Địa hình:
- Địa hình Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có độ cao thấp dần từ khu vực miền núi xuống đồi gò trung du, xuôi xuống các đồng bằng phía trong dải cồn cát ven biển rồi ra đến các đảo ven bờ.
- Bắc Trung Bộ nơi bắt đầu của dãy Trường Sơn, mà sườn Đông đổ xuống Vịnh Bắc Bộ, có độ dốc khá lớn. Lãnh thổ có bề ngang hẹp, địa hình chia cắt phức tạp bởi các con sông và dãy núi đâm ra biển, như dãy Hoàng Mai (Nghệ An), dãy Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh)... sông Mã (Thanh Hoá), sông Cả (Nghệ An), sông Nhật Lệ (Quảng Bình)... Cấu trúc địa hình gồm các cồn cát, dải cát ven biển, tiếp theo là các dải đồng bằng nhỏ hẹp, cuối cùng phía Tây là trung du, miền núi thuộc dải Trường Sơn Bắc. Nhìn chung địa hình Bắc Trung Bộ phức tạp, đại bộ phận lãnh thổ là núi, đồi, hướng ra biển, có độ dốc, nước chảy xiết, thường hay gây lũ lụt bất ngờ gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân.
Duyên hải miền Trung thuộc khu vực cận giáp biển. Địa hình ở đây bao gồm đồng bằng ven biển và núi thấp, có chiều ngang theo hường Đông - Tây (trung bình 40 - 50km), hạn hẹp hơn so với Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Có hệ thống sông ngòi ngắn và dốc, bờ biển sâu với nhiều đoạn khúc khuỷu, thềm lục địa hẹp. Các miền đồng bằng có diện tích không lớn do các dãy núi phía Tây trải dọc theo hướng Nam tiến dần ra sát biển và có hướng thu hẹp dần diện tích lại. Đồng bằng chủ yếu do sông và biển bồi đắp, khi hình thành nên thường bám sát theo các chân núi.
Về khí hậu:
- Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng có điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất trong cả nước. Hàng năm thường xảy ra nhiều thiên tai như bão, lũ, gió Lào, hạn hán, mà nguyên nhân cơ bản là do vị trí, cấu trúc địa hình tạo ra. Vùng này cũng chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc lạnh, tuy nhiên không nhiều như ở Bắc Bộ. Điều kiện khí hậu của vùng gây khó khăn cho sản xuất đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.
Tài nguyên khoáng sản:
- Tài nguyên khoảng sản của vùng khá phong phú và đa dạng. So với cả nước, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung chiếm 100% trữ lượng crômit, 20% trữ lượng sắt, 44% trữ lượng đá vôi xi măng. Các khoáng sản có giá trị kinh tế trong vùng gồm:
+ Đá vôi xây dựng 37,5 tỷ tấn có ở hầu hết các tỉnh.
+ Quặng sắt 552,22 triệu tấn chủ yếu là ở mỏ Thạch Khê.
+ Cát thuỷ tinh 573,2 m3, có nhiều ở 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
+ Sét làm gạch, ngói 3,09 tỷ tấn có ở các tỉnh trong vùng
+ Đá vôi xi măng 172,83 triệu tấn, có nhiều ở Thanh Hoá, Nghệ An.
+ Titan 2,32 triệu tấn có nhiều ở Quảng Trị.
+ Đá cát két 200 triệu tấn có ở Nghệ An và một số nơi khác.
+ Nhôm Trên 100 nghìn tấn có ở Nghệ An.
+ Crômit 2.022 nghìn tấn ở Thanh Hoá.
+ Ngoài ra còn một số khoáng sản khác như đá ốp lát, cao lanh,...
Tài nguyên đất:
- Diện tích đất cát, sỏi, đất bạc màu chiếm tỷ lệ lớn. Có 3 loại đất chính là đất đỏ vàng phân bố ở vùng trung du miền núi, thích hợp cho trồng cây công nghiệp dài ngày và khai thác lâm nghiệp, trồng cây ăn quả; đất phù sa ven sông thích hợp cây lương thực, hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày; đất cát hoặc cát pha ven biển chất lượng thấp chỉ trồng một số loại cây hoa màu, trồng rừng phi lao, bạch đàn chống gió, cát.
- Diện tích rừng của cả vùng năm 2001 là 3.378 nghìn ha. Tài nguyên rừng của vùng chỉ đứng sau Tây Nguyên và chính nó đã cung cấp một phần quan trọng về gỗ và lâm sản hàng hoá cho Đồng bằng sông Hồng, đáp ứng một phần xuất khẩu của nước ta.
Tài nguyên biển:
- Chiều dài bờ biển khoảng hơn 1000 km, biển vùng này khá sâu ở sát bờ, nhiều eo biển, cửa sông, vũng, vịnh thuận lợi cho phát triển kinh tế biển du lịch, giao thông biển, đánh bắt cá, phát triển các hải cảng lớn.
- Ven biển có nhiều đồng muối chất lượng tốt, khả năng khai thác lớn như đồng muối Sa Huỳnh - Quảng Ngãi, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh.
- Biển có nhiều đảo và quần đảo; ngoài khơi có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có ý nghĩa chiến lược về an ninh quốc phòng và là nơi cư ngụ của tàu thuyền, là bình phong chắn gió, cát biển cho ven bờ.
- Vùng biển có nhiều loài cá có giá trị như cá trích, mòi, nhồng (tầng nổi) cá thu (tầng trung), cá mập, mối... (tầng đáy), tạo điều thuận lợi cho phát triển khai thác đánh bắt hải sản