Canh chua dường như đã là một món ăn đậm tính dân tộc của văn hoá ẩm thực Việt Nam từ lâu nay. Món canh tuy dân dã nhưng đầy chất Việt được phân hoá tinh tế và phong phú theo từng vùng miền đặc trưng trải dài cả nước. Ở miền Bắc thì có canh chua sấu, canh chua riêu... Miền Trung thì có canh chua khế, canh chua hến.... Còn miền Nam chắc ai cũng đã từng nghe đến canh chua cá lóc. Một món canh quen thuộc, đậm đà chất Nam Bộ.
Canh chua cá lóc “đúng kiểu” của người miền Nam phải vừa có cả vị chua lẫn vị ngọt. Có vị chua nhưng không được chua quá, có vị ngọt nhưng cũng không được ngọt quá, vị chua phải là vị chủ đạo, vị ngọt vừa phải. Hai vị này hòa quyện vào nhau sẽ tạo nên một món canh có hương vị rất lạ và rất ngon.
Nguyên liệu để làm món này gồm: cá lóc, cây bạc hà, cà chua, trái đậu bắp, trái thơm, giá, me, rau om, ngò gai, ớt sừng, tỏi, sả bằm. Gia vị: đường, muối, nước mắm, dầu ăn, bột ngọt.
Cá lóc rửa sạch ướp với muối, bột ngọt, ớt bằm. Đậu bắp, bạc hà rửa sạch xắt xéo. Cà chua xắt múi. Thơm và ớt xắt lát. Me dầm lấy nửa chén nước,nếu là me chín thường đã tách bỏ vỏ, lấy nạc me, dùng khoảng 200g nấu với chừng một chén nước cho tan me, vớt bỏ xác và hột me. Phụ gia và các loại rau ăn kèm gồm: giá sống rửa sạch để ráo; rau ngổ hay còn gọi là rau om lặt lấy phần non, ngắt khúc ngắn 5cm rửa sạch; đậu bắp cắt bỏ cuống, cắt chéo lát mỏng; bạc hà tước vỏ, cắt xéo khúc ngắn, hành tím lột vỏ, cắt lát mỏng, phi vàng với ít dầu, đừng để hành cháy, vớt ra để ráo dầu, ít hành tươi và rau ngò gai cắt nhỏ, ít rau thơm, xà lách nhặt rửa sạch. Nước chấm cá: Tùy thích chỉ dùng nước mắm nguyên chất với ít giọt chanh và ớt tươi xắt lát hoặc làm nước mắm me: Pha phần nước mắm 3 hoặc 4 phần nước lọc, tùy độ mặn của nước mắm thêm chút đường cho có vị ngọt sau cùng cho vào từng ít một phần nạc me đã nấu hoặc xay cho hỗn hợp có thêm vị chua nhẹ, tùy thích cho thêm ớt hay không.
Đun sôi nước với nước me, cho cá vào nấu chín, sau đó thêm đậu bắp, thơm, cà chua, giá, bạc hà vào. Tắt lửa, nêm nếm lại cho vừa ăn. Để làm một tô canh chua dọn trong mâm cơm các bạn chỉ cần múc canh ra tô, rắc rau om, ngò gai, ớt xắt lát và tỏi phi lên trên. Tùy thích ăn canh chua với bún, cơm. Chấm nước mắm, kèm rau sống.Trình bày trên bàn tiệc theo cách dọn lẩu để tùy thực khách dùng cá, rau... ít nhiều tùy ý. Dọn lên bàn một nồi lẩu đã trình bày như một tô canh đồng thời dọn kèm thêm đĩa trẹt đựng nước mắm mặn hoặc nước mắm me để có thể gắp cá bỏ vào đĩa, các thứ phụ gia mỗi thứ một đĩa riêng, rau sống, bún... Chuẩn bị riêng nước dùng chua và cá đã ướp, cần dùng đến đâu châm thêm nước dùng cho sôi và thả cá vào nồi lẩu cho chín. Nếu để phục vụ cho số đông thực khách không nên làm chín cá trong nướcdùng mà hấp cá đã ướp cho chín rồi để riêng, khi cần dùng thả cá đã hấp vào nước dùng sôi để làm nóng lại vì nếu làm chín cá trước với số lượng nhiều trong nước dùng, cá sẽ dễ bị bể vụn, miếng cá sẽ không còn ngon. Đồng bằng Nam Bộ vốn có nhiều các loại rau cho nên ngoài những phụ gia quen thuộc trong món canh chua cá lóc, có người thích dọn kèm một đĩa rau đủ thứ như rau đắng, bông điên điển, rau rút... ai muốn ăn loại nào cứ việc nhúng vào nồi lẩu cá sôi.
Món canh chua cá lóc là sự giao hòa của màu sắc - cái sắc vàng thơm ngon của hành phi trên mặt nước, cái sắc đỏ của cà chua, màu vàng của khóm, màu xanh của bạc hà, của rau thơm, của ngò gai, rau quế, màu trắng của giá, của thịt cá v.v... bên cạnh là bát nước mắm nguyên chất vàng thơm và vài lát ớt đỏ tươi, nhìn đã thấy ngon mắt và... thèm. Phải luôn đi kèm một đĩa rau sống với những bông hoa màu vàng ươm là bông điên điển và thêm một ít rau đắng những loại rau đặc trưng cho vùng Nam Bộ. Thế nên khi thưởng thức tô canh chua, thấy sao mà ngon, sao mà đậm đà đến thế... Ăn canh chua, ngon nhất vẫn phải ăn cùng cơm trắng và món thịt kho trứng ngọt thanh vị nước dừa, món cá rô đồng kho tiêu, hay món cá bống bắt được trên sông... Hương vị quê hương dân dã thấm vào từng thớ cá, vào vị chua chua ngòn ngọt của canh... làm nức lòng người thường thức.
Ăn canh chua cá lóc, nhấm nháp vị chua đặc trưng của canh hòa lẫn vị thơm thơm bùi bùi của thịt cá, vị thơm ngọt ngào của rau thơm, rau quế, vì mặn mà của nước mắm nguyên chất, vị đăng đắng của rau đắng, bông điên điển... thêm chút vị ngọt thanh nước dừa trong món thịt kho trứng, vị cay cay âm ấm của tiêu, của ớt... dường như cả quê hương Nam Bộ đang rất gần đây.