Soạn bài: Sóng
I. Tác giả & tác phẩm
1. Tác giả
Xuân Quỳnh (1942 – 1988) tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, quê ở Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) trong một gia đình công chức, mồ côi mẹ từ nhỏ, Xuân Quỳnh ở với bà nội.
Tác phẩm chính: thơ tơ tằm – Chồi biếc (in chung, 1963), Hoa dọc chiến hào (1968), Gió Lào cát trắng (1974)...
Xuân Quỳnh là một trong số những nhà thơ tiểu biểu nhất của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, hồn nhiên, tươi tắn, vừa chân thành, đằm thắm và luôn da diết trong hạnh phúc bình dị đời thường.
2. Tác phẩm
Bài thơ được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), là một trong bài thơ đặc sắc nhất viết về tình yêu, rất tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. Bài thơ in trong tập Hoa dọc chiến hào.
II. Hướng dẫn soạn bài
Câu 1 (trang 156 sgk Ngữ Văn 12 Tập 1):
Âm điệu, nhịp điệu bài thơ: nhịp thơ là nhịp sóng lúc dạt dào sôi nổi, lúc thì thầm sâu lắng. Âm hưởng nhịp nhàng đó được tạo nên bằng thể thơ ngũ ngôn với những câu thơ thường là không ngắt nhịp và được nối vần qua các khổ thơ liên kết. Tả nhịp điệu bên ngoài của sóng cũng là để tả nhịp điệu bên trong của tâm hồn nhà thơ, một tâm hồn sôi nổi, thiết tha, khát khao.
Câu 2 (trang 156 sgk Ngữ Văn 12 Tập 1):
Hình tượng bao trùm, xuyên suốt bài thơ là hình tượng sóng:
- Lớp nghĩa tả thực: sóng ở đây là những đợt sóng biển miên man vô hạn.
- Sóng là những hình ảnh ẩn dụ của tâm trạng, trạng thái, những cung bậc tình cảm, cảm xúc của người phụ nữ đang rạo rực, khao khát yêu thương. Mỗi trạng thái, tâm hồn đều có sự tương đồng với một khía cạnh, một đặc tính của sóng.
Câu 3 (trang 156 sgk Ngữ Văn 12 Tập 1):
Bài thơ có hai hình tượng sóng và em. Bao trùm bài thơ là hình tượng sóng. Hình tượng này thể hiện sức sống, vẻ đẹp và mọi sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ trong bài thơ. Cùng với hình tượng sóng, hình tượng em – cái tôi trữ tình của tác giả. Hình tượng sóng là ẩn dụ, chỉ tâm trạng của người con gái đang yêu, hay đúng hơn chính là em. Hai hình tượng này khi thì song hành lúc thống nhất làm một.
Kết cấu bài thơ độc đáo: Dù là sóng hay em đều quy chiếu về tình yêu của người phụ nữ, dịu dàng, đằm thắm mà vô cùng mãnh liệt. Sóng và em soi chiếu, cộng hưởng nhằm khẳng định tình yêu là nguồn động lực tinh thần vô cùng to lớn tạo cho con người sức mạnh vô biên để đi tới chân trời hạnh phúc.
Người phụ nữ đang yêu tìm thấy sự tương đồng giữa các trạng thái của tâm hồn mình với những con sóng:
+ Sóng có những tính chất phong phú, phức tạp.
+ Em: sự tồn tại trạng thái tâm lí đối nghịch trong tâm hồn người con gái đang yêu và những khát khao kiếm tìm lời giải đáp nguồn gốc của tình yêu. Đây là biểu hiện quy luật của tình yêu muôn thuở.
Câu 4 (trang 157 sgk Ngữ Văn 12 Tập 1):
Bài thơ là lời tự bạch của tâm hồn người phụ nữ đang yêu. Mượn hình ảnh sóng, nhà thơ diễn tả tình yêu, thể hiện trái tim dữ dội và dịu êm vừa phong phú, phức tập vừa tha thiết, sôi nổi, rạo rực và khao khát yêu thương của một tâm hồn phụ nữ chân thành, nồng hậu, dám bày tỏ khát vọng của mình trong tình yêu, trong hạnh phúc đời thường.
Luyện tập
Một số câu thơ, bài thơ so sánh tình yêu với sóng biển:
Ví dụ 1:
Chỉ có thuyền mới hiểu
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biển
Thuyền đi đâu về đâu
Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau rạn rỡ
(Thuyền và biển – Xuân Quỳnh)
Ví dụ 2:
Anh không xứng làm biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê...
...
Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ, thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi.
(Biển – Xuân Diệu)