Theo em Trung du miền núi Bắc Bộ cần:
- Sử dụng tiết kiệm tài nguyên, khoáng sản. Khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia vào hoạt động bảo vệ tài nguyên đất, nước, rừng, khoáng sản, nhất là các mỏ nhỏ, phân tán. Sử dụng các chế tài pháp luật, các chính sách, công cụ kinh tế và biện pháp hành chính nhằm thực hiện tốt các qui định pháp luật về tài nguyên, khoáng sản. Tăng đầu tư cho khâu phục hồi, tái tạo và cải thiện môi trường sinh thái ở địa bàn khai thác mỏ.
- Tăng cường công tác thẩm định kế hoạch phát triển thủy điện trước khi cấp giấy phép xây dựng nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, tránh ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước trong vùng.
- Tổ chức xây dựng nghề rừng, quản lý nghề rừng và thực hiện chủ trương xã hội hoá nghề rừng. Tổ chức thực hiện tốt các Chương trình 327, 661 phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng cao độ che phủ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, nhằm tạo lá phổi xanh cho vùng nông thôn miền núi. Xây dựng và ban hành các chính sách về miễn giảm thuế sử dụng đất, các chính sách quản lý vùng đệm, vùng lõi rừng. Thúc đẩy phát triển nông - lâm nghiệp sinh thái, khuyến khích trồng rừng dược liệu ở những vùng có lợi thế so sánh. Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách bảo vệ, phát triển rừng. Khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế liên doanh, liên kết với dân để phát triển rừng bằng nhiều hình thức linh hoạt như thuê đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của dân để trồng rừng nguyên liệu, chế biến lâm sản, cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật... Chuyển đất và rừng của những nông lâm trường sử dụng kém hiệu quả giao cho dân, thôn bản và các tổ chức kinh tế khác. Tiến tới giao rừng, đất rừng cho cộng đồng làng, bản.
-. Có kế hoạch và kinh phí thỏa đáng thu gom rác thải: rác thải rắn, rác thải bệnh viện cần có hố chôn lấp, sử lý đúng tiêu chuẩn, nhằm tránh nhiễm bẩn, nhiễm độc nguồn nước. Đồng thời có chính sách đầu tư bảo tồn và phát huy tri thức địa phương, trong đó, quan tâm đặc biệt tới các luật tục tiến bộ, kết hợp luật tục với chế tài pháp luật trong bảo vệ môi trường.
-. Chính quyền địa phương cần cụ thể hóa và đưa chính sách bảo vệ môi trường vào chương trình hành động, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, tăng cường sự tham gia của cả cộng đồng vào quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Trong hợp phần của các chương trình phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn cần tăng cường hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn đồng bào xây hố xí hợp vệ sinh. Nên tránh tình trạng đổ đầu đối với các vùng mà cần căn cứ vào đặc điểm từng vùng có chính sách hỗ trợ cụ thể để tăng nhanh số hố xí hợp vệ sinh, giúp đồng bào từ bỏ thói quen đi vệ sinh tùy tiện trong rừng. Tăng cường kinh phí hỗ trợ để bà con có điều kiện thay tấm lợp Phờrôximăng bằng nguyên liệu tôn hoặc mái tranh, mái ngói, nhằm giúp đồng bào tránh các bệnh ung thư khi sử dụng nước sinh hoạt hứng qua tấm lợp về sau.
- Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường và phát triển bền vững nhằm xây dựng phong trào quần chúng nhân dân bảo vệ môi trường. Môi trường ô nhiễm, các sự cố môi trường gia tăng ở vùng miền núi phía bắc ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của đồng bào, không chỉ đơn thuần do phát triển kinh tế, thương mại hay do áp lực dân số mà còn là vấn đề phức tạp liên quan đến lối sống, văn hóa truyền thống của cộng đồng DTTS. Để thay đổi thói quen, tập tục là cả vấn đề lớn, đòi hỏi công tác tuyên truyền, vận động phải kiên trì, và chắc chắn. Cần tăng cường kinh phí truyên truyền để tuyên truyền bà con từ bỏ thói quen cũ canh tác cũ, phá rừng làm nương rẫy, sống rải rác ở trên núi cao hạ sơn, qui tụ thành làng bản, tránh nguy hiểm và đảm bảo vệ sinh môi trường.