơi ấm ổ rơm”, “Bầu trời vuông” hay “Em bé lạc mẹ”…là những nét đặc sắc riêng của nhà thơ, mang cái chân chất, chắc bền và sâu kín. Sau kháng chiến, thơ Nguyễn Duy đã dần ổn định một giọng điệu quen thuộc mà không nhàm chán, thể hiện những nỗi niềm trăn trở, băn khoăn trong cuộc sống mới, cùng với những tình cảm thiết tha, bình dị, gắn bó đối với quê hương, với quá khứ nghĩa tình. Bên cạnh “Đò Lèn”, “Ánh trăng” đã trở thành một bài thơ xuất sắc của ông cùng mang những dòng tâm tình sâu đậm ấy. Từ hình ảnh của một vầng trăng tri kỉ xuyên suốt trong tác phẩm, ta không chỉ cảm nhận được vẻ đẹp của một quá khứ nghĩa tình xen lẫn với thực tại, mà còn là cả một lối sống ân nghĩa thủy chung với quá khứ, như “một lời nhắn nhủ” của nhà thơ với bản thân, với bạn đọc.
“Hồi nhỏ sống với đồng…
Đủ cho ta giật mình”
Mở đầu tác phẩm, nhà thơ khơi gợi lại một quá khứ gắn bó thân thiết với thiên nhiên, với đất trời qua cuộc sống gần gũi “với đồng”, “với sông rồi với bể”. Từ những tháng ngày thơ ấu được rong chơi, vui đùa trên bờ sông, cánh đồng, cho đến “hồi chiến tranh” trên rừng, hình ảnh của một vầng trăng sáng vẫn luôn xuất hiện bên con người, trong cuộc sống bình dị, nhẹ nhàng khi xưa; để rồi trở thành một tri kỉ với bao tình cảm sâu đậm. Nếu ta đã từng bắt gặp một vầng trăng lặng lẽ, nhẹ nhàng “nhòm khe cửa” trong “Vọng nguyệt”, “vào cửa sổ đòi thơ” trong “Tin thắng trận” (Hồ Chí Minh), hay ánh trăng huyền ảo của Lý Bạch trong tác phẩm “Tĩnh Dạ Tứ”; thì giờ đây, bạn đọc lại nhận thấy một nét đáng yêu, hồn nhiên riêng với những hình ảnh thơ chân thực mà giàu ý nghĩa của Nguyễn Duy. Bởi lẽ, ngòi bút của ông không chỉ hướng về vầng trang của hiện thực, mà sâu đậm hơn, đó còn là vầng trăng của tình nghĩa, của tri kỉ ngày nào. Từ nét trong sáng, đầy đặn và vẹn toàn vốn có của trăng, nhà thơ đã gợi nên biết bao vẻ đẹp khác khi đưa trăng lại gần với thiên nhiên, với con người. Không còn là bóng dáng đơn độc, lẻ loi, cách xa con người trong “Thu dạ” :”Trên trời trăng lướt giữa làn mây”; trăng của Nguyễn Duy còn là một người bạn thủa ấu thơ từ những ngày “hồi nhỏ sống với đồng”, một người đồng đội khi “chiến tranh ở rừng”, và trên hết, đó là vầng trăng của tri kỉ, của tình nghĩa năm xưa !
“…vầng trăng thành tri kỉ…
cái vầng trăng tình nghĩa”
Khác với Nguyễn Duy, bức tranh thiên nhiên của Thanh Hải lại hướng đến cảnh vật ngày xuân, với những vẻ đẹp của tâm hồn con người cùng những rung động, xúc cảm có phần riêng tư, tâm tình hơn. Với tình yêu thiên nhiên, quê hương sâu sắc, Thanh Hải thường viết và ca ngợi miền đất Huế cùng những vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn con người qua những hình tượng thơ nhẹ nhàng mà giàu ý nghĩa. Sau tác phẩm “Huế mùa xuân”(1970-1972) và “Mưa xuân đất này” (1982), bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là áng thơ cuối của ông dành cho chùm thơ viết về mùa xuân. Tác phẩm ra đời vào tháng 11 năm 1980, khi tác giả đang nằm trên giường bệnh, đối diện với ngưỡng cửa của sự sống và cái chết. Không lâu sau, Thanh Hải ra đi, “Mùa xuân nho nhỏ” trở thành món quà cuối cùng của ông dành tặng cho đời, cho nền thơ ca Việt Nam; chứa đựng biết bao cảm xúc thiết tha, xao xuyến. Bên cạnh vẻ đẹp của mùa xuân đất trời, của quê hương, đất nước; bài thơ còn ẩn chứa những ước nguyện, mong muốn và khát khao được cống hiến của nhà thơ trước lúc đi xa, láng động với biết bao vẻ đẹp sâu sắc trong một tâm hồn giàu niềm tin yêu cuộc sống.
“Mọc giữa dòng dòng sông xanh…
Nhịp phách tiền đất Huế”
Ngay từ những dòng thơ đầu, Thanh Hải đã khắc họa nên những tín hiệu mùa xuân với hình ảnh của miền đất Huế thân thương, gần gũi. Không chỉ là “Sắc mai vàng ngỡ là sắc nắng/Áo trắng bay ngỡ là cánh én” trong “Huế mùa xuân”, giờ đây, hiện lên trong mùa xuân của Thanh Hải còn là con sông Hương xanh xanh, tô điểm bởi bông hoa lục bình “tím biếc” tràn đầy sức sống mãnh liệt, hòa với âm thanh vang vọng của tiếng chim chiền chiện “hót vang trời” ! Bằng những cảm nhận sâu sắc và tinh tế đối với hình ảnh đầy thơ mộng, đẹp đẽ ấy, nhà thơ đã bộc lộ mọi cảm xúc, rung động cùng niềm hân hoan trong lòng chỉ với những từ ngữ “ơi”, “chi” giàu âm điệu, giàu tính khẩu ngữ; bên cạnh một sự trân quý, nâng niu những món quà mà thiên nhiên ban tặng. Đối với ông, dù chỉ cảm nhận mùa xuân quê hương trong mạch hồi tưởng của chính mình, song mọi yêu mến, gắn bó với đất nước đã được thể hiện thật chân thành và tha thiết. Trải qua gần năm mươi mùa xuân trong cuộc đời, phải chăng, những áng thơ của Thanh Hải chỉ mang những vẻ đẹp của thiên nhiên, của đất trời xứ Huế ?...