Đoạn trích: Tức nước vỡ bờ có dung lượng chưa đầy ba trạng. Thế nhưng với dung lượng ít ỏi ấy mà ngòi bút thần tình của Ngô Tất Tố đã phơi bày ra trước mắt người đọc những gì xấu xa, độc ác nhất của xã hội đương thời. Cai lệ là hình ảnh tiêu biểu của bọn tay sai đầu trâu mặt ngựa hung hãn, với bản chất tàn ác và tư cách đê tiện, không chút tình người, một công cụ bằng sắt đắc lực của chính quyền thực dân phong kiến. Trong bộ máy thống trị của xã hội thực dân đương thời, hắn chỉ là một tên tay sai mạt hạng. Nhưng dưới ngòi bút của Ngô Tất Tố, hắn là hình ảnh tượng trưng và tiêu biểu của chính quyền thực dân phong kiến, hung dữ, sẵn sàng gây tội ác mà không hề chùn tay. Có thể nói, tàn bạo, không chút tính người, là bản chất và tính cách của tên cai lệ! Tính cách ấy được Ngô Tất Tố thể hiện rất rõ nét trong đoạn trích. Dưới ngòi bút đầy căm phẫn của nhà văn, cai lệ hiện nguyên hình là một con thú dữ, chỉ biết sủa, rít, gầm; chỉ biết lăn xả vào cắn xé người lương thiện, cắn xé những kẻ khốn khổ. Cai lệ không phải là một tên tay sai bất lương vô danh, hắn là hiện thân của cái nhà nước bất nhân lúc bấy giờ. Chính xã hội thực dân phong kiến đã nhào nặn nên hắn, nuôi dưỡng hắn, biến hắn thành một công cụ đắc lực để phục vụ cho những thủ đoạn thống trị, bóc lột tàn bạo của chúng. Hắn tận tụy với chức trách, với công việc đến mức khi bị chị Dậu ấn dúi ra cửa, ngã chỏng queo trên mặt đất mà miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu. Cai lệ là một nhân vật phụ trong tác phẩm, nhưng lại là hình tượng điển hình cho bộ mặt và tội ác của chế độ thực dân phong kiến. Thông qua việc xây dựng nhân vật cai lệ và vạch trần bản chất xấu xa, độc ác, bỉ ổi của hắn, Ngô Tất Tố đã viết một bản cáo trạng đanh thép cái xã hội thực dân phong kiến tàn bạo, bất nhân ấy. Dường như bao nhiêu sự căm giận của ông đều trào ra ngòi bút thành những trang văn bất hủ.