qua 2 năm thực hiện đề án xây dựng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi dựa theo vùng lợi thế cạnh tranh, mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đề án này, các tỉnh chú trọng củng cố mạng lưới thú y cơ sở, nâng cao năng lực quản lý và giám sát dịch bệnh tại địa phương. Đồng thời tổ chức liên kết giữa các trang trại chăn nuôi - doanh nghiệp chế biến thức ăn - cơ sở chế biến và phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi vịt an toàn, thu hẹp vịt chạy đồng theo mô hình 2 lúa 1 vịt.
Có ý kiến cho rằng, nuôi vịt chạy đồng cũng là một giải pháp tốt để nâng chất lượng đàn vịt, giảm giá thành sản xuất vì tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trên đồng ruộng sau thu hoạch lúa. TS Dương Xuân Tuyển, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi gia cầm, Viện Chăn nuôi cho rằng, nuôi vịt chạy đồng có kiểm soát sẽ đảm bảo an toàn dịch bệnh, chi phí thức ăn giảm 15% theo từng đồng chăn. Bên cạnh đó, nông dân nuôi vịt cũng phải lấy phòng bệnh làm chủ đạo là chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học bằng cách sử dụng công nghệ men vi sinh để xử lý độn chuồng có hiệu quả, tiết kiệm chi phí điều trị, không lạm dụng kháng sinh để tránh hiện tượng nhờn thuốc.
Thời gian qua, Trung tâm khuyến nông quốc gia cũng đã triển khai dự án “Phát triển chăn nuôi vịt đẻ theo hướng an toàn sinh học” đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và mang lại nhiều kết quả khả quan. Điển hình là tại tỉnh Tiền Giang, mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học được triển khai đến 12 hộ chăn nuôi trên tổng đàn 5.000 con vịt, kinh phí 590 triệu đồng. Qua quá trình kiểm tra, theo dõi, các hộ chăn nuôi đều cho biết, tỉ lệ nuôi vịt sống đạt 96%, tỉ lệ trứng có phôi đạt 91% và năng suất trứng đạt gần 200 trứng/năm. Hơn nữa, mô hình này cũng giúp đàn vịt khỏe mạnh, kháng bệnh cao.
Chia sẻ tại hội nghị "Giải pháp phát triển chăn nuôi vịt an toàn sinh học góp phần tái cơ cấu ngành chăn nuôi vùng Đồng bằng sông Cửu Long" được tổ chức gần đây, ông Phan Huy Thông cho hay, trong năm 2014, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cấp hơn 13.000 sổ quản lý vịt chạy đồng với gần 11 triệu con vịt. Đồng thời, để ngành chăn nuôi vịt phát triển, các địa phương cũng đã hình thành và xây dựng các mô hình liên kết chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm vịt.
Trong các mô hình trên có nhiều hình thức thực hiện cho hiệu quả cao như liên kết khép kín chuỗi giá trị từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, con giống, trại chăn nuôi - chế biến, liên kết chăn nuôi nông hộ và doanh nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác xã và Tổ hợp tác trong chăn nuôi, mô hình liên kết 4 nhà…; trong đó có phương thức nuôi nhốt vịt đã đưa vào áp dụng, đảm bảo cho kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh môi trường.